60 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ: Những con người góp phần làm nên chiến thắng
Những anh hùng chân đất
"Họ đã sống và chết
Giản dị và bình tâm
Không ai nhớ mặt đặt tên
Nhưng họ đã làm ra Đất Nước.”– (Trích trường ca Đất nước của Nguyễn Khoa Điềm).
Theo chút thông tin khá mơ hồ, tôi về xã Định An, huyện Yên Định (Thanh Hóa) tìm gặp họ, "gia đình Điện Biên” năm xưa vào một ngày đầu tháng Tư. Sự thanh bình, yên ả của vùng quê khiến tôi – một kẻ vốn giàu trí tưởng tượng cũng không thể hình dung ra đâu là khí thế năm xưa, cái thuở mà cả làng đốt đuốc giã gạo, chân trần gồng gánh lương thực, nối nhau hát những bài ca ra trận… thời gian sáu mươi năm cũng đủ phủ lên phận người một màu bàng bạc, đưa tất cả vào quá vãng.
Dừng xe ở đầu xã, hỏi bà Biêng, dân công hỏa tuyến của chiến dịch Điện Biên năm xưa, người nọ í ới gọi hỏi người kia nhưng không ai biết. Họ bảo: "Năm xưa ở đây, cả làng, cả tổng ai cũng tham gia đi chiến dịch làm sao nhớ được. Với lại hầu hết đều chết cả rồi. Giờ còn lại vài người nhưng toàn gọi bằng tên con, tên cháu thôi, anh cứ tìm vào nhà bà này, ở thôn kia có khi họ lại biết không chừng!”. Vậy là tôi vào đại một nhà được giới thiệu là "hình như năm xưa cũng đi dân công Điện Biên thì phải!” Nghe tiếng xe dừng trước cửa, chủ nhà là một bà cụ gầy như bóng hạc, lom lom nhìn khách. "Anh tìm ai!” – bà cất tiếng hỏi. "Dạ, cháu tìm nhà cụ Biêng, đi dân công hỏa tuyến năm xưa ạ!” - bà nhìn lại tôi một lượt rồi cẩn thận kéo cánh cổng sắt mời tôi vào nhà. Hóa ra tôi đã gặp may đến không ngờ. Căn nhà tôi "vào đại” trúng ngay địa chỉ tôi cần tìm.
Nghe tôi ngỏ lời muốn được bà kể lại kỷ niệm hồi tham gia dân công Điện Biên, bà cười nói: "Tui già quá rồi nhớ gì được nữa!”. Nói vậy nhưng trong mắt bà có điều gì đó rưng rưng, không thành lời. Ký ức xưa ùa về, bà phải cố mãi mới có thể sắp xếp cho thành chuyện. Ngày ấy, vào khoảng đầu năm 1953, khi bà vừa tròn đôi mươi. Nhìn cha mỗi đêm hối hả cùng bà con trong làng gom thóc, xay giã, dần, sàng đóng gạo vào xe thồ vận chuyển lên chiến trường Điện Biên, lần lượt các anh em trong gia đình khoác ba lô ra trận, bà cũng ao ước có ngày được cha đồng ý cho tham gia vào đoàn dân công hỏa tuyến. Ao ước ấy rồi cũng thành hiện thực, ngày bà nhập vào đoàn dân công của xã, cha đã chuẩn bị cho bà 2 chiếc bồ nhỏ, mỗi chiếc có thể đựng được 10kg gạo, một túi ruột tượng đựng 5kg gạo để bà ăn dọc đường.
"Trước khi lên đường, ông ân cần căn dặn tôi phải chịu khó, chịu khổ đi cho đến nơi đến chốn. Tuyệt đối không được đụng vào một hạt gạo của bộ đội. Hết thì phải xin ăn ở của đồng bào dọc đường. Rồi ông cũng động viên, "giặc đến nhà đàn bà cũng phải đánh” con ạ! Con là phận gái không trực tiếp cầm súng nhưng như vậy cũng là cứu nước! Ông đã mất từ lâu nhưng lời của cha thì tôi vẫn nhớ như in!”, bà hồi tưởng lại kỷ niệm xưa.
Theo đoàn dân công tải lương lên Điện Biên Phủ, bà và đoàn phải đi nhiều đường khác nhau để tránh sự phát hiện và luôn phải đánh lạc hướng mật thám, máy bay địch nếu bị phát hiện. "Khi mới tham gia vận chuyển lương thực, cứ mỗi lần nghe tiếng máy bay oanh tạc là tôi sợ lắm, nhưng sau vài chuyến rồi thành quen. Chúng quần đảo mặc kệ, mình cứ đi, miễn sao ngụy trang cho tốt để tránh lộ đội hình là được”, bà Biêng cho biết. Theo bà thì ngày ấy không chỉ đường ra trận mới vui như đi hội mà ở quê nhà cũng nhộn nhịp khẩn trương tất cả vì Điện Biên, vì Cụ Hồ. Ngay sau khi nhận được chỉ thị cung cấp người và của cho Điện Biên, mỗi gia đình trong làng đã tự nguyện hiến cho kháng chiến 1 tạ thóc rồi chủ động làm thành gạo và trực tiếp tham gia vận chuyển. Người không có điều kiện đi dân công, đi bộ đội thì ở nhà lo tăng gia sản xuất, đảm việc cho người ra đi, cả làng, cả xã đêm nào cũng nhộn nhịp như chuẩn bị cho ngày hội lớn. "Những người cùng thế hệ tham gia dân công hỏa tuyến với tôi giờ hầu như đã khuất bóng cả. Đến khi chết cũng không một lời kể công, đòi hỏi chế độ này, chế độ nọ. Cả thế hệ chúng tôi đều xem đó là kỷ niệm hào hùng một thời son trẻ mà mình đã vinh dự được góp chút sức nhỏ bé vào chiến thắng lừng lẫy của cả dân tộc”, bà cười đôn hậu.
Bà Đỗ Thị Biêng (bên trái) và em gái kể về một thời hào hùng khi tham gia đoàn dân công hỏa tuyến
Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, Bác Hồ đã khen ngợi: "Bây giờ tiếng Việt Nam đến đâu, tiếng Điện Biên Phủ đến đó. Tiếng Điện Biên Phủ đến đâu, đồng bào Thanh Hóa cũng có một phần vinh dự đến đó”. Như vậy, có thể thấy được công sức to lớn của quân và dân xứ Thanh trong chiến thắng lịch sử này.
Để có được chiến thắng chấn động địa cầu vào ngày 7-5-1954, Thanh Hóa đã có hàng trăm nghìn lượt thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến vận tải lương thực phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ. Nhiều cứ liệu lịch sử cho thấy, trong chiến dịch Điện Biên Phủ, Thanh Hóa đã huy động 1.061.593 lượt dân công với hơn 27 triệu ngày công, cùng với 11.000 xe đạp thồ, 1.300 thuyền ván và thuyền nan, 47 ngựa thồ, 31 ô tô và nhiều phương tiện vận chuyển khác phục vụ tải lương thực, hàng hóa thiết yếu và xây dựng các kho, trạm. Bên cạnh đó, lực lượng thanh niên xung phong cũng góp phần không nhỏ trong mở đường và các công việc hậu phương cho chiến dịch. Theo ông Lê Trung Sơn, Chủ tịch Hội Cựu TNXP Thanh Hóa: Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, lực lượng TNXP Thanh Hóa đã có 1,9 vạn người đa phần phục vụ các chiến dịch: Tây Bắc, Thượng Lào và Điện Biên Phủ.
Đồng thời, Thanh Hóa đã thể hiện rõ vai trò hậu phương chiến lược quan trọng, cung cấp đầy đủ, kịp thời mọi yêu cầu về sức người, sức của phục vụ chiến dịch. Mở đầu đợt vận chuyển, Trung ương giao cho Thanh Hóa huy động và vận chuyển 1.352 tấn gạo (giao tại Hồi Xuân), 100 tấn thực phẩm (giao tại Sơn La). Đợt 2, đầu tháng 3-1954 Trung ương giao cho Thanh Hóa huy động và vận chuyển 1.000 tấn gạo và 165 tấn thực phẩm giao tại Km số 22 đường 41, Thanh Hóa hoàn thành trước thời hạn 3 ngày. Khi chiến dịch chuyển sang giai đoạn kết thúc, do yêu cầu khẩn cấp của chiến trường, Trung ương giao cho Thanh Hóa huy động đợt 3 với chỉ tiêu 2.000 tấn gạo và 282 tấn thực phẩm.
Thanh Hóa cũng tự hào là nơi đã phát kiến sử dụng xe đạp thồ để vận chuyển lương thực ra chiến trường tăng hiệu quả. Những đoàn xe đạp thồ, dân công gánh bộ từ miền Tây Thanh Hóa qua suối Rút, Mộc Châu sang Cò Nòi đến Sơn La, vượt hơn 500km đường xuyên rừng, lội suối, trèo đèo an toàn và bí mật đưa hàng tới nơi an toàn. Những đoàn thuyền vượt hàng trăm thác ghềnh hiểm trở, tránh máy bay địch đánh phá, ngược dòng sông Mã vận chuyển hàng lên chiến trường.
Sáu mươi năm đã đi qua, sau bao dâu bể đổi thay, chiến trường xưa giờ đã trở thành những đồng lúa bát ngát, con đường tải lương huyền thoại xưa của dân công hỏa tuyến giờ đã được trải nhựa phẳng lỳ và trở thành con đường huyết mạch của miền Tây tỉnh Thanh nối với các tỉnh bạn và thông thương với nước bạn Lào. Những con người làm nên Chiến thắng Điện Biên năm xưa cũng lần lượt về với Đất Mẹ, hóa mình vào núi sông. Nhưng, những gì họ đã hiến cho non sông này sẽ mãi là bản anh hùng ca bất tử tạc vào sử xanh, trường tồn với thời gian.