Bình Thuận: Góp ý đề án phát triển nuôi trồng thủy sản của tỉnh
Sáng ngày 29/10, Câu lạc bộ trí thức tỉnh (thuộc Liên hiệp hội tỉnh) tổ chức sinh hoạt chuyên đề góp ý “Đề án phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển của tỉnh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.
Chủ tịch Liên hiệp hội tỉnh, Chủ nhiệm Câu lạc bộ trí thức Lương Thanh Sơn Chủ trì buổi sinh hoạt
Tham dự buổi sinh hoạt có Nguyên Bí thư Tỉnh ủy, Nguyên Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Bình Thuận Nguyễn Mạnh Hùng; Viện trưởng Phân viện Kinh tế và Quy hoạch Thuỷ sản Phía Nam Trần Hoài Giang; đại diện Chi cục Thủy sản, Chi cục Phát triển nông thôn, Trung tâm Khuyến nông, Hội Nghề cá, Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Bình Thuận, cùng các hội viên Câu Lạc bộ trí thức.
Theo Chủ tịch Liên hiệp hội tỉnh, Chủ nhiệm Câu lạc bộ trí thức Lương Thanh Sơn, Bình Thuận là tỉnh ven biển cực Nam Trung bộ, có đường bờ biển dài 192km, có nhiều mũi nhô ra biển, như Mũi Né, Mũi Kê Gà…, ngoài ra còn có đảo Phú Quý - nơi tập trung đa dạng sinh học, có thể nói tiềm năng nuôi biển của tỉnh được hội tụ các yếu tố tự nhiên tạo nên một vùng biển giàu tài nguyên sinh vật, trong đó nguồn lợi thủy sản đa dạng về chủng loại, trữ lượng lớn, có nhiều loại hải sản. Ngoài ra, nuôi trồng thủy sản còn tạo sinh kế, nâng cao thu nhập cho ngư dân tại các địa phương ven biển, ven đảo. Bên cạnh tiềm năng nuôi biển là rất lớn, thì việc tiêu thụ thủy sản nuôi trồng ngày càng tăng, trong khi đó nguồn lợi thủy sản tự nhiên bị khai thác quá mức ngày càng cạn kiệt…Vì vậy, việc phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển được xem là một trong những nhiệm vụ quan trọng của tỉnh trong thời gian tới, góp phần vào phát triển bền vững kinh tế biển.
Theo Viện trưởng Phân viện Kinh tế và Quy hoạch Thuỷ sản Phía Nam Trần Hoài Giang, đã trình bày sơ lược về vị trí địa lý, điều kiện khí hậu tỉnh Bình Thuận; Tổng quan về tình hình, xu thế phát triển nuôi biển trên thế giới, trong nước, hiện trạng nuôi biển tại địa phương; Phân tích điểm mạnh, thuận lợi nghề nuôi biển tỉnh Bình Thuận. Đồng thời, tại dự thảo Đề án trình bày, với mục tiêu phân vùng, bố trí lại các khu nuôi biển hợp lý, khắc phục những tồn tại, hạn chế, đồng thời phát huy những điểm mạnh, lợi thế của tỉnh; Đảm bảo sinh kế của người dân địa phương, thu hút các doanh nghiệp đầu tư và tạo động lực cho nghề nuôi biển của tỉnh Bình Thuận trở thành ngành công nghiệp nuôi biển hiện đại và bền vững, khai thác có hiệu quả tiềm năng nuôi trồng thủy sản trên biển, đồng thời góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế biển gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp
Qua buổi sinh hoạt, các đại biểu đã có nhiều trao đổi, thảo luận, đưa ra các ý kiến, góp ý xoay quanh Đề án để giúp hoàn thiện Đề án phù hợp hơn với tình hình thực tế và có tính khả thi trong triển khai thực hiện.