Liên hiệp các hội và khoa học kỹ thuật Việt Nam
Thứ ba, 06/09/2005 15:15 (GMT+7)

Cha ông ta quan sát sao trời như thế nào?

Đây là tư liệu quý giúp cho các nhà thiên văn hiện đại biết được những gì xảy ra từ ngàn năm trước và cho thấy ngay từ xa xưa, cha ông ta đã quan sát sao trời.

Toàn bộ sử đã ghi được 147 năm có hiện tượng, nhiều năm có hai hoặc ba. Phần ngoại kỷ từ năm 204 trước Công nguyên đến năm 479 sau Công nguyên, ghi được 24 năm có hiện tượng. Kỷ nhà Ngô, nhà Đinh chỉ ghi được 2 lần nhật thực, kỷ nhà Lý ghi được 17 năm có hiện tượng. Nhà Trần kéo dài 175 năm chỉ ghi được 36 năm có hiện tượng. Nhà Hậu Lê với 10 đời vua, trị vì 99 năm, ghi được 14 năm có hiện tượng. Nhà Mạc không thấy ghi. Đến thời Lê Trung Hưng (vua Lê chúa Trịnh) ghi được 54 năm với nhiều hiện tượng.

Có điều ngày xưa các quan thiên văn phương Đông chỉ quan sát 28 chòm sao quay quanh sao Bắc Đẩu, gọi là “nhị thập bát tú”. Đông Tây Nam Bắc mỗi phương có 7 ngôi và ngũ tinh Kim, Mộc, Thuỷ, Hoả, Thổ. Các quan thiên văn thường gắn sự kiện sao trời và thiên nhiên với tai hoạ, số phận và phục vụ quyền lực chính trị cho người đương thời.

Trong khi đó ngày nay khoa học thiên văn đã biết, Hệ Mặt trời gồm 9 hành tinh quay quanh Mặt trời, các hành tinh quay quanh bị sức hút của mặt trời bằng trọng lực. Các vệ tinh quay quanh hành tinh, cũng bị sức hút của hành tinh mẹ. Tuỳ theo xa hoặc gần, vòng rộng hay hẹp, đều rất chính xác. Nó được hình thành từ cách đây 5 tỷ năm.

Hệ Mặt trời của chúng ta lại rất nhỏ bé, nó nằm trong cánh tay hình xoắn ốc của giải Ngân hà. Thiên hà của chúng ta rộng tới 90 ngàn năm ánh sáng. Từ Hệ Mặt trời vào đến trung tâm xa tới 30 ngàn năm ánh sáng, bởi Hệ Mặt trời nằm phía trong gần rìa chứ không phải ngoài rìa. Trong khi đó, 1 năm ánh sáng quy ra bằng gần 1 vạn tỷ km, mà trong vũ trụ cũng có hàng triệu thiên hà.

Từ Trái đất lên đến một ngôi sao gần nhất trong giải Ngân hà của chúng ta cũng xa tới 4 năm ánh sáng mà chỉ riêng Ngân hà của chúng ta cũng có tới hàng tỷ ngôi sao.

Nhật thực và Nguyệt thực là bóng mặt trăng che khuất mặt trời, hoặc bóng trái đất che khuất mặt trăng. Hiện tượng xảy ra khi cả 3 cùng một đường thẳng, nó là hiện tượng bình thường. Ngày nay, khoa học thiên văn có thể tính toán biết được năm nào tháng nào xảy ra hiện tượng ấy. Thế mà ngày xưa mỗi khi hiện tượng này xảy ra, các quan thiên văn cho là điềm gở, thường huy động hết những gì có thể gõ được, thổi được, toả ra những âm thanh dữ dội để cứu hộ, cả trong dân gian và cung đình.

Hiện tượng Nhật thực đầu tiên được ghi lại trong bộ sử là vào năm 204 trước Công nguyên. Và từ đó được ghi lại rất nhiều. Mỗi khi có hiện tượng này nhà vua thường trai giới, thậm chí không dám ngồi ở chính điện để làm việc nữa. Vào thời Lê Thái Tông, quan Lương Đăng còn chế ra một bản nhạc để cứu hộ Mặt trăng, Mặt trời, chắc bản nhạc này phải dùng đến những bộ gõ, bộ hơi, bộ rung tạo ra những âm thanh dữ dội. Tiếng trống, tiếng chiêng, tiếng kèn thổi, tiếng tù và rúc chắc phải đinh tai nhức óc. Bởi từ trước, cách thời này khoảng 1500 năm, Đại Việt sử ký toàn thư đã ghi những câu rất dữ dội: “Canh Tý năm thứ 76 (141 trước Công nguyên). Mùa đông, tháng 10, Mặt trời, Mặt trăng đều sắc đỏ. Tháng 11, Mặt trời đỏ tía, năm sao đi ngược chiều, giữ lấy sao Thái Vi ở về khu vực sao Chẩn, sao Dực, tức là cung thiên tử, tòa ngũ đế”.

Nhâm Dần thứ 69 (139 trước công nguyên). Mùa xuân, tháng Giêng, ngày 30 có Nhật thực. Mùa hạ, tháng 4 có sao to bằng Mặt trời mọc ban đêm”.

Sao to bằng mặt trời mọc ban đêm? Thời xưa cho là quá lạ. Nhưng ngày nay, khoa học thiên văn đã biết rằng đấy chỉ là một ngôi sao lớn bị nổ bùng trong vũ trụ xa xăm từ hàng ngàn năm trước. Vì nó ở quá xa nên thời ấy ánh hồi quang của nó mới lọt đến con mắt nhà thiên văn đương thời. Hiện tượng này cũng xảy ra ở kỷ nhà Lý vào năm Đinh Sửu 1097. Sách ghi: “Mùa thu, tháng 8 sao mọc ban ngày”.

Vì hồi quang của nó quá sáng. Ban ngày ánh sáng Mặt trời cũng không át nổi.

Vào năm Tân Sửu 1181 kỷ nhà Lý cũng ghi “mùa hạ, tháng 4, sao Huỳnh Hoặc phạm vào sao Nam Đẩu. Thái tử cũ là Long Xưởng làm loạn, đói to, dân chết gần một nửa”.

Chả lẽ sao Hỏa đi dưới chòm Nam Đẩu lại là nguyên nhân gây ra nạn đói? Sao Hỏa đi đến gần Trái đất chỉ có 56 triệu km, còn chòm Nam Đẩu cách xa Trái đất ít nhất là ngàn năm ánh sáng. Nó xa quá, thì có quan hệ gì.

Vào thời vua Lý Cao Tông, cuốn sách chép: “Kỷ Dậu năm thứ 4 (1189) mùa xuân, tháng 2, ngày 1 Tân Dậu có Nhật thực, Mặt trời, Mặt trăng sắc đỏ như máu. Mùa đông, tháng 12, sao Huỳnh Hoặc phạm vào sao Thái Bạch.

Sao Kim và sao Hỏa là hai anh em cùng trong Hệ Mặt trời. Sao Kim quay một vòng chỉ hết hơn 6 tháng vì gần Mặt trời hơn Trái đất, còn sao Hỏa ở xa Mặt trời, một vòng quay hết gần 2 năm. Mỗi hành tinh đều có quỹ đạo riêng, nên nhiều năm cũng có hiện tượng nhiều hành tinh cùng trên một đường thẳng, vì trong 8 hành tinh của hệ mặt trời đều quay trên một mặt phẳng, chỉ trừ sao Diêm Vương ở ngoài cùng thì khác, một vòng quanh của sao này quanh Mặt trời hết 250 năm.

Còn sao Chổi, thực ra cũng là hiện tượng bình thường, sao Chổi chỉ là một vật thể nguội chuyển động quanh Mặt trời, kích thước chỉ khoảng 10km, có quỹ đạo hình elip, viễn điểm ra ngoài quỹ đạo của hành tinh Diêm Vương. Sao Chổi được cấu tạo bằng phân tử dễ bốc hơi như băng, amôniac, mêtan. Khi chưa đến gần mặt trời, chỉ là tinh thể nguội, đến gần Mặt trời bị hun nóng bốc hơi, hơi và các phân tử bị gió mặt trời đẩy ra xa. Càng gần mặt trời, đuôi càng dài. Theo quỹ đạo riêng, mỗi khi đến gần mặt trời nó lại bị mất đi một phần vật chất. Ví dụ sao chổi Somecơ - Lovi, khi đến gần mặt trời vào tháng 7/1994 đã bị đứt thành từng đoạn rồi đâm vào sao Mộc.

Đại Việt sử ký toàn thư ghi được rất nhiều năm có sao Chổi. Mỗi khi có hiện tượng này thì nhà vua có vẻ lo, ví dụ thời vua Lê Hiến Tông.

“Quý Hợi năm thứ 6 (1503) mùa hạ, tháng 4, sao Chổi mọc ở phương Đông. Tháng 5, ngày 5, ban ra bài thơ quạt để răn:

Nửa đêm mọc sao Hỏa

Tua chổi hiện phương Đông (1)

Đất Kinh lo nước lớn

Đất Vệ sợ binh nhung

Chăm lo nên để ý

Suy xem nghiệm hay không.”

Thời vua Lê Kính Tông (1600-1619) sách có ghi: “Mậu Ngọ năm thứ 19 (1618) mùa xuân, tháng Giêng ngày rằm có Nguyệt thực. Tháng 4 ngày 24 giờ Dần có sao Chổi mọc hướng Tây Nam. Ngày 28 có sao chạy thẳng về phương Tây hình như tấm lụa”.

Thế mà bốn quan Thị lang làm tờ khải dâng lên chúa Trịnh rằng “lòng trời nhân ái, tất có điềm ra trong việc cảnh báo, nếu không biết tự sửa mình, thì trời lại ra tai biến khác thường để răn cho sợ. Thế đủ biết lòng trời nhân ái với người làm vua đến như thế..”

Rồi các quan thi nhau dâng khải, trong đó có câu: “Hoặc là trời đã tỏ sự răn bảo mà chưa biết tỉnh ngộ, cho nên hạ tuần tháng 9 qua đến thượng tuần tháng này, sao lạ hiện ra phương Đông Nam, ai trông thấy cũng phải sợ hãi…”

Và còn nhiều lời dâng tâu lên chúa Trịnh nói về hiện tượng này. Có gì đâu, chúa muốn truất ngôi vua, vì không ăn ý nên mượn hiện tượng ấy để làm cái cớ. Thực ra sao Chổi hoặc “sao chạy thẳng về phương Tây như hình tấm lụa”, chỉ là hiện tượng bình thuờng là một mảnh thiên thạch rơi vào khí quyển bốc cháy mà thôi.

Chỉ riêng năm Kỷ Hợi (1599) thời vua Lê Thế Tông, đã ghi được 3 hiện tượng.

“Tháng 4, ngày 7, có nhiều sao băng rơi xuống nội thành tại điện Kính Thiên gãy một cột. Ngày 16, giờ Dậu có Nguyệt thực. Tháng 8 ngày 23 sao Thái Bạch phạm vào sao Ất (Vua Băng) ngày 25, giờ Sửu, sao băng rất nhiều dài như tấm lụa, khi sa xuống có tiếng kêu như sấm”.

Thực ra đây chỉ là những mảnh vụn “đất đá” chưa kịp tích tụ vào thiên thể lớn tạo thành vành đai chạy quanh mặt trời. Khi bị sa vào khí quyển, do ma sát mà bốc cháy thành những vệt sáng. Có những thiên thạch khi qua tầng khí quyển chưa cháy hết rơi xuống đất. Loại to có thể làm gãy cột nội điện như sách đã nêu. Ngày nay, người ta đã biết giữa quỹ đạo sao Hỏa và sao Mộc có một vành đai thiên thạch lớn, có thiên thạch to như quả núi. Vành đai này rất nhiều và vẫn chuyển động.

Mưa sao, cũng chỉ là những hạt bụi rơi nhiều khi Trái đất đi qua vùng nhiều bụi thường là tháng 11 hàng năm.

Và nhiều lắm, cuốn sách đã ghi tới 174 năm có sự kiện, trải dài tới hơn hai ngàn năm, không sao trích dẫn hết được. Từ xa xưa, ông cha ta đã quan tâm đến thiên văn, mặc dù có những phần hạn chế vì trình độ khoa học lúc ấy. Ngoài sự mê tín, điều đáng nói là lấy hiện tượng thiên văn để răn con người làm điều thiện, nhất là những hiện tượng được ghi trong sách, đối với hậu thế ngày nay thật quý giá vô cùng.

Nguồn: Xưa Nay số 239 tháng 7/2005

-----

1.Có thể lúc đó quan sát thấy cả sao Hỏa và sao chổi

Xem Thêm

Tiếp tục đổi mới nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức khoa học và công nghệ
Hiện nay Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (LHHVN) có trên 500 tổ chức khoa học và công nghệ (KH &CN). Các tổ chức KH&CN trực thuộc này được thành lập và hoạt động trên cơ sở các quy định của Luật Khoa học và Công nghệ và nghị định của Chính phủ, điều lệ của Liên hiệp Hội Việt Nam.
Tìm giải pháp chuyển đổi số toàn diện tại Liên hiệp Hội Việt Nam
Hơn 40 năm thành lập, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Liên hiệp Hội Việt Nam) đang nỗ lực hiện đại hóa hoạt động trong bối cảnh chuyển đổi số trở thành yêu cầu cấp thiết. Tuy nhiên, Liên hiệp Hội Việt Nam vẫn phải đối mặt với nhiều hạn chế về hạ tầng công nghệ và nhận thức, đòi hỏi những bước đi chiến lược hơn trong tương lai.

Tin mới

Tiền Giang: Tổng kết hoạt động năm 2024
Sáng ngày 31/12/2024, Liên hiệp hội tỉnh đã tổ chức hội nghị Ban Chấp hành mở rộng tổng kết hoạt động năm 2024, đề ra phương hướng, nhiệm vụ năm 2025. Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Phạm Văn Trọng tham dự hội nghị.
Gia Lai: Liên hiệp hội tổng kết năm 2024
Sáng ngày 31/12/2024, Liên hiệp hội tỉnh đã tổ chức hội nghị Tổng kết công tác năm 2024 và đề ra phương hướng, nhiệm vụ hoạt động năm 2025. Tham dự hội nghị có bà Ayun H’But, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh cùng đại diện lãnh đạo một số sở, ban, ngành, mặt trận, đoàn thể của tỉnh.