Bảo tồn, phát huy di sản văn hóa trong bối cảnh toàn cầu hóa
Thực tế cho thấy, trong bối cảnh toàn cầu hóa, không ít quốc gia trên thế giới đã phải trả giá cho việc quá chú trọng phát triển kinh tế mà coi nhẹ văn hóa, quá quan tâm nhu cầu phát triển hiện tại mà lãng quên đi văn hóa truyền thống, di sản, bản sắc văn hóa của dân tộc. Để tận dụng được những thuận lợi, vượt qua những thử thách của bối cảnh, vấn đề đặt ra là phải có được những định hướng và giải pháp, nhằm thích ứng với xu thế toàn cầu hóa văn hóa, tiếp thu tinh hoa văn hóa của nhân loại thế giới, trên cơ sở bảo tồn, phát huy di sản văn hóa dân tộc, tạo điều kiện cho sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội bền vững. Có thể nói, đây không những là một nhiệm vụ cụ thể mà còn là định hướng, giải pháp trong việc nghiên cứu, xây dựng và phát triển đời sống văn hóa, giữ gìn truyền thống văn hóa tốt đẹp của mỗi dân tộc. Ở đây chúng tôi xin đề cập đến một số khía cạnh quan trọng của nhiệm vụ bảo tồn, phát huy di sản văn hóa dân tộc, trong bối cảnh toàn cầu hóa.
1. Quan niệm và thực trạng chung
Trong nhiều năm qua, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta hết sức quan tâm đến vấn đề giữ gìn các di sản văn hóa dân tộc, tạo điều kiện để làm sống dậy mọi tiềm năng văn hóa như một tiềm lực nội sinh mạnh mẽ, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tiến bộ xã hội. Tuy nhiên, thực tiễn hoạt động văn hóa cho thấy bên cạnh những thành tựu lớn cũng tồn tại những bất cập không nhỏ về quan niệm, về phương thức thực hành, về những hoạt động cụ thể trong việc phát hiện, bảo tồn và phát huy di sản văn hóa. Vì vậy, thống nhất quan niệm, phương thức thực hành trong bảo tồn phát huy di sản văn hóa vẫn thật sự là một nhu cầu cần thiết.
Về mặt quan niệm, Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương (khóa VIII) về "Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc" đã nêu rõ di sản văn hóa là gì và khẳng định nhiệm vụ bảo tồn và phát huy các di sản trong bối cảnh mới ở nước ta: "Di sản văn hòa là tài sản vô giá, gắn kết cộng đồng dân tộc, là cốt lõi của bản sắc dân tộc, cơ sở để sáng tạo những giá trị mới và giao lưu văn hóa. Hết sức coi trọng việc bảo tồn, kế thừa, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống (văn hóa bác học và văn hóa dân gian), văn hóa cách mạng bao gồm cả văn hóa vật thể và phi vật thể".
Luật Di sản văn hóa đã được Quốc hội khóa X, kỳ họp thứ 9 thông qua ngày 26 - 9 - 2001 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01 - 01 - 2002 cũng đã khẳng định "Di sản văn hóa Việt Nam là tài sản quý giá của cộng đồng các dân tộc Việt Nam và là một bộ phận của di sản văn hóa nhân loại trên thế giới, có vai trò to lớn trong sự nghiệp giữ nước và dựng nước của nhân dân ta".
Nhiều nhà khoa học xã hội, những người làm công tác quản lý văn hóa cũng đã quan tâm tới vấn đề di sản văn hóa ở những góc độ khác nhau và ở một mức độ nhất định, thống nhất rằng: "Di sản văn hóa là sản phẩm sáng tạo trong quá trình hoạt động của con người nhằm vươn tới đỉnh cao giá trị chân - thiện - mỹ. Di sản văn hóa Việt Nam là sự kết tinh của mối quan hệ tổng hòa và tương tác giữa môi trường - con người - văn hóa, là sự vươn lên những thách đố khốc liệt bằng sự kiên trì, lòng dũng cảm, trí thông minh và khát vọng vươn tới tầm cao của nhân loại, là tấm lòng bao dung, sự dung hợp giữa việc bảo tồn bản sắc riêng của mình với sự thích ứng và tiếp thu những giá trị của các văn hóa khác".
Như vậy, ở bình diện chung, chúng ta có thể thấy rằng, di sản văn hóa là toàn bộ những sản phẩm, toàn bộ những giá trị vật chất và tinh thần của dân tộc đã sáng tạo, để lại, lưu giữ, trao truyền qua nhiều thế hệ. Nó có thể là di sản văn hóa phi vật thể (tiếng nói, chữ viết, diễn xướng, lễ hội, lối sống…), cũng có thể là văn hóa vật thể (di tích lịch sử văn hóa, di vật, cổ vật, bảo mật quốc gia…). Di sản văn hóa tồn tại dưới nhiều hình thức khác nhau. Sự đa dạng, giàu có của di sản văn hóa Việt Nam không chỉ bởi dân tộc ta đã có lịch sử hàng ngàn năm dựng nước, giữ nước, không chỉ bởi nước ta hội tụ sự đa sắc văn hóa của 54 tộc người… mà còn là bởi mỗi vùng miền, mỗi tộc người đều cố gắng bảo tồn mỗi sắc thái văn hóa, những truyền thống văn hóa lâu đời của riêng mình để góp chung vào kho tàng di sản văn hóa của dân tộc và nhân loại. Di sản văh hóa của từng tộc người, của cả dân tộc cần được bảo tồn, cần được làm sống dậy tiềm năng to lớn của nó để góp phần vào sự nghiệp xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đàm đà bản sắc dân tộc. Đây là công việc hết sức cần thiết và có ý nghĩa, bởi nếu không có giải pháp bảo tồn, phát huy một cách thiết thực, có hiệu quả thì nhiều di sản văn hóa, cả vật thể và phi vật thể, sẽ nhanh chóng bị hủy hoại bởi thời gian, bởi môi trường thiên nhiên khắc nghiệt, bởi mặt trái của toàn cầu hóa và thị trường hóa…
Trong nhiều năm qua, chúng ta đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong công tác bảo tồn và phát huy di sản văn hóa dân tộc ở những quy mô khác nhau. Hàng loạt di tích lịch sử, văn hóa, cách mạng đã được công nhận, tu bổ, tôn tạo, rất nhiều di vật, cổ vật đã được bảo vệ… các lễ hội truyền thống như lễ hội đâm trâu, mừng lúa mới của đồng bào các dân tộc thiểu số vùng cao Quảng Nam, hoặc lễ cầu ngư, rước cộ, lễ cầu Ông… của người Kinh. Liên hoan nghệ thuật dân tộc như ví giao duyên của đồng bào Nguồn huyện Minh Hóa, liên hoan nghệ thuật cồng chiêng, liên hoan nghệ thuật múa tung tung Za Zá của người dân tộc Cơ Tu, nhạc cụ dân tộc thiểu số trong gia tài văn hóa của người Vân Kiều như khèn A man, kèn Pi, đàn Tin Tùng, đàn Plựa, Sui và các loại trống to, trống dài, trống nhỏ… trước nguy cơ mai một thất truyền của dồng bào các dân tộc, hoặc trò chơi Lô tô, bài Chòi… của người Kinh; những phong tục, nếp sống, lối sống đẹp đã và đang hình thành trong cộng đồng làng, bản của đồng bào các dân tộc vùng cao và ở cả thành thị… đã được phục hồi và phát triển. Phong trào toàn dân bảo vệ và phát triển văn hóa đã tạo môi trường lành mạnh, thuận lợi cho công tác giữ gìn, bảo tồn và phát huy các giá trị của di sản văn hóa cũng như nền văn hóa dân tộc. Những thành tựu này thật sự lớn và đã khẳng định tính đúng đắn trong đường lối phát triển văn hóa của Đảng ta cũng như sức mạnh của Nhà nước, của toàn dân trong công tác bảo tồn, phát huy di sản văn hóa để xây dựng nền văn hóa mới.
Tuy nhiên, thực tiễn đời sống văn hóa cho thấy, trong công tác bảo tồn, phát huy di sản văn hóa dân tộc cũng nổi lên một số hiện tượng đáng quan tâm, gây bức xúc trong xã hội. Đó là tình trạng xâm hại, phá hoại di tích, lấy cắp cổ vật và đồ thờ tự trong đền, chùa; hiện tượng mê tín, dị đoan ngày càng gia tăng; lễ hội truyền thống bị mai một, còn nhiều lộn xộn; việc tổ chức cưới xin, tang lễ còn nhiều hủ tục; lối sống thực dụng gia tăng, đạo đức suy thoái ở một số bộ phận cán bộ, nhân dân… Hiện trạng này khiến cho môi trường văn hoá - xã hội nói chung, môi trường bảo tồn di sản văn hóa nói riêng kém lành mạnh, thiếu tính bền vững. Mặc dù toàn xã hội và ngành văn hóa thông tin đã có nhiều giải pháp ngăn chặn, can thiệp (như xóa bỏ tệ chùa giả, động giả ở Chùa Hương, chấn chỉnh hoạt động lễ hội, khuyến khích cưới xin theo đời sống mới, các tập tục lạc hậu Pa dâu, ngãi nghệ đối với đồng bào các dân tộc vùng cao, miền núi, đẩy mạnh chống tệ nạn mại dâm, ngăn ngừa các hoạt động Karaoke trái chiều, thu hồi các cổ vật bị đánh cắp, mua bán trái phép…) song rõ ràng đây vẫn là những vấn đề thách thức đang đặt ra cho toàn xã hội trong việc bảo tồn, phát huy di sản văn hóa, xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
2. Những vấn đề đặt ra từ hiện trạng bảo tồn, phát huy di sản văn hóa
Trong thời đại ngày nay, chúng ta luôn khẳng định vị thế to lớn của văn hóa trong phát triển bền vững, khẳng định vai trò quan trọng của di sản văn hóa trong xây dựng nền văn hóa dân tộc. Tuy nhiên, cũng cần thiết phải nhấn mạnh rằng, bối cảnh toàn cầu hóa, những đòi hỏi của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đang đặt ra nhiều vấn đề cần chú trọng trong phát triển nền văn hóa Việt Nam cũng như công tác bảo tồn, phát huy di sản văn hóa dân tộc. Ở đây, chúng tôi xin đề cập đến một số vấn đề sau:
Trước hết, đó là việc phải xử lý hài hòa các mối quan hệ tương tác giữa sức ép của toàn cầu hóa trên lĩnh vực văn hóa và nhu cầu bảo vệ di sản văn hóa dân tộc theo hướng vừa tăng cường giao lưu vừa giữ được bản sắc, vừa tận dụng được thuận lợi vừa phải vượt qua thách thức. Đây thuộc về vấn đề quan điểm, đường lối, cách xử lý… sao cho văn hóa Việt Nam vừa tham gia vào văn hóa nhân loại như một bộ phận quan trọng, vừa tồn tại như một chỉnh thể độc lập, giàu bản sắc. Trong quan hệ này, các yếu tố kế thừa và cách tân, vừa truyền thống vừa hiện đại, nội sinh và ngoại sinh, giao lưu và tiếp biến văn hóa… cần được nhìn nhận một cách thấu đáo và biện chứng.
Mặt khác, vấn đề giữ gìn giá trị di sản văn hóa (sự sáng tạo, phương thức phổ biến, phương tiện, thiết chế, sản phẩm…) trước sự bùng nổ của cách mạng khoa học - công nghệ và sự gia tăng nhanh chóng các sản phẩm văn hóa hiện đại. Nếu không giải quyết được vấn đề này, văn hóa truyền thống dễ bị đẩy ra ngoài phạm vi quan tâm của con người, nhất là thế hệ trẻ. Vì vậy, vấn đề ứng xử văn hóa dân tộc trong xu thế toàn cầu hóa sao cho vừa hội nhập với quốc tế vừa bảo vệ, giữ gìn, phát triển nền văn hóa Việt Nam thống nhất trong đa dạng…
Thứ hai,vấn đề xây dựng định hướng, đường lối cho việc bảo vệ di sản văn hóa trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Mặt trái của cơ chế thị trường dễ đem đến cách sống, tâm lý hưởng thụ, lối sống vì tiền, sự chú ý lợi ích vật chất… dẫn tới ít quan tâm hoặc lãng quên giá trị tinh thần, nhạt phai yếu tố đạo đức, coi trọng cá nhân mà ít quan tâm tới cộng đồng, cũng như những giá trị văn hóa được lưu giữ trong cộng đồng.
Thứ ba, bên cạnh những vấn đề mang tính chiến lược như vậy, cần thiết chú trọng đến hàng loạt vấn đề khác, mang tính sách lược, tính điều kiện như đổi mới cơ chế và phương thức bảo tồn, chính sách và bộ máy thực hiện, trang bị các phương tiện công nghệ và đào tạo đội ngũ chuyên gia… Đặc biệt, cần phải tiến hành tổng kiểm kê di sản văn hóa toàn quốc, đồng thời trên cơ sở đó mà nghiên cứu một cách sâu sắc về giá trị của từng nhóm, loại di sản văn hóa, để có thể đề ra phương thức tốt nhất trong bảo tồn chúng. Chương trình cấp quốc gia về sưu tầm văn hóa phi vật thể, về tổng kiểm kê di sản văn hóa, về chống xuống cấp và tôn tạo di sản do ngành văn hóa thực hiện; Chương trình Bảo vệ Hoàng thành Thăng Long; Chương trình Sưu tầm sử thi Tây Nguyên; Nhã nhạc Cung đình Huế; Không gian Cồng chiêng Tây Nguyên; Ca trù và Quan họ Bắc Ninh một số địa bàn khác do Viện Khoa học xã hội Việt Nam thực hiện là những công việc có tính định hướng, có hiệu quả, đáng trân trọng, cần được đẩy mạnh và mở rộng.
3. Một số giải pháp bảo tồn di sản văn hóa trước thách thức của toàn cầu hóa
Để bảo tồn, phát huy di sản văn hóa, vấn đề tìm giải pháp phù hợp, có hiệu quả là một vấn đề cần đặc biệt quan tâm. Ở đây, chúng tôi xin đề cập một số vấn đề chung có ý nghĩa giải pháp như sau:
- Đẩy mạnh việc hợp tác, giao lưu văn hóa quốc tế để học hỏi tinh hoa văn hóa nhân loại, trên cơ sở kiên định đường lối phát triển văn hòa của Đảng, tiên tiến nhưng đậm đà bản sắc dân tộc.
+ Đẩy mạnh việc hợp tác giao lưu quốc tế, tranh thủ sự đồng tình và ủng hộ của các nước và nhân dân trên toàn thế giới đối với việc hợp tác, việc giao lưu văn hóa để học hỏi các tinh hoa văn hóa của nhân loại.
+ Bảo tồn có chọn lọc, cải tiến, đổi mới những phong tục, tập quán tốt đẹp của dân tộc, loại bỏ dần trong cuộc sống những hình thức lỗi thời, lạc hậu, nghiên cứu xây dựng và hình thành dần những hình thức vừa văn minh, vừa giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc…
- Xây dựng con người mang đặc tính văn hóa Việt Nam truyền thống, đồng thời có thể tiếp cận được những giá trị thời đại, có ý thức tôn trọng, bảo vệ, tự hào về nguồn di sản văn hóa dân tộc.
+ Bảo đảm giữ gìn và phát huy thuần phong, mỹ tục, phát huy truyền thống đạo lý uống nước nhớ nguồn, hiếu thảo, thủy chung của dân tộc; thực hiện các hành vi ứng xử văn minh trong giao tiếp, ăn, ở, đi lại…, xóa bỏ hủ tục, phát triển các hình thức hoạt động văn hóa lành mạnh, phát huy tình làng nghĩa xóm, đoàn kết, tương thân, tương ái, hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau trong cộng đồng dân cư:
+ Đề ra các biện pháp thuần phong, mỹ tục, bài trừ các hủ tục trong ma chay, cưới hỏi, thờ phụng, lễ hội ở địa phương.
+ Xây dựng nếp sống văn minh, gia đình văn hóa, đề ra những tiêu chuẩn gia đình văn hóa, các quy tắc đạo đức mới, giúp đỡ nhau tìm ra các biện pháp xử lý tốt các mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình…
- Lập và triển khai các chương trình quốc gia về bảo tồn, phát huy di sản văn hóa dân tộc, trong đó chú trọng đặc biệt đến các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể, bảo vật, cổ vật, di tích… quốc gia. Tăng cường sưu tầm, tập hợp, bảo lưu, nghiên cứu giới thiệu các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể ở các địa phương trong nước, tạo nên lòng tự hào về di sản văn hóa, ý thức giữ gìn, bảo vệ di sản văn hóa trong mỗi người dân. Các dự án nhằm tạo dựng lại bản sắc văn hóa phong phú của người dân Việt Nam, khơi dậy lại dòng chảy mát lánh từ mạch nguồn, từ thành thị, đồng bằng cho đến núi rừng; hồn nhiên, dung dị mà không kém phần gia giáo, gia phong của con người Việt Nam hùng hậu sinh sống trên dãi đất hình chữ S.
+Trong suốt quá trình đấu tranh lâu dài dựng nước và giữ nước đã hình thành nên các chuẩn mực, các giá trị đạo đức tốt đẹp trong quan hệ gia đình, cộng đồng xã hội, phù hợp với yêu cầu tồn tại, phát triển của cộng đồng dân tộc Việt Nam. Ông cha ta luôn luôn coi trọng đạo đức, giữ gìn và phát huy các giá trị, chuẩn mực đạo đức tốt đẹp. Đó là truyền thống yêu quê hương đất nước, gắn bó với thiên nhiên, với cộng đồng, đoàn kết thủy chung, nhân ái, quý trọng nghĩa tình, cần cù, yêu lao động, dũng cảm, kiên cường, hiếu học sáng tạo…
+ Đảng và Bác Hồ kính yêu luôn luôn chăm lo giữ gìn và phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc, xây dựng nền đạo đức mới, đạo đức cách mạng. Đó là lòng yêu nước, thương nòi, sẵn sàng chiến đấu hy sinh, xả thân vì sự nghiệp độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội; sống có tình, có nghĩa, có đạo đức, có lý tưởng, vì nước, vì dân; có ý chí tự lực, tự cường, đoàn kết nhân ái…
+ Truyền thống đạo đức của dân tộc đã được phát triển và bổ sung thêm những giá trị mới. Đó là những phẩm chất đạo đức mới, tiến bộ xã hội được thừa nhận, như sự năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, quyết tâm vượt khó, quyết chí làm giàu, đoàn kết giúp nhau cùng phát triển, xây dựng đời sống văn hóa…
- Thực thi Luật Di sản văn hóa trong cuộc sống, tạo nên sức mạnh trong hành động của cá nhân, gia đình, cộng đồng trong sưu tầm, bảo tồn, phát huy các di sản văn hóa, tạo sức mạnh nội sinh để đứng vững trước xu thế toàn cầu hóa.
+ Sự chuyển đổi cơ chế kinh tế, từ cơ chế kế hoạch hóa tập trung sang cơ chế thị trường, đã có tác động không nhỏ đến đạo đức xã hội. Mặt trái của kinh tế thị trường, với những ảnh hưởng tiêu cực của nó, đã tác đọng vào ý thức xã hội, trong đó có đạo đức xã hội.
+ Sự phát triển của khoa học - công nghệ, quá trình toàn cầu hóa và bùng nổ mạng thông tin toàn cầu đã tạo điều kiện đẩy mạnh giao lưu kinh tế, văn hóa giữa các quốc gia, dân tộc trên thế giới. Trong điều kiện đó những mặt tiêu cực của văn hóa, lối sống tư sản phương Tây có điều kiện tác động mạnh vào nước ta, nhất là khi những sản phẩm văn hóa độc hại, bằng nhiều con đường đã tràn vào nước ta, đặc biệt ở các đô thị lớn, trong khi chúng ta chưa có biện pháp ngăn chặn hiệu quả. Mặt khác, các thế lực thù địch lợi dụng quá trình toàn cầu hóa để tiến hành chiến lược "diễn biến hòa bình" trên lĩnh vực tư tưởng văn hóa…
+ Chủ động, tích cực hội nhập kinh tế quốc tế đang tạo cho nhân dân ta những điều kiện và nguồn lực mới để phát triển, đồng thời cũng đòi hỏi chúng ta phải biết giữ gìn, phát huy các giá trị đạo đức truyền thống, hình thành, bổ sung thêm những giá trị mới, giữ gìn bản sắc văn hóa Việt Nam trong quá trình toàn cầu hóa.
- Hoàn thiện cơ chế, chính sách, phương tiện, cán bộ… cho việc bảo vệ di sản văn hóa ở Việt Nam .
+ Cần hoàn thiện cơ chế, chính sách, cần phát huy tinh thần độc lập, tự chủ, sáng tạo, xuất phát từ thực tiễn Việt Nam để tiếp tục cụ thể hóa hơn nữa đường lối đổi mới, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, sớm đưa nước ta ra khỏi tình trạng kém phát triển.
+ Trong giai đoạn cách mạng mới, đẩy nhanh sự phát triển của đất nước, rất cần sự năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, biết cách tổ chức quần chúng thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, cán bộ nào, phong trào đó. Rõ ràng, trong giai đoạn hiện nay việc quan tâm xây dựng, bồi dưỡng, giáo dục đội ngũ cán bộ có đầy đủ phẩm chất đạo đức, có năng lực sáng tạo, vừa hồng, vừa chuyên là rất quan trọng.
Tuy nhiên, về chiều sâu, trên cơ sở đường lối văn hóa đúng đắn của Đảng cần phải có một chiến lược giữ gìn, phát huy di sản văn hóa dân tộc. Chiến lược ấy, với tư cách giải pháp chiến lược tổng hợp, phải tạo ra được kế hoạch, phương thức, cơ chế, bộ máy, con người, phương tiện… đồng bộ, lâu dài cho việc tìm tòi, lưu giữ, phát huy, truyền bá di sản văn hóa… Đặc biệt, chiến lược đó, suy cho cùng, phải tạo được thói quen, một nếp sống coi trọng di sản văn hóa trong từng con người, một môi trường thuận lợi cho việc bảo tồn và phát huy di sản văn hóa, một phong trào toàn dân trân trọng và bảo vệ di sản văn hóa.
Như vậy, di sản văn hóa, bản sắc văn hóa chính là sức mạnh nội sinh tiềm tàng, thúc đẩy phát triển bền vững của một dân tộc. Bảo tồn di sản văn hóa, do vậy, không chỉ là nghĩa vụ, mà còn là quyền lợi thiết thực của mỗi con người. Trong bối cảnh toàn cầu hóa, khi vấn đề phát triển văn hóa đang gặp những thuận lợi nhưng cũng đang đứng trước những thách thức, may rủi không nhỏ, thì việc mỗi người, mỗi nhóm xã hội, mỗi cộng đồng, cả dân tộc… dồn sức cho việc bảo tồn di sản văn hóa phải được xem như một quyền lợi tất nhiên, tiên quyết. Nắm vững quy luật để tìm ra phương thức, hoạch định chiến lược để phát triển, hội nhập và giải quyết những vấn đề đang nổi cộm hiện nay, có hệ thống giải pháp, biện pháp cụ thể, hiệu quả… chính là những điều kiện cần và đủ để công tác bảo tồn, phát huy di sản văn hóa dân tộc có được bước phát triển mới, trên bước đường hội nhập quốc tế.