Liên hiệp các hội và khoa học kỹ thuật Việt Nam
Thứ tư, 27/09/2006 22:54 (GMT+7)

Các lý thuyết mới về văn hóa

Đạo đức, quyền lực, tình yêu, tôn giáo, những liên hệ xã hội hoặc cả văn hóa nữa, liệu chúng có thể được giải thích bằng sự tiến hóa kiểu Darwin, nghĩa là nhắc lại sự chọn lựa tự nhiên và các cơ chế di truyền, không? Đối với câu hỏi tế nhị và nhạy cảm ấy, nhân học và xã hội học ở thế kỷ XX rất thường hay trả lời theo lối tiêu cực. Từ đầu thế kỷ, các khoa học xã hội thật ra đã phát triển chung quanh ý tưởng cho rằng cái riêng của con người là ở chỗ tự giải thoát phần lớn khỏi những bó buộc tự nhiên để đi vào thế giới của văn hóa: nhờ ở ngôn ngữ, kỹ thuật, trí tuệ, tính phức hợp về tổ chức xã hội, hay cả ở sự cấm đoán loạn luân. Một đường ranh giới như vậy là đã được ngầm vạch ra giữa các khoa học tự nhiên và khoa học xã hội; một bên là tự nhiên, trong đó các quy luật sinh học chi phối; bên khác, văn hóa và các xã hội người bị điều khiển bởi những động thái độc lập.

Từ những năm 70, các lý thuyết Darwin mới về văn hóa đã tìm cách bác bỏ sự chia cắt ấy. Chúng đề xướng áp dụng những lô gích của tiến hóa vào những hiện tượng xã hội và văn hóa. Những ý định này đã gây ra những cuộc tranh luận sôi nổi. Các tác giả của chúng thường bị lên án mắc phải “chủ nghĩa quy vào sinh học” (réductionnisme biologique) và phủ nhận mọi sự độc lập đối với văn hóa người. Cuộc tranh luận ngày càng triệt để giữa những người chủ trương “tất cả đều là sinh học” và “tất cả đều là văn hóa” làm cho người ta hiểu rõ hơn những lập trường hiện có. Các lý thuyết Darwin mới thường được mô tả như những biến thể của một khối học thuyết thuần nhất, chủ yếu tập trung vào ý tưởng quyết định luận di truyền. Thế nhưng, đằng sau việc quy chiếu chung vào những lý giải đương thời của Darwin, những mô hình giải thích ấy vẽ nên một tập hợp khá rộng, trong đó người ta thấy, bên cạnh những luận điểm theo thuyết quy vào sinh học và hoàn toàn đối lập với chúng, là những lý thuyết quay chung quanh ý tưởng về một sự độc lập hoàn toàn của văn hóa con người đối với gien. Trong tập hợp ấy, có thể rút ra ít nhất bốn mô hình tiêu biểu lớn:

1) sinh học xã hội về con người stricto sensu;
2) lý thuyết về các “men” (xem sự giải thích dưới đây - N.D) do Richard Dawkins xây dựng;
3) các lý thuyết về sự cùng tiến hóa gien / văn hóa;
4) và cuối cùng, các lý thuyết nhân học lấy cảm hứng từ các khoa học nhận thức.

Sinh học xã hội về con người

Sinh học xã hội (sociobiologie) về con người xuất hiện trong cảnh tượng trí tuệ phương Tây giữa những năm 70, dưới sự thúc đẩy chủ yếu của nhà côn trùng học Edward O. Wilson. Lý thuyết đó được xây dựng như sự kéo dài của sinh học xã hội động vật (sociobiologie animale). Nó là sự mở rộng từ chủ nghĩa Darwin ra sự giải thích những ứng xử xã hội, như sự vị tha thường thấy trong thế giới sinh vật, có thể quan sát trong thế giới sinh vật.

Sự tận tụy đối với kẻ khác, như sự tận tụy của những con ong không sinh đẻ hiến toàn bộ năng lượng của mình cho việc tái sinh và bảo vệ con ong chúa, vẫn là một bí ẩn từ thời Darwin: giải thích như thế nào về những ứng xử rõ ràng là bất lợi đối với những cá thể lẽ ra có thể được giữ lại bởi sự chọn lọc tự nhiên? Đầu những năm 60, nhà di truyền học William Hamilton đưa ra giải pháp cho bí ẩn ấy qua lý thuyết “chọn lọc họ hàng” (kin selection). Nói một cách đơn giản, lý thuyết này cho rằng một ứng xử vị tha đối với một thành viên họ hàng (chẳng hạn, đối với những con kiến thợ, sự chăm sóc những ấu trùng do kiến chúa đẻ ra), trong một số trường hợp, có thể là một ứng xử thích nghi: khi chăm sóc những con chị em nhỏ của nó - có chung với nhau đến ba phần tư di sản di truyền-, con kiến không đẻ bảo đảm sự lan truyền một phần quan trọng những gien của nó, trong khi vẫn trực tiếp sinh đẻ theo con đường hữu tính.

Trong cuốn Sociology (1975), E.O. Wilson đã tập hợp và tổng hợp cả một loạt công trình “nghiên cứu những cơ sở sinh học của ứng xử xã hội ở động vật cũng như ở con người” (1). Dù nói tới việc săn mồi tập thể ở sư tử hay chó sói, những liên hệ tôn ti trật tự ở gà mái, những ứng xử họ hàng và tính dục ở các loài chim và động vật có vú, E.O. Wilson cố chứng minh rằng những hành vi xã hội có thể được giải thích theo lối thích nghi. Chẳng hạn, việc các con cái bỏ công chăm sóc con của chúng nhiều hơn các con đực ở phần lớn các loài động vật chính là do việc đẻ ra một quả trứng cần tới sự đầu tư sinh học lớn hơn việc sản sinh ra một tinh trùng. Những ứng xử đực và cái ở động vật có lẽ là hai chiến lược thích nghi khác nhau, nhưng đều có hiệu quả như nhau: chiến lược của con đực là dành tất cả những nỗ lực của mình nhằm nhân lên những tế bào tính dục và làm chúng lan rộng ra đến mức có thể, bằng cách chi phí một lượng năng lượng tối thiểu cho sự phát triển của con cháu chúng thoát thai từ các tế bào ấy; còn chiến lược của các con cái là sản sinh ra ít tế bào tính dục nhưng đem lại mức tối đa cho những cơ may phát triển và sống sót của mỗi tế bào đó, nhất là không tiếc sức chăm sóc sự lớn lên của chúng. Trong chương cuối của cuốn sách gây tranh luận ấy, E.O. Wilson muốn chuyển lô gích của Darwin vào cả một lớp hiện tượng của con người: hôn nhân, đạo đức, tôn giáo, nghi thức, đổi chác, phân công lao động đàn ông / đàn bà. Vì thế, trong mắt ông, các chuẩn mực xã hội (các quy tắc đạo đức, việc tránh loạn luân, hôn nhân và thân tộc) là biểu hiện những thiên hướng sinh học ăn sâu vào các gien con người. Các thiên hướng di truyền ấy, mà trung tâm của chúng chủ yếu nằm ở hệ rìa của não, có lẽ đã được chọn lựa ở tổ tiên thuộc thế pleistocene của chúng ta (2), do những ưu thế chúng mang lại. Những sự phê phán đối với sinh học xã hội về con người không chỉ đến từ các nhà khoa học hay trí thức đối nghịch với những luận điểm động vật học của E.O. Wilson. Từ đầu những năm 70, một số nhà tập tính học theo phái Darwin mới không muốn mở rộng những kết luận của họ ra con người. Tuy vậy, một bộ phận trong số đó vẫn tin chắc rằng chủ nghĩa Darwin còn có giá trị để giải thích những hiện tượng xã hội và văn hóa con người, nhưng dưới một hình thức ngược hẳn lại với thuyết quyết định sinh học do sinh học xã hội về con người đề xướng. Với việc lấy lại và cập nhật hóa một ý tưởng khá cũ, được các nhà tâm lý học như Donald T. Campbell hay vài nhà di truyền học như Luca Cavalli-Sforza ủng hộ cũng vào thời đó, các nhà nghiên cứu này đã chủ trương luận điểm cho rằng nguyên lý chọn lọc hay tiến hóa vẫn còn hoàn toàn thích hợp với việc giải thích những hiện tượng của con người, nhưng chỉ dùng nó như một sơ đồ trừu tượng cho phép hình thức hóa động thái văn hóa bằng loại suy.

Các “men” chống lại các “gien”

Nổi tiếng nhất trong các cấu trúc lý thuyết ấy chắc chắn là lý thuyết về các “men” do nhà tập tính học Anh R. Dawkins đề xướng vào những năm 70 và ngày nay được lấy lại, nhất là bởi nhà triết học Mỹ D.C. Denneth. Trong cuốn sách được coi như một cột mốc, Gien vị kỷ, Dawkins (3) nhấn mạnh rằng ý tưởng cách mạng của chủ nghĩa Darwin là ở chỗ coi sự tiến hóa như một quá trình đi xuống có thay đổi, hay có thể nói, việc sao chép có những đột biến (4). Nhà tập tính học Anh nói rõ rằng các gien là những đơn vị sống lâu dài có khả năng tạo ra những sự sao chép trung thành với chính bản thân chúng, hoặc do sự tái sinh sản, hữu tính hay không, những cơ thể mang theo chúng, hoặc bằng những cách khác, đặc biệt là những ứng xử xã hội do chúng đẻ ra trong những cơ thể ấy. Những cơ thể sinh học, vì thế, chỉ là những cái máy được các gien sử dụng để chúng tự tái sinh sản. Nhưng, giống như trong mọi quá trình sao chép, những bản sao ấy có những sai lầm: đó là những đột biến tạo ra những gien mới. Một số gien mới ấy có thể sản sinh ra nhiều bản sao hơn những gien khác. Lúc đó, chúng trở thành những gien chiếm ưu thế về mặt thống kê trong quần thể gien mà chúng phải cạnh tranh. Đôi khi chúng bị thất bại về sự sao chép và biến mất.

Theo R. Dawkins, các gien chỉ là một ví dụ trong nhiều ví dụ sao chép khác. Cơ chế tiến hóa, như đã được mô hình hóa trong chủ nghĩa Darwin , vượt ra ngoài giới hạn những hiện tượng sinh học, nó cũng chỉ huy cả động thái văn hóa. Văn hóa của mỗi nhóm người có thể được mô tả, theo R. Dawkins, như một tập hợp những đơn vị mà ông muốn gọi là các “men” (menes) - có thể nói là chúng tạo thành những ý tưởng cơ bản của một nền văn hóa. Một men - có lẽ Thượng đế muốn thế - là một thực đơn, một ca khúc, một ý kiến bài ngoại, một adagio của Mozart, một định lý toán học... Các men được truyền từ bộ não này đến bộ não khác bằng cách tự sao chép, giống hệt như các gien trong tiến trình tái sinh sản. ở đây, sự sao chép chủ yếu được thực hiện bằng cách bắt chước kẻ khác, theo nghĩa rộng. Những gien văn hóa tốt như vậy cư trú trong các quần thể người. Do đó, các men truyền từ bộ não này sang bộ não khác giống như những vi khuẩn trong một quá trình dịch tễ. Nhưng giống như đối với các gien cũng truyền đi bằng cách sao chép, đôi khi cũng có những cái hỏng trong quá trình sao chép. Và sự sao chép bị thay đổi ấy kết thúc bằng việc sản xuất ra một bản sao đột biến: một tu sĩ thời trung đại quên mất hay thay đổi một câu trong khi chép lại một cuốn sách cổ; một chính phủ cho bỏ phiếu về một sự sửa đổi trong một đạo luật; một người thay đổi một chữ trong điệp khúc một bài hát; hoặc nữa, một kẻ nào đó thực hiện một cải tiến kỹ thuật trong động cơ ôtô hay thay đổi cách cắt một bộ áo quần. Thường thì các men đột biến không tự chúng đi tới chỗ sản sinh ra các bản sao: nói cách khác, không ai bắt chước chúng cả. Nhưng trong một số trường hợp, khi nhảy từ bộ não này sang bộ não khác, chúng lan ra cả quần thể, đôi khi theo lối thoáng qua - như các mốt thời thượng -, còn những lần khác thì lại theo lối vững bền - như “men Thượng đế” chẳng hạn. Theo nghĩa đó, các men cũng như các gien là đối tượng của một quá trình chọn lọc. Các men có thể thay đổi cơ may lan truyền của chúng bằng cách liên kết với nhau, tạo thành những phức hợp tích hợp có thể sao chép lẫn nhau có hiệu quả hơn là chúng ở cách xa nhau. Chẳng hạn, ý tưởng về ngọn lửa địa ngục và về Thượng đế, một khi chúng liên kết nhau, thì chúng càng củng cố lẫn nhau một cách mạnh mẽ hơn và làm tăng thêm những khả năng thích ứng với quần thể, giống hệt như các gien chỉ huy một sự gắn kết mật thiết của răng, hàm, dạ dày, ruột và các giác quan.

Trong lý thuyết về các men, văn hóa người hiện ra như một trung tâm tiến hóa độc lập, tách khỏi sự tiến hóa sinh học và nhanh hơn nhiều. Những kẻ sao chép văn hóa, chẳng hạn như ý tưởng độc thân, cũng đối lập với các gien. Theo nghĩa đó, lý thuyết do R. Dawkins đề xướng đối lập với mọi hình thức của thuyết quyết định sinh học hay của thuyết quy vào sinh học trong sự giải thích những hiện tượng văn hóa.

Sự cùng tiến hóa gien / văn hóa

Chính trong nhân học, những lý thuyết này cho đến nay đã dành được những thành công lớn, nhất là qua mô hình truyền thụ những đặc điểm văn hóa của L. Cavall-Sforza và Marcus W. Fedman, và mô hình tiến hóa của các cơ thể văn hóa do Robert Boyd và Peter J. Richerson đề xướng. Trong môn khoa học này, những suy nghĩ lý thuyết xung quanh sự loại suy giữa các gien và các tác nhân sao chép văn hóa dần dần hướng tới việc xây dựng một lý thuyết tổng thể về văn hóa, bằng cách hợp nhất hai trình độ phát triển. Hai xu hướng chính hiện lên trong những mô hình hóa về sự cùng tiến hóa gien / văn hóa.

Xu hướng thứ nhất, do E.O. Wilson đại diện trong những năm 80, hơi cách xa với sinh học xã hội để bảo vệ một lý thuyết trong đó văn hóa, ít ra về nguyên tắc, không còn bị quan niệm như một biểu hiện đơn giản của những thiên hướng sinh học nữa, mà như một loại hiện tượng tương đối độc lập, tác động qua lại với các gien trong một quá trình cùng tiến hóa. ý tưởng chung của sự cùng tiến hóa gien / văn hóa, theo cách hiểu của E.O. Wilson, có thể tóm tắt như sau: sự chọn lọc tự nhiên giúp cho các gien mang một số năng lực có được những ứng xử văn hóa (năng lực tập việc, sáng tạo công cụ, nắm được ngôn ngữ, hành vi xã hội, v.v...). Các văn hóa người phát triển từ cái vốn năng lực ấy (được chương trình hóa về di truyền) sẽ ảnh hưởng trở lại tới sự chọn lọc những gien mang theo những ứng xử ấy (5). Ông đưa ra ví dụ sau đây. Sợ hãi và bị thôi miên trước những con rắn một phần là do một bản năng bẩm sinh ở phần lớn động vật có vú. ở con người, việc truyền sự sợ hãi ấy hình thành bởi sự chuyển tiếp văn hóa cũng như bởi bản năng “nhiều xã hội đã xây dựng các huyền thoại về rắn như kẻ đại diện cho cái ác. Việc tiếp thụ “gien văn hóa” sợ rắn ấy đã đẩy người ta chạy trốn khỏi rắn, còn những xã hội có các “gien văn hóa” được coi là tốt như thế thì có cơ may sống còn của họ nhiều hơn. Như vậy, đã có một sự cùng tiến hóa giữa gien / văn hóa. Tuy nhiên, ngay cả khi văn hóa can thiệp vào quá trình chọn lựa các năng lực, xét đến cùng nó cũng chỉ là cái chuyển tiếp hay gia tốc sự tiến hóa hơn là động cơ thật sự của nó. Rốt cuộc, những hành vi và tín ngưỡng, nói cách khác là văn hóa, vẫn chịu sự kiểm soát của các gien: “các gien dắt mũi văn hóa”, E.O. Wilson nói.

Xu hướng thứ hai quy tụ những nhà nhân học tuy đồng ý có một sự độc lập thực sự của văn hóa, nhưng lại cố dựng lên một sự phân loại về những liên hệ có thể có giữa các gien và các đơn vị văn hóa - hay các men - và đề xướng những nghiên cứu kinh nghiệm để minh họa cho những mô hình được xây dựng như vậy. Đặc biệt, nhà nghiên cứu Mỹ William H. Durham đã phân biệt hai hình thái lớn (6): một mặt, những phương thức liên hệ gien / văn hóa trong đó sự tiến hóa văn hóa tác động và phản ứng lẫn nhau, như trong trường hợp ăn sữa ở người lớn (đa số đến tuổi trưởng thành không thể tiêu hóa sữa được, chứng tật này thấy rõ chủ yếu ở những nước không có truyền thống tiêu dùng những sản phẩm sữa); mặt khác, những hoàn cảnh trong đó văn hóa thay đổi chủ yếu dưới ảnh hưởng của động thái của chính nó.

Theo W.H. Durham, phải phân biệt ba trường hợp trong tập hợp nhỏ thứ hai này: “sự tăng cường” động thái văn hóa do động thái di truyền - mà sự tiến hóa văn hóa của cấm kỵ và loạn luân, dưới con mắt của nhà nhân học Mỹ này, là ví dụ rõ nhất -, sự “trung tính” và, cuối cùng, sự “đối lập” - mà người ta có thể quan sát một cách đặc biệt ở người Fore tại Nouvelle Guinée. Những tập quán ăn thịt người, được khuyến khích về mặt văn hóa trong xã hội Fore, đã lan sang các nhóm khác cũng ở trong xã hội đó, khiến cho một chứng bệnh tâm sinh lý gây chết người - bệnh kuru, một dạng thể cũ của bệnh bò điên - từng giết hại khá đều đặn một phần dân cư. Từ đầu năm 80, một trào lưu Darwin khác xuất hiện, nằm trong sự nối tiếp những luận điểm tâm lý học được phát triển trong khuôn khổ các khoa học nhận thức. Những người đại diện cho trào lưu này, đặc biệt nhà nhân học Dan Sperber, giống như các nhà lý thuyết về men và phần lớn các nhà lý thuyết về cùng tiến hóa, cho rằng sự tiến hóa văn hóa tuân theo một lô gích lan truyền giống như sự lan truyền của dịch tễ. Theo D. Sperber, những ý tưởng và biểu tượng lan từ một bộ não sang một bộ não khác bằng một lối lây nhiễm, do đó mà có nhan đề cuốn sách Sự lây nhiễm của các ý tưởng (7). Tuy nhiên, các nhà nhân học được nhắc tới ở đây đã cho thấy rất rõ khoảng cách của họ đối với những mô hình khác nhau, dựa vào ý tưởng về những tác nhân sao chép văn hóa bằng cách này hay cách khác, và đã đưa ra nhiều sự phê phán đối với các mô hình đó. Đặc biệt, D. Sperber lưu ý rằng sự lan tỏa của những đơn vị văn hóa chỉ được thực hiện rất hiếm hoi theo một bản sao lại cái gốc. Rất thường thấy là khi chuyển từ bộ não này sang bộ não khác, các ý tưởng đã biến đổi. Một sự bất ổn như vậy không cho phép coi những biểu tượng văn hóa như những bản sao. Trên thực tế, ông nhấn mạnh, sự biến đổi mà không phải sự sao chép mới là quy luật chung của sự truyền thụ văn hóa.

Theo D. Sperber, nếu như một số biểu tượng văn hóa có một sự ổn định nào đó, thì đó là do có những “tác động văn hóa” (attracteurs culturels). Câu chuyện Cô bé trùm khăn đỏ, chẳng hạn, bị thay đổi không ngừng từ một người nào đó qua một cuốn sách hay từ một cuốn sách qua một người khác. Nhưng những thay đổi cộng thêm lẫn nhau ấy không có những biến đổi đến mức cái bản có được sau nhiều sự lan truyền chẳng dính dáng gì với bản gốc. Hoàn toàn ngược lại, những bản khác nhau vẫn được giữ chung quanh một nội dung chuẩn trung bình mà không bao giờ giống hẳn với nó cả. Theo D. Sperber, tính ổn định của những biểu tượng văn hóa ấy là do tính chất “hấp dẫn” của những bản trung bình ấy.

Những sức hấp dẫn của các biểu tượng từ đâu đến? Tại sao một ý tưởng nào đó lại quan trọng hơn những ý tưởng khác và được tái hiện dễ dàng hơn? Về điểm này, D. Sperber lấy lại những luận điểm của tâm lý học tiến hóa đã được các khoa học nhận thức noi theo, đặc biệt là những công trình của John Tooby và Leda Cosmides (8).

Một tập hợp không thuần nhất

Từ sinh học xã hội về con người đến những lý thuyết về cùng tiến hóa gien / văn hóa; từ lý thuyết về các men đến nhân học nhận thức, các mô hình hiện nay phỏng theo Charles Darwin trong các khoa học xã hội là rất khác nhau. Thậm chí đôi khi chúng trái ngược nhau trong những nguyên lý và kết luận của chúng. Dù sao thì chúng cũng không quy vào một mô hình của sinh học xã hội về con người. Những lý thuyết này, nói cho đúng hơn, xuất hiện những cách nêu lại một số mô hình xã hội học truyền thống lớn theo ngôn ngữ khoa học, các khoa học về sự sống.

Trong những mô hình Darwin mới ấy, không phải tất cả đều có chất lượng khoa học như nhau. Một số dựa vào những tư biện sơ sài và mang nặng hệ tư tưởng. Đó là trường hợp của nhiều nghiên cứu thỉnh thoảng xuất hiện trong sách báo sinh học xã hội về con người(9). Một số khác, như của W.H. Durham, là những mô hình được xây dựng kỹ và phức hợp. Sự giống nhau hay gần giống nhau về từ vựng không thể đánh lừa về bản chất của những mô hình ấy. Điều quan trọng là phân tích từng mô hình ấy theo tính chuyên môn của nó nếu ở đó có một sự đề xuất lại độc đáo về lý thuyết và đủ vững chắc để thảo luận, hay đó chỉ là một trang phục từ vựng để xem lại cái dáng vẻ khoa học cho những quan niệm không có hiệu quả.


1. E.O. Wilson, Sinh học xã hội (dịch từ bản tóm tắt Sociobiology: The new synthesis, 1975), Le Rocher, 1987.

2. Thời kỳ nằm ở đầu thế kỷ thứ tư, tương ứng với thời đá cổ.

3. R. Dawkins, Gien vị kỷ, Odile Jacob, 1996.

4. Tái sinh sản dưới cùng một hình thức của chất liệu di truyền.

5. C.J. Lumsden, E.O. Wilson, Genes, Mind and Culture. The coevolutionary process,HarvardUniversityPress, 1981.

6. W.H. Durham, Coevolution, Genes, culture and human diversity, Stanford University Press, 1991.

7. D. Sperber, La contagion des idées, Odile Jacob, 1996.

8. Đặc biệt, xem J.F. Dortier, Tâm lý học tiến hóa là gì?, Sciences humaines, No 119, tháng Tám - tháng Chín 2001.

9. R. Wright, L’animal moral, Michalon, 1995.

Nguồn: Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, chungta.comngày1/9/2006

Xem Thêm

Yên Bái: Nghiên cứu di tích Lịch sử - Văn hóa vùng hồ Thác Bà
Ngày 29/10, tại huyện Lục Yên, Liên hiệp hội tỉnh phối hợp với Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch, UBND huyện Lục Yên và Hội Khoa học Lịch sử tỉnh đã tổ chức hội thảo Nghiên cứu di tích Lịch sử - Văn hóa vùng hồ Thác Bà phục vụ nhiệm vụ bảo tồn, phát huy giá trị và phát triển khu du lịch quốc gia hồ Thác Bà.
Hướng tới một ngành chăn nuôi an toàn, hiệu quả và bền vững
Ngày 18/10 tại thành phố Huế, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam phối hợp với Hội Chăn nuôi Việt Nam và Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề: Áp dụng quy trình chăn nuôi an toàn sinh học và tuần hoàn nâng cao hiệu quả sản suất trong chăn nuôi trang trại nhỏ và hộ gia đình.
Tìm giải pháp phát triển mô hình các tạp chí khoa học
Ngày 4/10 tại Hà Nội, Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam (Vusta) đã tổ chức hội thảo “Giải pháp phát triển mô hình các tạp chí khoa học” . Phó Vụ trưởng Vụ Báo chí - Xuất bản Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Gia Hưng và Trưởng ban Truyền thông và phố biến kiến thức Vusta Lê Thanh Tùng chủ trì hội thảo.

Tin mới

Đề xuất giải pháp phát triển công nghiệp SX cây giống chất lượng phục vụ phát triển cây ăn quả khu vực miền núi phía Bắc
Ngày 12/11, Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam phối hợp với Liên hiệp các Hội KH&KT tỉnh Sơn La và Hội Giống cây trồng Việt Nam tổ chức Hội thảo “Phát triển công nghiệp sản xuất cây giống chất lượng phục vụ phát triển cây ăn quả khu vực miền núi phía Bắc” tại thị trấn Nông trường Mộc Châu, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La.
HỘI KH&CN HKVN ĐỒNG HÀNH CÙNG CHUỖI HỘI THẢO QUỐC TẾ CỦA IATA “AIR CARGO DAY VIỆT NAM 2024”
Ngày 07-08/11/2024 tại Thủ đô Hà Nội, Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế IATA và Công ty Cổ phần Triển lãm Hàng không Việt Nam, cùng với sự phối hợp của Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam và Hội Khoa học và Công nghệ Hàng không Việt Nam tổ chức chuỗi sự kiện Hội thảo khoa học này.
Thái Bình: Hội thảo về chuẩn mực đạo đức của cán bộ, đảng viên
Chiều 07/11, Liên hiệp hội tỉnh đã phối hợp với Ban Tuyên giáo, Trường Chính trị tỉnh tổ chức Hội thảo khoa học: “Chuẩn mực đạo đức của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới”. Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Phạm Đồng Thụy, Chủ tịch Liên hiệp Hội Trần Thị Hòa, Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh Nguyễn Đức Luận đồng chủ trì hội thảo
GS.TSKH Nguyễn Đức Cương: Khoa học phải luôn mở rộng hợp tác và học hỏi
GS.TSKH Nguyễn Đức Cương, một trong những nhà khoa học hàng đầu về hàng không - vũ trụ của Việt Nam, đã có hơn nửa thế kỷ cống hiến cho ngành khoa học kỹ thuật hàng không vũ trụ. Không chỉ là người đặt nền móng cho các sản phẩm bay tiết kiệm chi phí cho Việt Nam, ông còn là người thầy tâm huyết, truyền cảm hứng và kiến thức cho nhiều thế hệ trẻ…