Báo điện tử
Trong số gần 200 tờ báo, tạp chí, bản tin,…của Liên hiệp hội Việt Nam, có trên 40 tờ báo và trang tin điện tử.
Sở dĩ có sự bùng nổ như vậy là do báo điện tử đã hội tụ và kế thừa được hầu hết các thế mạnh của các hình thức truyền thông trước nó. Hơn thế, do được khai thác những ứng dụng, thành tựu, tiện ích của công nghệ hiện đại nên nó phát huy được nhiều tính năng mà các loại hình báo chí khác không có.
Tính tương tác của báo điện tử là rất cao, thực tế cho thấy, chỉ sau vài phút sự kiện diễn ra, người ta đã có thể xem có thể là tin, ảnh hoặc clips trên mạng. Một bài báo được đưa lên mạng, có thể nhận được phản hồi ngay của bạn đọc nhận xét về nội dung bài báo, hoặc bạn đọc có thể chia sẻ với nhau, thậm chí có thể tiếp xúc ngay với cơ quan đưa tin. Cùng với sự phối hợp kỹ thuật của các phương tiện khác như máy tính, máy ảnh kỹ thuật số, thông tin mạng… quá trình thu thập, xử lý tin, ảnh và truyền tin được rút ngắn tối đa về thời gian với chi phí thấp.
So với các loại hình báo chí khác, đầu tư về tài lực và vật lực cho ra đời một tờ báo điện tử thường không lớn và phức tạp bằng do quan hệ công tác, phương thức làm việc của báo điện tử chủ yếu diễn ra trên mạng nên không cần đầu tư nhiều về cơ sở hạ tầng như trụ sở, điện, nước, in ấn, phương tiện đi lại,…
Sự hấp dẫn của báo điện tử còn ở khả năng tích hợp đa phương tiện, từ âm thanh, hình ảnh tĩnh và động, chữ viết. Trên báo điện tử, bên cạnh những nội dung chữ viết bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau, người ta có thể gắn một videoclips kèm âm thanh. Ngoài ra, các loại hình báo chí khác có thể sử dụng công nghệ của báo điện tử làm công cụ lưu trữ, tìm kiếm nhằm giúp bạn đọc dễ tiếp cận hơn tới các loại báo này. Hiện nay, trên nhiều báo điện tử chúng ta có thể tìm kiếm và nghe hoặc xem buổi phát thanh hoặc truyền hình đã phát trước đó. Theo The Financial Times của Anh, từ năm 2006, báo điện tử đã vượt qua các nhật báo và tạp chí in trên giấy là nguồn cung cấp thông tin chính cho các độc giả châu Âu. Tại Mỹ, báo điện tử hiện là nguồn tra cứu và tham khảo thông tin phổ biến nhất, đồng thời cũng là kênh cập nhật tin tức thời sự được yêu thích nhất, hơn cả truyền hình, báo in lẫn phát thanh.
Theo cuộc thăm dò mới đây do hãng Zogby Interactive tiến hành, có tới quá nửa số người được hỏi cho biết họ sẽ chọn báo điện tử, nếu như bắt buộc phải gắn bó với một nguồn thông tin duy nhất. Trong khi đó, chỉ có 21% chọn truyền hình và 10% cho báo in lẫn phát thanh. Vẻn vẹn 10% số người dùng trưởng thành mô tả mạng xã hội ảo là một kênh thời sự quan trọng. Và bất chấp sự nổi lên gần đây của Twitter, dịch vụ blog mini này cũng chỉ được 4% người dùng chỉ mặt gọi tên mà thôi. Ngoài việc là kênh thông tin phổ biến nhất, báo điện tử còn được đánh giá là nguồn cung cấp thời sự đáng tin cậy nhất của gần 40% số người được hỏi. Tỷ lệ này bỏ xa con số 17% của truyền hình, 16% của báo in và 13% của phát thanh. Gần một nửa trong số 3030 người được hỏi khẳng định phiên bản web của các tờ báo in vẫn rất thu hút họ. 43% cũng thường xuyên theo dõi trang web của các kênh truyền hình lớn. Blog không nhận được nhiều sự chú ý bằng báo điện tử, khi chỉ có 28% số người được hỏi thường xuyên đọc blog để cập nhật tình hình thời sự thế giới và chia sẻ quan điểm chính trị. "Có thể nói, báo điện tử của các hãng thông tấn truyền thống vẫn được đánh giá cao hơn blog", Zogby đánh giá. 82% số người được hỏi dự đoán báo điện tử sẽ là nguồn thông tin chủ chốt trong vòng 5 năm tới, trong khi chỉ có 13% chọn truyền hình và 0,5% chọn báo in. Do mức độ hấp dẫn bạn đọc của báo điện tử so với báo in tăng lên, năm 2008, 5 tờ báo lớn nhất nước Mỹ đều sụt giảm lượng phát hành. NYTimes giảm 3.6%, Los Angeles Times giảm 5.2%, Daily News giảm 7.2%, NYPost giảm 6.3%, Washington Post giảm 1.9%. Năm 2008 còn chứng kiến nhiều vụ phá sản của báo chí Mỹ như các tập đoàn Tribune Company, Philadelphia Newspapers, Journal Register … Ở Việt Nam, theo thông tin từ Cục Báo chí (Bộ TT&TT), đến tháng 5/2009 có 4 tờ báo xin ngừng hoạt động, 5 báo xin giảm kỳ, 6 báo xin giảm trang. Có báo lớn đã phải cắt giảm 20% lương nhân viên. Khả năng thu hút quảng cáo trên báo điện tử ngày càng cao do lợi thế so sánh với các loại hình báo khác. Quảng cáo trên báo điện tử không những sinh động, nhanh, chi phí lại rẻ hơn. Tại Việt Nam không có số liệu, nhưng theo báo cáo về quảng cáo ở Mỹ cho thấy, cách đây khoảng 5-7 năm, doanh thu quảng cáo từ báo điện tử chỉ chiếm dưới 1%, các báo điện tử đều chấp nhận thua lỗ, ngày nay đã đạt kết quả tăng trưởng liên tục 30 – 40%, dự báo đến 2012 doanh số quảng cáo của báo điện tử sẽ đuổi kịp báo in. Tất nhiên, ở Việt Nam khi lượng người truy cập internet mới chỉ khoảng 25%, nội dung quảng cáo chưa đa dạng, để doanh số quảng cáo của báo điện tử đuổi kịp báo in, chắc chắn sẽ còn ở tương lai xa.
Thực tế hoạt động của báo chí điện tử của các nước trên thế giới cho thấy, các cơ quan chức năng rất khó khăn, thậm chí không thể quản lý đầy đủ, kịp thời đối với hàng triệu trang tin, báo điện tử. Do đó, bên cạnh việc chú trọng quản lý vĩ mô, phân công quản lý theo khu vực, lĩnh vực, cơ quan chức năng nên trao quyền quản lý nhiều hơn cho trang tin, báo điện tử. Việc trao quyền gắn với trách nhiệm tạo điều kiện cho cơ quan báo chí tăng tính chủ động và có trách nhiệm hơn trong công tác, mặt khác, giảm việc cho các cơ quan quản lý. Các cơ quan quản lý nhà nước cần có sự định hướng, làm đầu mối thông tin, hoạt động cả về nghiệp vụ báo chí và công nghệ thông tin, cung cấp kịp thời các phần mềm hữu ích cho các báo điện tử. |