Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam
Thứ ba, 21/02/2006 16:35 (GMT+7)

Bác Hồ với Đại hội thành lập Đảng

Những người cộng sản Việt Nam khi đó có ba tổ chức: Đông Dương Cộng sản Đảng, An Nam Cộng sản Đảng và Đông Dương Cộng sản Liên đoàn. Đấy là chưa kể tới những người ái quốc còn chưa tham gia vào một tổ chức cộng sản nào.

Tình hình như thế có cái thuận nhưng cũng có cái chưa thuận. Tuy cùng chung lý tưởng và tư tưởng nhưng ba tổ chức này không phải lúc nào cũng hoạt động ăn ý với nhau. Sau này, trong báo cáo gửi Quốc tế Cộng sản đề ngày 18 – 2 – 1930, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã buộc phải nhận xét: Về mối quan hệ giữa các tổ chức cộng sản đầu tiên đó sau khi Hội An Nam Thanh niên Cách mạng tan rã là “đã sử dụng nhiều- nếu không nói là tất cả - nghị lực và thời gian trong cuộc đấu tranh nội bộ và bè phái”.

Trong bối cảnh đó, vào giữa năm 1928, đồng chí Vương (tức Nguyễn Ái Quốc) đã được Quốc tế Cộng sản cử về công tác ở Đông Dương. Hành trình về Tổ quốc của đồng chí Vương khi ấy đã gặp không ít khó khăn. Tháng 6 – 1928, đồng chí Vương về tới Xiêm (tức Thái Lan hiện nay) và sang cả Lào tìm hiểu tình hình cộng đồng người Việt ở đó và tìm cách về lại Việt Nam hai lần nhưng đều không thành công do bọn mật thám và cảnh sát thực dân canh phòng biên giới quá cẩn mật. Cuối tháng 12 – 1929, đồng chí Vương, sau khi tìm hiểu kỹ về các tổ chức cộng sản ở Việt Nam, đã quyết định sang Hương Cảng. Tại đó, thay mặt Quốc tế Cộng sản, đồng chí Vương triệu tập và chủ trì hội nghị hợp nhất Đông Dương Cộng sản Đảng và An Nam Cộng sản Đảng thành Đảng Cộng sản Việt Nam. Sau đó, Đông Dương Cộng sản Liên đoàn cũng ngay lập tức gia nhập Đảng Cộng sản Việt Nam. Đọc trong chính sử, ta thấy sự việc diễn ra nhanh và có vẻ như chóng vánh, như một cơ duyên tất nhiên của lịch sử. Tuy nhiên, phải là người trong cuộc ở thời điểm ấy mới có thể thấy rõ được những phức tạp của tình hình và vai trò tối quan trọng của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trong việc hợp nhất lực lượng cộng sản nước nhà. Có thể nói một cách xác thực rằng, chính nhờ uy tín cao của nhà cách mạng Nguyễn Ái Quốc cũng như phương pháp làm việc tỉnh táo, khéo léo, có tình có lý của lãnh tụ nên mọi việc đã diễn ra tốt đẹp như thế. Và đó quả thực đã là một Đại hội thành lập Đảng của chúng ta.

Đồng chí Nguyễn Thiệu, cán bộ lão thành cách mạng, một trong những đại biểu của An Nam Cộng sản Đảng tham dự Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, nhớ lại:

“Buổi gặp gỡ thứ nhất của đại biểu hai nhóm cộng sản đã được… bố trí tại một căn nhà nhỏ hẹp ở xóm thợ thuyền gần Cửu Long thành. Tại đây, lần đầu tiên chúng tôi được gặp đồng chí Vương. Đồng chí Vương tuyên bố: Quốc tế Cộng sản đã biết có nhiều nhóm cộng sản được tự động tổ chức ra ở Việt Nam và hiện đang xung đột nhau. Sự xung đột ấy rõ ràng không có lợi cho cách mạng, vì vậy đồng chí được Quốc tế cộng sản phái về điều tra nắm rõ tình hình và bàn việc thống nhất các nhóm cộng sản thành một tổ chức duy nhất – đó là mục đích của cuộc họp…

Sau lời phát biểu của đồng chí Vương thì đến lượt chúng tôi phát biểu. Những ý kiến đầu tiên của hai nhóm đại biểu cũng chỉ luẩn quẩn ở chỗ muốn đưa đồng chí Vương là quan toà phán quyết những đúng sai của chúng tôi. Đồng chí Vương liền gạt đi và nói đại khái như sau:

Bây giờ không nói chuyện cũ để xem ai phải, ai trái nữa. Thực ra nhóm nào cũng có cái đúng, cũng có cái sai, nhưng mục đích của cuộc họp này không phải là để chỉ trích lẫn nhau, để kết luận ai đúng, ai sai – thì giờ và công tác cách mạng trước mắt không cho phép chúng ta làm chuyện đó – mà mục đích duy nhất của cuộc họp này là hợp nhất tất cả các tổ chức cộng sản trong nước và nước ngoài thành một Đảng Cộng sản thống nhất và vững mạnh, chiến đấu cho lợi ích chung của cách mạng – và đó cũng là ý muốn của Quốc tế Cộng sản. Nếu những người cộng sản chúng ta thấy làm như thế là đúng, tán thành làm như thế thì không nên nhắc nhiều đến chuyện cũ, hãy xếp lại mọi xích mích mà nên để nhiều thì giờ bàn những chuyện phải làm hiện nay và sắp tới…”.

Mọi người đều thấy đồng chí Vương nói đúng và cùng nhau thảo luận các vấn đề tổ chức. Tuy nhiên, cũng theo hồi ức của đồng chí Nguyễn Thiệu: “Khi bàn cụ thể phải tổ chức hợp nhất như thế nào thì lại phát sinh ý kiến tranh chấp xung đột nhau, chỉ trích lẫn nhau như bảo bên này tổ chức quá phức tạp, bảo bên kia tổ chức vô nguyên tắc, hẹp hòi… Cuộc bàn cãi trở nên gay go”. Và lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã lại phải đứng ra nêu ý kiến chủ đạo, đại ý mỗi cây mỗi hoa, không nhất thiết phải sáp nhập ngay nhóm nào với nhóm nào. Hơn nữa, không có ai độc quyền yêu nước và làm cộng sản cả nên cái quan trong nhất là: muốn thu hút hết thảy những người, những nhóm tình nguyện chiến đấu cho chủ nghĩa cộng sản vào một tổ chức cộng sản thống nhất thì bây giờ phải thành lập một Đảng Cộng sản mới, có chính cương mới, điều lệ mới, sách lược mới. Được như vậy thì bất cứ cá nhân hay nhóm người nào tán thành điều lệ, chính cương, sách lược của Đảng và tình nguyện gia nhập Đảng thì sẽ được kết nạp. Cũng đừng sợ làm thế thì dễ bị “loãng” đội ngũ bởi những phần tử cơ hội hay chưa đủ phẩm chất vì đấu tranh cách mạng là một quá trình lâu dài, sẽ tự đào thải những kẻ không đủ tâm và đủ tầm làm người cộng sản, như thể ta sàng gạo vậy… Đồng chí Nguyễn Thiệu nhớ lại: “Đồng chí Vương vừa nói đến đoạn này vừa đưa hai tay ra làm động tác một người sàng gạo rất vui vẻ. Tất cả chúng tôi đều im lặng, không ai nói vào đâu được. Thế là một vấn đề gay go được giải quyết trong cuộc họp”.

Khi nảy sinh tranh luận về tên gọi của tổ chức Đảng hợp nhất, đồng chí Vương đã nêu ra ý kiến tên gọi đâu phải là điều quan trọng bậc nhất, cứ tạm đưa ra một tên gọi chung là “Đảng Cộng sản Việt Nam” đã. Và quan trọng hơn cả là nêu ra được tinh thần mới cho tổ chức mới của những người cộng sản Việt Nam: Bỏ mọi thành kiến xung đột cũ, thành thật hợp tác thống nhất các nhóm cộng sản để lãnh đạo dân tộc trong cuộc đấu tranh vì độc lập của Tổ quốc, vì cơm no áo ấm và mọi quyền tự do của nhân dân…

Tinh thần mới đó đã được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc chấp bút trong Chánh cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt của Đảng ta trong buổi ban đầu cũng như điều lệ các tổ chức quần chúng tụ quanh những người cộng sản Việt Nam như Thanh niên đoàn, Công hội, Nông hội, Hội Binh lính, Hội Học sinh, Hội Phụ nữ, Cứu tế đỏ, Phản đế đồng minh… Đồng chí Vương cũng được tập thể giao nhiệm vụ, thay cho bản tuyên ngôn thành lập Đảng thống nhất, viết “Lời kêu gọi của Đảng Cộng sản Việt Nam” đối với mọi tầng lớp nhân dân. Đoạn cuối lời kêu gọi này nêu rõ:

“Hỡi công nhân, nông dân, binh lính, thanh niên, học sinh! Anh chị em bị áp bức, bóc lột!

Đảng Cộng sản Việt Nam đã được thành lập. Đó là Đảng của giai cấp vô sản. Đảng sẽ dìu dắt giai cấp vô sản lãnh đạo cách mạng An Nam đấu tranh nhằm giải phóng cho toàn thể anh chị em bị áp bức, bóc lột chúng ta. Từ nay, anh chị em chúng ta cần phải gia nhập Đảng, ủng hộ Đảng, và đi theo Đảng…”.

Văn phong giản dị, dễ hiểu, ngắn gọn, chuẩn xác, ý tứ sâu sắc và chặt chẽ… giúp cho những văn kiện mà lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã viết nên cho tới hôm nay vẫn là mẫu mực đối với những người cộng sản. Nhiều mục tiêu của cuộc đấu tranh cách mạng mà lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã nêu ra trong lời kêu gọi đó cho tới hôm nay vẫn tiếp tục là đích phấn đấu, mục tiêu phấn đấu của những người cộng sản Việt Nam, của toàn thể dân tộc Việt Nam.

________________________

Tài liệu tham khảo:

“Hồ Chí Minh tuyển tập” (trọn bộ ba tập, NXB Chính trị Quốc gia năm 2002).

“Bác Hồ với Đại hội Đảng”, NXB Chính trị Quốc gia năm 2005.

Nguồn: An ninh thế giới cuối tháng, 12 - 2005

Xem Thêm

Kỷ niệm 5 năm thành lập báo điện tử Tầm nhìn
Tại Lễ kỷ niệm thay mặt Đoàn Chủ tịch Liên hiệp các Hội khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, ông Phan Tùng Mậu đã chúc mừng tập thể cán bộ, phóng viên báo điện tử Tầm Nhìn nhân dịp 5 năm thành lập, ghi nhận những thành quả mà...
Chiến thắng vĩ đại mùa Xuân 1975
Chiến dịch lịch sử  Lúc này, tập đoàn phòng ngự lớn của địch ở Sài Gòn - Gia Định tuy số lượng còn đông nhưng đã bị chia cắt, cô lập cao độ và sức chiến đấu đã giảm sút hẳn. 
Vẻ đẹp đặc hiệu của nhà trí thức
Vàng là đẹp, là quý giá. Nhưng không phải vàng nào cũng giá trị như nhau? Có vàng thật, có vàng giả, có cả mạ vàng như thật. Học thức và bằng cấp cũng vậy. Có học thật, có học giả, có bằng thật, có bằng giả như thật. Đại...
Mùa Xuân là Tết trồng cây
Chủ tịch Hồ Chí Minh là người đã đề xướng, tổ chức, xây dựng Tết trồng cây trở thành một phong trào quần chúng rộng rãi, sôi nổi và bền vững. Tháng 11-1959, nhân đợt thi đua lấy thành tích mừng Đảng ta 30 tuổi, Chủ tịch Hồ Chí Minh...
Bác Hồ vui Tết đón Xuân trong lòng Tổ quốc
Tết Mậu Tý (1948) Tết mừng chiến thắng Thu Đông năm Đinh Hợi phá tan cuộc tấn công của giặc Pháp lên Việt Bắc và phấn khởi mừng thọ Bác Hồ 58 tuổi: Chính phủ họp nghe Bộ Quốc phòng báo cáo chiến thắng giặc Pháp tại An toàn khu.
Đại tướng Lê Trọng Tấn - Những ngày đầu cách mạng
Giữa năm 1942, tôi đến một cơ sở cách mạng ở làng Lương Yên. Đang nói chuyện thì một quân nhân trong bộ đồ nhà binh Pháp ở phía cổng đi vào. Tôi lánh sang buồng bên cạnh nói chuyện với các em đang học. Khi người ấy về, chủ...

Tin mới

Phú Thọ: Lấy ý kiến về Dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013
Sáng ngày 20/5/2025, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Phú Thọ (Liên hiệp hội) tổ chức hội thảo lấy ý kiến của đội ngũ trí thức, chuyên gia, nhà khoa học về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013.
Tiền Giang: Họp mặt và vinh danh trí thức KH&CN
Ngày 20/5, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Tiền Giang phối hợp Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh tổ chức họp mặt trí thức KH&CN và vinh danh 2 trí thức được phong hàm Phó Giáo sư, 8 trí thức được công nhận học vị Tiến sĩ.
ĐẨY MẠNH HỢP TÁC VÀ NÂNG CAO HIỆU QUẢ HOẠT ĐỘNG ĐỐI NGOẠI NHÂN DÂN TRONG HỆ THỐNG LIÊN HIỆP HỘI VIỆT NAM
Sáng ngày 13/5/2025 tại tỉnh Sóc Trăng, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) đã phối hợp với Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Sóc Trăng tổ chức Hội thảo “Xúc tiến hợp tác và chia sẻ kinh nghiệm hoạt động đối ngoại nhân dân trong hệ thống Liên hiệp hội Việt Nam”.
VUSTA đóng góp cho Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp 2013 và Dự thảo Luật KHCN & ĐMST
Dù chỉ sửa đổi một số điều của Hiến pháp năm 2013, đội ngũ trí thức Liên hiệp Hội Việt Nam nhấn mạnh tính cấp thiết và chiều sâu cải cách, từ mô hình chính quyền hai cấp đến quy định cụ thể cấp hành chính, làm rõ vị trí tổ chức chính trị - xã hội...