Liên hiệp các hội và khoa học kỹ thuật Việt Nam
Thứ hai, 24/10/2005 14:43 (GMT+7)

Bảo tồn nguồn gien vật nuôi lợi ích thuộc về cộng đồng

Với đề án bảo tồn nguồn gien vật nuôi được tiến hành suốt mười lăm năm qua, các nhà khoa học đã cùng cộng đồng thu được nhiều thành công đáng khích lệ. Nhiều giống động vật nuôi có nguy cơ tuyệt chủng đã được cứu vãn. Đáng mừng hơn là ý thức bảo tồn các giống quý địa phương của cộng đồng đã được nâng cao, và người dân biết khai thác các ưu điểm của các giống vật nuôi nội địa, nắm bắt được thị hiếu người tiêu dùng, từ đó nâng cao được thu nhập. Ngay trước mắt, cộng đồng đã thu lợi từ các công tác bảo tồn nguồn gien vật nuôi.

Trong những phép lạ của tự nhiên thì đa dạng sinh học là một trong những điều kỳ diệu nhất!

Từ những vi sinh vật đơn bào nhỏ li ti đến những con vật khổng lồ như cá voi, tất cả tạo thành một bức tranh muôn vẻ. Có khi chúng dựa vào nhau để sống, có khi lại đấu tranh tiêu diệt, hạn chế lẫn nhau mà mục tiêu cuối cùng là để giữ lại sự hài hòa, sự thích nghi với tự nhiên để có thể sinh tồn. Vật nuôi là một bộ phận quan trọng của đa dạng sinh học. Chúng vừa là sản phẩm của tự nhiên, vừa là sản phẩm của con người, hình thành thông qua chọn lọc tự nhiên và chọn lọc nhân tạo. Quá trình này đã kéo dài hàng trăm, thậm chí hàng nghìn năm.

Con người từ lúc bắt đầu xuất hiện đã đấu tranh ngoan cường để chinh phục tự nhiên. Với tư cách là “chủ của muôn loài”, con người đã bắt các sinh vật khác khuất phục mình, bắt chúng phục vụ lợi ích của con người. Có thể nói con người đã không từ một thủ đoạn nào để đạt được mục đích trên, từ đánh bắt đến chăn nuôi, mà lợi hại nhất là vũ khí chọn lọc thường được gọi là “chọn lọc nhân tạo”.

Con bò sữa mỗi ngày phải tiết ra vài ba chục lít sữa, con bê bú mẹ có cần đến chừng ấy đâu, chủ yếu là để cho con người đấy chứ. Cũng tương tự như vậy, con gà hầu như ngày nào cũng phải đẻ một quả trứng. Con lợn vốn nhiều mỡ như vậy thế mà do ý thích của con người, nó phải săn chắc lại để được nhiều thịt nạc, con cừu có lông tơ rậm rạp để năm nào cũng phải cắt đi để cho con người có lông len mặc ấm. Ý muốn của con người là tất cả và tất nhiên là tội vạ đổ lên đầu những con vật và chúng phải chịu đựng để rồi chóng héo hon, chóng chết. Thế là, bên cạnh những việc làm tích cực, thông minh, con người cũng làm không ít điều ngu xuẩn và họ đang phải trả giá! Người ta đã làm cho con vật yếu hẳn đi, dễ sinh bệnh tật và nếu cho thả lại rừng thì chỉ còn là con mồi cho thú hoang bởi chúng còn đâu sức chống đỡ.

Do áp lực dân số, chiến tranh rồi thiên tai, cộng thêm tốc độ đô thị hóa, công nghiệp hóa chóng mặt đã tạo nên bao thảm họa cho môi sinh tạo nguy cơ cạn kiệt của đa dạng sinh học - vốn quý của tự nhiên. Nhà khoa học Lester Brown đã dự đoán rằng nếu cuộc cách mạng nông nghiệp đã bắt đầu từ khoảng 10 nghìn năm trở lại đây và cuộc cách mạng công nghiệp cũng đã trải qua hai thế kỷ, thì cuộc cách mạng môi trường nếu muốn thành công phải dồn vào vài thập niên, bởi vì nếu không thì sẽ quá muộn.

Nguy cơ thảm họa môi trường mà rõ nhất là sự xói mòn của đa dạng sinh học đã gây lo lắng cho nhân loại. May thay, một Công ước quốc tế có tên gọi là Công ước đa dạng sinh học (ĐDSH) đã được ký kết và hiện nay đã có trên 170 nước tham gia. Công ước ĐDSH ngoài các điều khoản quy định bảo tồn nội vi (in-situ) lẫn bảo tồn ngoại vi (ex-situ), về sử dụng bền vững và khai thác còn đề cập đến hành loạt vấn đề, bao gồm các biện pháp kích thích, giáo dục và nhận thức, đánh giá tác động và trao đổi thông tin, các cơ chế tài trợ, nghiên cứu và đào tạo.

Nước ta có ngành chăn nuôi phát triển sớm và là một trong những cái nôi thuần hóa vật nuôi đầu tiên. Ở đây có một tập đoàn gia súc, gia cầm phong phú, bao gồm nhiều loài, như lợn, bò, trâu, ngựa, dê, cừu, thỏ, chó, gà, vịt, ngan, ngỗng, bồ câu. Nếu tính thêm các động vật bán thuần dưỡng thì còn có thể kể hươu nai…Đấy là chưa kể tới vật nuôi thủy sinh không đề cập tới trong bài viết này. Phải nói rằng ngành chăn nuôi nước ta có nhiều giống quý. Lợn Móng Cái nổi tiếng vì mắn đẻ, thịt ngon đến nay vẫn còn phổ biến trong sản xuất ở nhiều vùng; bò vàng tuy nhỏ con nhưng mắn đẻ, cày kéo dẻo dai; gà ri, vịt bầu nổi tiếng bởi thịt thơm ngon; gà ác, gà Mông được coi như thuốc bổ rất được ưa chuộng. Mới tính sơ sơ đã có thể liệt kê hơn năm chục giống, dòng gia súc gia cầm ở nước ta. Tuy năng suất của chúng nói chung còn thấp, nhưng lại thích ứng tuyệt vời với điều kiện sinh thái, kinh tế, kỹ thuật của nhiều vùng còn nghèo, còn khó khăn. Ở đâu trên đất nước này cũng có thể tìm thấy những vật nuôi đặc sản.

Thế nhưng với tiến bộ của khoa học, nhiều kỹ thuật mới được áp dụng nào là thụ tinh nhân tạo, công nghệ sinh học, các giống bị pha tạp nhanh chóng và nhiều gien quý nội địa đã bị mai một. Giống lai to con, lớn nhanh thì có, nhưng thơm ngon thì thường là thua giống nội, không hợp khẩu vị người mình, do vậy nhiều sản phẩm của giống nội thường được coi là đặc sản, ví như gà ri, lợn sóc chẳng hạn. Trong cơ chế thị trường người ta đã du nhập nhiều giống cải tiến từ bên ngoài để được năng suất cao, lợi nhuận nhiều và các giống nội địa do kém cạnh tranh đã bị co hẹp hoặc biến mất.

Sự đa dạng vật nuôi không những nói lên sự phong phú của tài nguyên vật chất mà còn in sâu dấu ấn của nền văn hóa một đất nước. Chính vì lẽ đó mà từ cuối những năm 80 của thế kỷ vừa qua nhà nước ta đã có đề án bảo tồn nguồn gien thực vật, động vật và vi sinh vật trên toàn quốc. Và may thay không chỉ đối với thú hoang mà nguồn gien gia súc, gia cầm cũng được chú ý bảo tồn.

Mười lăm năm qua do sự cố gắng của các nhà khoa học và đông đảo nhân dân, cũng như của các cấp các ngành, công tác bảo tồn nguồn gien vật nuôi đã thu được những thành công đáng khích lệ. Nhiều giống có nguy cơ tuyệt diệt đã được cứu vãn như lợn ỉ, vịt bầu Quỳ; nhiều giống bị giảm sút nghiêm trọng như cừu Phan Rang, gà ác, gà Mông được phục hồi và hòa nhập với thị trường; nhiều giống mới được khảo sát và tư liệu hóa, nhiều giống như gà Hồ, gà Đông Cảo, ngựa, trâu đã đi vào lễ hội, gắn với đời sống văn hóa của địa phương. Một điều rất đáng mừng, đó là ý thức bảo tồn các giống quý địa phương của cộng đồng đã được nâng cao, và người dân biết khai thác các ưu điểm của các giống vật nuôi nội địa, nắm bắt thị hiếu người tiêu dùng từ đó nâng cao được thu nhập.

Rõ ràng là việc bảo tồn nguồn gien vật nuôi đã có vị trí xứng đáng trong việc gìn giữ sự đa dạng sinh học nhằm giữ lại các giống quý, các vật liệu di truyền phong phú cho đất nước và ngay trước mắt cũng đã góp phần làm cho người nuôi được thụ hưởng lợi ích mà nó mang lại.

Nguồn: Khoa học và Đời sống (1785)

Xem Thêm

Tiếp tục đổi mới nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức khoa học và công nghệ
Hiện nay Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (LHHVN) có trên 500 tổ chức khoa học và công nghệ (KH &CN). Các tổ chức KH&CN trực thuộc này được thành lập và hoạt động trên cơ sở các quy định của Luật Khoa học và Công nghệ và nghị định của Chính phủ, điều lệ của Liên hiệp Hội Việt Nam.
Tìm giải pháp chuyển đổi số toàn diện tại Liên hiệp Hội Việt Nam
Hơn 40 năm thành lập, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Liên hiệp Hội Việt Nam) đang nỗ lực hiện đại hóa hoạt động trong bối cảnh chuyển đổi số trở thành yêu cầu cấp thiết. Tuy nhiên, Liên hiệp Hội Việt Nam vẫn phải đối mặt với nhiều hạn chế về hạ tầng công nghệ và nhận thức, đòi hỏi những bước đi chiến lược hơn trong tương lai.

Tin mới