Bệnh giòi da ở trâu bò
Ruồi đẻ trứng trên da gia súc, trứng nở thành ấu trùng, ấu trùng qua các tổ chức, xuyên qua da hoặc ấu trùng qua vết thương hở hay các lỗ tự nhiên, vào tổ chức, gây tổn thương tổ chức và được gọi là bệnh giòi da.
Nước ta có điều kiện khí hậu rất phù hợp cho ruồi sinh sản, nhất là những tháng mùa mưa hàng năm. Xin giới thiệu kỹ nhóm ruồi gây bệnh giòi để bạn đọc tham khảo:
Giòi xuắn ở da trâu bò
Ruồi cái Clorysomyia benzzianatrưởng thành, đẻ trứng ở rìa các vết thương trên da trâu bò. Đôi khi cũng gặp ở các động vật có vú khác. Trứng nở thành ấu trùng hình xoắn ốc, ấu trùng chui vào phần thịt lộ ra của vết thương, làm tổn thương tổ chức và có mùi hôi thối khó chịu. Một ruồi cái có thể đẻ tới trên 300 trứng vào rìa một vết thương. Nếu gia súc nhiễm nặng có thể chết.
Ổ giòi, nhìn bề ngoài chỉ thấy một lỗ tròn, bên trong nhung nhúc những giòi, ổ giòi, to hay nhỏ tuỳ thuộc vào số lượng ấu trùng nhiễm nhiều hay ít và các loài ruồi khác gặp cơ hội kiếm ăn trên vết thương, chúng đẻ trứng, gây ra hiện tượng ấu trùng tiếp tục xâm nhập sâu vào tổ chức, phá hoại tổ chức.
Giòi da trâu bò
Bệnh do ấu trùng của ruồi Hypodema bovishay H. lineatumgây ra bệnh giòi da ở trâu bò, đôi khi thấy cả ở ngựa.
Ruồi trưởng thành, đẻ trứng trên lông vùng dưới chân gia súc, ấu trùng ra khỏi trứng. Khi bò liếm vào, ấu trùng di hành qua thực quản, qua các tổ chức hoặc ấu trùng chui thẳng vào da, lang thang dưới da, tổ chức liên kết, vào ống cột sống nhưng thường đi ngay. Khi đến dưới da, gây viêm tấy thành cục tròn bằng hạt lạc to hoặc hơn và phát triển ở đó. Chỗ viêm tấy bị thủng lỗ, ấu trùng thành thục thoát ra ngoài.
Khi ấu trùng xuyên qua da và di hành trong cơ thể làm bò không yên, đau, ngứa, ấu trùng làm tổn thương các tổ chức, gây viêm thực quản. Độc tố của ấu trùng gây thiếu máu, khi nhiễm nặng, bò gầy yếu, chậm lớn, làm xuất huyết, viêm da và thủng lỗ. Nếu bị nhiễm khuẩn vết thương mưng mủ, chảy nước vàng, bò rất lâu khỏi.
Biện pháp điều trị
Đối với giòi ở vết thương
Cắt sạch lông xung quanh vùng tổn thương của ổ giòi, rửa sạch, lấy hết giòi ra khi có thể. Nếu giòi nằm sâu trong tổ chức, khó lấy, dùng 50g bồ hóng bếp + 50 g lá thuốc lá giã nhỏ, hoà 100 ml nước bơm vào bên trong ổ giòi hoặc dùng kem diệt côn trùng nhét vào vết thương, lấy hết giòi khi chúng bò ra. Nạo vét toàn bộ tổ chức bị hoại tử, thụt rửa sạch, cho kháng sinh để chống nhiễm trùng. Trường hợp nặng, phải điều trị bằng kháng sinh, chống nhiễm khuẩn kế phát vào vết thương.
Đối với giòi da khác
Trích u nhỏ nổi lên trên bề mặt da, kiểm tra, nếu có ấu trùng thì dùng: Ivermectin: 0,2 mg/kg thể trọng, tiêm dưới da để diệt ấu trùng. Ba ngày sau tiêm lặp lại liều trên.
Biện pháp khống chế ruồi
Có nhiều phương pháp để khống chế ruồi nhưng có thể chia làm 3 loại sau: khống chế sinh sản; ngăn không cho tấn công gia súc và chống ruồi cư trú trên gia súc.
- Khống chế sinh sản của ruồi
+ Đối với ruồi đẻ trứng trong phân, ruồi nhà, mòng, ruồi trâu, chất độn chuồng… thực hiện biện pháp ủ phân, chất độn chuồng diệt ấu trùng ruồi.
+ Đối với ruồi đẻ trứng ở khu vực ẩm ướt (ruồi trâu) tháo cạn nước hay thực hiện các biện pháp sinh học (tính thực tiễn thấp vì đòi hỏi kiến thức chuyên ngành và chi phí lớn).
+ Các vết thương ngoài da, vết loét, phải đươc xử lý ngay.
- Ngăn ngừa ruồi tấn công gia súc
+ Phun thuốc diệt côn trùng trên da, lông gia súc.
+ Dùng mành che ruồi: Đối với bò sữa có thể nhốt gia súc trong khu vực có mành che để ngăn không cho ruồi, muỗi bay vào hoặc dùng mành tẩm thuốc diệt côn trùng.
- Chống ruồi cư trú trên gia súc
Phun thuốc diệt côn trùng, bẫy điện tử, hoặc đặt bả tẩm thuốc diệt côn trùng tại chuồng trại.
Nguồn: Khoa học và Đời sống, số 95 (1813), ngày 28/11/2005, trang 10