Liên hiệp các hội và khoa học kỹ thuật Việt Nam
Thứ tư, 10/05/2023 14:47 (GMT+7)

Cần tăng cường chuyển giao công nghệ hiện đại

Chuyển giao công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam là một kênh quan trọng để mỗi ngành, mỗi địa phương giải quyết tốt các vấn đề khoa học, kinh tế - xã hội. Thời gian qua, tại nước ta đã triển khai nhiều chương trình, kế hoạch thúc đẩy chuyển giao, làm chủ và phát triển công nghệ từ nước ngoài để ứng dụng trong các ngành, lĩnh vực ưu tiên, mang lại nhiều kết quả.

Việt Nam đang trong quá trình tái cấu trúc nền kinh tế theo mô hình tăng trưởng mới, do vậy việc chuyển giao công nghệ thông qua các dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) để tiếp cận công nghệ tiên tiến của các nước phát triển là một mục tiêu quan trọng trong thu hút FDI.

Khái niệm chuyển giao công nghệ được nhiều tổ chức quốc tế coi là “chuyển giao và tiếp nhận công nghệ qua biên giới thông qua thương mại quốc tế, đầu tư nước ngoài hoặc chuyển giao và tiếp nhận tự giác hay không tự giác (học tập, hội thảo khoa học, tình báo kinh tế...)”.

Luật Chuyển giao công nghệ năm 2006 định nghĩa “chuyển giao công nghệ là chuyển giao quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng một phần hoặc toàn bộ công nghệ từ bên có quyền chuyển giao công nghệ sang bên nhận công nghệ. chuyển giao công nghệ có thể tại Việt Nam, từ nước ngoài vào Việt Nam hoặc từ Việt Nam ra nước ngoài”.

tm-img-alt

Một dây chuyền sản xuất của Trung tâm Nghiên cứu chuyển giao công nghệ và Giám định công nghệ ở Khu Công nghệ cao Hòa Lạc – một trong những trung tâm chuyển giao công nghệ lớn nhất Việt Nam hiện nay

Nâng cao năng lực cạnh tranh

Tại Hà Nội, trong những năm qua hoạt động chuyển giao công nghệ từ nước ngoài, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp luôn được Thành phố coi trọng. Thành phố đã ban hành Kế hoạch số 222/KH-UBND ngày 7-10-2019 về việc triển khai thực hiện đề án “Thúc đẩy chuyển giao, làm chủ và phát triển công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam trong các ngành lĩnh vực ưu tiên giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn thành phố Hà Nội” nhằm định hướng chính sách hỗ trợ chuyển giao, làm chủ và phát triển công nghệ từ nước ngoài vào thành phố. Kết quả, các đơn vị đã nỗ lực triển khai kế hoạch phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của từng sở, ngành... Các nội dung triển khai tập trung chủ yếu vào 7 nhóm nhiệm vụ và giải pháp lớn đã được phê duyệt, tạo ra chuyển biến tích cực trong hoạt động chuyển giao, tiếp nhận công nghệ nước ngoài, trong đó có các dự án FDI. Trong năm2022, Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội đã thẩm định hồ sơ và cấp đăng ký chuyển giao công nghệ cho 20 hợp đồng chuyển giao công nghệ, hợp đồng trợ giúp kỹ thuật từ nước ngoài vào Việt Nam và cấp đăng ký gia hạn, sửa đổi, bổ sung cho 16 hợp đồng chuyển giao công nghệ, hợp đồng trợ giúp kỹ thuật từ nước ngoài vào Việt Nam theo thẩm quyền...

Trong lĩnh vực công nghiệp điện tử, Thành phố đã chuyển giao công nghệ sản xuất linh kiện điện tử dùng cho camera và điện thoại thông minh; chuyển giao công nghệ sản xuất và bán bản vi mạch dẻo và các sản phẩm module liên quan cho ô tô; chuyển giao công nghệ quy trình sản xuất thiết bị thông tin dùng cho điện thoại di động và máy tính bảng...

Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội Nguyễn Hồng Sơn cho biết, để hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm thông tin công nghệ, tư vấn pháp lý và các điều kiện ưu đãi liên quan hoạt động chuyển giao công nghệ nói chung và hoạt động chuyển giao công nghệ từ nước ngoài vào Hà Nội nói riêng, Sở đã tổ chức 3 lớp tập huấn, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ cán bộ. Hiện Sở đang phối hợp với các sở, ngành có liên quan để thành lập và đưa Sàn giao dịch công nghệ Hà Nội vào hoạt động.

tm-img-alt

Công nhân vận hành hệ thống máy công nghệ của Đức tại Nhà máy Nước mặt sông Đuống.

Cần bổ sung cơ chế, chính sách

Theo đánh giá, hoạt động chuyển giao công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam nói chung vẫn chưa đạt hiệu quả như kỳ vọng. Hoạt động chuyển giao công nghệ chủ yếu thông qua các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), hợp đồng nhập khẩu dây chuyền thiết bị công nghệ giữa các doanh nghiệp trong nước và nhà cung cấp nước ngoài. Mặt khác, phần lớn doanh nghiệp ở Việt Nam hiện nay là doanh nghiệp nhỏ và vừa nên thiếu vốn và nguồn lực để đầu tư vào dây chuyền sản xuất hiện đại; công tác lựa chọn công nghệ còn yếu kém...

Ông Nguyễn Kim Sơn, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Công nghệ James Boat, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực cung cấp sản phẩm công nghệ cao và vật liệu mới PPC Rochling của Đức và đã cung cấp một số tàu tuần tra cho cảnh sát biển cho biết, mặc dù đã được các cơ quan chức năng quan tâm hỗ trợ doanh nghiệp về đất đai, thuế, chính sách cho vay, bảo lãnh; tư vấn doanh nghiệp tìm kiếm thông tin công nghệ thông qua các chương trình khoa học - công nghệ cấp thành phố và cấp quốc gia, song các doanh nghiệp nhập khẩu công nghệ vẫn gặp một số khó khăn, nhất là những phiền phức về quy định kiểm tra chuyên ngành, thủ tục hành chính khi nhập khẩu công nghệ trong lĩnh vực ưu tiên…

Để đẩy mạnh triển khai thực hiện Kế hoạch số 222/KH-UBND, theo Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội Nguyễn Hồng Sơn, Hà Nội cần đề xuất Chính phủ bổ sung các chính sách đặc thù để thu hút các dự án công nghệ tiên tiến trong hoàn cảnh giá thành mặt bằng cao như: Hỗ trợ bù giá tiền giải phóng mặt bằng đối với các doanh nghiệp kinh doanh hạ tầng; hỗ trợ kinh phí đào tạo nghề đối với các dự án công nghệ cao; nghiên cứu miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp đối với doanh nghiệp sử dụng công nghệ cao, sử dụng nhiều lao động kỹ thuật cao, vốn đầu tư lớn...

Hà Nội cũng sẽ quan tâm chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ phê duyệt quy hoạch chi tiết một số khu công nghiệp đang triển khai để sớm tạo quỹ đất sạch thu hút nhà đầu tư thứ phát, trong đó có dự án khu công nghệ cao sinh học Hà Nội. “Sẽ có các cơ chế, chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động chuyển giao, làm chủ và phát triển công nghệ từ nước ngoài vào Hà Nội trong lĩnh vực xây dựng; đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng công nghệ trong ngành xây dựng như công nghệ xử lý nước thải, thoát nước, trồng và chăm sóc cây xanh, thu gom và xử lý rác thải... để đề nghị bổ sung vào danh mục định hướng ưu tiên chuyển giao, làm chủ và phát triển công nghệ từ nước ngoài trên địa bàn Hà Nội”, ông Nguyễn Hồng Sơn thông tin thêm.

Xem Thêm

Hà Giang: Hội thảo quản lý sử dụng, giải pháp nhân rộng 2 mô hình KHCN tiêu biểu
Ngày 04/4/2024, tại Hà Giang, Liên hiệp các Hội KH&KT tỉnh Hà Giang phối hợp với Viện Dân số, Sức khỏe và Phát triển (PHAD) - Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học “Đánh giá công tác quản lý, sử dụng mô hình nhà tiêu sinh học (NTSH) không dùng nước; hệ thống cấp nước sạch và nước uống trực tiếp (mô hình nước uống học đường - NUHĐ).

Tin mới