Cần quản lý hợp lý và khoa học
Với vai trò quản lý Nhà nước (Riêng về mặt tài chính), có cơ quan nghiên cứu riêng. Việc Nhà nước cần làm được lúc này là đặt ra những quy chế giúp các Hội xây dựng được quỹ và quản lý quỹ có hiệu quả. Quỹ chưa có hoặc còn quá nghèo thì lo gì kiểm tra quỹ, vừa gây phiền hà lại vừa tốn công cho cơ quan Nhà nước. Việc quản lý tài chính Nhà nước với Hội nên cụ thể ở một số điểm sau:
1. Khi nhà nước đã không cấp kinh phí cho các hội thì vấn đề là nên để cho các Hội tự chủ sử dụng quỹ mà các Hội có được bằng việc làm minh bạch vì lợi ích của xã hội. Trên thực tế thì quỹ của các Hội, các tổ chức dân lập là rất bé, chỉ đủ chi phí hành chính, trả lương cho người làm việc. Với nhiều hội hiện nay, vấn đề lo nhất là làm sao có đủ kinh phí để hoạt động. Thực tế đang còn rất nhiều Hội không đủ kinh phí để hoạt động, thậm chí không đủ tiền thuê trụ sở, mua sắm thiết bị văn phòng. Riêng Viện Kinh tế sinh thái chúng tôi cũng chỉ có 30 đến 40 ngàn USD tài trợ mỗi năm để xây dựng 3 làng sinh thái, mỗi làng 10.000 USD, trong đó chi cho văn phòng, chuyên gia, lương và phụ cấp khoảng 1/3, chỉ còn 2/3 cho dân.
2. Hội là tổ chức làm việc xã hội, không kinh doanh. Vả lại có muốn kinh doanh thì cũng không lấy vốn đâu mà kinh doanh. Lấy viện Kinh tế sinh thái chúng tôi mà xem xét vấn đề thì thấy, nguồn thu của Viện là tiền tài trợ để xây dựng các dự án giúp bà con sống trong các khu vực có hệ sinh thái kém bền vững. Dự án viết để được duyệt và cấp kinh phí đều phải dựa theo mẫu của cơ quan tài trợ, trong đó đã ghi rõ các khoản chi tiêu theo tiêu chuẩn quốc tế, hết sức chặt chẽ, minh bạch. Khi sử dụng nguồn kinh phí trên cũng đã có quyết toán rõ ràng. Như vậy không hiểu Nhà nước có cần kiểm tra không. Theo tôi, thật là phiền hà khi tổ chức tài trợ đã làm việc này rồi và cơ quan nhà nước lại làm.
3. Nếu có chăng việc quản lý, giám sát về mặt tài chính của Nhà nước với các Hội thì nên phân biệt ra 2 nhóm Hội với những chức năng hoạt động khác nhau: Hội hoạt động văn hoá, xã hội, khoa học và Hội làm kinh tế, kinh doanh.
Hội văn hoá, xã hội, khoa học thì không có vốn mà chỉ có sức và trí tuệ. Các Hội này gặp khó khăn về vốn, tìm được vốn đã khó, có đủ vốn để hoạt động lại càng không dễ. Đối với các Hội này thì Nhà nước nên xét để hỗ trợ kinh phí (Nếu thấy thực sự cần thiết) và nếu cần kiểm tra thì chỉ kiểm tra nguồn vốn Nhà nước cấp. Còn với các Hội Kinh tế thì số vốn các thành viên góp để kinh doanh có khác số vốn Nhà nước cấp cho các doanh nghiệp Nhà nước, cho nên chế độ kiểm tra cũng phải khác. Tất nhiên ngay cả với những tổ chức này cũng phải thấy rõ ràng rằng ngay cả việc hoạt động kinh doanh cũng chỉ là một chức năng phụ để phần nào tăng thêm nguồn thu để phục vụ cho các mục đích chuyên môn khác mà thôi. Chính vì vậy mà để đề phòng có Hội sử dụng vốn không minh bạch, có tham ô, bỏ túi riêng hoặc hoạt động kém hiệu quả, thì vai trò quản lý của Nhà nước cũng chỉ nên ở mức độ giúp các Hội này làm ăn minh bạch và có hiệu quả hơn mà thôi.
Để hoạt động của các tổ chức Hội thực sự trở nên phong phú và thiết thực, thực sự khuyến khích động viên các tổ chức phi chính phủ để huy động vốn và tri thức để góp vào sự nghiệp Công nghiệp hoá và Hiện đại hoá đất nước, cơ chế của Nhà nước trong mọi lĩnh vực, đặc biệt là lĩnh vực tài chính, cần phải có sự hợp lý và khoa học.
Nguồn: Văn nghệ trẻ, số 47 (469), ngày 20-11-2005