Báo Thanh Niên – tờ báo cách mạng đầu tiên ở nước ta
Theo Trần Văn Giàu trong “Lịch sử giai cấp công nhân Việt Nam”, đây là “tờ báo bí mật đầu tiên của người cách mạng Việt Nam bằng chữ Quốc ngữ, viết bằng giấy sáp, in bằng bàn in tay. Tờ báo Thanh Niêntiêu biểu cho tổ chức cách mạng đến nỗi người ta thường gọi là : ” Việt Nam Thanh Niên Cách mạng Đồng chí Hội là Đảng Thanh niên”.
Báo Thanh Niênra đời đã phá vỡ độc quyền báo chí của thực dân Pháp, mở đường cho dòng báo chí cách mạng Việt Nam hình thành và phát triển.
Báo Thanh Niênra số 1 vào ngày 21-6-1925, trụ sở báo ở số nhà 13A đường Văn Minh, Quảng Châu, Trung Quốc. Nguyễn Ái Quốc vừa là Tổng biên tập, vừa là phóng viên, viết rất nhiều tin bài cho tờ báo. Hầu hết những bài viết của Người đều không ký tên hoặc bút danh. Người còn vẽ cả tranh phê bình, châm biếm cho tờ báo.
Báo Thanh Niênthời gian đầu ra mỗi tuần một kỳ trên 100 bản. Về sau, do có khó khăn về điều kiện in, nên số sau cách số trước có khi 3 tuần, 5 tuần. Măng-sét viết hai chữ Thanh Niên bằng Hán văn và Việt văn. Số mỗi tờ báo viết trong ngôi sao 5 cánh. Phần lớn mỗi số là 2 trang, một số ít ra 4 trang cỡ trung bình 13cm x 19cm. Nội dung chính trị của báo Thanh Niên có thể tóm tắt 6 điểm chính:
1-Vạch rõ mâu thuẫn giữa dân tộc ta và các dân tộc thuộc địa với chủ nghĩa đế quốc là không thể điều hòa được.
2-Khẳng định con đường của cách mạng Việt Nam .
3-Lực lượng cách mạng là toàn dân, lấy công nông làm nền tảng.
4- Người cách mạng phải hy sinh vì sự nghiệp, và phải có phương pháp cách mạng đúng.
5- Cần có Đảng Cộng sản lãnh đạo và tổ chức quần chúng cách mạng.
6- Cách mạng Việt Nam đi theo con đường Cách mạng tháng Mười mới giành thắng lợi.
Trên các số báo, hầu hết các bài ít nhiều đều có mục đích khơi sâu lòng căm thù quân cướp nước để cổ vũ nhân dân nổi dậy làm cách mạng.
Báo Thanh Niênsố 2, ngày 28-6-1925 viết: “Phá lồng ra”, có nghĩa là dùng bạo lực để lật đổ đế quốc xâm lược, là làm cách mạng, “ Cách mạng là biến đổi từ xấu thành tốt, đó là căn nguyên của mọi hoạt động, nhờ đó mà một dân tộc bị áp bức trở nên giàu mạnh. Lịch sử các nước đã dạy chúng ta rằng chỉ bằng con đường cách mạng thì mới có thể tiến tới hình thành được một chính thể có nền giáo dục, công nghiệp, tổ chức phục vụ xã hội tốt đẹp hơn v.v...”.
Báo Thanh Niênsố 6, ngày 3-10-1926 kêu gọi: “. .. Đồng báo ơi! cam chịu như gà, như lợn mãi hay sao? Chỉ có gà, lợn mới chịu người ta nhốt mãi, nếu là người thì thế nào cũng kiếm cách phá lồng ra”.
Nhiều bài trên báo Thanh Niênđề cập đến lực lượng cách mạng và phương pháp cách mạng.
Báo Thanh Niên số 73, ngày 12-12-1926 viết: “Đương khi mất nước, bước đầu cách mạng là ai đánh đuổi đế quốc chủ nghĩa đi mà muốn cho dân tộc mình được tự do giải phóng . Lưc lượng dân tộc cách mạng là ở về toàn quốc dân, nên quốc dân giác ngộ chừng nào thì lực lượng cách mạng to lớn chừng ấy”.
Cách mạng là việc lớn, cần phải có phương pháp cách mạng đúng. Báo Thanh niênsố 72, ngày 5-12-1926 khẳng định: “ Cách mạng trước hết phải tuyên truyền, tổ chức, huấn luyện, sau cùng mới dùng đến vũ lực”, “đừng chăm chăm chỉ biết cách làm bạo động”.
Tháng 4-1927, Tưởng Giới Thạch đứng đầu cuộc phản biến chính trị, khủng bố cách mạng Trung Quốc và những người cách mạng Việt Nam trên đất Quảng Châu. Những hoạt động cách mạng Việt Nam trên đất Trung Quốc phải chuyển vào bí mật, cùng với những người cộng sản Trung Quốc chống phái hữu. Nguyễn Ái Quốc buộc phải rời Quảng Châu đến Vũ Hán rồi đi Liên Xô. Khi ấy, báo Thanh Niên đã ra được 88 số.
Tổng bộ Việt Nam Thanh Niên cách mạng đồng chí Hội chuyển đến Hồng Kông. Báo Thanh Niêntiếp tục xuất bản ở đây, thời gian không ổn định, cho đến cuối năm 1929 Tổng bộ Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí Hội ngừng hoạt động, báo cũng ngừng xuất bản. Số báo cuối cùng ra ngày nào, đến nay vẫn chưa xác định được.
Dưới sự chỉ đạo của Nguyễn Ái Quốc, báo Thanh Niênđã có vai trò to lớn trong việc chuẩn bị về chính trị, tư tưởng và tổ chức cho sự thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, người lãnh đạo và tổ chức mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam.
Báo Thanh Niênđược bí mật chuyển về nước bằng con đường tàu thủy, lưu hành trong các chi bộ của Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội, trong những người có cảm tình với Hội, trong các cơ sở cách mạng của Việt kiều ở Pháp, Thái Lan, Trung Quốc. Báo đã có ảnh hưởng sâu rộng trong đời sống chính trị của nhân dân ta. Một người chuyên chở và phát hành báo Thanh Niên rất quan trọng về trong nước là đồng chí Nguyễn Lương Bằng. Tổ chức Việt Nam Thanh niên cách mạng Đồng chí Hội ở trong nước dùng tờ báo để vận động, tuyên truyền, giác ngộ và huấn luyện kết nạp hội viên. Điều chúng ta ít biết là tờ báo đến mỗi cơ sở lại được chép tay nhân lên thành nhiều bản.
Louis Marty, Chánh mật thám Pháp lúc bấy giờ, đã viết trong bộ sách “Đóng góp vào lịch sử các phong trào chính trị ở Đông Pháp” (5 tập do Nha công tác chính trị và công an trực thuộc Phủ Toàn quyền Đông Dương xuất bản năm 1933): “. .. Cần phải nói ngay rằng tờ báo của Nguyễn Ái Quốc được tất cả các đảng viên ở nước ngoài, ở trong nước và đông đảo người cảm tình đọc, những người đọc này chẳng những tự mình đọc báo Thanh Niên mà còn chép đi chép lại nhiều lần để cho người khác đọc”.
Báo Thanh Niênra đời, đã khai sinh ra nền báo chí cách mạng Việt Nam . Nguyễn Ái Quốc , người xuất bản báo Thanh Niên, đồng thời là người sáng lập nền báo chí cách mạng Việt Nam .
Từ ngày báo Thanh Niênra đời đến nay, báo chí cách mạng Việt Nam không ngừng phát triển. Từ năm 1925 đến năm 1930, trong cả nước có hơn 50 tờ báo cách mạng. Và đến nay, trong cả nước có 500 tờ báo cách mạng được xuất bản. Các hệ thống thông tấn xã và phát thanh, truyền hình không ngừng lớn mạnh...
Để kỷ niệm ngày ra đời của báo Thanh Niên, để ghi nhớ công ơn Bác Hồ sáng lập nền báo chí cách mạng Việt Nam, Trung ương Đảng ta đã quyết định lấy Ngày 21 tháng 6 hằng năm là Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam .