Bác Hồ với vấn đề bồi dưỡng tình yêu khoa học cho trẻ em
Cách đây 43 năm, Đại hội lần thứ nhất Hội Phổ biến Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam được tổ chức trọng thể tại Nhà hát lớn Hà Nội trong 4 ngày, từ 15 đến 18 tháng 5 năm 1963.
Sáng ngày 18/5/1963, Bác Hồ đã đến thăm và nói chuyện với Đại hội. Cùng đi với Bác còn có đồng chí Trường Chinh. Tôi được cử vào Ban thư ký của Đại hội nên may mắn được ngồi không xa nơi Bác đứng (bức ảnh chụp Bác nói chuyện tại Đại hội tôi còn giữ được cho đến hôm nay). Tôi còn nhớ rất rõ lời Bác nói hôm đó:
“Các cô, các chú phải là những chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng, văn hoá và khoa học kỹ thuật, phải góp phần làm cho nhân dân ta sản xuất và công tác theo khoa học và đời sống của nhân dân ta văn minh, tức là khoa học, lành mạnh và vui tươi. Đó là nhiệm vụ nặng nề và cũng rất vẻ vang.
Hội còn có nhiệm vụ dạy bảo các cháu thiếu nhi về khoa học kỹ thuật, làm cho các cháu ngay từ nhỏ đã biết yêu khoa học, để mai sau các cháu trở thành những người có thói quen sinh hoạt và làm việc theo khoa học...”.
Đã có một thời mà ở nước ta, tuy đời sống vật chất còn khó khăn, nhưng đời sống tinh thần thì thực sự văn minh, tức là “khoa học, lành mạnh và vui tươi”. Chúng ta đã bài trừ được mê tín, dị đoan, hủ tục lạc hậu, những tệ nạn xã hội đã từng tồn tại ở nước ta thời thực dân phong kiến. Chúng ta dạy dỗ cho các cháu thiếu nhi “ngay từ nhỏ đã biết yêu khoa học, mai sau trở thành những người có thói quen sinh hoạt và làm việc theo khoa học” như lời dạy của Bác Hồ.
Nhận thức được tầm quan trọng của việc giáo dục khoa học cho thanh thiếu niên và cho cả cộng đồng, với tinh thần trách nhiệm của người trí thức đối với xã hội, ngay cả trong năm đầu tiên của thế kỷ XXI, một số nhà khoa học uy tín nhất thế giới đã họp nhau ở Rô-ma trong 3 ngày từ 19-21/11/2001 và ra một bản tuyên bố, trong đó có đoạn: “Bảo đảm một sự giáo dục khoa học đúng đắn cho tất cả trẻ em trên thế giới và một sự hiểu biết đầy đủ về khoa học cho tất cả cộng đồng đã trở thành một sự cần thiết và một thách thức để đào tạo nên những công dân tốt cho tương lai. Giáo dục khoa học trong các trường tiểu học và trung học phải được ưu tiên hàng đầu và phải được xem là một phần không thể thiếu được trong việc giáo dục cho mỗi người dân trong một xã hội tri thức”.
Người đã gửi cho tôi bản tuyên bố này là GS Gioóc-giơ Mắc – Phó chủ tịch Hiệp hội vật lý quốc tế. Tôi đã có dịp gặp GS cách đây ít năm trong một hội nghị quốc tế về “Giáo dục khoa học” tổ chức tại Băng cốc, Thái Lan. Nhân dịp này tôi được đến thăm Cung khoa học và nhà chiếu hình vũ trụ Băng Cốc – khánh thành vào năm 1964 với sự hiện diện của Vua và Hoàng hậu Thái Lan. Tôi chứng kiến cảnh hàng trăm em học sinh Thái Lan mặc đồng phục nô nức vào thăm Nhà chiếu hình vũ trụ dưới sự hướng dẫn của các thầy cô giáo. Ở Thái Lan, thiên văn học là một môn học trong chương trình ở bậc tiểu học, nhằm xây dựng thế giới quan khoa học và lòng yêu thích khoa học cho các em ngay khi còn nhỏ. Đài thiên văn ở Chiềng Mai hàng năm vào mùa hè đều tổ chức những buổi quan sát bầu trời bằng kính thiên văn cho sinh viên, học sinh và cho công chúng.
Tôi mong rằng, một nhà chiếu hình vũ trụ và một cung khoa học sẽ sớm được xây dựng ở Thủ đô nước ta. Kinh nghiệm của Nhật Bản cho thấy, việc xây dựng hơn 400 nhà chiếu hình vũ trụ khắp nơi trên đất Nhật đã có tác dụng nâng cao lòng yêu khoa học cho thanh thiếu niên Nhật Bản, các em sau này đã trở thành những nhà khoa học, những kỹ sư giỏi, làm nên sự hùng cường của nước Nhật ngày nay.
Tôi cũng đề nghị Bộ giáo dục và Đào tạo đưa môn thiên văn học vào chương trình bậc trung học, môn học này đã từng có trong chương trình tú tài toán trước năm 1945 và trong chương trình trung học Hoàng Xuân Hãn còn được áp dụng mấy năm sau cách mạng.
Kể từ ngày Bác Hồ đến nói chuyện tại Đại hội Phổ biến Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam đến nay đã 43 năm trôi qua, nhưng lời dạy của Bác về phổ biến khoa học – kỹ thuật cho quần chúng nhân dân và giáo dục khoa học cho thanh thiếu niên vẫn còn nguyên tính thời sự và có ý nghĩa to lớn đối với tương lai của đất nước chúng ta.
Nguồn: Khoa học – ứng dụng, số 5 + 6/2006 (Liên hiệp các Hội KHKT Nghệ An)