Cắt lớp điện toán (chụp CT)
CT cho thấy gì?
CT cho thấy hình ảnh một khoanh hay hình cắt ngang của cơ thể. Các hình ảnh của nội tạng và các loại mô rõ hơn hình ảnh X - quang, vì các hình ảnh này được chỉnh bằng điện toán.
Từ thập niên 1970, máy rà CT đã cho thấy có hiệu quả cao trong việc phát hiện ung thư. CT cho thấy hình dạng, kích thước, thể tích và vị trí của khối ung thư, đồng thời có thể phát hiện được các mạch máu nuôi khối bướu. Ở một số trường hợp, CT có thể giúp bác sĩ xác định được bướu lành (không phải ung thư) hoặc bướu ác (ung thư).
Máy và CT đặc biệt có hiệu quả khi được dùng để phát hiện và đánh giá ung thư nằm ở gan, tuỵ tạng, tuyến thượng thận, phổi và xương. CT cũng được dùng để biết các ung thư ruột, thực quản, bao tử và não. CT cũng xác định thời kỳ cho ung thư tuyến tiền liệt.
Lập lại CT nhiều lần cũng giúp biết được khối ung thư đáp ứng với việc điều trị ra sao, cũng như có thể tìm ra bệnh tái phát.
Có thể làm cho các hình ảnh rõ hơn bằng cách dùng chất làm nổi hay cản quang (một loại phẩm màu) bơm vào tĩnh mạch hoặc cho uống. Vì chất này được thu hút với mức độ khác nhau, nó tạo ra hình ảnh có độ nổi khác biệt của các loại mô, do đó làm các hình bất thường như là ung thư sẽ thể hiện rõ hơn.
Những năm gần đây có thêm máy CT xoắn ốc. Máy này giúp có hình ảnh nhanh hơn máy CT quy ước.
Tiến bộ còn nóng hổi là máy CT ba chiều, giúp bác sĩ tạo ra hình ảnh đầy đủ hơn của các cơ quan và các mô trong cơ thể.
Chụp CTra sao?
Máy chụp CT do một kỹ thuật viên X - quang hoặc bác sĩ điều khiển. Bệnh nhân nằm trên một cái bàn. Phần cơ thể cần chụp được đặt vào trong máy rà, máy này bao quanh cái bàn. Khi máy rà xoay quanh người, nó phát ra hàng ngàn chùm tia X vào các góc đặc biệt. Cái bàn sẽ thụt tới thụt lui vài lần để đưa cơ thể vào vị trí cần thiết. Người bệnh có thể nghe thấy tiếng máy rà đóng và tắt.
Chụp CT không đau nhưng có thể gây khó chịu vì người bệnh bị giữ chặt ở vị trí nào đó vài phút.
Nếu chụp có làm nổi (cản quang) thì chụp trước một lần rồi bơm thuốc, sau đó chụp một lần nữa.
Chụp trong bao lâu?
Điều đó tuỳ thuộc vào việc bác sĩ cần biết về tình hình của bạn và tuỳ có chụp cản quang hay không. Một lần chụp có thể kéo dài 15 - 30 phút. CT xoắn ốc thì chụp mau hơn. Máy hiện đại nhất có thể lấy hình phổi và bụng không đầy một phút. Thời gian kéo dài là do việc định vị trí và bơm thuốc cản quang.
Chụp CTcó hại gì không?
Khoảng 5% số người chụp bị phản ứng với thuốc cản quang, thường thì không có gì trầm trọng và tự khỏi. Đôi khi có triệu chứng khó thở, bác sĩ sẽ cho thuốc. Bác sĩ cẩnt hận sẽ cho thử thuốc cản quang trước ở bệnh nhân có cơ địa dễ dị ứng.
Có cần dặn dò gì thêm?
Đôi khi CT được hiểu như cắt một lát, một khoanh hay cắt ngang cơ thể. Đừng sợ, không có chuyện cắt mổ gì cả. Liều tia X mà người bệnh nhận do chụp CT thì hơi nhiều hơn liều tia X quy ước.
Người mập quá có thể khó lọt vào máy rà.
Người bệnh cần cho bác sĩ biết mình có dị ứng hay nhạy cảm với chất iod, các hải sản, chất cản quang hay không.
Nên biết, chụp CT khá tốn kém. Đừng vì nghe nói sự thần kỳ của CT mà yêu cầu được chụp dù bác sĩ thấy không cần thiết.