Hội thảo khoa học “Những bất cập trong thực hiện Luật TC, QC KT và Luật Chất lượng SP, HH trong lĩnh vực NN&MT"
Triển khai thực hiện Nghị quyết 57 về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là mũi đột phá quan trọng hàng đầu để phát triển đất nước trong thời kỳ vươn lên tầm cao mới. Đội ngũ trí thức KHCN Thủ đô đã và đang góp tích cực vào phát triển kinh tế – xã hội trong thời kỳ đổi mới. Đó cũng là nội dung của Hội thảo khoa học do Liên hiệp KHKT Hà Nội tổ chức sáng ngày 24 tháng 2 năm 2025.


Chủ trì Hội thảo khoa học “Những bất cập trong thực hiện Luật Tiêu chuẩn , Quy chuẩn kỹ thuật và Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa trong lĩnh vực nông nghiệp và môi trường” có lãnh đạo Liên hiệp Hội Khoa học và Kỹ thuật thành phố Hà Nội, Hội Chăn nuôi Việt Nam và Hội Phân bón Việt Nam. Tham gia Hội thảo còn có đại diện các cơ quan Trung ương, các sở ban ngành, các nhà chuyên gia, khoa học, đại diện các Hội ngành hàng, doanh nghiệp và các cơ quan truyền thông.
Khai mạc Hội thảo, Tiến sỹ Lê Xuân Rao, Chủ tịch Liên hiệp Hội đã phát biểu nêu rõ: Với tinh thần đổi mới sáng tạo, đổi mới phương thức hoạt động, Liên hiệp Hội đã thành lập các nhóm Hội ngành có chức năng nhiệm vụ đan xen, phù hợp nhằm để giải quyết trọn vẹn các vấn đề thành phố yêu cầu mà các Hội đơn lẻ chưa giải quyết được. Nhóm hội ngành Nông nghiệp Môi trường với 7 hội thành viên là Hội Chăn nuôi, Hội Làm vườn, Hội Sinh vật cảnh, Hội Hóa học, Hội Cơ học…đã ký kết với các Hội Trung ương.
Mục tiêu của việc liên kết này là: Tập trung nghiên cứu, xây dựng một số cơ chế chính sách triển khai Luật Thủ đô; Tư vấn, phản biện, Hội thảo khoa học giải quyết những vấn đề bức xúc, nổi cộm của Thủ đô; Góp ý các Báo cáo chính trị Đại hội XVIII Đảng bộ thành phố.
Hội thảo khoa học hôm nay mong muốn được nghe các ý kiến đóng góp của các cơ quan, các chuyên gia và các nhà khoa học về vấn đề cần được giải quyết, những nút thắt cần tháo gỡ và các cơ chế chính sách nào thật sự phù hợp để thực hiện tốt Luật Tiêu chuẩn, Quy chuẩn kỹ thuật và Luật Chất lượng về sản phẩm hàng hóa ngành nông nghiệp.



Hội thảo đã có nhiều báo cáo tham luận khoa học của các hội nhất là các hội ngành hàng. Một vấn đề đã được nêu lên cần được làm rõ hơn đó là khi sản xuất hàng hóa nông sản nhiều thì cần có những tiêu chuẩn sao cho kịp thời với thực tế sản xuất và phương thức tuyên truyền để người sản xuất dễ tiếp thu, ứng dụng. Khi xây dựng hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn cần sát với thực tế và tiếp cần với yêu cầu của quốc tế. Thực trạng hiện nay chỉ riêng ngành nông nghiệp và môi trường các tiêu chuẩn, quy chuẩn cũng chưa thật hoàn thiện, nhiều khi xa với thực tế. Một yêu cầu là phát triển nông nghiệp chất lượng cao, tạo ra nhiều hàng hóa nông sản đạt tiêu chuẩn quốc tế thì rất cần sớm có những tiêu chuẩn, quy chuẩn chính xác để người nông dân dễ thực hiện.
Kết luận Hội thảo, Tiến sỹ Lê Xuân Rao đã đánh giá cao các ý kiến của các cơ quan và các nhà chuyên gia, các nhà khoa học. Đây là một vấn đề quan trọng đòi hỏi phải thưc hiện nghiêm đúng các quy định của Luật Chất lượng, Luật Tiêu chuẩn được Quốc hội thông qua. Liên hiệp Hội mong các cơ quan lắng nghe và sớm hoàn thiện các bất cập trong thực tế sản xuất.
Hội thảo đã thành công tốt đẹp.