Béc tưới thách thức hàng ngoại
Tìm "bệnh" của béc ngoại
Đặng Tám đưa cho chúng tôi xem tấm văn bằng "cao nhất" của ông được cất giữ gần 40 năm, ép trong giấy nhựa cứng. Đó là chứng chỉ của Ty giáo dục chế độ cũ công nhận ông đã học xong lớp Nhất - tiểu học năm 1971 ở làng Thuận Hiếu, quận Phước An. Ông nói: “Lớp Nhất hồi đó là lớp 5 bây giờ; chiến tranh loạn lạc, chuyện học đâu dễ dàng như thời hòa bình. Nhà tôi lại nghèo, học được chừng đó là phải nghỉ để cầm cuốc làm rẫy kiếm sống”. Quê gốc ở Duy Xuyên, Quảng Nam, từ năm 1962 gia đình ông Tám cùng nhiều người bị buộc đi “dinh điền” vào vùng Thăng Quý (H.Ea Kar bây giờ). Đến năm 1967, cả nhà về sống ở vùng Phước An, sau đó là xã Ea Phê, H.Krông Păk (Đắk Lắk) cho đến ngày nay. Người nông dân gầy gò này có "duyên nợ" với nghề cơ khí, bắt đầu từ chiếc béc tưới cách đây 15 năm.
Ông Tám kể, sau ngày giải phóng, cả vùng Krông Pắk rầm rộ trồng cà phê. Các nông trường thời đó như Phước An, Tháng Mười, Thắng Lợi... làm cà phê theo kiểu công nghiệp, vào mùa tưới ống nhôm dẫn nước giăng khắp vườn cây, béc tưới phun mưa rào rào. Béc tưới là một đầu vòi phun, do áp lực của nước từ ống dẫn mà có thể tự quay, phun đều nước xung quanh, không cần người điều khiển. Đơn giản là thế nhưng trước đây loại sản phẩm này phải nhập khẩu, chủ yếu từ các nước Liên Xô, Tiệp Khắc (cũ). Béc ngoại nhập cấu tạo chủ yếu bằng nhôm, chỉ phù hợp với hệ thống tưới dùng máy bơm công suất mạnh, có nhược điểm là hay dở chứng đứng yên, không quay nên tưới không đều, có chỗ nước phun khá nhiều, chỗ khác lại thiếu nước. Ông Tám cũng trồng cà phê và sử dụng loại béc này một thời gian nên biết rõ “bệnh” của chúng. Năm 1994, ông Tám bắt đầu tự mày mò, cải tiến những chiếc béc ngoại trục trặc của nhà mình và hàng xóm. Ông bảo: “Từ khi biết tôi sửa được béc, vào mỗi mùa tưới bà con nông dân và các nông trường cà phê trong vùng đem cả ngàn chiếc béc hỏng đến nhờ sửa. Dần dà, tôi khám phá do đâu mà những chiếc béc ngoại có nhiều nhược điểm và nghĩ cách cải tiến nó cho phù hợp với điều kiện trồng cà phê ở Đắk Lắk”.
Đổi nghề
Ông Lương Nha(thôn Phước Lộc, xã Ea Phê, H.Krông Pắk, Đắk Lắk): “Cái hay của béc tưới Đặng Tám là rất nhạy, dùng cho cả ống tưới chạy bằng mô-tơ điện và máy nổ, nghĩa là máy bơm công suất nhỏ vẫn xài được, phun nước xa như thường”. |
Mất gần 8 năm trầy trật thử nghiệm ông Đặng Tám mới có được sáng chế và tạo nên sản phẩm béc tưới độc đáo mang tên mình. Ông bỏ ra vài trăm triệu đồng tiền dành dụm từ thu hoạch cà phê để mua máy móc, khuôn đúc làm các bộ phận béc tưới. Chiếc béc của ông Tám có 2 vòi cân đối, tưới cho cả khoảng cách xa và gần, trong khi béc ngoại chỉ có 1 vòi. Các bộ phận chính của béc được ông Tám làm bằng nhựa plastic PE nên có độ bền cao, chịu va đập, không bị biến dạng như kim loại. Béc còn có thể điều chỉnh theo số để nước phun mạnh hay yếu và thích hợp với công suất của mọi loại máy bơm. Chính vì có 2 vòi mà công suất tưới của béc nhựa tăng 15 - 20% so với béc nhôm 1 vòi, tiết kiệm khoảng 10 lít dầu chạy máy bơm tưới trên 1 ha cho mỗi lần tưới. Trước đây, một dàn máy bơm Sigma chỉ lắp được 8 béc ngoại nhập thì nay có thể lắp tới 12 béc Đặng Tám, do đó năng suất tưới cũng cao hơn. Giá béc tưới Đặng Tám chỉ là 225.000 đồng/chiếc đối với loại 2 vòi, và 180.000 đồng/chiếc với loại 1 vòi, bằng 1/3 giá béc ngoại nhập mà tính năng lại hơn hẳn...
Ông Tám (thứ ba, từ phải sang) đang giới thiệu sản phẩm béc tưới với khách hàng - ảnh: T.N.Q |
Với những ưu thế trên, năm 2003, chiếc béc tưới Đặng Tám đã được Bộ Khoa học - Công nghệ tặng bằng khen khi tham gia Hội chợ thiết bị - công nghệ VN; năm 2004 được Cục Sở hữu trí tuệ cấp bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp; năm 2006 được Hội Nông dân VN trao giải nhất trong cuộc thi Sáng tạo kỹ thuật của nhà nông. Ông Tám cũng được công nhận Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp tỉnh 5 năm 2002 - 2007... Thành công với chiếc béc tưới, ông Tám cũng thôi hẳn công việc làm rẫy cà phê để chuyên nghề cơ khí, sản xuất béc tưới. Ông cho biết: “Hiện giờ mỗi năm tôi bán được chừng 3.000 chiếc béc, ngoài béc tưới cà phê, còn có các loại béc tưới rau, hoa... Khách hàng không chỉ ở vùng cà phê Tây Nguyên mà còn ở miền Đông Nam Bộ, các tỉnh phía Bắc”. Từng có doanh nghiệp hỏi mua đứt bản quyền sáng chế với giá cả tỉ đồng nhưng ông Tám không bán.
Những ai đi xe trên quốc lộ 26 từ Buôn Ma Thuột về Nha Trang, đoạn qua H.Krông Pắk, đều có thể thấy mô hình béc tưới bằng xi măng khá ấn tượng, với đầu vòi vươn cao lên trời, thể hiện khát vọng sáng tạo của nông dân Đặng Tám. Ông tự hào nói: “Đây là mô hình quảng cáo cho sản phẩm, đồng thời là biểu tượng cho những thành công của tôi ngót chục năm trời mới đạt được”. Ông cũng thổ lộ, hiện đang nghiên cứu cải tiến để nâng công suất các loại máy bơm nước từ giếng sâu hàng chục mét ở các vùng sản xuất cà phê của Tây Nguyên.