Bác Hồ với khoa học
Để đi đến phát minh ấy, công trình khoa học ấy anh thanh niên Nguyễn Tất Thành, với hoài bão lớn cứu nước, cứu dân, đã rời tổ quốc ra đi đến tận nước đang nô dịch nước mình. Không những thế, đã bôn ba khắp năm châu để nhìn thấy tận mắt thực tế xã hội của các nước đế quốc, các nước thuộc địa. Người đã phát hiện những mâu thuẫn xã hội trong các nước ấy, nghiên cứu nền văn minh tinh thần và nền văn minh vật chất ở các nước ấy. Từ đó, với tư duy độc lập và sáng tạo, đã đi đến kết luận là: giải phóng dân tộc gắn liền với giải phóng xã hội, giải phóng con người và giải phóng cả loài người.
Qua nghiên cứu, lao động, học tập và đấu tranh. Người đã đi đến chủ nghĩa Mác - Lênin, vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào thực tiễn cụ thể của nước nhà, nâng cao chất lượng truyền thống đấu tranh bất khuất, phát triển chủ nghĩa yêu nước hàng nghìn năm của dân tộc thành chủ nghĩa yêu nước xã hội chủ nghĩa, chủ nghĩa yêu nước đi đôi với chủ nghĩa quốc tế chân chính.
Người đã tìm ra quy luật phát triển của xã hội ở các nước thuộc địa, quan hệ hữu cơ giữa các quy luật ấy với các quy luật phát triển của xã hội các nước đế quốc. Do đó đã gắn liền sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc với sự nghiệp cách mạng vô sản. Con đường đã đưa Người đến sự nghiệp sáng tạo khoa học vĩ đại ấy là cả một cuộc hành trình vạn dặm sôi nổi và gian khổ, đi vào cuộc sống và đấu tranh, vào thực chất của tinh hoa các giá trị tư tưởng tiến bộ nhất của thời đại.
Đúng như Các Mác đã nói: không có con đường đế vương nào trong khoa học.
Trong suốt cuộc đời đấu tranh của mình, Bác Hồ đã vận dụng phương pháp duy vật biện chứng và duy vật lịch sử đặt cơ sở cho nền khoa học của nước nhà, đưa khoa học xã hội ở nước ta lên đến một trình độ cao, biểu hiện trong cương lĩnh và đường lối của Đảng cộng sản Việt Nam, Người đã vận dụng phương pháp ấy kết hợp với kinh nghiệm truyền thống và thực tiễn cụ thể của đất nước để tìm ra những hình thức tổ chức có hiệu lực nhất, từ tổ chức Đảng đến tổ chức các lực lượng vũ trang nhân dân, tổ chức mặt trận dân tộc thống nhất của toàn dân, cùng với đồng bào và chiến sĩ trên cả nước sáng tạo ra chiến tranh nhân dân Việt Nam, khoa học và nghệ thuật quân sự Việt Nam trong thời đại mới, một nền khoa học và nghệ thuật quân sự mang tính ưu việt rõ rệt so với khoa học và nghệ thuật quân sự của giai cấp tư sản.
Trong những thập kỷ lãnh đạo khởi nghĩa toàn dân và chiến tranh nhân dân, Bác Hồ đã đặt lên hàng đầu nhân tố con người, đồng thời coi trọng nhân tố vật chất, nhân tố kỹ thuật, Bác nói: Người trước súng sau, có dân thì có tất cả. Đến khi nhân dân ta đứng lên chiến đấu, Bác Hồ nhấn mạnh vai trò của lý tưởng cách mạng, lý tưởng cách mạng khi đi vào quần chúng sẽ biến thành sức mạnh vật chất. Đối với nhân tố vật chất và kỹ thuật, Người đã kêu gọi: Ai có súng dùng súng, ai có gươm dùng gươm, không có súng có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc. Khi lực lượng vũ trang nhân dân đã lớn mạnh thì luôn luôn nhắc nhở cán bộ và chiến sĩ phải học tập kỹ thuật nắm vững kỹ thuật, tích cực tiến lên trên con đường vạn dặm của cách mạng kỹ thuật.
Từ những ngày đầu nước ta được giải phóng, đế tiến hành công cuộc kiến quốc đi đôi với kháng chiến. Người đã sớm đặt vấn đề phát triển văn hoá, coi trọng giáo dục và khoa học. Phải chống giặc dốt, chống giặc đói và chống giặc ngoại xâm. Nạn mù chữ phải được xoá bỏ, nhân dân phải có kiến thức để tham gia quản lý đất nước. Giáo dục là để dạy cho mỗi một người dân đạo lý làm người, làm người công dân, biết chữ lại biết kỹ thuật, học đi đôi với hành. Rất sớm Người đã kêu gọi đội ngũ giáo viên phải dạy giỏi, các em học sinh phải học giỏi để phấn đấu, làm sao trong một thời gian không xa, tiến lên những đỉnh cao của khoa học và kỹ thuật. Người nói: muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội, nhất định phải có khoa học và kỹ thuật. Đảng phải nắm vững khoa học và kỹ thuật.
Người đã theo dõi từng bước trưởng thành của quân đội, từng bước phát triển của kinh tế, về mặt khoa học và kỹ thuật. Người coi trọng việc đào tạo cán bộ, bồi dưỡng và trọng dụng nhân tài, đặc biệt là trong công cuộc xây dựng Đảng, xây dựng quận đội, phát triển ngành quân giới, các ngành giáo dục, đại học và y tế của nước ta.
Một điều chưa mấy ai nói đến là mỗi một khi được biết trong quân đội ta cũng như trong nhân dân ta, có những sáng kiến mới mẻ về khoa học, thì Người đã dành nhiều thì giờ tìm hiểu và hỏi han rất cụ thể, từ cách dùng và chế tạo loại vũ khí, cách chọn lựa, lai tạo các giống mới cho đến các kỹ thuật, vũ trụ, thông tin.
Từ khi trở lên Chủ tịch của nước Việt Nam dân chủ cộng hoà, trên chiếc bàn tre của Người ở chiến khu, cũng như trên chiếc bàn làm việc của Người tại ngôi nhà sàn ở Hà Nội luôn luôn có những báo chí mới, sách mới tiếng Việt, tiếng Anh, tiếng Nga, tiếng Trung Quốc, tiếng Pháp. Nếu trong lý lịch của Người tại Quốc tế cộng sản về mục trình độ văn hoá Người đã ghi “tự học’, thì mãi đến sau này, Người vẫn coi tự học là quan trọng. Người nói: Học là vô cùng. Và khi đã 76 tuổi, trong một cuộc gặp gỡ với thanh niên, Người đã nói tuy là Bác nhiều tuổi nhưng vẫn học. Học mãi, còn sống và làm việc thì còn phải học tập. Học để tìm hiểu văn hoá, khoa học. Chính trong học tập, trong sáng tạo khoa học mới tìm ra những giá trị mới, mới xoá bỏ được cái dốt nát, cái cũ kỹ, tìm ra cái mới, tìm ra những chân lý mới để “xây dựng và đổi mới”, cải tạo thiên nhiên, cải tạo xã hội.
Tấm gương của Bác coi trọng học tập, coi trọng khoa học cũng như con đường dày công học tập và nghiên cứu để tìm ra chân lý, chúng ta nguyện mãi mãi đi theo, nhằm đưa nhân dân ta, như Bác đã dặn, đến những đỉnh cao của khoa học và kỹ thuật, coi đó là một nhân tố quyết định để xây dựng cuộc sống hạnh phúc và xã hội văn minh của Tổ quốc Việt Nam, sánh vai với các dân tộc trên thế giới.
Nhân dịp kỷ niệm ngày sinh của Bác mỗi một chúng ta nhất là các cán bộ khoa học cần tự đặt cho mình nhiệm vụ phải cố gắng vượt bậc, học tập, nghiên cứu và sáng tạo, để góp phần với toàn dân ta chuẩn bị tiền đề và điều kiện cho đất nước ta bước vào thế kỷ XXI.
Nguồn: Tạp chí KHCN Kim loại, số 6, 5/2006