Liên hiệp các hội và khoa học kỹ thuật Việt Nam
Thứ năm, 10/04/2014 21:07 (GMT+7)

Bảo đảm cơ động lực lượng trong chiến dịch Ðiện Biên Phủ

Trong báo cáo với Bộ Chính trị, ngày 6-12-1953, Tổng Quân ủy nêu rõ: "Ðể tiến hành chiến dịch lớn này, ta có nhiều khó khăn, khó khăn lớn nhất vẫn là cung cấp mà chủ yếu vẫn là vấn đề đường sá".

Vì nếu không có đường sá cho ô-tô vận tải, thì không thể tiến hành được chiến dịch. Tuy nhiên, với trang bị của Công binh khi ấy, chỉ có thể mở đường có sẵn và phải triển khai công việc sớm. Do vậy, ngay từ tháng 10-1953, Bộ Tổng Tư lệnh đã điều Trung đoàn Công binh 151 lên Tây Bắc mở đường. Công việc lúc đầu là, sửa đường cho xe ô-tô vận tải hậu cần và xe kéo pháo vào tập kết chiến dịch, sau đó chống lầy, lún, sụt lở do mưa lũ gây ra và phá bom, mìn do máy bay địch đánh phá... Ngày 7-11, Trung đoàn 151 cùng các đơn vị thanh niên xung phong và công nhân giao thông bắt đầu sửa chữa, mở rộng Ðường số 13. Sau một tuần, ta đã sửa xong đoạn đường dài 36 km từ Tạ Khoa đi Cò Nòi. Tiếp sau là đường đến Sơn La, Tuần Giáo; đường Tuần Giáo đi Ðiện Biên; Tuần Giáo đi Lai Châu và Ðường 13 từ Yên Bái nối vào Ðường 41 ở Tạ Khoa, dài 308 km. Trong đó, có 74 cầu, 21 đường ngắn, 1.070 kè cống.

Ngày 18-11-1953, đoàn xe vận tải gồm 12 chiếc chở chuyến hàng đầu tiên vào mặt trận. Phấn khởi trước chiến công đầu, từ ngày 20-11-1953, Trung đoàn sửa tiếp đoạn đường Cò Nòi - Sơn La - Tuần Giáo dài 120 km. Ðoạn này phải dọn 1.600 m3 đất sụt lở, làm 167 cầu cống lớn nhỏ, phải vượt qua bốn đèo cao: Sơn La, Chiềng Puốc, Ðèo Mèo, Pha Ðin. Ðầu tháng 12-1953, Trung đoàn bắt tay sửa đoạn đường từ Tuần Giáo vào ÐBP. Cuối tháng 12-1953, toàn tuyến Tuần Giáo - ÐBP dài 86 km hoàn thành. Ðể sửa chữa con đường này, bộ đội Công binh Trung đoàn và 400 dân công đã làm việc 16 đến 20 giờ mỗi ngày, phá 2.300 m3 đá, đào xúc hơn 3.000 m3 đất, làm 47 cầu cống, với tổng chiều dài 3.200 m...

Ðồng thời với việc bảo đảm vận chuyển bằng đường bộ do các đoàn xe ô-tô và hàng chục vạn người vận chuyển bằng xe đạp thồ, gánh, vác, Bộ Chỉ huy Mặt trận chủ trương khơi luồng sông Nậm Na, kết hợp vận chuyển gạo bằng đường sông, từ Ba Nậm Cúm (biên giới Việt - Trung) về thị xã Lai Châu. Nhưng do sông Nậm Na có tới 103 thác, trong đó có nhiều thác dữ, cho nên thuyền, mảng qua lại rất khó khăn. Có chuyến chở 30 tấn gạo, về đến Lai Châu chỉ còn 10 tấn.

Nhận nhiệm vụ của Bộ Chỉ huy Mặt trận, Trung đoàn 151 giao cho Trung đội 51 (Ðại đội 124) dùng thuốc nổ phá 110 thác ghềnh, trong đó có các thác nguy hiểm để mở luồng, hạn chế mức độ nguy hiểm của dòng nước. Công việc mới mẻ, khó khăn... Sau khi bàn bạc, thử nghiệm, các chiến sĩ Công binh đã tìm ra nhiều cách làm rất sáng tạo như: lấy lá chuối hơ lửa cho mềm để gói thuốc nổ, lấy cơm nếp giã nhuyễn để bọc đầu nổ, buộc chặt khối thuốc nổ vào sào dài để đưa vào sâu trong lòng thác... Thác dữ bị phá, sông Nậm Na trở thành con đường vận tải thủy cho hàng trăm bè mảng xuôi dòng vận chuyển về Lai Châu hơn 2.000 tấn gạo, góp phần quan trọng vào việc tiếp tế cho chiến dịch...

Cuối tháng 12-1953, Trung đoàn 151 chuyển sang bảo đảm đường cho xe kéo pháo từ Tạ Khoa vào ÐBP. Trên con đường này, có 76 đoạn bán kính đường vòng hẹp cần phải mở rộng, một số cầu yếu phải tăng cường. Ngoài ra, phải chặt cây lót những đoạn lầy lún, rải đá các đoạn đường lên xuống suối... Do nhiệm vụ gấp, Trung đoàn 151 được tăng cường thêm 2.000 dân công, sau đó được chi viện thêm một trung đoàn bộ binh, Ðại đội Công binh 309 (Ðại đoàn 308), hai tiểu đoàn pháo cao xạ, đưa tổng lực lượng sửa đường Tạ Khoa - ÐBP lên tới 5.000 người. Thực hiện ý định ban đầu "đánh nhanh, thắng nhanh" của Bộ Chỉ huy chiến dịch, bảo đảm cho xe kéo pháo nhanh chóng vào mặt trận, Ban Chỉ huy Trung đoàn 151 quyết định mở bán kính đường vòng đến 10 m, nơi thuận lợi mở 12 m... Nhờ tổ chức thi công chặt chẽ, nên việc sửa đường hoàn thành đúng thời hạn. Ngày 16-1-1954, Trung đoàn lựu pháo 54 (24 khẩu 105 mm), Tiểu đoàn pháo cao xạ (12 khẩu 37 mm) và các xe bảo đảm, hành quân vào km 70 đường Tuần Giáo - ÐBP.

Vừa mở xong đường cho xe kéo pháo, Trung đoàn 151 nhận lệnh tìm đường đưa pháo vào hướng tây bắc ÐBP, rồi làm tời dùng tay để kéo pháo vào trận địa. Chỉ trong một ngày (15-1-1954), cán bộ Trung đoàn đã tìm được con đường kéo pháo từ km 70 (Nà Nham) sang Nà Tấu, dài 15 km. Ðại đoàn 308 khẩn trương và bí mật mở đường, các đơn vị Công binh và Ðại đoàn 312 chuẩn bị kéo pháo... Bằng sức lao động của hàng chục nghìn người, có các tời quay tay hỗ trợ, bộ đội ta đã kéo 24 khẩu pháo 105 mm qua sườn núi cheo leo, dốc đứng vào trận địa bí mật, an toàn...

Theo lệnh của Bộ Chỉ huy chiến dịch, lực lượng Công binh, cùng Pháo binh xây dựng công sự cho pháo bảo đảm chịu được sức công phá của đạn pháo 105 mm, có thể đặt pháo trong công sự để bắn.

Sau một tháng lao động căng thẳng, lực lượng Công binh và Pháo binh đã làm được 11 trận địa pháo lựu, 21 trận địa pháo cao xạ đúng theo yêu cầu. Ðêm mồng 6-3-1954, ta kéo thử hai khẩu pháo vào trận địa. Ðêm hôm sau, theo ánh lửa đỏ của các nén hương do Công binh dẫn đường, toàn bộ xe, pháo đã vào các trận địa, bảo đảm bí mật, an toàn. Pháo của ta được ngụy trang khéo đến nỗi, máy bay và trinh sát pháo binh địch "không sao phát hiện nổi" (lời thú nhận của tướng Ðờ Cát). Cho dù trước đó, địch còn tin rằng "Việt Minh không thể có cách nào đưa được trọng pháo đến gần vùng chung quanh lòng chảo Ðiện Biên", thì đến giữa tháng 3-1954, chúng đã phải kinh ngạc vì pháo binh của ta trút bão lửa xuống căn cứ tiền tiêu: Him Lam, Ðộc Lập, Bản Kéo...

Với sự đóng góp của lực lượng Công binh, sau 55 ngày đêm chiến đấu oanh liệt, quân và dân ta tiêu diệt hoàn toàn tập đoàn cứ điểm ÐBP. Kết thúc chiến dịch, Trung đoàn Công binh 151 cùng thanh niên xung phong, công nhân giao thông và dân công làm nhiệm vụ bảo đảm Ðường số 41 (chống lầy, lún, sụt lở) cho hàng trăm xe, pháo và các đơn vị rút quân. Sau đó, Trung đoàn lại làm nhiệm vụ quét mìn, dọn dây thép gai, bảo vệ các kho tàng, thu dọn chiến trường, biến cảnh lộn xộn, đổ nát, chết chóc trở lại bình yên, đầy sức sống cho cánh đồng Mường Thanh...

Xem Thêm

Yên Bái: Nghiên cứu di tích Lịch sử - Văn hóa vùng hồ Thác Bà
Ngày 29/10, tại huyện Lục Yên, Liên hiệp hội tỉnh phối hợp với Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch, UBND huyện Lục Yên và Hội Khoa học Lịch sử tỉnh đã tổ chức hội thảo Nghiên cứu di tích Lịch sử - Văn hóa vùng hồ Thác Bà phục vụ nhiệm vụ bảo tồn, phát huy giá trị và phát triển khu du lịch quốc gia hồ Thác Bà.
Hướng tới một ngành chăn nuôi an toàn, hiệu quả và bền vững
Ngày 18/10 tại thành phố Huế, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam phối hợp với Hội Chăn nuôi Việt Nam và Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề: Áp dụng quy trình chăn nuôi an toàn sinh học và tuần hoàn nâng cao hiệu quả sản suất trong chăn nuôi trang trại nhỏ và hộ gia đình.

Tin mới

Phú Thọ: Đề xuất xây dựng dự thảo Văn kiện Đại hội Đảng tỉnh nhiệm kỳ 2025 - 2030
Sáng 26/11, Liên hiệp hội tỉnh đã tổ chức hội thảo “Nghiên cứu, đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025; đề xuất khâu đột phá và một số nhiệm vụ trọng tâm phục vụ xây dựng dự thảo Văn kiện ĐH Đảng bộ tỉnh Phú Thọ lần thứ XX, nhiệm kỳ 2025 - 2030” đối với đội ngũ trí thức, chuyên gia, nhà KH thuộc các trường Đại học, Cao đẳng trên địa bàn tỉnh.
Bộ TT&TT làm việc với LHHVN khảo sát sơ kết việc thực hiện Quyết định số 362/QĐ-TTG
Chiều ngày 27/11, tại trụ sở LHHVN, Đoàn công tác của Bộ TT&TT đã có buổi làm việc với LHHVN khảo sát sơ kết Quyết định số 362/QĐ-TTG ngày 03/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ về quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025. Thứ trưởng Bộ TT&TT Bùi Hoàng Phương và Phó Chủ tịch LHHVN Phạm Ngọc Linh chủ trì buổi làm việc.
Góp ý Dự thảo Kế hoạch của Vutsa thực hiện Nghị quyết 107-NQ/CP
Mới đây, Vusta tổ chức Hội thảo Góp ý Dự thảo Kế hoạch của Liên hiệp Hội Việt Nam thực hiện Nghị quyết 107-NQ/CP ngày 09/7/2024 nhằm thực hiện Nghị quyết số 45-NQ/TW về công tác trí thức. Ông Phạm Ngọc Linh – Phó chủ tịch Vusta và ông Nguyễn Quyết Chiến – Tổng Thư ký Vusta chủ trì hội thảo.