Bình Thuận: Giải pháp xây dựng công trình bảo vệ bờ biển
Sáng ngày 22/8, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh đã phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh tổ chức hội thảo “Giải pháp đầu tư xây dựng công trình bảo vệ bờ biển tại các khu du lịch trên địa bàn tỉnh”.
Quang cảnh hội thảo
Tham dự hội thảo có ông Nguyễn Hồng Hải – Phó chủ tịch UBND tỉnh; PGS.TS Lê Xuân Roanh - Nguyên Trưởng khoa kỹ thuật công trình biển - Đại học Thuỷ lợi Hà Nội; GS.TS Lê Mạnh Hùng - Nguyên giám đốc Viện Khoa học Thủy lợi Miền Nam, PGS.TS Tô Văn Thanh - Viện phó Viện Khoa học Thủy lợi Miền Nam, PGS.TS. Đinh Công Sản - Viện Khoa học Thủy lợi Miền Nam; TS. Trương Thành Công - Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Ths. Nguyễn Văn Lân - Tổng thư ký Hội Thủy lợi TPHCM; đại diện lãnh đạo các sở ban ngành của tỉnh, các cơ sở du lịch và cơ quan báo đài đến dự và đưa tin hội thảo.
Các báo cáo tham luận tại hội thảo đi sâu phân tích đánh giá thực trạng đầu tư xây dựng công trình kè bảo vệ bờ biển tại các khu du lịch trên địa bàn tỉnh; xác định các tồn tại, hạn chế và đề xuất một số giải pháp kỹ thuật phù hợp, vừa bảo vệ bờ vừa tôn tạo bãi đáp ứng yêu cầu du lịch để các tổ chức, cá nhân và cơ quan chức năng có thẩm quyền xem xét áp dụng nhằm xây dựng các công trình phòng chống thiên tai bảo vệ bờ biển hiệu quả trong thời gian tới. Cụ thể giới thiệu giải pháp xây dựng kè tạm bằng ống cát tại khu du lịch Hàm Tiến - Mũi Né; Giải pháp thiết kế sơ bộ dự án kè bảo vệ bờ biển du lịch mới được triển khai thực hiện; Giới thiệu một số giải pháp công nghệ bảo vệ bờ biển tỉnh Bình Thuận; Chia sẻ thêm một số thông tin rủi ro từ biến đổi khí hậu và tác động của con người đến dải ven bờ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, một số giải pháp ứng phó với tỉnh Bình Thuận; Giới thiệu một số kỹ thuật mới đã được nghiên cứu chuyển giao phục vụ cho các công trình bảo vệ bờ biển của tỉnh Bình Thuận.
Bên cạnh đó hội thảo trao đổi, đề xuất thêm một số nội dung có liên quan nghiên cứu bổ xung các hiện tượng xói lở, bồi lấp dải ven bờ, cần ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ mới, ứng dụng trí tuệ nhân tạo phục vụ đánh giá và dự báo biến động đường bờ do biến đổi khí hậu và tác động của con người; nghiên cứu đánh giá việc áp dụng các giải pháp công nghệ thích hợp (đê cứng, kè mềm, các biện pháp công trình và phi công trình…) để chống xói lở cho từng khu vực phù hợp nhằm bảo vệ tài nguyên và môi trường hiệu quả ở dải ven bờ của tỉnh.
Bình Thuận có chiều dài bờ biển 192 km, có vị trí rất quan trọng về chiến lược phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh, trong năm 2023 ngành du lịch tỉnh Bình Thuận đã đón hơn 8,5 triệu lượt du khách, là một trong chín tỉnh, thành phố có doanh thu du lịch cao nhất cả nước./.