Liên hiệp các hội và khoa học kỹ thuật Việt Nam
Thứ ba, 01/03/2005 00:18 (GMT+7)

Chào mừng Đại hội lần thứ VI Mặt trận Tổ quốc Việt Nam - Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam trong sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân tộc*

Giáo sư, Viện sĩ Vũ Tuyên Hoàng**

Thay mặt Đoàn Chủ tịch Hội đồng Trung ương Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam, chúng tôi xin nhiệt liệt chào mừng Đại hội lần thứ VI Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, xin gửi tới các vị khách quý và các vị đại biểu lời chào nồng nhiệt nhất của đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ nước nhà.

Trong thời gian qua, cùng với các tổ chức thành viên của Mặt trận và nhân dân cả nước, Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam (Liên hiệp hội) đã chăm chú theo dõi quá trình chuẩn bị Đại hội, tổ chức các cuộc hội thảo nhằm đóng góp ý kiến vào các bản dự thảo văn kiện trình Đại hội. Các hội thành viên và các nhà khoa học của Liên hiệp hội tán thành những nội dung cơ bản trong các dự thảo văn kiện do Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận chuẩn bị. Chúng tôi rất vui mừng nhận thấy rằng trong thời gian qua Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã triển khai những hoạt động phong phú và thu được nhiều kết quả thiết thực trong việc tập hợp và phát huy sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phục vụ công cuộc phát triển kinh tế - xã hội, công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ngày càng góp phần quan trọng vào việc xây dựng Nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân. Phong trào “Xây dựng đời sống văn hoá” do Mặt trận phát động đến tận phường xã, thôn bản đã mang lại những kết quả tích cực. Trong cuộc vận động xoá đói, giảm nghèo, Mặt trận và các tổ chức thành viên đã góp phần rất quan trọng làm thay đổi bộ mặt nhiều vùng, miền của đất nước, trong đó có các vùng cao, vùng sâu, vùng xa. Với những nỗ lực to lớn và thành tựu đáng khích lệ đó, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ngày càng trở thành lực lượng nòng cốt trong hệ thống chính trị các cấp, có vị trí, vai trò trung tâm trong việc thắt chặt mối quan hệ giữa các tầng lớp nhân dân với Đảng và Nhà nước, tăng cường sự đồng thuận xã hội, củng cố và mở rộng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Thực hiện chỉ thị 45-CT/TW ngày 11-11-1998 của Bộ Chính trị (khoá VIII), Liên hiệp hội không ngừng ra sức phấn đấu thực hiện nhiệm vụ “Một tổ chức chính trị - xã hội của trí thức khoa học và công nghệ Việt Nam, cùng với các đoàn thể chính trị - xã hội khác tạo thành lực lượng nòng cốt trong công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước”.

Hiện nay, Liên hiệp hội đã phát triển đến 90 hội thành viên bao gồm 54 hội khoa học và kỹ thuật ngành ở trung ương và 36 liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật tỉnh, thành phố. Sau Tổng hội Y - Dược học Việt Nam hoạt động từ gần nửa thế kỷ về trước, trong năm 2003 đã hình thành hai tổng hội mới là Tổng hội Địa chất Việt Nam và Tổng hội Xây dựng Việt Nam. Gần đây, Hội trí thức khoa học và công nghệ trẻ Việt Nam đã được thành lập và trở thành một hội thành viên mới của Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam. Ngoài ra, trong hệ thống tổ chức của Liên hiệp hội còn có khoảng 200 đơn vị khoa học và công nghệ bao gồm các viện, trường, trung tâm, liên hiệp khoa học - sản xuất được thành lập và hoạt động theo Nghị định 81/2002/NĐ-CP ngày 17-10-2002 của Chính phủ, trong đó trên 90 đơn vị trực thuộc Liên hiệp hội, số còn lại trực thuộc các hội thành viên.

Mạng lưới các tổ chức hội khoa học và kỹ thuật thu hút trên một triệu các nhà khoa học và công nghệ thuộc nhiều lứa tuổi, trong đó có các chuyên gia đầu ngành, hoạt động trên hầu hết các lĩnh vực của khoa học xã hội, khoa học tự nhiên và khoa học công nghệ tại các cơ sở quản lý, nghiên cứu, đào tạo, sản xuất, kinh doanh của Nhà nước hay các thành phần kinh tế khác, hoặc đã nghỉ hưu. Quy mô đông đảo, tính chất đa ngành và liên ngành, phạm vi hoạt động rộng rãi đó tạo cho Liên hiệp hội tiềm năng tham gia tích cực vào sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá, phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đại diện chung cho trí thức khoa học và công nghệ nước nhà, Liên hiệp hội có vị trí và vai trò quan trọng trong khối liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức, nền tảng của khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Là tổ chức thành viên tích cực của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Liên hiệp hội hăng hái hưởng ứng các phong trào do Uỷ ban Trung ương Mặt trận phát động như đền ơn đáp nghĩa, xoá đói giảm nghèo, khắc phục hậu quả thiên tai...Thực hiện sự chỉ đạo của Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận, Liên hiệp hội đã giới thiệu nhiều nhà khoa học tiểu biểu ứng cử đại biểu Quốc hội, trong đó 24 người đã được bầu vào Quốc hội: khoá IX (2 đại biểu), khoá X (12 đại biểu) và khoá XI (10 đại biểu). Đại biểu của nhiều liên hiệp hội tỉnh, thành phố như Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Phú Yên, Đồng Tháp...cũng đã được bầu vào Hội đồng Nhân dân địa phương. Liên hiệp hội cũng là nơi tuyển chọn và giới thiệu các công trình và cụm công trình xuất sắc để Nhà nước xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về khoa học và công nghệ. Các hoạt động tôn vinh danh nhân văn hoá, khoa học và công nghệ do Liên hiệp hội tổ chức đã có tác dụng bồi dưỡng tinh thần yêu nước, nêu cao niềm tự hào dân tộc trong nhân dân, nhất là trong thế hệ trẻ.

Thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với các nhà khoa học và công nghệ, Liên hiệp hội luôn luôn coi việc tuyên truyền và phổ biến kiến thức khoa học và kỹ thuật cho quần chúng là nhiệm vụ hàng đầu. Gần 150 tờ báo, tạp chí, tập san, chuyên san, bản tin của các hội thành viên và tổ chức khoa học và công nghệ, chiếm khoảng 1/3 tổng số báo chí khoa học trong cả nước, hàng trăm đầu sách và nhiều trang Web thường xuyên cung cấp thông tin, phản ảnh tình hình và kết quả hoạt động trên hầu hết các lĩnh vực khoa học và công nghệ, đáp ứng kịp thời nhu cầu đa dạng của bạn đọc yêu nghề và quần chúng nhân dân. Hơn 40 câu lạc bộ khoa học sinh hoạt đều đặn, thu hút hàng vạn hội viên cũng góp phần quan trọng vào công tác này. Công tác tuyên truyền và phổ biến kiến thức còn được Liên hiệp hội thực hiện thông qua các cuộc triển lãm, trong đó có Hội chợ Triển lãm Tuần lễ Xanh Quốc tế Việt Nam lần lượt triển khai hàng năm tại TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Huế, Hải Phòng với sự tham gia của nhiều tỉnh, thành phố. Đặc biệt là trong khuôn khổ chương trình “Tự nguyện đưa tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào hộ nông dân”, Hội các ngành Sinh học Việt Nam hợp tác với Đài truyền hình Việt Nam thực hiện chuyên mục “Bạn của nhà nông” với hàng trăm chuyên đề hướng dẫn áp dụng tiến bộ khoa học và kỹ thuật, được đông đảo bà con nông dân hoan nghênh và đón nhận.

Nhằm góp phần xã hội hoá công tác giáo dục và đào tạo, nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, phát huy tiềm năng to lớn của đội ngũ các nhà khoa học và công nghệ đầu ngành, trong đó nhiều người đã từng tham gia công tác giảng dạy ở các cấp học khác nhau, Liên hiệp hội thành lập và bảo trợ sáu trường đại học, một số trường cao đẳng và nhiều trường phổ thông dân lập, mở hàng nghìn khoá học ngắn hạn về kỹ thuật, tin học, kế toán, ngoại ngữ, giới thiệu các cán bộ trẻ đi dự các hội nghị quốc tế và du học ở nước ngoài. Trong 10 năm qua, bằng các nguồn tài chính huy động từ các tổ chức ở trong và ngoài nước, Liên hiệp hội đã cấp 1.300 suất học bổng trị giá trên 1,25 tỷ đồng cho các học sinh, sinh viên nghèo, vượt khó, học giỏi cũng như trao nhiều phần thưởng cho các tập thể và cá nhân đoạt giải tại các kỳ thi quốc tế về toán học, tin học, vật lý, hoá học ...và cho các sinh viên giỏi là con liệt sỹ, thương binh. Phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và nhiều cơ quan khác, Liên hiệp hội tổ chức tuyển chọn và trao giải thưởng cho các công trình nghiên cứu khoa học, các đồ án tốt nghiệp xuất sắc của sinh viên.

Trong công tác nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, Liên hiệp hội đã triển khai gần 40 dự án điều tra cơ bản và môi trường, 8 chương trình, đề tài nghiên cứu và 8 dự án sản xuất thử nghiệm cấp Nhà nước và hơn 100 đề tài cấp Liên hiệp hội. Hầu hết các đề tài, dự án do Liên hiệp hội quản lý đã tập trung nghiên cứu ứng dụng các thành tựu khoa học và công nghệ vào thực tiễn sản xuất và đời sống, trong đó nổi bật lên là đề tài “Xây dựng mô hình phát triển nông nghiệp, nông thôn theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá” đã được mở rộng ra trên các địa bàn của hơn 10 tỉnh, thành phố. Phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ, hàng năm, Liên hiệp hội tổ chức tuyển chọn và trao Giải thưởng Sáng tạo khoa học công nghệ Việt Nam cho các công trình xuất sắc về Công nghệ thông tin, Công nghệ sinh học, Công nghệ vật liệu mới, Công nghệ cơ khí và tự động hoá. Nhằm động viên phong trào quần chúng tiến quân vào khoa học, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, áp dụng khoa học và công nghệ vào mọi mặt của sản xuất và đời sống, hai năm một lần, Liên hiệp hội phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh đã tổ chức thành công Hội thi sáng tạo kỹ thuật toàn quốc mà kết quả là những giải pháp vừa có giá trị cao về khoa học và công nghệ, lại vừa mang ý nghĩa thực tiễn sâu sắc.

Hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội được Liên hiệp hội thực hiện trước hết thông qua việc động viên và tổ chức cho đông đảo các nhà khoa học nghiên cứu và phát biểu ý kiến đóng góp vào dự thảo các văn kiện quan trọng của Đảng và Nhà nước như Báo cáo chính trị trình các Đại hội của Đảng, Hiến pháp sửa đổi, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, khoa học - công nghệ, giáo dục và đào tạo...Liên hiệp hội cũng đã tổ chức phản biện dự thảo quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2010 của 9 trong số 11 vùng kinh tế. Có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong công tác này là 16 dự án đầu tư trọng điểm, trong đó nổi bật lên là các dự án Thuỷ điện Sơn La, Đường Hồ Chí Minh (đoạn qua Vườn Quốc gia Cúc Phương); Thay nước Hồ Tây (Hà Nội); Khai quật khảo cổ Hoàng thành Thăng Long; Bảo tồn Cột cờ thành cổ Hà Nội; Phòng chống dịch cúm gia cầm...Với những cố gắng và kết quả đạt được trong hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội, nhiều hội thành viên của Liên hiệp hội cũng trở thành những cố vấn đáng tin cậy của lãnh đạo các ngành và địa phương.

Nhằm góp phần thực hiện nhiệm vụ phát triển cộng đồng và xoá đói giảm nghèo, Liên hiệp hội triển khai 35 dự án, trong đó có 16 dự án về chăm sóc sức khoẻ ban đầu, 5 dự án về giáo dục và văn hoá, 4 dự án về giới và bình đẳng giới, 4 dự án về sử dụng hợp lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, 6 dự án về xây dựng mô hình phát triển cộng đồng và xóa đói giảm nghèo. Cùng với việc đóng góp công sức và trí tuệ của đội ngũ cán bộ khoa học có năng lực và giàu nhiệt tình, Liên hiệp hội đã huy động từ các nguồn khác nhau và đầu tư cho hoạt động này được hơn 117.000 triệu đồng, trong đó có khoảng 10.000 triệu đồng (chiếm 9%) do các nguồn trong nước đóng góp, khoảng 107.000 triệu đồng (chiếm 91%) do các tổ chức nước ngoài và quốc tế tài trợ. Thông qua việc triển khai các dự án, Liên hiệp hội đã góp phần thay đổi nhận thức, nâng cao năng lực của cán bộ và nhân dân nhiều địa phương, tạo điều kiện cho họ tiếp thu những yếu tố văn hoá lành mạnh, những kiến thức khoa học và công nghệ cũng như phương pháp và kỹ năng lao động mới, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, con nuôi, cải tiến phương thức canh tác, hăng hái lao động sản xuất, tăng mức thu nhập. Qua đó, các dự án đã có tác dụng rõ rệt đối với việc cải thiện đời sống kinh tế, văn hoá, xã hội của nhân dân, giúp đồng bào giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc, đặc biệt là đồng bào các dân tộc ít người tại các vùng cao, vùng sâu, vùng xa.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam, mấy chục năm qua, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã kế thừa và phát huy truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc, nhân tố quan trọng hàng đầu tạo nên thắng lợi của sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Ngày nay, vị trí, vai trò của Mặt trận càng cần được khẳng định trong công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Là liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện rộng rãi của các tổ chức, các tầng lớp nhân dân ở trong và ngoài nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cần động viên các tổ chức thành viên và nhân dân cả nước tham gia xây dựng Nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân, thực sự trong sạch vững mạnh, tham gia soạn thảo và giám sát việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, thực hiện dân chủ và công bằng xã hội với tinh thần “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần, bảo vệ lợi ích thiết thân và hợp pháp của nhân dân.

Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam đang thực hiện nhiều nhiệm vụ, trên cơ sở tập hợp đoàn kết trí thức khoa học công nghệ ở trong và ngoài nước. Một trong những nhiệm vụ quan trọng là góp phần xã hội hoá khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo, để các lĩnh vực này thực sự trở thành quốc sách hàng đầu. Hệ thống các cơ quan khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo của Nhà nước ngày càng được củng cố và tăng cường, tuy nhiên cần có sự tham gia rộng rãi của các tổ chức nhân dân, hai mặt này là thực hiện xã hội hoá một cách toàn diện và sâu sắc, nâng cao dân trí, đẩy mạnh việc áp dụng khoa học và công nghệ trong sản xuất, đời sống, bảo vệ môi trường, đẩy mạnh sản xuất hàng hoá chất lượng cao, tiếp cận thị trường, đặc biệt đến 2005 nước ta gia nhập tổ chức WTO. Riêng trong những nhiệm vụ này của Liên hiệp hội, cần thiết có sự chỉ đạo và chủ trương liên kết của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với các thành viên khác có liên quan.

Các tổ chức thành viên cũng mong muốn nhận được những thông tin kịp thời về tình hình và kết quả hoạt động của Mặt trận và của các tổ chức thành viên khác để có thể cùng nhau chia sẻ và học tập các kinh nghiệm thành công cũng như chưa thành công. Mối quan hệ chặt chẽ giữa Mặt trận với các tổ chức thành viên và giữa các tổ chức thành viên với nhau sẽ là một điều kiện tiên quyết đảm bảo thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội lần thứ VI Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, góp phần hoàn thành thắng lợi công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

-----

*Bài phát biểu tại Đại hội lần thứ VI Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

** Chủ tịch HĐTW Liên hiệp các hội KH&KT Việt Nam

Xem Thêm

Phú Thọ: Đề xuất xây dựng dự thảo Văn kiện Đại hội Đảng tỉnh nhiệm kỳ 2025 - 2030
Sáng 26/11, Liên hiệp hội tỉnh đã tổ chức hội thảo “Nghiên cứu, đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025; đề xuất khâu đột phá và một số nhiệm vụ trọng tâm phục vụ xây dựng dự thảo Văn kiện ĐH Đảng bộ tỉnh Phú Thọ lần thứ XX, nhiệm kỳ 2025 - 2030” đối với đội ngũ trí thức, chuyên gia, nhà KH thuộc các trường Đại học, Cao đẳng trên địa bàn tỉnh.
Quảng Ngãi: Tìm giải pháp hoạt động có hiệu quả cho hợp tác xã
Sáng ngày 26/11, tại thành phố Quảng Ngãi, Liên hiệp hội tỉnh đã phối hợp với Liên minh Hợp tác xã tỉnh tổ chức Hội thảo khoa học tư vấn phản biện “Giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động hợp tác xã tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2025 – 2030”.
Góp ý Dự thảo Kế hoạch của Vutsa thực hiện Nghị quyết 107-NQ/CP
Mới đây, Vusta tổ chức Hội thảo Góp ý Dự thảo Kế hoạch của Liên hiệp Hội Việt Nam thực hiện Nghị quyết 107-NQ/CP ngày 09/7/2024 nhằm thực hiện Nghị quyết số 45-NQ/TW về công tác trí thức. Ông Phạm Ngọc Linh – Phó chủ tịch Vusta và ông Nguyễn Quyết Chiến – Tổng Thư ký Vusta chủ trì hội thảo.
Đánh giá hiện trạng và đề xuất giải pháp giảm thiểu tác động của đốt mở tại Việt Nam
Mặc dù 68% số người được khảo sát có ý thức về môi trường, 80% có ý thức về sức khỏe, nhưng vẫn thể hiện sẽ tiếp tục “đốt đồng” (đốt lộ thiên/đốt mở trong nông nghiệp), với lý do chủ yếu “vì tin có tác dụng tốt, nhanh, rẻ”. Do vậy, cần có giải pháp truyền thông phù hợp để thay đổi thói quen này.
Mạng lưới cơ sở giáo dục đại học phải đáp ứng nhu cầu nhân lực chất lượng cao
Việc quy hoạch lại hệ thống cơ sở giáo dục đại học và sư phạm giúp các cơ sở này nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu và khả năng thích ứng với những thay đổi của xã hội và nền kinh tế, cần tính toán nhu cầu đặc biệt quan trọng của đất nước về nguồn nhân lực chất lượng cao như kỹ sư bán dẫn, kỹ sư vận hành đường sắt tốc độ cao…

Tin mới

Phú Thọ: Đề xuất xây dựng dự thảo Văn kiện Đại hội Đảng tỉnh nhiệm kỳ 2025 - 2030
Sáng 26/11, Liên hiệp hội tỉnh đã tổ chức hội thảo “Nghiên cứu, đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025; đề xuất khâu đột phá và một số nhiệm vụ trọng tâm phục vụ xây dựng dự thảo Văn kiện ĐH Đảng bộ tỉnh Phú Thọ lần thứ XX, nhiệm kỳ 2025 - 2030” đối với đội ngũ trí thức, chuyên gia, nhà KH thuộc các trường Đại học, Cao đẳng trên địa bàn tỉnh.
Bộ TT&TT làm việc với LHHVN khảo sát sơ kết việc thực hiện Quyết định số 362/QĐ-TTG
Chiều ngày 27/11, tại trụ sở LHHVN, Đoàn công tác của Bộ TT&TT đã có buổi làm việc với LHHVN khảo sát sơ kết Quyết định số 362/QĐ-TTG ngày 03/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ về quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025. Thứ trưởng Bộ TT&TT Bùi Hoàng Phương và Phó Chủ tịch LHHVN Phạm Ngọc Linh chủ trì buổi làm việc.
Góp ý Dự thảo Kế hoạch của Vutsa thực hiện Nghị quyết 107-NQ/CP
Mới đây, Vusta tổ chức Hội thảo Góp ý Dự thảo Kế hoạch của Liên hiệp Hội Việt Nam thực hiện Nghị quyết 107-NQ/CP ngày 09/7/2024 nhằm thực hiện Nghị quyết số 45-NQ/TW về công tác trí thức. Ông Phạm Ngọc Linh – Phó chủ tịch Vusta và ông Nguyễn Quyết Chiến – Tổng Thư ký Vusta chủ trì hội thảo.