Cậu học trò 'cứu tinh' của nông dân
Sinh ra trong một gia đình thuần nông tại khu Nam Hồ thuộc vùng ven Đà Lạt, từ nhỏ Phạm Văn Quý đã có sở thích mày mò, chế tạo nhiều loại vật dụng. Với học lực loại giỏi và có năng khiếu môn vật lý nên cậu học sinh lớp 11A3 trường THPT Trần Phú Đà Lạt thường xuyên được học bổng.
Trong một lần đi học về, nhìn thấy bác nông dân mang bình thuốc trừ sâu bước ra từ vườn rau với bộ dạng ướt sũng nước thuốc, Quý thấy công việc quá độc hại. Hàng ngày, ba mẹ Quý cũng phải làm những việc tương tự để nuôi sống gia đình. Từ đó, cậu học trò nghèo quyết tâm chế tạo hệ thống phun thuốc bảo vệ thực vật tự động, để giảm bớt sự độc hại cho người dân phố núi khi tiếp xúc với thuốc trừ sâu. Sau khi xin được ít tiền từ bố mẹ, cậu mua ngay các vật dụng cần thiết và lao vào mày mò.
Quý cho biết, hệ thống này thiết kế khá đơn giản, hoạt động theo nguyên lý ròng rọc chuyển động trong vật lý. Chiếc mô tơ loại nhỏ từ chỗ chỉ chạy một chiều đã được lập trình lại và có thể chạy được 2 chiều, điều khiển bằng một công tắc nhỏ bên ngoài. Mô tơ gắn thêm đoạn dây cu roa nối với một trục và được cậu lấy từ chiếc trục sau của vành xe đạp có gắn dây kéo để di chuyển hệ thống cần phun được treo cao 60-80cm.
Lần bơm thử trên vườn rau ở nhà, Quý nhận được sự tán thưởng, ngạc nhiên và nể phục từ ba mẹ và các chú các bác làm vườn xung quanh. Mô tơ hoạt động đẩy hệ thống dàn phun gồm 3 cần, mỗi cần có 3 béc phun lướt nhanh trên không và nhả thuốc nhẹ và đều xuống hai luống rau bên dưới.
Với hệ thống này, việc phun thuốc trừ sâu vừa nhanh lại đảm bảo đều thuốc hơn so với cánh phun thủ công. Quan trọng hơn, nó không ảnh hưởng nhiều tới sức khỏe của người lao động vì không phải cầm trực tiếp cần phun đi qua các luống rau.
Như vậy, người nông dân chỉ cần nối ống dẫn với bình thuốc pha sẵn, dùng máy bơm đẩy thuốc lên và vận hành hệ thống ròng rọc, cần phun chạy được 2 lượt là có thể hoàn thành việc phun thuốc.
Song với cậu, hệ thống này vẫn còn hạn chế như: không điều chỉnh được tốc độ chạy của mô tơ để cần phun có thể đi nhanh chậm theo ý muốn, cần cài thêm rơ le tự động để khi xảy ra sự cố hệ thống sẽ ngừng hoạt động ngay.
Việc chế tạo tiến hành từ tháng 12 năm ngoái, Quý đã đăng ký đề tài của mình tham dự Hội thi khoa học kỹ thuật học sinh THPT tỉnh Lâm Đồng lần 3 diễn ra năm nay. Vượt qua hàng chục đề tài thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau, công trình "Hệ thống phun thuốc bảo vệ thực vật tự động" đã mang về 2 giải nhất cho PhạmVăn Quý: giải nhất trong lĩnh vực Vật lý - cơ khí và giải nhất cá nhân của hội thi.
Nhiều nhà vườn Đà Lạt hiện áp dụng hệ thống phun thuốc trừ sâu này, giảm nguy cơ bệnh và ảnh hưởng đến sức khỏe do tiếp xúc với hóa chất độc hại.