Hà Giang: Đưa ra 5 giải pháp phát triển nông nghiệp
Ngày 28/10 Liên hiệp Hội tỉnh Hà Giang tổ chức Hội thảo tư vấn, phản biện (TVPB) “Giải pháp phát triển nông nghiệp đặc trưng hàng hoá theo chuỗi giá trị trên địa bàn tỉnh”.
Tham dự hội thảo có lãnh đạo đại diện các Sở, ngành, UBND các huyện, thị, các doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) sản xuất nông nghiệp và một số hộ sản xuất nông nghiệp tiêu biểu trên địa bàn tỉnh.
Quang cảnh hội thảo
Tại hội thảo có 22 báo cáo nghiên cứu, tham luận của các Sở, ngành, UBND các huyện, thành phố, doanh nghiệp, HTX sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Hội thảo đã làm rõ kết quả đạt được sau 3 năm thực hiện Chương trình phát triển nông nghiệp hàng hoá đặc trưng chất lượng cao theo chuỗi giá trị trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, chương trình vẫn còn nhiều hạn chế, đó là: Nhận thức về sản xuất hàng hoá chưa cao, năng suất, chất lượng nông sản hàng hoá còn thấp, quy mô sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, trình độ sản xuất còn lạc hậu, giá trị sản phẩm hàng hoá không cao, khó cạnh tranh trên thị trường, mối liên kết của các bên tham gia chuỗi giá trị chưa thực sự hiệu quả, thiếu sự gắn kết, các doanh nghiệp, HTX chưa đủ mạnh về năng lực tài chính, quản trị và kỹ năng kinh doanh thương mại.
Để nâng cao hiệu quả, phát triển bền vững chuỗi giá trị nông sản hàng hoá đặc trưng của tỉnh, hội thảo đã nêu ra 5 giải pháp cần tập trung thực hiện trong thời gian tới:
-Các cấp ngành của tỉnh cần tiếp tục quan tâm thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng tập trung vào các sản phẩm chủ lực có lợi thế cạnh tranh tại địa phương, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất từ khâu sản xuất giống, phân bón, phòng trừ sâu bệnh, thu hoạch, chế biến sâu để trở thành sản phẩm hàng hoá chất lượng cao. Tỉnh, huyện cần có các chính sách khuyến khích, hỗ trợ cho nông dân trong tỉnh chuyển đổi sang sản xuất hữu cơ, an toàn.
-Các cơ quan chuyên môn của tỉnh quan tâm hỗ trợ, giúp nông dân tiếp thu, ứng dụng công nghệ sinh học vào sản xuất để nâng cao hiệu quả, bền vững của chuỗi giá trị, đồng thời áp dụng công nghệ thông tin, công nghệ tự động hóa trong sản xuất và quản lý để giúp tăng năng suất, giảm các chi phí và bảo vệ môi trường; xây dựng, các chương trình đào tạo, tập huấn cho nông dân về các quy trình kỹ thuật trong quản lý sản xuất, tiếp cận thị trường tiêu thụ sản phẩm ở trong nước và ngoài nước.
-Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, HTX, nông dân hợp tác với nhau. Đồng thời, hỗ trợ xây dựng các chuỗi liên kết theo mô hình “du lịch nông nghiệp, du lịch trải nghiệm từ nông trại đến bàn ăn” giúp cho nông dân nâng cao chất lượng, gia tăng giá trị sản phẩm. Từ đó hoàn thiện các chính sách, khuyến khích hỗ trợ phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp – du lịch kiểu mới.
-Xây dựng, phát triển thương hiệu, đẩy mạnh xúc tiến quảng bá, nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế về an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường, mở rộng thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu các sản phẩm chủ lực.
-Đề xuất với Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương và địa phương (tỉnh, huyện, xã) tiếp tục đầu tư, hỗ trợ xây dựng, triển khai các chương trình, dự án nông nghiệp xanh, đầu tư các dự án hỗ trợ các biện pháp kỹ thuật, công nghệ trong quản lý, sử dụng hiệu quả tài nguyên đất, nước, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, bảo vệ môi trường và coi đây là nhiệm vụ chung của cả hệ thống chính trị.
Tất cả các giải pháp, kiến nghị sẽ được Liên hiệp Hội tỉnh tổng hợp báo cáo, đề xuất với Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh nghiên cứu, tiếp tục triển khai, xây dựng các chuỗi giá trị nông sản hàng hoá đặc trưng của tỉnh ngày càng hiệu quả hơn./.