An Giang: Phát triển Kinh tế tuần hoàn góp phần thúc đẩy tăng trưởng xanh
Sáng 31/7, Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật tỉnh An Giang phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Hội thảo với chủ đề "Phát triển Kinh tế tuần hoàn góp phần thúc đẩy tăng trưởng xanh".
Quang cảnh Hội thảo
Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS. Đoàn Ngọc Phả, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật cho biết, phát triển Kinh tế tuần hoàn là định hướng tất yếu để nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu và bảo đảm mục tiêu phát triển bền vững. Thực hiện Quyết định số 687/QĐ-TTg ngày 07/6/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án phát triển kinh tế tuần hoàn, Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện đề án phát triển kinh tế tuần hoàn ở An Giang. Mục tiêu là “Phát triển Kinh tế tuần hoàn nhằm tạo động lực cho đổi mới sáng tạo và cải thiện năng suất lao động, góp phần thúc đẩy tăng trưởng xanh gắn với cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng tăng cường hiệu quả, tính gắn kết tuần hoàn giữa các doanh nghiệp và ngành kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh và khả năng chống chịu của doanh nghiệp và chuỗi cung ứng trước các cú sốc từ bên ngoài, nhằm góp phần đạt được thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường và công bằng về xã hội; hướng tới nền kinh tế xanh, trung hòa carbon và đóng góp vào mục tiêu hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu”
Quá trình triển khai, địa phương đã có những mô hình kinh tế tuần hoàn hiệu quả như: trồng nấm rơm trong nhà, dạng trụ để xử lý rơm, trồng nấm rơm dưới tấm năng lượng mặt trời, tận dụng xác bã làm phân hữu cơ; chế biến phụ phẩm thực vật thành phân hữu cơ vi sinh; chăn nuôi bò thịt tuần hoàn, bắp-bò…Ngoài ra, trên phạm vi ĐBSCL cũng đã có những mô hình tiên tiến ở các doanh nghiệp, ở các địa phương. Tuy nhiên, việc mở rộng còn ít, nên rất cần đi sâu tìm hiểu và đề xuất giải pháp thúc đẩy phát triển Kinh tế tuần hoàn, đặc biệt là áp dụng công nghệ tiên tiến, phù hợp thực tế địa phương mang tính cấp thiết.
Đồng thời, TS Phả cũng mong muốn các đại biểu sẽ chia sẻ và thảo luận về những nội dung như cập nhật thông tin khoa học công nghệ hiện đại phục vụ phát triển kinh tế tuần hoàn trên thế giới và trong nước; các mô hình kinh tế tuần hoàn đã và đang thực hiện có hiệu quả ở đồng bằng sông Cửu Long và những bài học kinh nghiệm thu thập được; các giải pháp khả thi để thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn ở An Giang và cả vùng trong thời gian tới.
Tại Hội thảo, đại biểu nghe 05 bài tham luận của các chuyên gia, nhà khoa học về chủ đề: Kinh tế tuần hoàn – lợi ích kinh tế, môi trường và xã hội; Giải pháp nâng cao giá trị của tro trấu thải theo định hướng phát triển kinh tế tuần hoàn trên địa bàn An Giang; Tuần hoàn chất thải từ khí thải và nuôi trồng thủy sản để phát triển dược liệu hữu cơ góp phần thúc đẩy tăng trưởng xanh tại An Giang; kết quả nghiên cứu Aquaponic nuôi cá – trồng rau tuần hoàn hữu cơ và kỹ thuật giám sát IoT góp phần nâng cao hiệu quả trong nông nghiệp; Giá trị của phế phụ phẩm nông nghiệp trong mô hình kinh tế tuần hoàn và nông nghiệp xanh.
Phát biểu tổng kết Hội thảo, TS. Đoàn Ngọc Phả, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật trân trọng cảm ơn các ý kiến tham luận, thảo luận của các chuyên gia, nhà khoa học, quản lý, doanh nghiệp tâm huyết, trách nhiệm, có giá trị nghiên cứu khoa học và thực tiễn, cung cấp thông tin quý báu, những phân tích, đánh giá sâu sắc, qua đó, các chuyên gia đã xuất, hiến kế những giải pháp khả thi, phù hợp cho vấn đề phát triển kinh tế tuần hoàn thúc đẩy tăng trưởng xanh, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững ở An Giang và các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long. Sau hội thảo, Ban Tổ chức sẽ có báo cáo tổng hợp gửi đến các cơ quan có thẩm quyền để nghiên cứu, tham khảo trong việc ban hành chủ trương, tổng kết thực tiễn tại địa phương, đơn vị.