Biến máy cũ thành máy mới
Chi tiết máy bằng kim loại sau một thời gian hoạt động bị mài mòn do ma sát cũng như ảnh hưởng bởi thời tiết.
Để phục hồi lại các máy móc cũ, sau ba năm nghiên cứu, GS-TSKH. Nguyễn Anh Tuấn (Khoa Cơ khí - ĐH Bách Khoa Hà Nội) cùng cộng sự đã thiết kế và chế tạo thành công thiết bị phục vụ cho công nghệ mạ xoa.
Những thiết bị này bao gồm ba bộ nguồn mạ xoa 100 A, 200 A và 500 A, đồ gá mạ tròn, đồ gá mạ phẳng, các dạng bút xoa làm bằng graphit và thép không gỉ để đưa dung dịch kim loại lên bề mặt chi tiết bị mài mòn.
Với công nghệ mạ xoa, các nhà khoa học có thể đắp kim loại, mạ lại tại chỗ cho các chi tiết máy bị mài mòn.
Thiết bị mạ xoa gọn nhẹ nên dễ dàng vận chuyển tới cơ sở sản xuất, nơi có máy móc cũ cần được phục hồi.
Cổ trục máy nghiền xương sau khi được mạ xoa phục hồi. |
GS Tuấn cho biết sau khi phụ hồi bằng mạ xoa, các chi tiết dạng trục, lỗ, phẳng với kích thước lớn (đường kính tới vài trăm milimet) trong ngành xi măng, đường sắt, điện, máy công cụ,v.v...có khả năng trở về kích thước ban đầu.
Trong nhiều trường hợp, tính chống mòn và tuổi thọ của các chi tiết này cao hơn so với các chi tiết mới. Công nghệ mạ xoa cho phép sử dụng 19 kim loại tiêu chuẩn và hợp kim như đồng, niken, crom...
Hệ thiết bị trên đã được sử dụng để phục hồi trục máy nghiền đường kính 280mm, tải trọng 55 tấn của Công ty gạch ốp lát Hà Nội. Chi phí phụ hồi là 450 triệu đồng, chỉ bằng 1/4 so với công nghệ hàn phục hồi và bằng 1/20 thay mới.
Ngoài ra, Công ty xi măng Bỉm Sơn cũng dùng công nghệ này để phục hồi trục rotor động cơ máy nghiền. Cho tới nay các chi tiết trên vẫn hoạt động tốt, lớp mạ mịn và chịu mài mòn tốt.
Với những thành công bước đầu, công nghệ đã được thương mại hóa với việc ký kết hợp đồng chuyển giao công nghệ trị giá 500 triệu đồng cho Công ty Cổ phần Cơ khí Tâm Sinh Nghĩa (TP Hồ Chí Minh) vào đầu tháng 9-2006.
Để tiến thêm một bước trong việc làm chủ hoàn toàn công nghệ mạ xoa, nhóm nghiên cứu dự kiến tiếp tục nghiên cứu xây dựng công thức pha chế một số dung dịch mạ xoa phổ biến trong phục hồi các chi tiết máy. Hiện Việt Nam vẫn phải nhập khẩu các dung dịch này.
Nguồn: nhandan.com.vn 21/9/2006