Cần xã hội hóa mạnh hơn nữa hoạt động trợ giúp pháp lý
Luật Trợ giúp pháp lý (TGPL) được Quốc hội khóa XI thông qua ngày 29/6/2006 và có hiệu lực thi hành từ 1/1/2007. Qua 10 năm thực hiện, Luật đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng, thúc đẩy công tác TGPL phát triển, nâng cao nhận thức của người dân về pháp luật nói chung, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người nghèo, đối tượng chính sách và người có hoàn cảnh khó khăn. Theo báo cáo của Chính phủ, từ 2007 đến 2015, có hơn 1 triệu lượt người được hưởng lợi từ các dịch vụ TGPL. Tuy nhiên, Luật TGPL 2006 bộc lộ nhiều hạn chế như những người thuộc diện được TGPL chưa được quy định cụ đầy đủ trong Luật, việc tổ chức TGPL cũng chưa đáp ứng đầy đủ với yêu cầu thực tiễn, với tinh thần Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị năm 1996 và các điều ước liên quan khác mà Việt Nam là thành viên, còn thiếu các chính sách ưu đãi, hỗ trợ các tổ chức xã hội tham gia vào TGPL, thủ tục đăng ký TGPL còn rườm rà, phức tạp… Đặc biệt, nhiều quy định trong Luật TGPL 2006 không phù hợp với những quy định mới trong Hiến pháp 2013.
Phát biểu khai mạc hội thảo, GS.TS Lê Minh Tâm, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Luật gia Việt Nam, con số 3,3% tổ chức TGPL trong số các tổ chức có hoạt động liên quan đến tư vấn pháp luật ở Việt Nam hiện nay cho thấy các cơ chế, chính sách của Nhà nước chưa thực sự huy động nguồn lực xã hội tham gia TGPL.
Đối với dự thảo Luật TGPL (sửa đổi), theo khảo sát của Dự án Quản trị Nhà nước nhằm tăng trưởng toàn diện (do USAID tài trợ cho Chemonics International Inc thực hiện), có ý kiến cho rằng, dự thảo Luật còn thể hiện nặng tính bao cấp của Nhà nước (TGPL là trách nhiệm của Nhà nước), chưa thể hiện rõ chủ trương của Đảng được nêu trong Nghị quyết 49-NQ-TW ngày 24/5/2005 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp là xã hội hóa hoạt động TGPL nhằm thu hút các nguồn lực xã hội, sự tham gia của tổ chức, cá nhân, qua đó tăng thêm cơ hội, khả năng tiếp cận dịch vụ TGPL của người dân, giảm bớt gánh nặng cho cơ quan nhà nước. TS Trần Huy Liệu, Luật sư Đoàn Luật sư TP. Hà Nội, nguyên Cục trưởng Cục TGPL, Bộ Tư pháp, cho rằng chương III (điều 10 đến điều 18), quy định về tổ chức thực hiện TGPL chưa tạo môi trường pháp lý thuận lợi để thực hiện chính sách xã hội hóa hoạt động TGPL mà còn có thêm những điều kiện không cần thiết và không hợp lý, gây khó khăn, hạn chế sự tham gia TGPL của các tổ chức hành nghề luật sư, tổ chức tư vấn pháp luật. Do đó, ông Liệu đề nghị bỏ các điều 13, 14 và 15 trong dự thảo Luật. Ông Liệu dẫn ví dụ về khoản 1 điều 13 dự thảo Luật quy định tổ chức tư vấn pháp luật muốn trở thành tổ chức thực hiện TGPL phải có đủ điều kiện quy định tại khoản 1 điều 14 và được “Sở Tư pháp lựa chọn và ký hợp đồng thực hiện TGPL” trong khi Luật TGPL 2006 thì chỉ yêu cầu: Các tổ chức hành nghề luật sư, tổ chức tư vấn pháp luật có nguyện vọng tham gia TGPL chỉ cần đăng ký tham gia TGPL tại Sở Tư pháp. Hay như khoản 1 điều 16 của dự thảo Luật làm phức tạp thêm thủ tục hành chính khi yêu cầu tổ chức TGPL phải trình 5-6 loại giấy tờ chứng minh là mình có đủ điều kiện TGPL (có uy tín, cơ sở vật chất…) mà theo ông Liệu đây chính là “giấy phép con”, gây trở ngại cho các tổ chức tham gia TGPL.
Quy định về người được TGPL (Điều 7), đối tượng trung tâm của dự thảo Luật, cũng là nội dung được nhiều ngươig quan tâm và góp ý kiến nhất. Một số ý kiến cho rằng dự thảo Luật vừa mở rộng thêm nhiều đối tượng được TGPL so với Luật TGPL 2006 nhưng lại thu hẹp quyền được TGPL của một số trường hợp như người tàn tật (khuyết tật), người già cô đơn (người cao tuổi cô đơn) – họ chỉ được TGPL khi có khó khăn về tài chính. Hay như khoản 4 điều 7 dự thảo quy định: “Người dân tộc thiểu số thường trú tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn” là chưa bao quát hết mọi người sinh sống ở vùng này, chưa đảm bảo sự công bằng, bình đẳng nên đề nghị sửa lại là: “Người sống ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn”.
Ngoài những vấn đề trên, các đại biểu đã có những góp ý cụ thể vào các khoản, điều trong dự thảo Luật và chia tổ thảo luận, đề xuất các khuyến nghị về 3 chuyên đề: Người được TGPL và điều kiện được TGPL; Các tổ chức thực hiện TGPL; Trách nhiệm của Nhà nước trong việc đảm bảo quyền được TGPL. Bên cạnh đó, hội thảo đã nghe các luật sư, chuyên gia quốc tế chia sẻ kinh nghiệm hoạt động TGPL của một số nước để có những góp ý thiết thực cho dự thảo Luật.
Trợ giúp pháp lý (TGPL) là việc cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí cho người được TGPL, những người không có đủ nguồn lực), góp phần bảo đảm quyền con người, quyền công dân trong tiếp cận công lý và bình đẳng trước pháp luật. |