Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam
Thứ sáu, 28/07/2006 00:34 (GMT+7)

Các phương tiện ngôn ngữ đồng sở chỉ với vai trò thể hiện thái độ của tác giả với nhân vật trong Truyện Kiều

Ở tuyến nhân vật chính diện, Nguyễn Du đã xây dựng nên những con người lí tưởng với nhiều phẩm chất tốt đẹp. Dưới con mắt của ông, họ hiện lên với tất cả vẻ đẹp về hình thức lẫn tâm hồn. Và đối với họ, thái độ của ông hầu như bao giờ cũng là sự ngợi ca.

Có thể nói, Thuý Kiều là nhân vật mà Nguyễn Du đã dành tâm lực nhất. Ông muốn xây dựng nên hình ảnh một người phụ nữ tài sắc vẹn toàn song lại bị cuộc đời xô đẩy, phải chịu nhiều đắng cay tủi cực. Vì lẽ đó, Nguyễn Du luôn luôn dành sự yêu mến của mình cho nhân vật này. Có thể nhận rõ điều này qua cách tác giả dùng từ ngữ để chỉ nhân vật. Chẳng hạn:

(1) Người quốc sắc, kẻ thiên tài

Tình trong như đã, mặt ngoài còn e.

Hay:

(2) Trai anh hùng, gái thuyền quyên,

Phỉ thuyền sánh phượng, đẹp duyên cười rồng.

Người quốc sắclà người có “sắc đẹp nhất nước” [6, 23]. Còn gái thuyền quyêntức là “người con gái xinh đẹp” [1, 184]. Gọi Thuý Kiều bằng những từ ngữ này chính là Nguyễn Du đã gián tiếp ca ngợi vẻ đẹp cũng như muốn bày tỏ thái độ trân trọng, yêu mến của mình đối với nàng.

Ngay từ đầu tác phẩm, Thuý Kiều đã được tác giả miêu tả với sắc đẹp nghiêng nước nghiêng thành, “hoa ghen thua thắm, liễu hờn kém xanh”. Và dường như, muốn khẳng định hơn nữa vẻ đẹp của Thuý Kiều cho nên Nguyễn Du còn dùng rất nhiều hình ảnh tượng trưng để gọi tên nhân vật này. Trong Truyện Kiều, Nguyễn Du đã không ngần ngại sử dụng những hình ảnh ẩn dụ quen thuộc trong kho tàng văn học nói chung để tượng trưng cho vẻ đẹp ngoại hình của nhân vật. Chẳng hạn:

(3) Trướng tô giáp mặt hoa đào,

Vẻ nào chẳng mặn, nét nào chẳng ưa.

Hay:

(4) Tiếng sen sẽ động giấc hoè,

Bóng trăng đã xế hoa lêlại gần.

Người xưa vẫn thường ví vẻ đẹp của người phụ nữ như bông hoa. Ở đây, Nguyễn Du đã sử dụng hình ảnh tượng trưng quen thuộc ấy để miêu tả vẻ đẹp của Thuý Kiều, ví nàng như hoa lê, hoa đào.

Một ví dụ khác:

(5) Bóng ngathấp thoáng dưới mành

Trông nàng, chàng cũng ra tình đeo đai.

Mặt trăng cũng vốn là hình ảnh quen thuộc thường được dùng để miêu tả vẻ đẹp của người phụ nữ. Nguyễn Du cũng đã sử dụng hình ảnh này khi nói về vẻ đẹp của Thuý Kiều. Nhìn chung, việc tác giả sử dụng các hình ảnh tượng trưng không nằm ngoài mục đích muốn ca ngợi vẻ đẹp cũng như bày tỏ thái độ trân trọng, yêu mến của mình đối với người con gái tài sắc này.

Tình cảm yêu mến của Nguyễn Du không chỉ danh cho nhân vật Thuý Kiều mà còn dành cho những nhân vật trữ tình khác như Kim Trọng, Từ Hải.

Với Kim Trọng, ngay từ đầu tác phẩm, Nguyễn Du đã giới thiệu cho chúng ta thấy hình ảnh một chàng công tử hào hoa phong nhã. Dưới con mắt Nguyễn Du, Kim Trọng hiện lên thật tương xứng với Thuỳ Kiều.

Dẫn lại ví dụ (1):

Người quốc sắc, kẻ thiên tài

Tình trong như đã, mặt ngoài còn e.

Nếu như Thuý Kiều là người “đẹp nhất nước” thì Kim Trọng lại là “người tài do trời sinh” [1,457]. Chính vì thế, cả hai con người này đã tạo thành một cặp tình nhân lí tưởng trong con mắt Nguyễn Du và trong con mắt người đọc.

Xây dựng nhân vật Từ Hải, Nguyễn Du muốn gửi gắm vào con người ngày sứ mệnh cao cả là giải phóng Kiều. Con người tài sắc như Kiều sinh ra vốn để được yêu thương, nhưng rồi nàng chỉ toàn gặp bất hạnh. Giữa lúc Kiều đang đau đớn khi bị đẩy vào lầu xanh lần thứ hai thì Từ Hải xuất hiện, đón lấy Kiều, đưa Kiều thoát ra khỏi vũng bùn nhơ nhuốc ấy. Từ Hải đã làm được cái việc mà không phải ai cũng có thể làm được. Chính vì thế, đối với Từ Hải, thái độ của Nguyễn Du cũng luôn luôn là sự ngợi ca và trân trọng.

Kim Trọng và Từ Hải đều là hai người tình tuyệt vời của Thuý Kiều. Nếu như Kim Trọng hiện lên với vẻ đẹp của một chàng công tử hào hoa phong nhã thì Từ Hải lại hiện lên với khí phách của người anh hùng. Nguyễn Du đã dùng nhiều mĩ từ khác nhau để gọi tên nhân vật Từ Hải nhằm thể hiện phẩm chất của nhân vật này:

(6) Đường đường một đấng anh hào

Côn quyền hơn sức, lược thao gồm tài.

Ngay từ khi mới xuất hiện, Nguyễn Du đã muốn nhấn mạnh đến phẩm chất anh hùng của Từ Hải, muốn thể hiện thái độ yêu mến cảm tình và có phần đề cao của mình với nhân vật này, Nguyễn Du đã dành từ trượng phucho Từ Hải:

Hay: (7) Nửa năm hương lửa đang nồng

Trượng phuthoắt đã động lòng bốn phương.

Trượng phulà từ dùng để chỉ “người đàn ông tài giỏi, có chí lớn” [6,163]. Gọi Từ Hải bằng cách gọi này, rõ ràng Nguyễn Du muốn đề cao sức mạnh của chàng.

Như trên đã nói, trong tác phẩm của mình, Nguyễn Du đã dùng nhiều những hình ảnh tượng trưng để gọi tên nhân vật. Giá trị của những hình ảnh này không chỉ đơn thuần nhằm mục đích ca ngợi vẻ đẹp hình thức của nhân vật mà cao hơn, Nguyễn Du còn muốn gửi gắm vào đó một thái độ cảm thông sâu sắc đối với những nỗi bất hạnh của con người trong xã hội cũ mà đại diện là nhân vật Thuý Kiều. Chẳng hạn:

(8) Tiếc thay một đoá trà mi,

Con ong đã tỏ đường đi, lối về.

Gọi Thuý Kiều, là đoá trà mi, rõ ràng Nguyễn Du không chỉ ca ngợi vẻ đẹp của Thuý Kiều mà còn muốn bày tỏ tâm trạng xót xa của mình trước thân phận một người con gái đẹp nhưng lại phải chung chạ với một kẻ ma cô “phong tình” như Mã Giám Sinh.

Đã có lúc Nguyễn Du gọi Thuý Kiều là sắn bìm:

(9) Sắn bìmchút phận con con,

Khuôn duyên biết có vuông tròn cho chăng?

Gọi Thuý Kiều là sắn bìm, rõ ràng Nguyễn Du không phải là nhằm coi thường nàng mà hình như ông xót xa, lo lắngkhi đang cảm nhận thấy một cái gì đó bấp bênh trong cuộc sống của Thuý Kiều, bởi nàng đang phải sống nhờ như một loại dây leo.

Hoặc:

(10) Xót thay đào límột cành,

Một phen mưa gió tan tành một phen!

Quả nhiên, Thuý Kiều sớm bị rơi vào tay mẹ con nhà Hoạn Thư. Trước cảnh đó, Nguyễn Du đã không khỏi xót xa khi Kiều bị rơi vào hết sự đày đoạ này đến sự đày đoạ khác. Gọi Thuý Kiều là đào límột cành, Nguyễn Du còn muốn nhấn mạnh đến sự lẻ loi đơn chiếc của nàng khi nàng một mình phải đối mặt với những bất hạnh.

Nếu như Nguyễn Du luôn dành những tình cảm yêu mến, ngợi ca và sự đồng cảm sâu sắc đối với những con người tài sắc nhưng gặp nhiều bất hạnh thì với những kẻ đại diện cho tầng lớp thống trị, thái độ của Nguyễn Du lại là sự lên án và tố cáo. Điều này thể hiện rõ nết trong cách tác giả gọi tên những nhân vật này. Chẳng hạn:

(11) Vài tuần chưa cạn chén khuyên

Mái ngoài nghỉđã giục liền ruổi xe.

Nghỉtức nó, hắn. Cách gọi này đã cho thấy thái độ khinh bỉ của tác giả đối với Mã Giám Sinh. Mã Giám Sinh là tay sai đắc lực của Tú bà, đảm nhận phần “đi dạo lấy người”. Khi thấy Mã Giám Sinh mua Kiều, Nguyễn Du một mình thương xót Thuý Kiều, mặt khác ông đã không ngần ngại tỏ thái độ bất bình khi thẳng thừng gọi Mã Giám Sinh là thuyền lái buôn:

(12) Xót nàng chút phận thuyền quyên.

Cành hoađem bán vào thuyền lái buôn.

Đối với Tú bà, Nguyễn Du cũng bày tỏ rõ một thái độ khinh ghét, thiếu thiện cảm. Hầu như tất cả các trường hợp phải nói đến nhân vật này, Nguyễn Du đều dùng từ mụ:

(13) Mụrằng: “Ai cũng như ai

Người ta ai mất tiền hoài đến đây”.

(14) Mụcàng kể nhặt, kể khoan,

Gại gùng đến mức nồng nàn mới tha.

Mụlà cách gọi người đàn bà có tuổi, hàm ý coi khinh.[9,626]. Có thể nói, Tú bà là một trùm lưu manh và gian ác. Chính vì thế, đây là cách gọi hoàn toàn phù hợp với hình dáng và bản chất của mụ và ở đây, ta thấy thái độ của tác giả cũng được thể hiện nay trong ý nghĩa của cách gọi này.

Sở Khanh dưới con mắt Nguyễn Du cũng là một nhân vật tồi tệ, đáng khinh bỉ, căm ghét. Nguyễn Du đã không ngần ngại dùng từ mặt mo để gọi nhân vật này:

(15) Còn đương suy trước nghĩ sau,

Mặt mođã thấy ở đâu dẫn vào.

Mặt motức là “mặt trơ như cái mo, không biết xấu hổ” [1,288]. Ở đây ta thấy, chỉ thông qua từ mặt mo, Nguyễn Du không những đã khắc hoạ được bản chất xấu xa, giả dối của Sở Khanh mà còn bộc lộ rõ sự khinh bỉ của mình đối với con người này. Và khi Sở Khanh bị Thuý Kiều vạch mặt, Nguyễn Du đã một lần nữa bộc lộ thái độ khinh bỉ của mình:

(16) Phụ tình án đã rõ ràng

Dơ tuồng, nghỉ mới kiếm đường tháo lui.

Gọi Sở Khanh là nghỉ,thái độ mà Nguyễn Du bộc lộ ở đây giống như thái độ mà ông đã bộc lộ với Mã Giám Sinh.

Tóm lại, trong tác phẩm Truyện Kiều, Nguyễn Du đã thể hiện rất rõ những tình cảm, thái độ của mình đối với từng nhân vật trong tác phẩm. Với những nhân vật chính diện như Thuý Kiều, Kim Trọng, Từ Hải, Nguyễn Du dành cho họ những tình cảm yêu thương, quý trọng, thậm chí đề cao. Còn đối với những nhân vật phản diện như Tú bà, Mã Giám Sinh, Sở Khanh v.v…Nguyễn Du lại thể hiện thái độ khinh miệt, căm ghét. Tất cả những thái độ này của Nguyễn Du được bộc lộ qua việc sử dụng những từ ngữ đồng sở chỉ để gọi nhân vật của ông.

_____________

Tài liệu tham khảo

1. Đào Duy Anh - Từ điển Truyện Kiều, NXB KHXH HN, 1987.

2. Đỗ Hữu Châu - Đại cương ngôn ngữ học, tập 2, NXB GD HN, 2001.

3. Đỗ Hữu Châu - Cơ sở ngữ dụng học, tập 1, NXB ĐHSP HN, 2003.

4. Đỗ Hữu Châu - Từ vựng ngữ nghĩa tiếng Việt, NXB GD, 1999.

5. Trịnh Bá Đĩnh (tuyển chọn và giới thiệu) - Nguyễn Du về tác gia và tác phẩm, NXB GD, 1992.

6. Nguyễn Du - Truyện Kiều, NXB VN-TT HN, 1998.

7. Lê Bá Hán, Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi - Từ điển thuật ngữ văn học, NXB GD, 1992.

8. Cao Xuân Hạo - Câu trong tiếng Việt, quyển 1, NXB GD, 2003.

9. Đỗ Việt Hùng, Nguyễn Thị Ngân Hoa - Phân tích phong cách ngôn ngữ trong tác phẩm văn học, NXB ĐHSP, 2004.

10. Hoàng Phê (chủ biên) - Từ điển tiếng Việt, NXB Đà Nẵng - Trung tâm Từ điển học Hà Nội – Đà Nẵng, 1996.

Nguồn: Ngôn ngữ & Đời sống, số 3 (125), 2006

Xem Thêm

Phát huy vai trò, trách nhiệm của đội ngũ trí thức trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc
Ngày 25/6/2025, tại Tp. Huế, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Liên hiệp Hội Việt Nam) chủ trì, phối hợp với Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật thành phố Huế (Liên hiệp Hội TP. Huế) tổ chức Hội thảo “Phát huy vai trò, trách nhiệm của đội ngũ trí thức để góp phần tích cực cho sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc theo tinh thần Nghị quyết số 45-NQ/TW ngày 24/11/2023”.
An Giang: 8 giải pháp thực hiện đột phá phát triển khoa học công nghệ
Đến nay, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh (Liên hiệp hội tỉnh) đã tập hợp được 40 hội, tổ chức thành viên với 9.554 hội viên cá nhân, trong đó có hơn 3.451 hội viên trí thức. An Giang xác định và đề ra mục tiêu về đột phá phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số (KHCN, ĐMST, CĐS) đến năm 2030.
Thanh Hoá: Hội thảo KH về giải quyết tình trạng thiếu lao động ở nông thôn, lao động trực tiếp tham gia SX nông nghiệp
Sáng ngày 27/5/2025, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh (Liên hiệp hội) phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ, Viện Nông nghiêp tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Giải pháp giải quyết tình trạng thiếu lao động sản xuất ở khu vực nông thôn, lao động có kỹ thuật, tay nghề cao trực tiếp tham gia sản xuất nông nghiệp, nhất là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ”.
Bình Thuận: Đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất
Sáng ngày 27/5, tại thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề “Giải pháp đột phá trong ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ vào thực tiễn quản lý và sản xuất trên địa bàn tỉnh Bình Thuận”.

Tin mới

Cuộc thi sáng tác biểu trưng (logo) Đảng uỷ Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể Trung ương
Hướng tới chào mừng Đại hội Đảng bộ Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể Trung ương lần thứ I, nhiệm kỳ 2025-2030, Cuộc thi sáng tác biểu trưng (logo) Đảng uỷ Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể Trung ương và biểu trưng (logo) Đại hội đại biểu Đảng bộ Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể Trung ương lần thứ I, nhiệm kỳ 2025 – 2030 được chính thức khởi động từ ngày 18/7/2025.
Xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh, tập hợp, đoàn kết trí thức KH&CN phục vụ phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới
Kể từ khi Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Liên hiệp Hội Việt Nam) được thành lập ngày 26/03/1983, Đảng bộ Liên hiệp Hội Việt Nam đã trải qua 9 kỳ Đại hội, mỗi kỳ Đại hội đã thực sự trở thành những mốc son quan trọng, đánh dấu bước phát triển cả về tư duy chính trị lẫn phương thức hoạt động của toàn hệ thống.