Các nhà khoa học cần gì?
Xã hội nào, ở thời đại nào cũng cần các nhà khoa học để xây dựng xã hội, ở thời đại chúng ta, trong thời kỳ cần vượt qua muôn vàn khó khăn, để phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa thì tập hợp các nhà khoa học, đoàn kết một lòng, cống hiến thật nhiều, trọn đời cho đất nước là việc cấp bách! Hơn nữa, thời đại ngày nay là thời đại “kinh tế tri thức” thì sức mạnh của đội ngũ trí thức cũng là một động lực không thể thiếu.
Thế thì trí thức họ muốn điều gì? Theo tôi, những nhà khoa học chân chính, họ sống rất đơn giản, và nguyện vọng của họ cũng rất đơn giản.
Thứ nhất,các quyền tự chủ trong nghiên cứu khoa học. Sức sáng tạo và bản quyền chất xám, kết quả nghiên cứu của các đề tài, mặc dù đã có Nghị định 44, hay 115 liên Bộ nhưng giá trị thực thi vẫn còn chưa thực sự đi vào cuộc sống. Thông tư liên bộ là nới rộng cho quyền tự chủ của các nhà khoa học, nhưng về các tỉnh, thành, tùy theo điều kiện mà người ta lại cắt xén, thường chỉ còn 65 - 70% mà thôi… Trường hợp TS Trâm, nghiên cứu ra giống lúa mới, được hưởng 10 tỷ đồng… mới chỉ nghe trường hợp thứ nhất mà chưa có trường hợp thứ 2. Nhà nghiên cứu đến nay vẫn chịu o ép nhiều bề, vẫn phải tuân theo cơ chế “xin, cho”, vẫn phải giải trình hàng đống câu chất vấn của tài vụ, của Sở Kế hoạch Tài chính và phải đủ đức kiên nhẫn để vượt qua những rào cản! Các nhà khoa học đầu ngành, lại đều đã ở tuổi 60, họ rất ngại ngần khi phải dự buổi “bảo vệ tài chính” hay “giải trình kinh phí”. Trong thực tế, chúng ta đã và đang thấy, những đề án có giá trị khoa học cao nhưng không thực hiện nổi vì không thấy ai, không có một đơn vị nào sẵn lòng tài trợ cho họ nghiên cứu. Kết quả là, nhiều ý tưởng vàng đành phải chết lụi theo năm tháng. Nếu ai đó có đề tài phải đăng ký qua một quy trình lâu lắm, nhiêu khê lắm. Điều này giải thích tại sao, trí thức Việt Nam rất thông minh, rất giỏi, nhưng trình độ công nghệ của ta vẫn thấp, sản phẩm của ta vẫn chưa cao. Nhiều trường hợp khi học và làm việc ở nước ngoài rất thành đạt, có nhiều phát minh sáng chế nhưng khi về Việt Nam lại rất ít rất khó!
Thứ hai,điều kiện và phương tiện làm việc tối thiểu cho các nhà khoa học còn rất thiếu, thậm chí không có. Nhà khoa học, kể cả được gửi đào tạo ở nước ngoài hay Việt kiều, họ đều mong muốn khi về nước, phải có đủ phương tiện, phòng thí nghiệm tối thiểu để làm việc, để khởi đầu hay thực thi ý tưởng khoa học mà họ nung nấu bấy lâu nay. Họ biết hoàn cảnh nước ta còn nghèo, lấy tiền đâu mà đòi hỏi cao! Nhưng vấn đề nơi làm việc và điều kiện làm việc là quan trọng nhất. Một số trường hợp khi về nước, về một cơ quan, sau một thời gian, không đủ điều kiện làm việc, đành rũ áo ra đi. Thậm chí, có trường hợp, giáo sư mà không có nổi một cái bàn làm việc và máy tính cho riêng mình, trong suốt nhiều năm. Điều này thật sự đáng lo ngại. Trong lúc đó, có một vài người lại nghĩ rằng, các nhà khoa học phải được bổ nhiệm chức này, chức nọ. Suy nghĩ này là không chính xác. Người trí thức chân chính họ không đòi hỏi chức tước! Mà cái quan trọng nhất là họ có điều kiện tối thiểu để làm việc, và được yên ổn để làm việc không bị lôi kéo vào vòng tranh chấp, phe phái, đấu đá, mất thời gian, vô bổ… Nhưng lại có một nghịch lý, ở nước ta, tình trạng hiện nay, có chức mới có quyền để đăng ký, để dễ duyệt kinh phí nghiên cứu, có lương cao (hệ số chức vụ) có quyền điều nhân lực, có xe đi lại. Điều này dễ dẫn đến hiện tượng: một số trí thức chỉ mong và thậm chí lập mưu kế để lấy được chức, mà quên làm nhiệm vụ chuyên môn, sinh ra đấu đá. Bên cạnh đó, các chế độ cho trí thức chưa có, hoặc có mà chưa rõ ràng.
Thứ ba,là văn minh cơ quan và hành vi ứng xử đối với họ cũng rất quan trọng. Nhiều người đặt ra câu hỏi: Có thật sự lãnh đạo đã tôn trọng họ? Nhiều cơ quan, trả lương cao; nhưng nhà khoa học đầu ngành vẫn bỏ đi, chỉ vì hành vi ứng xử của lãnh đạo trong cơ quan chưa thấu tình đạt lý. Có một số lãnh đạo xem nhà khoa học như một bức tranh treo tường trong phòng làm việc của họ hay vật liệu đánh bóng cơ quan mà thôi. Họ cũng tổ chức Hội đồng tư vấn khoa học nhưng trên thực tế không hoạt động! Những trí thức thường có điểm yếu là dễ tự ái. Nếu họ cảm thấy không được tôn trọng họ sẽ bỏ đi.
Thứ tư,cũng giống như mọi lao động khác, họ cần được trả lương đúng, không phải cao, mà phải tương xứng với mức độ chất xám bỏ ra, theo bằng cấp của họ. Trong lúc đó, ta lại chưa có bậc lương khởi điểm cho các bậc trí thức khác nhau về học vị và chức danh khoa học. (Giữa kỹ sư, Thạc sỹ, Tiến sỹ, hay PGS, GS chưa có sự khác nhau rõ ràng. Mặt khác, hiện nay, đồng lương quá lỗi thời, làm cho một số trí thức có chuyên môn cao bỏ nhà nước, sang làm cho công ty nước ngoài hay đi nước ngoài làm việc. Đó là hiện tượng chảy máy chất xám đáng tiếc.
Thứ năm,vấn đề đáng bàn ở đây là những nhà khoa học đầu ngành nắm cương vị lãnh đạo cơ quan, ở cái tuổi 60, nghỉ lãnh đạo là đồng nghĩa với tuổi nghỉ hưu luôn. Nếu họ ở lại làm việc cũng có cái khó cho họ và khó cả cho ê kíp mới lên thay; mặc dù bề ngoài thì vẫn vui vẻ, nhưng bên trong, cả hai phía đều thấy có cái gì đó không ổn. Mà nếu để những nhà khoa học đầu đàn này nghỉ hưu hẳn hay kiếm cơ quan khác không đúng chuyên môn, ấy là một thiệt hại lớn cho nước nhà. Vì những nhà khoa học chân chính, họ lấy việc cống hiến trọn đời như một lẽ sống, một niềm vui.Vậy ta phải xử lý sao đây để họ cống hiến nhiều nhất, cho thấu tình đạt lý nhất?
Thứ sáu,là trí thức muốn có sự đối xử công bằng xã hội. Trí thức của ta có nhiều nguồn đào tạo: từ trong nước, từ các nước xã hội chủ nghĩa cũ, từ các nước phương Tây về hay từ miền Bắc vào Nam . Tất nhiên sẽ không có một sự công bằng nào là tuyệt đối cả, nhưng các trí thức muốn có một công bằng xã hội tương đốigiữa họ. Dẫu có đói khổ mà được đối xử công bằng vẫn tạo cho họ niềm tin, niềm vui.
Thứ bảylà vấn đề tư vấn, phản biện khoa học. Phần đông các nhà khoa học luôn có nhiệt tình, đưa hết những hiểu biết của mình góp ý, tư vấn phản biện. Dẫu đôi lúc có những phản biện gay gắt, khó lọt tai nhưng đó là phản biện xây dựng. Ấy vậy mà sự tiếp thu của lãnh đạo còn hình thức, chiếu lệ. Thậm chí, có lãnh đạo chỉ nghe theo “thầy dùi” chứ ít nghe các góp ý thẳng thắn, chân thành. Hơn thế, vây quanh các nhà lãnh đạo là những trợ lý mà năng lực chuyên môn có hạn, thậm chí còn non kém. Vì thế mà các góp ý phản hiện không mấy được trân trọng và tiếp thu. Những nhà phản biện thẳng thắn chưa được tạo điều kiện tiếp cận nguồn thông tin, dữ liệu, thường ít có cơ hội gặp trực tiếp lãnh đạo. Họ ít được mời phản biện lần thứ 2, vì lần thứ nhất đã nói thẳng quá, làm phật lòng! Người ta chưa thật sự hiểu rằng, muốn xây dựng xã hội, thì Phản biện khoa học đóng một vai trò hết sức quan trọng. Vì vậy, khi giao trách nhiệm phản biện, ta phải thật sự bỏ qua định kiến cá nhân, phải mời chuyên gia giỏi, dám nói thẳng, nói thật.
Thứ tám,giữa các nhà khoa học trong Đảng và ngoài Đảng, đôi lúc cũng nổ ra tranh luận học thuật. Vì hiếu thắng, người trong Đảng (thường có vị trí lãnh đạo), đã “chụp” cho người ngoài Đảng những cái “mũ”; Không trung thành, sai quan điểm, mất lập trường… để đến nỗi người trí thức ngoài Đảng phát sợ, phải tự nguyện ra đi. Trường hợp này không nhiều nhưng cũng nên lưu ý, không nên gây tổn thương lòng tự trọng. Bên cạnh đó, chúng ta đã có một số trí thức ngoài Đảng được cơ cấu bầu vào thành phần Quốc hội nhưng chưa có một trí thức ngoài Đảng nào được giữ chức Giám đốc sở hay thứ bộ trưởng như Trung Quốc đã làm. Nên chăng, để phát huy trí tuệ toàn dân, ta mạnh dạn chọn một số trí thức trẻ, ưu tú, ngoài Đảng vào các vị trí này.
Thứ chín,là phải định hướng và tạo cho trí thức trẻ một lý tưởng khoa học. Ta đã, đang và sẽ có một đội ngũ trí thức trẻ đông đảo, giỏi ngoại ngữ, tiếp cận nhanh với thế giới thông qua mạng, internet. Nhưng, theo tôi, cái xu hướng thực dụng đang lấn át lý tưởng khoa học. Ta chưa có một đội ngũ trí thức trẻ dám có ý tưởng lớn, xây dựng trường phái khoa học, chưa thực sự dám xông vào những gai góc, gay cấn của khoa học. Số đông nặng về tìm kiếm “mẹo” kỹ thuật để kiếm nhiều tiền hơn là một hoài bão, đề án khoa học, một giải Nobel. Thậm chí nhiều trí thức trẻ xem học lấy một cái bằng giống như tìm “một cái cần câu cơm” vậy! Rõ là cơ chế trị trường cũng đã tác động tiêu cực vào trí thức trẻ. Hơn nữa, Nghị định 115, mặt tích cực là tạo cơ chế tự chủ cho các nhà khoa học phát huy nhưng lại cũng làm cho các nhà khoa học trẻ kiếm tiền bằng bất cứ giá nào, kể cả việc đứng lên vai bạn mình, thậm chí lên cả thầy mình! Phải làm sao để trí thức trẻ có hoài bão lớn, lý tưởng cao đẹp, đóng góp thật nhiều cho xã hội?
Thứ mười,để phát huy sức mạnh tổng hợp của các nhà khoa học, nhà nước cần có những động tác liên kết các nhà khoa học, tăng tính hợp đồng, sẻ chia hơn nữa…