Bùi Minh Đức - Con chình hoa nhớ cội
Xa nước, người VN ở hải ngoại vẫn đau đáu hướng về quê nhà. Mỗi người, tùy theo điều kiện và hoàn cảnh của mình mà có những cách làm khác nhau để tỏ lòng biết ơn mảnh đất đã sinh thành ra mình.
Ra đời năm 2001, do nhà xuất bản Tâm An ấn hành, cuốn từ điển đã được GS Nguyễn Khắc Hoặc - Viện trưởng Viện Việt học Hoa Kỳ đánh giá: “Là cuốn đầu tiên có quy mô trong loại từ điển phương ngữ Việt Nam”.
Khó có thể nói hết những khó nhọc ròng rã 10 năm trời của GSTS Bùi Minh Đức. Động lực lớn nhất như một thứ ánh sáng tâm linh giúp ông hoàn thành cuốn từ điển là nỗi khát khao muốn được “vơi bớt nỗi đau mất mẹ, chúng tôi đã ghi vội những chữ mà mẹ chúng tôi thường dùng”. Cái “ghi vội” ban đầu ấy là một cuốn vở học trò, để 10 năm sau lừng lững một cuốn từ điển khổ to dày 600 trang.
Lục tìm trong ký ức 40 năm sống gắn bó với Huế, gặp gỡ những người lớn tuổi trong nước và cộng đồng người Việt ở hải ngoại, mỗi năm một vài lần lặn lội về Việt Nam đi đến tận các vùng sâu vùng xa của Huế xưa, ghi vội những gì có thể nghe thấy được trên đường, GSTS Bùi Minh Đức không nề hà khó nhọc. Ông giống như một khách lữ hành đi trên con đường dài và xa, lượm và chắt chiu từng viên đá nhỏ để xây dựng một tòa lâu đài.
Mỗi con chữ dọc đường được ông nhặt lên, phủi sạch bụi bặm rồi xếp vào “kho” từ điển với ý nghĩa cuộc đời và gốc gác văn hóa của nó. Đó không chỉ là tiếng Huế cổ, những điệu hát, câu hò, những lời nói văn hoa, mà còn là đời sống với cội nguồn sâu thẳm của một vùng đất chằng chịt văn hóa và đậm đặc tâm linh.
Không ngoa khi nói Từ điển tiếng Huế là một “lục địa” văn hóa mênh mông với những tên đất, tên người, các phong tục tập quán, lời ăn tiếng nói rặt Huế.
Tôi thỉnh thoảng vẫn bật cười một mình trước một số mục từ ngộ nghĩnh mà GSTS Bùi Minh Đức giải nghĩa, chua thêm gốc gác và ngữ dụng của nó. Nhất là những mục từ bây giờ ít người dùng, tần số xuất hiện thấp nhưng hàm lượng văn hóa lại rất cao, mà nếu một ngày nào đó mất đi sẽ là tổn thất không nhỏ cho phương ngữ Huế nói riêng và tiếng Việt nói chung.
10 năm trời, đó là một khoảng thời gian dài đằng đẵng. Suốt 10 năm ấy không phải lúc nào GSTS Bùi Minh Đức cũng có thời gian để chăm chút cho cuốn từ điển của mình. Để có một mục từ nhỏ, ông phải chắt chiu từng chút thời gian quý báu.
Nếu không có tâm huyết với quê cha đất tổ, không có tấm lòng dành cho quê hương, không có sự thôi thúc thường xuyên của nỗi nhớ nguồn cội... thì khó có thể đi chặng đường dài để hoàn thành cuốn từ điển phương ngữ quy mô như thế.
Nếu cuốn từ điển do một GSTS ngôn ngữ học thực hiện thì chẳng có gì để bàn, nhưng người làm từ điển về ngôn ngữ lại là một bác sĩ thì đó là một sự lạ. Cái sự lạ này còn lạ hơn khi cuốn từ điển khá thành công, được giới chuyên môn đánh giá cao bởi phương pháp khoa học và nét riêng đặc thù của ý đồ tác giả. Tính chất địa phương học gần như bao trùm tác phẩm.
Ở đây, bản sắc văn hóa Huế đã thực sự chinh phục bạn đọc, dẫu là bạn đọc khó tính nhất. Trước sau, Từ điển tiếng Huế vẫn dành cho số đông những người Huế và yêu Huế trong lúc xa quê có thể trở về với Huế bằng những mục từ tưởng chừng như chẳng có chút gì gắn bó với đời sống hiện đại. Nhưng đó là cả một quá khứ vàng son của tuổi thơ, những ngày cắp sách đến trường, và có khi là một mối tình đầu dang dở...
Ở tuổi “nhân sinh thất thập” ông có những lý do để nỗ lực làm một điều gì đó mà ông thấy là có ý nghĩa nhất. Mái tóc bạc trắng của người bác sĩ già như đã bạc thêm để từng ngày hoàn thiện cuốn từ điển.
Cứ về Huế là ông lại đi điền dã, lăn lộn khắp nơi để săn tìm cho được những từ Huế cổ. Ông kể cái cách mình làm Từ điển tiếng Huế như là người đào đất để đắp núi, một đời người chưa chắc đã xong. Nhưng đó là một “cuộc chơi” lớn, cuộc chơi của cả một đời người.
Ở vùng thượng nguồn sông Hương và sông Bồ có một loài cá chình hoa vốn sinh ra từ biển Đông. Người ta không thể giải thích được tại sao cá chình hoa sinh ra ở biển, nhưng sau đó lại sống ở vùng nước trong núi cao. Và để rồi cuối đời, nó lại xuôi theo sông về biển, sống những giây phút cuối cùng tại nơi mà nó đã sinh ra.
Giây phút trở về với Biển Mẹ, trước khi thân xác tan rã ở độ sâu 300 mét, con cá chình hoa còn kịp để lại những chiếc trứng nhỏ nối tiếp vòng đời tử sinh, bỏ lại sau lưng vinh quang và mù lòa để thực hiện một lời nguyền của bản năng tâm linh là về với cội nguồn.
Và có lẽ là hàng đêm cũng như bao nhiêu người xa Tổ quốc, GSTS Bùi Minh Đức đã thao thức tìm về cội nguồn. Tôi hình dung ông như một con cá chình hoa trong cuộc hành trình trở về nguồn cội. Ở đó, ông sống với niềm tin về một tâm linh văn hóa bất diệt.
Nguồn: tienphongonline.com.vn 9/7/2005