Bác Hồ với bản Hiến pháp đầu tiên
Chỉ một tháng sau khi giành được chính quyền, ngày 20 tháng 9 năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký sắc lệnh số 34 thành lập Ban dự thảo Hiến pháp gồm 7 người: Hồ Chí Minh, Vĩnh Thụy, Đặng Thai Mai, Vũ Trọng Khánh, Lê Văn Hiến, Nguyễn Lương Bằng, Đặng Xuân Khu.
Mặc dầu đất nước đang hết sức bộn bề với muôn vàn công việc khẩn cấp, ban dự thảo hiến pháp đã họp nhiều phiên dưới sự chủ toạ trực tiếp của Bác. Với trí tuệ uyên bác, với quan điểm lấy dân làm gốc, Bác đã đưa vào bản hiến pháp đầu tiên của nước ta những điều luật ngang tầm với nền chính trị tiên tiến của thế giới lúc bấy giờ và nhiều điều còn có giá trị nóng hổi tính thời sự cho đến hôm nay.
Hiến pháp năm 1946 gồm 7 chương với 70 điều. Về tính chất, đó là Hiến pháp của thời kỳ cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân.
Lời nói đầu của bản Hiến pháp ghi rõ:
“Sau tám mươi năm tranh đấu, dân tộc Việt Nam đã thoát khỏi vòng áp bức của chính sách thực dân, đồng thời đã gạt bỏ chế độ vua quan. Nước nhà đã bước sang một quãng đường mới.
Nhiệm vụ của dân tộc ta trong giai đoạn này là bảo toàn lãnh thổ, giành độc lập hoàn toàn và kiến thiết quốc gia trên nền tảng dân chủ.
… Hiến pháp Việt Nam phải ghi lấy những thành tích vẻ vang của cách mạng và phải xây dựng trên những nguyên tắc dưới đây:
- Đoàn kết toàn dân, không phân biệt giống nòi, gái trai, giai cấp, tôn giáo.
- Đảm bảo các quyền tự do dân chủ.
- Thực hiện chính quyền mạnh mẽ và sáng suốt của nhân dân.
Về chính thể của nước Việt Nam, Hiến pháp ghi ngay trong điều 1: “Nước Việt Nam là một nước dân chủ cộng hoà. Tất cả quyền bính trong nước là của toàn thể nhân dân Việt Nam , không phân biệt nòi giống, gái trai, giàu nghèo, giai cấp, tôn giáo.
Đây là một cuộc cách mạng cực kỳ to lớn trong lịch sử nước ta. Người dân từ địa vị bị áp bức, từ địa vị nô lệ của thực dân, phong kiến, đứng lên giành lại địa vị làm chủ.
Để khẳng định ý chí thống nhất của toàn dân tộc, điều 3 của Hiến pháp ghi rõ: “Đất nước Việt Nam là một khối thống nhất Trung Nam Bắc không thể phân chia”.
Tiếp đó, Hiến pháp quy định các biểu tượng của nước Việt Nam mới: Quốc kỳ nền đỏ, giữa có sao vàng năm cánh. Quốc ca là bài Tiến quân ca. Thủ đo là Hà Nội (Điều 3).
Bản Hiến pháp đầu tiên đã ghi rõ những quyền cơ bản của công dân Việt Nam :
- Tất cả công dân Việt Nam đều ngang quyền về mọi phương diện chính trị, kinh tế, văn hoá (Điều 6).
- Đều bình đẳng trước pháp luật, đều được tham gia chính quyền và công cuộc kiến quốc tuỳ theo tài năng và đức hạnh của mình (Điều 7).
- Quốc dân thiểu số được giúp đỡ về mọi phương diện để chóng tiến kịp trình độ chung (Điều 8).
- Đàn bà ngang quyền với đàn ông về mọi phương diện (Điều 9).
- Công dân Việt Nam có các quyền tự do ngôn luận, tự do xuất bản, tự do tổ chức và hội họp, tự do tín ngưỡng, tự do cư trú, đi lại trong nước và ra nước ngoài (Điều 10).
- Quyền bất khả xâm phạm về thân thể, nhà ở và thư tín. Tư pháp chưa quyết định thì không được bắt bớ và giam cầm người công dân Việt Nam . Nhà ở và thư tín không ai được xâm phạm một cách trái pháp luật (Điều 11).
- Quyền tự hữu tài sản (Điều 12).
- Quyền lợi các giới cần lao, trí thức và chân tay được bảo đảm (Điều 13).
- Người già cả hoặc tàn tật được giúp đỡ, trẻ con được săn sóc về mặt giáo dưỡng (Điều 14).
- Nền sơ học cưỡng bách và không phải mất học phí. Quốc dân thiểu số có quyền học bằng tiếng của mình. Học trò nghèo được Chính phủ giúp đỡ. Trường tư được mở tự do và phải dạy theo chương trình nhà nước (Điều 15).
Về tư pháp, Hiến pháp đầu tiên của nước ta quy định những nguyên tắc rất tiến bộ: Quốc dân thiểu số có quyền dùng tiếng nói của mình trước toà án (Điều 65). Các phiên toà đều phải công khai, trừ trường hợp đặc biệt.
Bị cáo được quyền tự bào chữa lấy hoặc mượn luật sư (Điều 67). Cấm tra tấn, đánh đập, ngược đãi những bị cáo và tội nhân (Điều 68).
Trong khi xét xử, các thẩm phán chỉ tuân theo pháp luật, các cơ quan khác không được can thiệp (Điều 69).
Trước khi Bác lên đường đi Pháp, bản Hiến pháp dân chủ đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hoà đã được khởi thảo xong, đang chờ Quốc hội kỳ II khoá I họp để thông qua. Do đó, sau khi ở Pháp về, vấn đề triệu tập Quốc hội được Bác đặt ra khẩn trương.
Quốc hội Khoá I Kỳ II khai mạc trọng thể vào ngày 28 tháng 10 tại Nhà hát lớn thành phố. Từ ngày Bác lên đường đi Pháp, 31 tháng 5 năm 1946 cho đến lúc này là kém 3 ngày đầy 5 tháng. Về dự họp lần này có 290 đại biểu. Một số đại biểu ở cực Nam Trung Bộ và Nam Bộ vì công việc kháng chiến không ra được. Đại diện các lãnh sự quán Anh, Mỹ, Trung Hoa, Thụy Sĩ, một số nhà đương chức Pháp, phóng viên các báo Mỹ, Pháp, Hoa và Việt Nam đã có mặt trong phiên họp khai mạc. Công chúng được quyền vào dự thính kỳ họp và có quyền chất vấn, khen chê Chính phủ.
Từ ngày 1 tháng 11, Đại hội bắt đầu thảo luận về bản dự thảo Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hoà. Những cuộc tranh luận diễn ra sôi nổi.
Ngày mồng 8 tháng 11 năm 1946, bằng 240 phiếu thuận đối với 2 phiếu chống, Quốc hội đã chuẩn y Hiến pháp chính thức của nước Việt Nam dân chủ cộng hoà.
Trong buổi kết thúc cuộc họp của Quốc hội, Hồ Chủ tịch đã nói về bản Hiến pháp mới: “Hơn mười ngày nay, các đại biểu đã khó nhọc làm việc. Quốc hội đã thu được một kết quả làm vẻ vang cho đất nước là đã thảo luận xong bản Hiến pháp. Sau khi nước nhà mới tự do được 14 tháng, đã làm thành bản Hiến pháp đầu tiên trong lịch sử nước nhà. Bản Hiến pháp còn là một vết tích lịch sử hiến pháp đầu tiên trong cõi Á Đông này nữa. Bản Hiến pháp đó chưa hoàn hoàn toàn nhưng nó đã làm nên theo một hoàn cảnh thực tế. Hiến pháp đó tuyên bố với thế giới nước Việt Nam đã độc lập. Hiến pháp đó tuyên bố với thế giới biết: Dân tộc Việt Nam đã có đủ mọi quyền tự do. Hiến pháp đó tuyên bố với thế giới: Phụ nữ Việt Nam đã được ngang hàng với đàn ông để được hưởng chung mọi quyền tự do đó của một công dân. Hiến pháp đó đã nêu một tinh thần đoàn kết chặt chẽ giữa các dân tộc Việt Nam và một tinh thần liêm khiết, công bằng của các giai cấp”(1).
Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Namdân chủ cộng hoà được kỳ họp thứ hai của Quốc hội Khoá I nhất trí thông qua, lại thêm một thắng lợi to lớn của cả dân tộc Việt Nam, của Nhà nước Việt Nam trong năm đầu tiên của chính quyền cách mạng.
Chỉ trong vòng một năm trời, trong thế nước “ngàn cân treo sợi tóc”, Bác Hồ đã chèo lái cong thuyền cách mạng Việt Nam vượt qua những thác ghềnh mang theo những thành quả lớn lao, làm nền tảng cho một quốc gia, đó là một thể chế chính trị được thiết lập vững chắc với đầy đủ các cơ quan lập pháp, tư pháp và hành pháp.
Thời gian sẽ qua đi, nhưng những thành quả ấy sẽ vẫn còn mãi gắn liền với tên tuổi của vĩ lãnh tụ thiên tài, người sáng lập nền cộng hoà dân chủ Việt Nam : Hồ Chí Minh.
_____________
1. Hồ Chí Minh toàn tập, tập 4, NXB Sự Thật, Hà Nội, 1984, tr. 186.
Nguồn: Xưa & Nay, số 83, 1/2001, tr 30