Chế tạo máy nuôi cấy vi sinh vật
Theo ThS Nguyễn Phan Kiên thuộc Trung tâm Điện tử Y sinh, chiếc máy đầu tiên do nhóm của anh chế tạo vào cuối năm 2003 đang được sử dụng tại Trung tâm nghiên cứu Phòng chống mối (ĐH Thuỷ Lợi). Cho tới nay, máy vẫn hoạt động tốt. Chức năng của máy là quay lắc và khống chế nhiệt độ để nuôi cấy nhân tạo vi sinh vật, giúp tạo ra những mẻ sinh khối có đủ lượng tế bào để sử dụng cho những mục đích nhất định.
Chiếc máy thuộc thế hệ nói trên kiểu dáng không đẹp, thô kệch và đặc biệt là không có hệ thống ổn nhiệt do được đặt trong phòng điều hoà. Tuy nhiên, đối với những nơi nghiên cứu cần hạ nhiệt độ trong máy lắc xuống còn vài độ thì không thể dùng điều hoà. Trước thực tế này, nhóm nghiên cứu gồm 5 thành viên đã cho ra đời một phiên bản máy mới, hoàn thiện hơn vào đầu năm 2005. Điểm mới là máy được trang bị buồng ổn nhiệt có dải nhiệt kéo từ 5 tới 65 độ C, tốc độ vòng quay tối đa lên tới 400 vòng/phút.
Trong buồng ổn nhiệt có bàn lắc chứa được 40 bình tam giác với dung tích 250-500ml/bình. Ngoài ra, còn có một khay tĩnh chứa được số lượng bình tương tự nhằm để nuôi vi sinh vật ở trạng thái tĩnh. Nhờ có các hệ thống cơ khí chống rung nên máy hoạt động rất êm, giống như tủ lạnh vậy. Toàn bộ việc thiết kế, chế tạo mạch, kết cấu cơ khí đều được tiến hành tại ĐH Bách Khoa Hà Nội. Hiện chiếc máy này đang được chạy thử tại Công ty nghiên cứu và phát triển công nghệ Việt (Hà Nội).
Anh Kiên cho biết tính năng của máy nói trên tương đương với máy ngoại nhập của nước ngoài, song giá thành chỉ bằng 30%, khoảng 35-40 triệu đồng/máy. Lợi thế là có thể chế tạo máy lắc theo nhu cầu của người sử dụng. Khó khăn lớn nhất của quá trình thiết kế là tìm mua linh kiện. Đây là công việc tốn nhiều thời gian, nhiều khi linh kiện điện tử chỉ có bán ở miền Nam hoặc phải nhập một số loại của nước ngoài. Mặc dù vậy, nhóm cố gắng sử dụng những linh kiện sao cho dễ thay thế, sau này tiến tới nhập khẩu với số lượng lớn để sản xuất máy hàng loạt.
Nguồn: Vietnamnet 17/08/2005