Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam
Thứ tư, 13/02/2008 23:31 (GMT+7)

Ảnh hưởng của nước biển dâng đến hệ sinh thái Rừng ngập mặn và khả năng ứng phó

Mở đầu

Rừng ngập mặn đóng một vai trò quan trọng đối với phát triển kinh tế xã hội vùng ven biển với các chức năng dịch vụ và sinh thái như cung cấp thực phẩm từ nguồn lợi thuỷ sản, cung cấp năng lượng (chất đốt), dược phẩm. Một vai trò vô cùng quan trọng là rừng ngập mặn giúp cho quá trình điều hoà khí hậu, ngăn chặn hiện tượng xói lở, bảo vệ vùng ven biển khỏi tác hại của thiên tai. Các dải rừng ngập mặn phòng hộ có thể che chắn bảo vệ đê biển, các công trình, cơ sở hạ tầng, mùa màng, nơi cư trú của người dân, các phương tiện nuôi trồng và đánh bắt hải sản khỏi sự phá hoại của gió mạnh, sóng, bão.

Tình trạng biến đổi khí hậu đặt ra nhiều vấn đề đối với tất cả các quốc gia. Biến đổi khí hậu sẽ làm tăng các hiện tượng thiên nhiên nguy hiểm. Tần suất và cường độ các hiện tượng bão, mưa lớn, nhiệt độ cao, hạn hán tăng hơn nhiều trong thập niên vừa qua. Châu Á đối mặt nguy cơ nước biển dâng cao. Gần 100 triệu người ở châu Á phải đối mặt với nguy cơ lũ lụt do mực nước biển dâng cao.

Dự đoán ảnh hưởng của nước biển dâng cao 1 m đến Việt Nam

Mới đây, Ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPPC), cơ quan chính thức của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu đã nhận định, trong “Báo cáo đánh giá tác động của biến đổi khí hậu lần thứ ba (năm 2001)” là đến năm 2010, mực nước biển trung bình toàn cầu có thể dâng thêm 0,1 - 0,9 m.

IPCC đã có dự thảo báo cáo lần thứ 4 cảnh báo về sự gia tăng các hiện tượng thời tiết cực đoan đồng thời đưa ra nhiều kịch bản khác nhau tính đến năm 2010, trong đó kịch bản lạc quan nhất là nước biển dâng thêm 0,18 - 0,38 m và kịch bản xấu nhất là nước biển dâng từ 0,26 - 0,59 m (Vietnamnet, 05 - 04 - 2007).

Một nghiên cứu gần đây của Ngân hàng Thế giới dự báo Việt Namlà một trong hai nước đang phát triển ( Bangladeshvà Việt Nam ) bị tác động tồi tệ nhất trên thế giới do nước biển dâng. Phần lớn đất màu mỡ nhất của Việt Nam sẽ bị chìm ngập, đất nông nghiệp và GDP đều chịu những tác động xấu (Dasgupta và cs, 2007).

Theo Pigrim (2007), ở Nam Bộ, khi nước biển dâng 1m, vùng chịu ảnh hưởng kéo dài từ đồng bằng sông Cửu Long qua hết Việt Nam sang tới Campuchia và vào sâu 180 km trong đất liền. Mực nước biển dâng cao 1 m có thể làm mất 12,2% diện tích đất là nơi cư trú của 23% dân số, gồm 17 triệu người trong đó có 14 triệu dân ở đồng bằng sông Cửu Long.

Kết quả nghiên cứu của Tổng cục Khí tượng Thuỷ văn trước đây (Nguyễn Ngọc Thuỵ, 1995), cho thấy với kịch bản nước biển dâng cao 1 m thì nhiều vùng trũng ở đồng bằng ven biển Bắc bộ và Thanh Hoá sẽ chịu ngập. Tỉnh Thái Bình là tỉnh có diện tích bị ngập lớn nhất tới 51,9%. Tiếp theo là tỉnh Nam Hà 21,6% và Thanh Hoá là 7,7%. Nếu tính chung cả đồng bằng Bắc Bộ thì khoảng 3% bao gồm 1,44% diện tích trồng lúa, 0,5% khu dân cư, 0,15% đất làm muối và các loại đất khác là 0,77% bị ngập. Trong trường hợp đó cư dân ở những vùng đất thấp sẽ gặp nguy hiểm. Ở Thái Bình sẽ có một lượng người rất lớn phải sơ tán.

Tuy địa hình ở miền Bắc cao hơn ở Nam bộ, có thể nhiều vùng không bị ngập khi nước biển dâng cao tới 1 m nhưng ở các đầm hồ ở trong đất liền sẽ bị nhiễm mặn do các tầng nước ngầm bị ảnh hưởng của nước biển dâng. Lớp địa tầng đá vôi ngấm nước sâu rộng sẽ khiến cho sự xâm thực nước mặn trở nên rộng và vào sâu tới những vùng đất trũng như khu bảo tồn thiên thiên Vân Long, các vùng đất ở Gia Viễn (Ninh Bình) và một số nơi khác. Điều đó sẽ ảnh hưởng xấu tới đa dạng sinh học, nhiều loài có ý nghĩa kinh tế và khoa học chết hoặc di cư, mất nguồn cung cấp thực phẩm. Các vùng nước ngọt giảm sẽ dần đến tình trạng thiếu nước trong sinh hoạt và sản xuất, đặc biệt là các vùng lúa nước.

Theo Pilgrim (2007), ở Việt Nam khi nước biển dâng cao 1 m, dự báo sẽ tác động tới 78 sinh cảnh tự nhiên quan trọng (27%), 46 khu bảo tồn (33%), 9 khu vực có đa dạng sinh học chính (23%), 23 khu bảo tồn và khu vực có đa dạng sinh học chính (21%).

Ảnh hưởng của sự thay đổi mực nước biển do biến đổi khí hậu với hệ sinh thái rừng ngập mặn (HSTRNM)

Biến đổi khí hậu tác động đến tài nguyên, các hệ sinh thái ven bờ và mọi hoạt động KT – XH, như tài nguyên nước, nông nghiệp, lâm nghiệp, năng lượng, thuỷ văn và sức khoẻ con người. Tác động của biến đổi khí hậu làm dâng cao nước biển, ảnh hưởng nghiêm trọng đến vùng ven bờ: gia tăng ngập lụt, hàng triệu hecta vùng ven biển có thể bị chìm ngập, hàng trăm ngàn hecta rừng ngập mặn có thể bị mất, các hệ sinh thái thuỷ vực, nguồn lợi thuỷ sản và nghề cá, đời sống, sinh hoạt và các công trình xây dựng của cư dân vùng ven bờ cũng sẽ thay đổi theo chiều hướng xấu đi.

Kết quả nghiên cứu bước đầu về sự biến đổi khí hậu đối với HSTRNM Việt Nam cho thấy có 6 yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến hệ sinh thái nhạy cảm này (Phan Nguyên Hồng, 1993): (1) Nhiệt độ không khí; (2) Lượng mưa; (3) Gió mùa đông bắc; (4) Bão; (5) Triều cường; (6) Hoạt động của con người.

Ngoài ra cũng có sự kiện quan gián tiếp giữa biến đổi khí hậu và HSTRNM thông qua sự thay đổi về mực nước biển. Một số yếu tố có thể tác động ngay, trong lúc các yếu tố khác tác động trong tương lai như: gió mùa đông bắc; sự tăng cường của dòng chảy sông; mưa lớn ở địa phương; sự tích tụ phù sa, các tác động của con người (P. N. Hồng, 1993).

Gió mùa đông bắc góp phần quan trọng làm tăng mực nước biển ở Việt Nam . Gió mùa xuất hiện vào mùa khô từ tháng 11 năm trước đến tháng 4 năm sau, vào thời kỳ thuỷ triều cao nhất trong năm (tháng 10 đến tháng 12). Kết quả là nước mặn xâm nhập sâu vào đất liền, đặc biệt là ở đồng bằng sông Cửu Long. Theo các tài liệu của Ủy ban sông Mê Kông (1993), khi tốc độ gió là 5 m/s thì nước biển tăng lên 20 cm, nếu không có gió thì nước biển chỉ tăng 4 cm.

Sự tăng dòng chảy của sông cũng là một nguyên nhân chính nhưng thường chỉ xảy ra vào mùa mưa và chỉ ảnh hưởng ngắn hạn. Đặc biệt nước biển dâng cao nhất trong những ngày có mưa bão kết hợp với triều cường, gây ra thiệt hại to lớn về tài sản của cộng đồng ven biển, làm cho bờ biển bị xói lở, kể cả những vùng có các dải RNM phòng hộ.

Tác hại của con người tà việc phá RNM đắp đập để trồng lúa, đắp bờ các đầm tôm tràn lan trong vùng bãi triều đã ngăn cản sự vận động của thuỷ triều, qua đó ảnh hưởng lớn đến sự sinh trưởng và phát triển của các loài cây ngập mặn, làm mất nơi dinh dưỡng của hải sản và động vật vùng triều, làm thay đổi dòng chảy, giảm sự phân tán nước ở các bãi triều và vùng ven biển. Việc sử dụng nước ngầm để điều chỉnh độ mặn trong các vùng nuôi tôm rộng lớn cũng như sử dụng lãng phí nước trong sinh hoạt đã dẫn đến suy giảm nghiêm trọng nguồn nước ngầm cần thiết cho các loài cây ngập mặn và các sinh vật sống trong đất bùn và đồng thời ảnh hưởng đến cấu trúc địa chất của vùng ven biển (Phan Nguyên Hồng và cs, 2007).

Nước biển dâng cùng với gió mùa, gió, triều cường đã làm xói lở bờ biển. Ở phía Đông bắc đảo Cà Mau, gió mùa Đông Bắc (gió chướng) cùng với triều cường đã làm xói lở hàng chục km từ Ghềnh Hào xuống đến xóm Đất Mũi, mỗi năm có chỗ mất 20 - 30 m chiều rộng như ở cửa sông Bồ Đề, Rạch Gốc, khu vực Khai Long...

Nước biển dâng đã tạo điều kiện cho một số loài cây ngập mặn xâm lấn đất nội địa, sản xuất nông nghiệp đặc biệt là ở Quảng Bình và miền tây Nam Bộ từ đó ảnh hưởng đến đa dạng sinh học. Số loài động thực vậy nước ngọt biến mất và thay thế vào đó là các loài nước lợ.

Nước biển dâng cũng ngăn cản sự bồi tụ các bãi triều, ngăn cản sự tái sinh tự nhiên của các loài cây ngập mặn tiên phong như mắm, bần chua...

Tác dụng của rừng ngập mặn trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng

1. Nhờ có hệ thống rễ dày đặc trên mặt đất như hệ rễ chống của các loài đước (Rhizophora sp), rễ hình đầu gối của loài vẹt (Bruguiera sp.), rễ thở hình chống của các loài mắm (Avicennia sp.) và bần (Sonnerratia sp.) cản sóng và tích luỹ phù sa cùng mùn bã thực vật nên chúng có tác dụng làm chậm dòng chảy và thích nghi với mực nước biển dâng.

2. Nhờ các trụ mầm (cây con) và quả, hạt có khả năng sống dài ngày trong nước nên cây ngập mặn có thể phát tán rộng vào đất liền khi nước biển dâng làm ngập các vùng đất đó.

3. Khi RNM tự nhiên được bảo vệ hoặc các rừng trồng đủ rộng sẽ tạo thành những “bức tường xanh” vững chắc, bảo vệ bờ biển và chân đê khỏi bị xói lở do bão lụt và nước biển dâng.

4. Những loài cây ngập mặn với tầng tán dày có tác dụng to lớn trong việc làm giảm mạnh cường độ của sóng bão. Hệ thống rễ chằng chịt trên mặt đất có khả năng làm giảm tác hại của sóng lừng.

Kết quả nghiên cứu của Vũ Đoàn Thái (2007) cho thấy trong cơn bão lớn năm 2005, một số RNM trồng có các thành phần khác nhau có tác dụng làm giảm sóng bão kết hợp với triều cường, bảo vệ đê biển và bờ biển rất có hiệu quả.

Tại xã Bằng La, huyện Đồ Sơn, rừng trang (Kandelia obovata) trồng năm 1997 rộng hơn 650 m đã làm giảm mạnh sóng trong các cơn bão này.

Cơn bão số 2 (31/12/2005) với sức gió cấp 10 (89 - 102 km/h) đã phá vỡ đê bằng bê tông kiên cố Cát Hải (Hải Phòng), nhưng tuyến đê làm bằng đất ở xã Bằng La, huyện Đồ Sơn nhờ có RNM bảo vệ nên vẫn an toàn. Năng lượng sóng khi vượt qua rừng đã làm giảm 77 - 83% vào các thời điểm khác nhau trong ngày mưa bão.

Cũng tại đây, khi cơn bão số 7 (27 - 09 - 2005) với sức gió cấp 12 (118 - 133 km/h) năng lượng sóng đã giảm từ 85 - 87% khi xuyên qua rừng.

5. Trong cơn bão số 2 (31 - 7), năng lượng sóng khi qua rừng bần chua trồng ở xã Vinh Quang - Tiên Lãng - Hải Phòng giảm từ 75 - 82%. Hệ số suy giảm sóng trong cơn bão số 7 sau khu rừng bần là 77 - 83%.

Một số kiến nghị về biện pháp ứng phó

1. Nước ta có bờ biển dài và chịu tác động mạnh của thiên tai. Do đó việc điều tra qui hoạch lại việc sử dụng đất ven biển, đẩy mạnh việc phục hồi các dải rừng ngập mặn phòng hộ phù hợp với địa hình, nền đất là hết sức cần thiết.

2. Nhà nước và các địa phương cần có biện pháp kiên quyết thu hồi những vùng nuôi tôm bỏ hoang rộng lớn ở ven biển vốn là rừng ngập mặn, đầu tư kinh phí phục hồi rừng để phòng hộ, phục hồi đa dạng sinh học và tạo nguồn thu nhập từ sản phẩm của hệ sinh thái này để góp phần xoá đói giảm nghèo, mặt khác để bảo vệ có hiệu quả môi trường ven biển ứng phó với thiên tai.

3. Mở rộng diện tích RNM hợp lý trên vũng bãi triều để bảo vệ các rạn san hô đang bị suy thoái nghiêm trọng, vì RNM ổn định các trầm tích, phân huỷ các kim loại nặng (nhờ vi sinh vật) cung cấp thức ăn và cải thiện chất lượng nước cho các hệ sinh thái san hô và các quần xã cá, tạo điều kiện cho các vỉa san hô phục hồi nhanh để ứng phó với biến đổi khí hậu.

Xem Thêm

Phát huy vai trò, trách nhiệm của đội ngũ trí thức trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc
Ngày 25/6/2025, tại Tp. Huế, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Liên hiệp Hội Việt Nam) chủ trì, phối hợp với Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật thành phố Huế (Liên hiệp Hội TP. Huế) tổ chức Hội thảo “Phát huy vai trò, trách nhiệm của đội ngũ trí thức để góp phần tích cực cho sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc theo tinh thần Nghị quyết số 45-NQ/TW ngày 24/11/2023”.
An Giang: 8 giải pháp thực hiện đột phá phát triển khoa học công nghệ
Đến nay, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh (Liên hiệp hội tỉnh) đã tập hợp được 40 hội, tổ chức thành viên với 9.554 hội viên cá nhân, trong đó có hơn 3.451 hội viên trí thức. An Giang xác định và đề ra mục tiêu về đột phá phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số (KHCN, ĐMST, CĐS) đến năm 2030.
Thanh Hoá: Hội thảo KH về giải quyết tình trạng thiếu lao động ở nông thôn, lao động trực tiếp tham gia SX nông nghiệp
Sáng ngày 27/5/2025, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh (Liên hiệp hội) phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ, Viện Nông nghiêp tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Giải pháp giải quyết tình trạng thiếu lao động sản xuất ở khu vực nông thôn, lao động có kỹ thuật, tay nghề cao trực tiếp tham gia sản xuất nông nghiệp, nhất là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ”.
Bình Thuận: Đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất
Sáng ngày 27/5, tại thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề “Giải pháp đột phá trong ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ vào thực tiễn quản lý và sản xuất trên địa bàn tỉnh Bình Thuận”.

Tin mới

Tuổi trẻ VUSTA tự hào được rèn luyện, trưởng thành dưới cờ Đảng quang vinh
Đại hội Đảng bộ Liên hiệp Hội Việt Nam (VUSTA) nhiệm kỳ 2025–2030 được tổ chức thành công vào sáng ngày 21/7. Tại Đại hội, đại diện Đoàn Thanh niên VUSTA đã có bài phát biểu chúc mừng đại hội. Bí thư Đoàn Thanh niên Lê Thị Thủy khẳng định: “Tuổi trẻ VUSTA tự hào được rèn luyện, trưởng thành dưới cờ Đảng quang vinh và luôn xác định rõ vai trò, trách nhiệm của mình trong công cuộc đổi mới đất nước”.
Cuộc thi sáng tác biểu trưng (logo) Đảng uỷ Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể Trung ương
Hướng tới chào mừng Đại hội Đảng bộ Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể Trung ương lần thứ I, nhiệm kỳ 2025-2030, Cuộc thi sáng tác biểu trưng (logo) Đảng uỷ Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể Trung ương và biểu trưng (logo) Đại hội đại biểu Đảng bộ Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể Trung ương lần thứ I, nhiệm kỳ 2025 – 2030 được chính thức khởi động từ ngày 18/7/2025.
Xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh, tập hợp, đoàn kết trí thức KH&CN phục vụ phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới
Kể từ khi Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Liên hiệp Hội Việt Nam) được thành lập ngày 26/03/1983, Đảng bộ Liên hiệp Hội Việt Nam đã trải qua 9 kỳ Đại hội, mỗi kỳ Đại hội đã thực sự trở thành những mốc son quan trọng, đánh dấu bước phát triển cả về tư duy chính trị lẫn phương thức hoạt động của toàn hệ thống.