Cách mạng Tháng Tám 1945, bài học lớn về đại đoàn kết toàn dân tộc
Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám 1945 của Việt Nam không chỉ mở ra một kỷ nguyên mới cho Việt Nam, mà còn là thắng lợi của cách mạng giành chính quyền chỉ diễn ra trong thời gian ngắn nhất, tổn thất nhỏ nhất, nhưng thành công lớn nhất, triệt để nhất trong lịch sử nhân loại. Điều này cho đến nay lịch sử nhân loại chưa một lần lặp lại và trong tương lai cũng khó đạt được.
Có được thành quả to lớn ấy, công đầu phải thuộc về sự nghiệp cách mạng của toàn thể nhân dân Việt Nam, nhưng vai trò của Hồ Chủ tịch là không thể phủ nhận. Để có được thắng lợi vĩ đại ấy, Hồ Chủ tịch đã phải bôn ba năm châu bốn biển, đúc kết kinh nghiệm của cách mạng Việt Nam và cách mạng thế giới, lựa chọn con đường cách mạng vô sản duy nhất đúng cho dân tộc Việt Nam, sáng lập ra Đảng Cộng sản Việt Nam vào năm 1930; Sáng lập ra Mặt trận dân tộc thống nhất; Đảng Cộng sản Việt Nam do Người trực tiếp rèn luyện đã lãnh đạo dân tộc thông qua mặt trận thực hiện hai cuộc Tổng diễn tập 1930-1931 và 1936-1939 khắc phục khuynh hướng tả khuynh trong Đảng Cộng sản Việt Nam và phong trào cộng sản quốc tế thời ấy; Hồ Chủ tịch cũng đã trực tiếp lãnh đạo cuộc Diễn tập giành chính quyền ở Cao-Bắc-Lạng (1943-1944) mà dự đoán thiên tài “Đồng minh thắng, phát xít thua, Việt Nam nhất định độc lập”[1]. Người đã nắm chắc thời cơ và khi thời cơ chín muồi cũng chính Người đã “chớp lấy” kịp thời nhất cùng toàn thể dân tộc đưa cách mạng Việt Nam đến thắng lợi vĩ đại “Cách mạng Tháng Tám 1945”.
Cách mạng tháng Tám 1945 đã tạo nên bài học kinh nghiệm cực kỳ quý báu về đại đoàn kết toàn dân tộc.Đoàn kết là một truyền thống quý báu trong lịch sử dựng nước và giữ nước hàng nghìn năm của dân tộc ta. Đoàn kết cũng đã trở thành một giá trị tiêu biểu trong nền văn hoá chính trị Việt Nam hiện đại.
Tuy vậy, đoàn kết không phải là điều hiển nhiên, cho dù đã trở thành một quy luật phát triển của lịch sử Việt Nam. Nguyên nhân sâu xa gây trở ngại lớn cho sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc là trong lòng một dân tộc Việt Nam thống nhất đã bao gồm đa sắc tộc, với không ít các sắc tộc xuyên biên giới, luôn hàm chứa những nguy cơ phân biệt, chia rẽ, mất đoàn kết; Bản sắc văn hoá Việt Nam đa dạng, phong phú, đa tín ngưỡng, đa tôn giáo cũng có nghĩa là những khác biệt về văn hoá, tín ngưỡng, tôn giáo giữa các sắc tộc và giữa các vùng miền rất phức tạp khó thực hiện đoàn kết; Những khác biệt về sắc tộc, tôn giáo và văn hoá ấy đã kết hợp với những mâu thuẫn xã hội giữa các giai cấp, các nhóm người khác nhau tạo nên tình trạng xung đột, thậm chí là những cuộc nội chiến kéo dài trong những hoàn cảnh lịch sử nhất định; Từ giữa thế kỷ XIX nước ta bị thực dân Pháp xâm lược, với chính sách dùng người Việt trị người Việt thì khối đại đoàn kết dân tộc đã bị xói mòn nghiêm trọng; Thậm chí, từ giữa năm 1929 đến đầu năm 1930 đã xuất hiện ở Việt Nam ba tổ chức cộng sản cùng tích cực vận động quần chúng công – nông đoàn kết nhưng lại công kích lẫn nhau, sự mất đoàn kết ấy đã cản đường phát triển của phong trào yêu nước và cách mạng Việt Nam.
Thực tế lịch sử ấy đã chỉ ra rằng để đạt được sự đoàn kết dân tộc và thống nhất đất nước là không dễ. Nhưng từ thần thoại Thánh Gióng đến Hai bà Trưng, Bà Triệu, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi,.. đã tạo nên cho dân tộc Việt Nam quy luật phát triển: chỉ khi nào khối đại đoàn kết dân tộc được củng cố vững chắc thì nội lực dân tộc mới có cơ hội phát huy tốt, đất nước mới trở nên thái bình, thịnh trị, dân chúng yên vui, hạnh phúc. Tổng kết kinh nghiệm lịch sử dân tộc ấy, từ năm 1942, trong “Lịch sử nước ta” Hồ Chủ tịch đã dạy rằng: “ Dân ta phải biết sử ta. Sử ta dạy cho ta bài học khi nào dân ta đoàn kết thì độc lập nước ta được giữ vững, khi nào dân ta không đoàn kết thì độc lập nước ta có nguy cơ bị xâm phạm ”[2].
Từ rất sớm các lãnh tụ của phong trào yêu nước Việt Nam đã sớm nhận ra quy luật ấy để tự mình giải phóng khỏi ách đô hộ của thực dân Pháp. Chính vì thế, các lãnh tụ yêu nước Việt Nam đã không ngừng kêu gọi lòng “ái quốc” và sự “đồng tâm” của mọi mọi hạng người, của toàn dân tộc. Lời kêu gọi “đồng tâm” thống thiết của Phan Bội Châu và các lãnh tụ yêu nước hồi đó đã góp phần thức tỉnh ý thức dân tộc và lòng yêu nước của nhiều lớp người Việt Nam từ đầu thế kỷ XX. Song, do thiếu cơ sở lý luận, thiếu những phương tiện, biện pháp cụ thể nên khối đại đoàn kết dân tộc đã không thể trở thành hiện thực được. Đó là một trong những nguyên nhân căn bản nhất dẫn tới sự thất bại của tất cả các phong trào yêu nước Việt Nam từ giữa cuối thế kỷ IX cho tới trước khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời.
Sau nhiều năm bôn ba tìm đường cứu nước, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã tìm đến với chủ nghĩa Mác-Lênin, học thuyết cách mạng tiên tiến nhất của thời đại. Năm 1924, Người từ Liên Xô về Quảng Châu (Trung Quốc), lập ra Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, quy tụ những thanh niên - trí thức yêu nước ưu tú, mở nhiều lớp huấn luyện để đào tạo họ thành một lớp cán bộ tài năng, chuẩn bị cho sự nghiệp Dựng Đảng - Cứu nước vĩ đại. Ngay từ những bài học đầu tiên, Người đã chỉ ra, rằng: “ Cách mệnh là việc chung cả dân chúng chứ không phải việc một hai người ”[3]. “ Cách mệnh An Nam với cách mệnh Pháp phải liên lạc với nhau... Công nông là người chủ cách mệnh”[4]. “Trước hết phải có đảng cách mệnh, để trong thì vận động và tổ chức dân chúng, ngoài thì liên lạc với các dân tộc bị áp bức và vô sản giai cấp mọi nơi”[5]. “Cách mệnh An Nam cũng là một bộ phận trong cách mệnh thế giới. Ai làm cách mệnh trong thé giới đều là đồng chí của dân An Nam cả”[6].
Khi lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đứng ra thống nhất các tổ chức cộng sản sáng lập ra Đảng Cộng sản Việt Nam vào ngày 3/2/1930, điểm thứ nhất trong “Năm điểm lớn” được Người đưa ra coi như nguyên tắc để gạt bỏ các bất đồng trước đó và đi tới thống nhất phong trào cộng sản Việt Nam là: “ Bỏ mọi thành kiến xung đột cũ, thành thật hợp tác để thống nhất các nhóm cộng sản Đông Dương ”[7]
Sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam với đường lối chiến lược và sách lược đúng đắn là một bước ngoặt quan trọng của cách mạng Việt Nam, tạo ra nhân tố hạt nhân quy tụ sức mạnh đoàn kết dân tộc, kết hợp chặt chẽ sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại. Đây là tiền đề quan trọng nhất cho những bước phát triển tiếp theo và cho thắng lợi hoàn toàn của cuộc đấu tranh giải phóng và cho cuộc hồi sinh của dân tộc.
Cao trào Xô viết Nghệ – Tĩnh ngay từ đầu đã liên minh cách mạng công - nông, tạo nên yếu tố hạt nhân và nền tảng của khối đại đoàn kết dân tộc. Cao trào 1936 - 1939, với điều kiện trong nước và thế giới có nhiều biến đổi quan trọng, Đảng đã kịp thời chuyển hướng chỉ đạo chiến lược, đổi mới mạnh mẽ công tác vận động và tổ chức quần chúng. Đây là thời kỳ này khối đoàn kết dân tộc được mở rộng và củng cố thêm một bước, lần đầu tiên Đảng Cộng sản Đông Dương đã chủ động bắt tay liên minh với một số tổ chức yêu nước, tiến bộ khác. Mặc dù từ tháng 10/1930 cho đến 1939 khối đại đoàn kết còn nặng về giai cấp và mặt trận chưa thực sự có hiệu quả.
Với sự trở về của lãnh tụ Nguyễn ái Quốc, Hội nghị BCH Trung ương lần thứ VIII của Đảng họp vào từ ngày 10 đến 19/5/1941 đã hoàn chỉnh chủ trương chuyển hướng chiến lược cách mạng của Đảng, mở ra con đường đi tới thắng lợi của cuộc đấu tranh yêu nước, giải phóng dân tộc của nhân dân ta. Hội nghị khẳng định: “C uộc cách mạng Đông Dương trong giai đoạn hiện tại là một cuộc cách mạng dân tộc giải phóng ”; do vậy: “ Trong lúc này quyền lợi của bộ phận của giai cấp phải đặt dưới sự sinh tử, tồn vong của quốc gia, của dân tộc ”[8]. Trong “Kính cáo đồng bào” 1941 Người viết “Trong lúc này quyền lợi dân tộc giải phóng cao hơn hết thày. Chúng ta phải đoàn kết lại đánh đổ bọn đế quốc và bọn Việt gian đặng cứu giống nòi ra khỏi nước sôi lửa bỏng”[9].
Hội nghị Trung ương VIII của Đảng và sự ra đời của Mặt trận Việt Minh đánh dấu một bước ngoặt trong đường lối lãnh đạo cách mạng hướng tới việc mở rộng và củng cố khối đại đoàn kết dân tộc, quy tụ và phát huy cao độ nội lực dân tộc cho một cuộc hồi sinh vĩ đại. Kể từ đây chủ trương đoàn kết dân tộc của Đảng được đặt trên cơ sở của chính chủ nghĩa yêu nước Việt Nam. Chủ trương này được thực hiện nhất quán trong công tác vận động quần chúng của Đảng. Các biểu tượng như “con Rồng cháu Tiên”, Hùng Vương, Hai Bà Trưng, Trần Hưng Đạo, Hoàng Hoa Thám, Lam Sơn, Bạch Đằng,... đã được tôn vinh để cổ vũ tinh thần yêu nước và ý thức đoàn kết dân tộc. Với sự ra đời của mặt trận Việt Minh, lần đầu tiên mặt trận dân tộc thống nhất đã trở thành hiện thực và phát huy vai trò mạnh mẽ. Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương, đặc biệt là sự lãnh đạo và trực tiếp chỉ đạo tỉ mỉ của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Mặt trận Việt Minh không chỉ làm cho khối đại đoàn kết dân tộc được mở rộng, củng cố không ngừng “ Đồng tình, đồng sức, đồng lòng, đồng minh”[10], mà còn là phương tiện nâng lực lượng của khối đại đoàn kết ấy lên gấp bội thông qua việc biến khối đại đoàn kết ấy thành một tổ chức có sức chiến đấu cao.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, thông qua Việt Minh, dân tộc ta không những đã đoàn kết lại mà lần đầu tiên đoàn kết có hiệu quả cao nhất. Chính vì vậy, tất cả những quyết định của Đảng, của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Việt Minh[11]đều đã được tuyệt đại đa số quần chúng nhân dân mọi tầng lớp ủng hộ, kể cả các lực lượng vốn đứng ngoài Mặt trận Việt Minh. Kết quả là chỉ khoảng hai tuần, được đồng bào cả nước đồng lòng, đồng sức Cách mạng tháng Tám 1945 đã thắng lợi hoàn toàn trong cả nước.
66 năm trôi qua, Cách mạng tháng Tám vẫn là một sự kiện diệu kỳ trong lịch sử dân tộc Việt Nam và nhân loại. Đã có nhiều những kiến giải khác nhau ở trong nước và trên thế giới về sự kỳ diệu của cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền tháng 8/1945 của Việt Nam. Ở đó có một sự thực thống nhất, lịch sử không thể phủ nhận với sự ra đời của Mặt trận Việt Minh, ngọn cờ dân tộc được Đảng ta giương cao hơn bao giờ hết và trong suốt hơn 4 năm Mặt trận Việt Minh đã thực sự trở thành nhân tố trung tâm quy tụ sức mạnh của nhiều lực lượng và cá nhân yêu nước tiến bộ. Khối đại đoàn kết toàn dân đã không những được khôi phục, được củng cố mà còn được nâng lên tầm cao mới, kết hợp với sức mạnh của các lực lượng tiến bộ trên thế giới, tạo ra xung lực hồi sinh mạnh mẽ để bùng phát kịp thời, khi thời cơ đến. Và ở đó, dân tộc Việt Nam, nhân loại tiến bộ yêu chuộng hòa bình lại càng vô cùng yêu quý, khâm phục, tôn vinh thiên tài lãnh đạo và tổ chức thực hiện cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại.
Cách mạng tháng Tám 1945 là cuộc hồi sinh của một dân tộc đại đoàn kết. Cách mạng tháng Tám 1945 là biểu trưng, là kết quả của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, là hội tụ của các nguồn xung lực mạnh mẽ của toàn dân tộc trong thời khắc bước ngoặt lịch sử dưới ngọn cờ chói lọi tinh thần yêu nước của Mặt trận Việt Minh do Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo. Kỷ niệm 66 năm ngày Cách mạng tháng Tám thắng lợi, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, toàn dân tộc Việt Nam càng cần phải nổ lực học tập, nghiên cứu, thấm nhuần và thực hiện đường lối đại đoàn kết của Chủ tịch Hồ Chí Minh nhiều hơn nữa, tốt hơn nữa, cao hơn nữa[12] nhằm thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới vì một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh và vì mục tiêu chủ nghĩa xã hội.
[1]Xem Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb CTQG, Hà Nội 2000, tập 3, trang 211-212.
[2]Xem Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb CTQG, Hà Nội 2000, tập 3, trang 221-229.
[3]Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb CTQG, Hà Nội 2000, tập 2, trang 261-262.
[4]Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb CTQG, Hà Nội 2000, tập 2, trang 266.
[5]Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb CTQG, Hà Nội 2000, tập 2, trang 267-268.
[6]Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb CTQG, Hà Nội 2000, tập 2, trang 301.
[7]Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb CTQG, Hà Nội 2000, tập 3, trang 561
[8]Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb CTQG, Hà Nội, 2000, tập 7.
[9]Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb CTQG, Hà Nội 2000, tập 3, trang 198.
[10]Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb CTQG, Hà Nội 2000, tập 3, trang 206, 229.
[11]Các quyết định ấy là: Ngay từ ngày 13/8/1945 có tin Nhật Hoàng đã chấp nhận đầu hàng Đồng Minh lệnh Tổng khởi nghĩa được phát ra; Ngày 16/8, theo chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Quốc dân Đại hội chính thức khai mạc, thông qua lệnh tổng khởi nghĩa của Mặt trận Việt Minh; Lúc này ở Hà Nội, Sài Gòn và nhiều tỉnh khác, cán bộ Đảng và Việt Minh chưa thể nhận được lệnh khởi nghĩa, nhưng căn cứ vào các chỉ thị trước đó của Đảng, trên cơ sở phân tích cụ thể tình hình địa phương, tuyệt đại đa số cán bộ Đảng và Việt Minh cơ sở đã mau chóng tự quyết định khởi nghĩa giành chính quyền, không bỏ lỡ thời cơ;..
[12]Những nội dung cơ bản của đường lối đại đoàn kết của Chủ tịch Hồ Chí Minh là: (Đoàn kết toàn dân tộc là vấn đề có ý nghĩa chiến lược quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam; Đoàn kết toàn dân tộc là một mục tiêu, nhiệm vụ hàng đầu của cách mạng Việt Nam; Đoàn kết toàn dân tộc là đoàn kết rộng rãi toàn dân trên cơ sở nền tảng liên minh công-nông; Đoàn kết toàn dân tộc phải biến thành sức mạnh vật chất có tổ chức là mặt trận Dân tộc thống nhất đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam; Kết hợp nhuần nhuyễn các vấn đề dân tộc với giai cấp, độc lập dân tộc với chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa yêu nước truyền thống với chủ nghĩa quốc tế vô sản trong sáng vừa giành độc lập cho dân tộc mình vừa giữ độc lập cho dân tộc bạn; Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết/ Thành công, thành công, đại thành công.