Bác Hồ gặp lại ân nhân
Gia đình luật sư có cụ ông, cụ bà và Patrixia, con gái hai cụ, cũng là luật sư.
Vụ án Nguyễn Ái Quốc gây chấn động thế giới năm 1931. Sau 20 tháng bị cầm tù, ốm yếu, Bác Hồ đã được luật sư Lôdơbai giải thoát khỏi nanh vuốt của thực dân Anh và Pháp, đến được Hạ Môn đúng vào ngày 30 tết.
Nay Bác Hồ lại mời ân nhân sang thăm Việt Nam đúng vào dịp Tết.
Một sự trùng lặp đầy ý nghĩa. Sau mấy ngày thăm các bảo tàng và thắng cảnh Hà Nội, sáng ngày 29-1-1960, đoàn đi thăm Vịnh Hạ Long. Khi đoàn xe đến cảng Hải Phòng, tôi đã thấy ba tuần dương hạm, dàn hàng ngang bên cầu cảng. Hạm I mở đường, hạm III hộ tống, bạt che pháo được mở ra như chuẩn bị chiến đấu. Hạm II, pháo được dỡ đi, thay vào đó là bàn ghế mây cùng đồ ăn, thức uống.
Khi đoàn xe vừa lăn bánh lên cầu cảng thì cả ba hạm tàu cùng kéo còi chào và cầu tàu hạm II từ từ hạ xuống đón khách. Lại một hồi còi chào thành phố Cảng, ba hạm tàu rùng mình rẽ sóng ra Vịnh Hạ Lòn, để lại thành phố Cảng lui dần về phía sau.
Đây hang Bồ Nâu, kia hòn Gà Chọi, ba hạm tàu lượn quanh các đảo. Patrixia - con gái luật sư - say mê chụp ảnh những hòn đảo muôn hình đang xoay tròn trước ống kính; còn cụ luật sư thì ngồi chống cằm, thả hồn vào khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ, thơ mộng. Thăm xong Vịnh Hạ Long, ba hạm tàu lướt trên biển đưa khách về nhà nghỉ. Năm ấy ấm trời, đào thắm trên Bãi Cháy đã nở rộ. Sáng hôm sau, đoàn xe Phú Chủ tịch đã đến đón khách về Hà Nội. Giáp Tết, phà Bính tấp nập người qua lại, phải vất vả lắm mới đưa được hết đoàn xe xuống phà.
- Tây ở đâu về ăn Tết đấy hả ông?
Nghe có người hỏi, tôi nhìn lên thấy một ông già, ngoại lục tuần, râu điểm bạc, khăn xếp, áo the, tay cầm cành đào, quần ống sớ, đi giày Gia Định.
- Không phải “Tây” đâu, đây là cụ luật sư đã cứu Bác Hồ năm xưa đấy - Tôi trả lời.
Quay sang cụ luật sư, ông già cầm cành đào nói: “Tôi ở bên Thuỷ Nguyên, đem cành đào này đến phố Cát Dài cho đứa cháu ngoại để cháu đón xuân, rồi tôi ra phố Cầu Đất viết câu đối Tết. Không ngờ trời đất lại run rủi cho tôi được gặp đại ân nhân của đất nước – Chư Âncủa cụ nặng lắm cụ ơi ! Ngàn đời sau con cháu chúng tôi cũng không trả nổi. Vậy tôi xin biếu cụ cành đào này”.
Quá bất ngờ, môi cụ luật sư cứ giật giật không nói lên lời, tôi thoáng thấy cụ bà luật sư quay đi lau nước mắt.
Qua giây phút xúc động, cụ luật sư nâng ông đồ Thuỷ Nguyên lên rồi nói: “Không phải tôi đã cứu Chủ tịch Hồ Chí Minh mà chủ nghĩa nhân đạo của Người đã cứu Người. Vì chủ nghĩa nhân đạo của Người nên các bạn tôi ở Hạ Môn, ở Hồng Công và cả trên đất nước Anh cũng đều nhiệt tình giúp tôi giải thoát cho Người. Tôi cảm ơn ông đã tặng cành đào này, tôi xin cảm ơn nhân dân Việt Nam , một dân tộc luôn sống có nghĩa, có tình. Tôi nhận cành đào này, và cành đào này sẽ thắm mãi trong lòng tôi.
Bây giờ tôi lại nhờ ông giúp tôi một việc là ông hãy chuyển cành đào này cho cháu ngoại ông và ông nói với cháu rằng đây là cành đào của luật sư Lôdơbai, người nước Anh, tặng cháu để đón xuân.
Chúc cháu luôn học giỏi và xứng đáng là cháu ngoan của Chủ tịch Hồ Chí Minh”.
Khi đoàn xe về đến Hà Nội, tôi đã thấy Bác Hồ đứng đón đoàn ở chân cầu thang nhà sàn. Bác ôm hôn và hỏi thăm sức khoẻ từng người trong gia đình luật sư rồi tặng mỗi người một bó hoa layơn trắng tinh khiết.
Nâng máy ảnh lên chụp hình ảnh mà bạn đọc đang coi, tôi thấy râu tóc bác Hồ và cụ luật sư đều đã bạc trắng.
Khi tiễn khách ra xe về nhà nghỉ của Chính phủ, con gái cụ luật sư còn tần ngần đứng lại.
“Cháu có điều gì muốn nói phải không?” - Bác Hồ hỏi.
“Thưa Bác, xin Bác cho cháu được ở lại Việt Namvà lấy chồng Việt Nam ạ!”.
Một yêu cầu bất ngờ, nhưng Bác Hồ cũng trả lời luôn: “Bố mẹ cháu đã già rồi mà chỉ có mình cháu là con, vậy cháu phải luôn ở bên ấy để chăm sóc bố mẹ và cũng đừng quên những người nghèo khổ”.
Năm 1969, nghe tin Bác Hồ đã đi xa, cả gia đình cụ luật sư để đại tang, quẩn áo và rèm cửa đều màu đen.
Đến lần cụ luật sư Lôdơbai từ trần thì toàn bộ tiền phúng viếng đã được Patrixia chuyển vào ủng hộ Quĩ người nghèo ở Hồng Công.
Nguồn: TC Văn hoá - Văn nghệ Công an, số 01/06