Brown (1773-1858): Người phát hiện nhân tế bào
Lúc vừa 16 tuổi, Robert đến Đại học Edinburgh theo học y khoa. Sau 5 năm học tập, chàng thanh niên Robert 21 tuổi gia nhập quân đội Anh với cương vị trợ lý phẫu thuật viên. Theo các bạn đồng ngũ, anh đến đồn trú ở Ireland. Suốt 5 năm, ngoài công việc chuyên môn, Robert thường tìm hiểu và sưu tập các loại cây cỏ hiếm lạ.
Năm 1798, nhân dịp đến thăm Luân Đôn, anh có dịp quan biết ngài Banks 1 , Chủ tịch Hội Hoàng gia. Nghe nói ông này có 1 bộ sưu tập mẫu cây cỏ hiếm lạ nhất nước Anh, Robert đã ngỏ lời muốn ghé thăm và được ngài Banks chấpthuận.
Sẵn niềm ham mê tìm hiểu các loài cây cỏ nên trong nhiều tuần lễ, Robert luôn có mặt ở phòng mẫu cây của ngài Banks. Trong những buổi chuyện trò với ngài Banks, anh được biết ngài đã cùng thuyền trưởng James Cook thực hiện nhiều chuyến đi khảo sát trên con thuyền “Gắng sức” (Endeavour).
Ngày 18/7/1801, được sự giới thiệu của ngài Banks, nhà khoa học trẻ tuổi Brown hồ hởi bước lên con tàu “Người thám hiểm” bắt đầu cuộc hành trình dưới quyền chỉ huy của thuyền trưởng Flinders. Ngày 8/12/1801, tàu cập bến tại Eo Vua George, ở bờ Tây nước úc. Brown rất ngạc nhiên và sung sướng khi nhìn thấy thảm thực vật của vùng đất mới thật phong phú. Trong khi chiếc tàu chạy vòng quanh bờ biển nước úc để thực hiện những khảo cứu hải dương học. Suốt 4 năm trời, Brown lang thang khắp đó đây. Anh mải mê quan sát, ghi chép và thu thập các mẫu cây cỏ mới lạ. Cùng tham gia những chuyến khảo sát, có Bauer 2 . Cũng may mắn cho Brown là dịp học hỏi ở khu vườn mẫu của ngài Banks, anh đã có đầy đủ kiến thức thực vật học. Sau này Ferdinand Bauer đã vẽ minh họa thật đẹp bộ sưu tập.
Ngày 13/10/1805, anh trở lại nước Anh và bắt tay ngay vào công việc sắp xếp phân loại bộ sưu tập gồm khoảng 3900 loài. Sau 5 năm nghiên cứu, tìm đọc các tài liệu rồi so sánh các mẫu vật, cuốn sách “Thảm thực vật ở Tân Hà Lan” (1810) ra đời gây ngạc nhiên cho giới khoa học vì tài quan sát tinh tường và văn phong rành mạch của nhà thực vật học Brown vừa tròn 38 tuổi. Do ở thời đó, người ta chưa chú ý nhiều đến các cây cỏ, nên mặc dù những ghi chép từ nước úc rất phong phú, ông cũng chỉ cho xuất bản một tập. Sau khi đọc cuốn sách, thêm một lần nữa, ngài Banks phát hiện tài năng của Brown nên đã mời nhà khoa học trẻ tuổi đến phụ trách khu vườn mẫu và cả thư viện quý giá của ngài, sau này ngài Banks đã ghi trong di chúc cho phép Brown toàn quyền sử dụng khu vườn mẫu và thư viện riêng của ngài. Từ năm 1825, liên tục suốt trong gần mười năm, các tác phẩm của Brown được xuất bản bằng tiếng Đức.
Năm 1827, Brown được mời đến làm việc ở Viện Bảo tàng Anh, đồng thời phụ trách khoa thực vật vừa mới được thành lập và mang tên Banks, lúc này ông đã 54 tuổi. Năm sau, giới khoa học lại ngạc nhiên khi đọc cuốn sách “Những nhận xét vi thể (1827) của Brown, trong đó, tác giả ghi nhận đã quan sát thấy những mảnh nhỏ chuyển động ở bên trong những hạt phấn hoa sống của giống Clarkia pulchella. Sau đó, khi tiếp tục quan sát thêm nhiều hạt phấn hoa cả sống lẫn chết của nhiều loại cây khác nhau, lần nào Brown cũng nhận thấy có hiện tượng chuyển động những mảnh nhỏ của chất dịch (về sau mới biết là dịch dạng keo). Sau phát hiện của Brown, nhiều nhà khoa học cũng nghiên cứu và đều xác nhận đúng như vậy. Hiện tượng này, về sau được gọi là chuyển động Brown. Trong suốt quá trình nghiên cứu và phân loại các cây cỏ, Brown không chỉ thể hiện tài năng mô tả, quan sát tinh tế mà còn biểu hiện rõ thái độ thận trọng, trung thực. Một lần sưu tập được một loại hoa rất đẹp, có đường kính tới 1m, khi khảo cứu tài liệu, ông biết rằng loại này, trước đây đã được một nhà khoa học trẻ tuổi tên là Arnold ghi nhận lần đầu tiên ở đảo Sumatra, thuộc Indonesia, cùng với một người bạn tên là Raflord. Vì vậy, trong bảng phân loại, ông đã đặt tên loài hoa đó là Rafloleza arnoldi.
Năm 1831, trong khi đang tiến hành những thử nghiệm với hai giống Orchidacea và Asclepiadaceae, với tài năng quan sát tinh tế vốn có, Brown lại ghi nhận và mô tả một hình thái đặc biệt, hiện diện bên trong tế bào mà chưa ai nói tới: nhân của tế bào. Leeuwenhoek có lẽ đã nhìn thấy nhân của hồng cầu cá và Franz Bauer có lẽ đã vẽ nhân tế bào để minh họa một mẫu vật của John Hunter. Nhưng việc phát hiện ra nhân tế bào chẳng làm ai chú ý cho tới 7 năm sau, khi Schleiden và Schwann công bố luận thuyết tế bào (1838).
Là một nhà thực vật học tài năng, Brown đã đi vào lịch sử sinh học khi phát hiện ra chuyển động (mang tên ông) và nhân tế bào. Ông còn có nhiều đóng góp vào việc phân loại thực vật học, mở rộng hiểu biết và hoạt động giới tính ở các loài cây cấp cao. Ông là người đầu tiên phân biệt những cây hạt trần (gymnosperm) với những cây hạt kín (angiosperm) và cũng là một trong số những người mở đường cho ngành cổ thực vật học (Paleobotany)(1851).
Brown qua đời tại Luân Đôn ngày 10/6/1858, hưởng thọ 85 tuổi.
Nguồn: “20 nhà sinh học tài danh” – Trần Phương Hạnh, Nxb Thanh niên
1Joseph Banks (1743-1820), nhà khoa học tự nhiên, người Anh.
2Ferdinand Bauer (1760-1826), nhà khoa học và là em trai của họa sĩ Franz Bauer (1758-1840).