Cảnh giác chất độc cadimi
Vì sao cadimi có trong đồ chơi và trang sức trẻ em?
Cadimi (cadmium, cadmin viết tắt Cd) là kim loại, có trong thiên nhiên dưới dạng sulfua lẫn với quặng carbonat kẽm và các dạng hợp chất khác nhưng ít hơn.
Cadimi dùng trong sản xuất sơn, phẩm màu công nghiệp, ổn định chất nhựa (PVC), làm điện cực pin (Ni-Cd), trong mạ điện, sản xuất thép - mạ đồng, chống ăn mòn, trong kỹ thuật truyền hình, kỹ thuật làm ảnh, làm chất bán dẫn (dạng Te-Hg-Cd)…
Khi sản xuất đồ chơi và trang sức trẻ em, người ta dùng kẽm thô, sơn, phẩm màu, nhựa (có lẫn cadimi) hay dùng chính cadimi làm vật liệu mạ đánh bóng, do đó làm nhiễm cadimi vào sản phẩm. Trong quá trình khai thác cadimi từ quặng kẽm và từ các sản phẩm chứa cadimi thải loại khác, chất này bị thải vào môi trường. Đốt chất thải, hút thuốc lá cũng là nguồn gây nhiễm đáng kể (nồng độ cadimi trong thận người trực tiếp hút thuốc lá cao gấp 3 - 4 lần người không hút).
![]() |
Vừa qua (1 - 2010), hãng AP mua 103 loại trang sức trẻ em Trung Quốc tại các bang New York, Texas, California, kiểm nghiệm tại Đại học Ashan bang Ohio, Mỹ, công bố kết quả: có 12% loại sản phẩm chứa cadimi với tỷ lệ 10%, cá biệt có loại chứa 91%, nhiều nhất là loại vòng tay Best Friends, mặt dây chuyền theo chủ đề bộ phim “Công chúa và Chú ếch”. Ngày 4 - 3 - 2010, Cục Quản lý thị trường TP. HCM Đội 5B cũng cho biết các đồ trang sức xi mạ Trung Quốc nhập lậu bán tại TP. HCM qua kiểm nghiệm đều có chất độc chì và cadimi (nhưng không thấy nói về hàm lượng).
Như vậy, ngoài cadimi trong đồ chơi, trang sức trẻ em, cần quan tâm đến việc cadimi do nghề nghiệp, do môi trường.
![]() |
Cadimi độc thế nào?
Tự thân cadimi đã gây độc cho cơ thể không kém gì chì, thủy ngân. Ngoài ra, vì cadimi là nguyên tố cùng nhóm với kẽm, có hoạt động hóa học mạnh hơn kẽm, nên tranh chấp, đẩy kẽm ra khỏi hệ thống sinh hóa học mà kẽm tham gia, một khi cadimi đã chiếm chỗ của kẽm thì khó lòng mà loại ra, dẫn đến rối loạn hệ thống hoạt động sinh hóa học. Thêm nữa, tuy hiếm hơn, nhưng cadimi cũng tranh chấp, thay thế một số vị trí trong hệ thống hoạt động sinh hóa học của magie, canxi. Hoạt động sinh hóa học của kẽm có mối quan hệ mật thiết cân bằng với các hoạt động sinh hóa học của các vi lượng khác. Theo tác động dây chuyền, điều này sẽ ảnh hưởng không lợi đến hệ thống hoạt động sinh hóa học của các vi lượng khác. Do thế có thể coi tác hại của cadimi là tác hại kép. Về mặt lâm sàng, đã nhận thấy cadimi gây:
- Ngộ độc cấp: Trong vòng 4 - 24 giờ (tùy theo lượng, đường nhiễm) mà sẽ gây đau thắt ngực, khó thở, tím tái, sốt cao, nhịp tim chậm, buồn nôn, nôn, đau bụng tiêu chảy.
![]() |
- Ngộ độc mạn: Gây vàng men răng, rối loạn chức năng gan (tăng enzym), đau xương, thiếu máu, tăng huyết áp, nếu có thai thì bị dị dạng thai.
Bị nhiễm lâu ngày, cadimi làm rối loạn hệ thống hoạt động sinh hóa học của kẽm, canxi, magie và nhiều hệ thống hoạt động sinh hóa học khác, làm chậm phát triển xương, còi xương (khi trẻ), loãng xương (khi già), gây ra nhiều bệnh lý khác thường, có thể dẫn đến tử vong. Nhiều công trình nghiên cứu của thế giới cho biết cadimi là yếu tố gây ung thư tiền liệt tuyến, phổi, vú.
Qui định trước đây và phản ứng của thế giới
Theo trung tâm kiểm soát dịch bệnh Mỹ (CDC), cadimi xếp vào hàng thứ 7 trong 275 chất nguy hiểm cho môi trường, còn theo Liên minh châu Âu, đó là một trong 6 kim loại cấm dùng trong thực phẩm, hạn chế dùng trong một số lĩnh vực công nghiệp (như điện tử).
Cadimi dùng trong công nghiệp từ năm 30 - 40 tăng lên rất nhanh vào thập niên 90, nhưng về sau, do tính độc,mức dùng giảm dần. Tại Mỹ, từ năm 1970 đến 2009 mức dùng giảm 10 lần, hiện chỉ dùng chủ yếu làm pin (chiếm tới 81% lượng cadimi tiêu thụ). Theo một số tài liệu quốc tế cũ, liều mà cơ thể có thể chịu đựng được 20 - 40 mcg/ngày (thực tế cơ thể chỉ hấp thu 10% lượng ngày). Theo đó, một số nước có qui định hàm lượng cadimi trong một số sản phẩm công nghiệp ví dụ như trong đồ chơi phủ sơn (Mỹ).
![]() |
Tuy nhiên, rất nhiều nước (kể cả Mỹ, Trung Quốc) chưa qui định hàm lượng cadimi trong đồ chơi, trang sức trẻ em, nên không kiểm tra. Hiện Tổng cục Quản lý giám sát chất lượng thanh tra kiểm dịch Trung Quốc (AQSIQ) cho biết sẽ theo dõi kết quả điều tra của hãng AP.
Ở nước ta, Cục Quản lý chất lượng hàng hóa đã yêu cầu các đơn vị trực thuộc tổng cục kiểm tra và có biện pháp xử lý.
Trong khi chờ đợi sự kiểm tra, xử lý của Cục Quản lý chất lượng hàng hóa, việc thận trọng với các sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ là cần thiết.