Liên hiệp các hội và khoa học kỹ thuật Việt Nam
Thứ năm, 06/04/2006 16:59 (GMT+7)

Về sự nghiệp và vai trò lịch sử của Phan Thanh Giản

Vào những năm 1962-1963, trong cuộc thảo luận trên Tạp chí Nghiên cứu lịch sửvà trong Hội thảo khoa học ở Viện Sử học, có nhiều ý kiến khác nhau. Thậm chí sau lời tổng kết Hội thảo của Giáo sư Trần Huy Liệu, nguyên Viện trưởng Viện Sử học, với đầu đề: “Chúng ta đã nhất trí về việc nhận định về Phan Thanh Giản”(1) thì ngay sau đó, Giáo sư Ca Văn Thỉnh, nguyên Giám đốc Thư viện khoa học xã hội, cũng nói lên tình cảm chân thành của mình: “Về mặt khoa học, các đồng chí nhận định như vậy là có lý, nhưng về mặt tình cảm, trí thức Lục tỉnh chúng tôi vẫn có nhiều băn khoăn, thấy không muốn hạ thấp Phan Thanh Giản xuống đến như thế” (2).

Những băn khoăn và chưa nhất trí này được bộc lộ ngày càng sâu hơn từ ngày giải phóng miền Nam khi chúng ta đổi tên đường Phan Thanh Giản ở thành Phố Hồ Chí Minh thành đường Điện Biên Phủ và một số nơi, có người đề nghị xoá bỏ hay hạn chế bớt việc duy trì và tu tạo những di tích lịch sử về Phan Thanh Giản (3).

Đến nay, trong xây dựng xã hội mới quy hoạch lại các di tích lịch sử, vấn đề lại được đặt ra một cách nghiêm túc. Đó là một việc làm cần thiết và bổ ích, không chỉ lợi cho khoa học, mà còn có lợi cho cách mạng, cho đoàn kết trí thức và đoàn kết toàn dân.

Phan Thanh Giản với sự nghiệp dựng nước

Đánh giá bất cứ một nhân vật lịch sử nào ở Việt Nam chúng tôi đều thấy cần phải dựa vào hai tiêu chuẩn cơ bản là dựng nước và giữ nước có liên quan chặt chẽ với nhau.

Trong thời đại phong kiến, người trí thức muốn thi thố tài năng, góp phần dựng nước, thuận lợi hơn cả là đi vào cử nghiệp (như Phan Bội Châu sau này, tuy nhận thấy là bất đắc dĩ, vẫn cần phải đi thi), hoặc tham gia vào giới quan trường.

Trong cuộc thảo luận trước đây không ai nói đến sự nghiệp dựng nước của Phan, có lẽ vì cho rằng làm quan dưới triều đại phong kiến nhà Nguyễn bán nước là không có gì đáng ca ngợi nếu có đề cập đến chức tước cũng chỉ nhằm làm rõ tiểu sử của Phan mà thôi.

Theo ý tôi, nhà Nguyễn trong giữ nước là có tội. Còn trong dựng nước là có cống hiến nhất định. Những cống hiến đó phần lớn có sự đóng góp của các trí thức có lòng vì dân như Nguyễn Tri Phương, Hoàng Diệu, Nguyễn Công Trứ, Phan Thanh Giản… Với Phan Thanh Giản có nhìn nhận như vậy mới là công bằng.

Sự nghiệp dựng nước của Phan khởi đầu từ năm 1826. Sau khi Phan đậu tiến sĩ, Minh Mạng triệu ra Huế, sung chức Hàn lâm viện biên thu, hàm Chánh thất phẩm (7-1).

Năm 1827, thăng làm Lang trung bộ Hình, được Minh Mạng nhận xét là người có “lòng ngay chí chắc, học rộng tài cao” (7) tặng hàm Chánh tứ phẩm (4-1).

Năm 1828 lại lãnh chức Tham hiệp tỉnh Quảng Bình, đồng thời được cử làm giáo khảo trường thi tại Thừa Thiên.

Thấy có thiên tai, mưa to, lụt lớn, ông cho là điềm xấu của trời quở trách về sự ăn chơi trác táng của Minh Mạng, đã dâng sớ lên vua:

“Trời mưa hạt lớn là điềm âm thịnh. Xin bệ hạ trau mình sửa đức, bớt hậu đình với kẻ tần phi, đặng hạ lòng trời, dân nhờ hạnh phúc”.Ông nổi tiếng là người ngay thẳng nhưng lại bị Minh Mạng quở trách (8).

Năm 1829, nhận chức Quyền nhiếp Tham hiệp Nghệ An rồi được chiếu chỉ về kinh đô làm chức Phủ doãn tại Thừa Thiên, thăng lên hàm Chánh tam phẩm (3-1), ông đã tâu lên Minh Mạng về việc ổn định tình hình ở Trấn Ninh thuộc Nghệ An (nay thuộc Lào).

Năm 1830, làm Lễ bộ Tả thị lang, được bổ vào Nội các.

Năm 1831, được thăng hàm Hiệp trấn Quảng Nam, hàm Tòng nhị phẩm (2-2). Nấc thang cao nhất này mà ông đạt được ở thời gian đầu của hoạn nghiệp này rõ ràng không phải do siểm nịnh, cầu an mà lên được.

Nhưng cũng trong năm 1831 có cuộc khởi nghĩa của người Thượng, thủ lĩnh là Cao Gồng, nổi lên ở vùng Chiên Đàn, Quảng Nam. Ông đem binh đi đánh. Vì thất trận bị Minh Mạng quở trách và giáng xuống làm Tiền quần hiệu lực (tức làm người lính hiệu đi trước hàng quân). Đứng trên quan điểm giai cấp ngày nay mà xét, có thể coi việc vâng mệnh triều đình phong kiến đi đàn áp khởi nghĩa nông dân ở vùng dân tộc thiểu số là phản động. Nhưng đứng trên quan điểm lịch sử, đặt nhân vật Phan Thanh Giản vào yêu cầu “trung quân ái quốc” của phong kiến Khổng giáo lúc đó thì khuyết điểm này, cần được coi là do hạn chế lịch sử, hạn chế giai cấp đúng hơn cho ông là phản động.

Trong khi đó tư chất và đức hạnh mà ông biểu lộ sau khi bị giáng chức lại là cái đáng ca ngợi.

Sử cũ ghi lại: “Mỗi khi đi đánh giặc ông vác giáo đi trước. Các quan sợ ông chết cản lại, ông trả lời:

- Vua bảo sao tôi làm như vậy”.

Cả đến khi yên giặc, được điều về coi việc làm cỏ trong đền, Phan vẫn vui vẻ làm tròn phận sự (9). Điều đó thể hiện tinh thần kỷ luật và ý thức trách nhiệm của Phan.

Năm 1832, được phục chức Kiêm thảo, hàm Tòng thất phẩm (7-2) được sung vào làm một thuộc viên của sứ bộ Việt Nam sang Tân Gia Ba (Hạ Châu) rồi lại được nhận chức Hàn lâm kiêm thảo, sung nội các hành tẩu.

Năm 1833, được thăng Viên ngoại lang, bộ Hộ, quyền Ấn phủ Thừa Thiên, hàm Tòng tứ phẩm (4-2), rồi thăng Hồng lô Tự khanh, hàm Chánh tứ phẩm (4-1). Cuối năm 1833, được cử làm Phó sứ đi Trung Quốc. Nam 1834 đi sứ về được thăng Đại lý Tự khanh, hàm Chánh tam phẩm (3-1), sung chức Cơ mật viện đại thần. Phẩm chất đáng quý của ông lúc này là “Các tặng vật của vua quan nhà Thanh ban cho ông, ông liệt kê cả trong sớ. Vua cho ông cái gì mới dám nhận”(10). Năm 1833 ông được bổ làm Kinh lược Trấn Tây (gồm vùng đất từ Hà Tiên đến Nam Vang (thủ đô Campuchia), do vua Campuchia trao cho ta sau khi thất trận). Ống sắp đặt bộ máy hành chính và dạy dân địa phương học chữ Hán và chữ Nôm… Khi trở về Kinh, qua Bình Thuận, gặp khởi nghĩa của nông dân người thiểu số Tây Nguyên, ông ngừng lại dẹp xong mới về Kinh. Sự kiện trên ngày nay có thể coi là tiêu cực vì tự động đàn áp khởi nghĩa của nông dân. Nhưng với triều đình lúc đó thì Phan tỏ ra đầy tinh thần trách nhiệm.

Ông được thăng làm Bố chính Quảng Nam, hộ lý (tức là quyền) Tuần phủ quan phòng hàm Tòng nhị phẩm (2-2).

Năm 1836 lại xảy ra một sự kiện lịch sử mà ngay đường thời quan điểm cũng có khác nhau. Đó là việc Minh Mạng muốn đi tuần du ở vùng núi Ngũ Hành, tỉnh Quảng Nam nơi ông trấn trị, ông dâng sớ cản ngăn vì dân đang bị thiên tai hạn hán, đói rách, bệnh tật. Ông viết: “… Vua ngự thì ngàn xe muôn ngựa, quan quân hầu hạ, nhứt thiết vì tiêu dùng của vua. Nhưng việc sửa đập đường sá, dọn dẹp cung điện, sắm củi đuốc cho quan quân, cắt cỏ lót cho ngựa, voi, tất nhiên phải bắt dân phu với lính, như thế dân phải bỏ việc tư, lo việc công. Hạ thần là kẻ giữ đất chăn dân, gội đức vua, không làm được cho dân hạnh phúc thật là có tội”. Vua không nghe cứ đi đến Quảng Nam. Vừa đến nơi, Phan quỳ trước ngự giá cản vua lại. Vua phải đình việc tuần thú, trở về triều. Sau vì vua nghe lời tâu gian của Võ Duy Tân là “Việc trong tỉnh trễ nải, quan lại làm nhiều việc nhũng tệ”(11) nên Phan Thanh Giản ngăn không cho vua tới, Phan bị giáng xuống bốn trật, từ Tòng nhị phẩm xuống Chánh lục phẩm (6-1), phải lo việc quét dọn bàn ghế tại công đường tỉnh Quảng Nam. Ông vẫn làm hết bổn phận. Khi quan xử kiện, ông đứng bên cạnh khoanh tay hầu. Các quan thấy ngượng khuyên ông lui đi, Phan vẫn xin được thực hiện đúng kỷ luật…(12).

Các sự kiện nêu trên, nếu tư liệu được cung cấp là đúng thì Phan thật đáng được ca ngợi về lòng thương dân, tính cương nghị, nhất là không sợ luỵ đến thân để đạt được ích nước, lợi dân.

Hai tháng sau, Phan lại được thăng lên chức Nội các thừa chí, rồi lên Thị lang bộ Hộ sung Cơ mật viện đại thần, hàm Chánh Tam phẩm (3-1).

Năm 1838, vì sơ ý không đóng ấn vào tờ sớ tấu, Phan bị giáng chức xuống làm Lang trung biện lý hộ vụ hàm chánh Tứ phẩm (4-2) lãnh nhiệm vụ đi coi khai mỏ vàng ở Chiên Đàn - Quảng Nam. Ông tâu ngay với vua về việc làm này là “ Lợi cho nước thì ít, mà khổ cho dân thì nhiều” (13), nhưng lại bị điều lên coi việc cai mỏ bạc ở Thái Nguyên, như một sự trừng phạt. Đến năm 1939, Minh Mạng thấy điều Phan nói là đúng, phải bãi bỏ việc khai mỏ, để cho người Trung Hoa lãnh trưng.

Phan được triệu về triều thăng lên chức Phó sứ Thông chánh ty (3-2), rồi thăng lên Thị lang bộ Hộ hàm tòng Tam phẩm, rồi chánh Tam phẩm (3-2 rồi 3-1).

Với các án từ, Phan Thanh Giản luôn tỏ thái độ thận trọng để bảo đảm công minh. Năm 1839, nhân có việc Tổng đốc Bình Định là Vương Hữu Quang, vì thấy thiên tai hạn hán mà vua tôi lại chỉ thích vui chơi, ca hát, mới nhân việc diễn tuồng “Lôi phong tháp” mà can ngăn, lấy lý do là vở tuồng đó xúc phạm đến quỷ, thần, trời, đất, xin vua cho đốt vở tuồng đó đi. Quang bị vua hạch tội là bầy tôi vô đạo và phải lãnh án tử hình. Phan Thanh Giản đã phản đối không ký tên vào bản án xử trảm này và dâng sớ xin Minh Mạng giảm án. Cuối cùng vua nghe theo, tha tội cho Vương Hữu Quang và ra lệnh đốt tuồng “Lôi phong tháp”. Vương và Phan đều được người đương thời khen là trung chính (14). Tuy vậy vẫn bị Minh Mạng cho là có tinh thần bè phái, phải đổi sang chức Thông chánh phó sứ, giáng một trật, tức từ chánh Tam phẩm (3-1), xuống hàm Tòng Tam phẩm (3-2). Như vậy chỉ riêng dưới triều Minh Mạng, Phan đã bốn lần bị giáng chức mà phần lớn là vì cương nghị và trung chính.

Đến thời Thiệu Trị, sự suy vong của triều Nguyễn ngày càng bộc lộ sâu sắc. Quan lại tham nhũng, dân tình đói khổ, nông dân nổi dậy ở nhiều nơi. Phan Thanh Giản tuy không thấy được mâu thuẫn sâu xa giữa nông dân và phong kiến như chúng ta ngày nay, nhưng đã căn cứ vào thực trạng nguy khốn của xã hội mà dâng sớ can ngăn, khuyên bảo vua:

“Ngày nay, lệ phí truyền nhiễm, phát xuất trong hạt Chiêm, Ngãi (Bình Định, Quảng Ngãi)… làm phiền cho hoàng thượng phải nhọc lòng lo nghĩ tự trách mình, chẳng dám coi là việc ngẫu nhiên. Rồi giảm bữa ăn, bỏ âm nhạc, thanh toán nơi ngục thất, đình chỉ những công tác, tìm hỏi dân tình, trông mong sự uốn nắn của bá quan nội ngoại”(15). Ông còn vạch ra những tệ nạn do giới quan trường gây ra cho dân chúng, nhất là ở Nam kỳ: “Dân xứ này sợ quan như cọp, nha lại mặc sức thay trắng đổi đen…”. Còn sự thi hành công vụ thì: “Nha lại mỗi ngày càng thêm giảo quyệt, nhân dân ngày thêm khốn cùng”(12), Phan nêu ra những phương cứu chữa. Vua khen là phải và ban Dụ rằng: “Phan Thanh Giản làm những việc cơ yếu, bàn tính việc ngoại biên, giúp đỡ chốn cầm viên, công việc đều xong”, thăng lên chức Hình bộ Thượng Thư, sung Cơ mật viên đại thần hàm Chánh Nhị phẩm (2-1).

Tới triều Tự Đức, từ 1848 trở đi, đất nước đã làm vào cảnh bị thực dân phương Tây nhòm ngó và bắt đầu gây chiên tranh xâm lược, Phan Thanh Giản được đổi qua chức Lại bộ Thượng thư, làm Kinh lược phó sứ (phụ việc cho Nguyễn Tri Phương, Kinh lược chánh sứ) lãnh chức Tuần phủ Gia Định coi các tỉnh Biên Hoà, Vĩnh Long, Định Tường, An Giang, Hà Tiên. Phan đã chú trọng khẩn hoang, lập đồn điền, phát triển sản xuất, đồng thời là đắp đồn luỹ để ngăn giặc ngoại xâm.

Mùa xuân năm 1852, nhân việc có điềm thiên văn lạ, Tự Đức lo lắng hỏi quần thần. Phan Thanh Giản lại cùng Nguyễn Tri Phương nêu lên mấy điều để can ngăn nhà vua như:

- Xin nhà vua cẩn thận trong việc chơi bời.

- Xin nhà vua đừng ham coi hát xướng.

- Xin nhà vua nên xa lánh kẻ thấp hèn.

- Xin nhà vua nên chuộng điều tiết kiệm, bớt lãng phí, xa hoa (17).

Tự Đức, mặc dầu không bằng lòng, cũng phải xuống Dụ khen: “ Các ngươi đã tỏ lòng trung ái…”và ban cho Phan Thanh Giản tấm kim khánh với 4 chữ “Liêm, Bình, Cần, Cán”.

Cũng năm này, ông dâng sớ xin trả lại nhà vua tất cả các chức vụ chỉ xin giữ lại một chức để lo làm tròn nhiệm vụ nhưng vua không cho. Tháng 9 năm 1853 Phan được triệu về Kinh lãnh chức Hiệp biện đại học sĩ, lãnh Lễ bộ thượng thư, sung chức ở toà Kinh Diên, hàm tòng Nhất phẩm (1-2), hàm cao nhất của ông đến khi chết. Phan đã dâng sớ phát triển đất Nam kỳ như lập nhà thương chữa bệnh, lập trường học, chế xe trâu, đắp sửa phần mộ các công thần, được Tự Đức lần lượt cho thi hành (18).

Năm 1856 Phan được cử làm Chánh tổng tài quốc sử quán để soạn bộ Khâm định Việt sử Thông giám cương mụcsoạn từ 1856 đến 1859 đã xong.

Nhìn lại bước đường hoạn nghiệp hơn 20 năm (1826-1848) của Phan, chúng ta thấy Phan có những điểm tích cực và tiêu cực như sau:

* Về mặt tích cực:

1. Trước một triều đại phong kiến đang từng bước xuống dốc, dân tình đói khổ, xã hội rối ren, vua quan ăn chơi xa xỉ, ông đã dám đem lời can ngăn, đặc biệt là với cả ba triều vua: Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức. Ông nói thẳng, phần lớn đều là vì xây dựng đất nước, ổn định xã hội mà không sợ luỵ đến thân.

2. Trước một án tử hình không đúng, với tư cách là Thị lang bộ Hộ, Phan đã không ký vào bản án để phản đối. Cuối cùng, việc làm của ông được chấp nhận. Triều đình huỷ bỏ bản án và cho đốt vở tuồng nhằm hạn chế sự ăn chơi, hát xướng của vua quan trong khi dân còn đang cực khổ.

3. Nhận lãnh công việc khai mỏ vàng ở Chiên Đàn, mỏ bạc ở Thái Nguyên, thấy “lợi cho nước thì ít, hại cho dân thì nhiều”, Phan đã dám tâu vua đình chỉ việc này và cho lĩnh trưng đánh thuế. Vua phải nghe theo.

4. Khi làm Kinh lược phó sứ ở các tỉnh Tây Nam bộ (1848) cũng như khi về Kinh là Lễ bộ Thượng thư, ông vẫn luôn chăm lo khai khẩn đất hoang, phát triển sản xuất, mở mang nhà thương, trường học, tỏ rõ tinh thần lo lắng tới đời sống của nhân dân.

5. Cuối cùng là việc làm Tổng tài Quốc sử quán chỉ trong hơn 3 năm Phan dã cùng các cộng sự hoàn thành bộ Khâm định Việt sử thông giám cương mục, được in vào năm 1884, và lưu lại đến ngày nay, coi như một di sản văn hoá có giá trị của dân tộc.

* Về mặt tiêu cực:

Đáng kể nhất là hai lần Phan đi đàn áp khởi nghĩa của dân tộc ít người ở Nam Trung bộ.

Bằng con mắt đấu tranh giai cấp hiện nay, chúng ta có thể phê phán đó là hành động tiêu cực. Nhưng nếu với Nguyễn Công Trứ, người đã đàn áp cuộc khởi nghĩa nông dân Phan Ba Vành ở Thái Bình mà vẫn được thừa nhận là danh nhân lịch sử, thì với Phan Thanh Giản chúng ta cũng có thể châm chước lỗi lầm do hạn chế lịch sử, hạn chế giai cấp gây nên.

Phan Thanh Giản trước trách nhiệm giữ nước

Nửa cuối đời của Phan rơi đúng vào lúc đất nước bị thực dân Pháp xâm lược.

Tháng 8-1858 chúng đánh vào Đà Nẵng. Đánh không được, tháng 2-1859, chúng rút vào chiếm Gia Định. Gia Định thất thủ nhưng quân dân ta vẫn kiên quyết kháng chiến. Cả đội quân mà chúng chuyển từ Gia Định ra để tiếp tục tấn công Đà Nẵng cũng bị quân ta đánh cho thiệt hại nặng nề.

Tháng 10-1860 sau khi Liên quân Anh-Pháp thắng lợi ở Trung Quốc, Hoà ước Bắc Kinh được ký kết, thực dân Pháp rảnh tay quyết xâm chiếm Nam kỳ. Năm 1861 chúng chiếm Biên Hoà, Thủ Dầu Một, Tây Ninh, Mỹ Tho. Nhân dân nổi lên chống Pháp ở khắp nơi: Trương Định ở Gò Công, Thiên Hộ Dương ở Đồng Tháp, Phủ Cao (hay Phủ Cọp) ở Mỹ Tho, Nguyễn Trung Trực đốt tàu Hy Vọng (Espérance) ở vàm Nhật Tảo… Còn quân triều đình thì liên tiếp thua trận. Năm 1862 địch lại chiếm Vĩnh Long.

Trong tình thế bức bách đó Tự Đức nghiêng về phía chủ hoà, cử Phan Thanh Giản làm Chánh sứ, Lâm Duy Hiệp làm Phó sứ đi thương thuyết với Pháp, với một lời dụ đầy tính bạc nhược: “… Nay đối phương mang thơ muốn nghị hoà, âu cũng là do lòng tốt muốn bãi binh yên dân vậy”?và trao trách nhiệm cho Phan lo: “Cố gắng đạt đến việc đình chiến, ngõ hầu xứng đáng với nhiệm vụ mà khanh được giao phó”(19).

Trao nhiệm vụ mà đòi phải “đạt đến việc đình chiến” với bất cứ giá nào như vậy thì chính Tự Đức đã phải chịu trách nhiệm về việc cắt đất cho Pháp mà sứ bộ nhà Phan Thanh Giản thực hiện.

Hoà ước Nhâm Tuất (5-6-1862) giữa Phan Thanh Giản, Lâm Duy Hiệp ký với Bô-na (Bonard) và Pa-lăng-ca (Palanca) đã nhường ba tỉnh miền Đông (Biên Hoà, Gia Định, Định Tường) và đảo Côn Lôn cho Pháp, cùng với khoản bồi thường chiến phí 4 triệu đồng, trả trong 10 năm. Ngược lại Pháp trả lại tỉnh Vĩnh Long, nhưng phía triều đình phải triệt tiêu mọi lực lượng kháng Pháp ở tất cả các nơi.

Hoà ước Nhâm Tuất (5-6-1862) nhường 3 tỉnh miền Đông Nam bộ và đảo Côn Lôn cho thực dân Pháp là sai lầm, là trách nhiệm làm hại dân, hại nước của Tự Đức của phái chủ hoà mà Phan Thanh Giản và Lâm Duy Hiệp là người được giao trách nhiệm thực hiện. Mặc dầu 2 ông có trách nhiệm lớn nhưng không thể quy kết hai ông vào tội “bán nước” vì đó là việc của cả triều đình.

Đến năm 1867, sau khi Phan Thanh Giản được cử dẫn đầu phái bộ Việt Nam sang Pháp điều đình để chuộc lại 3 tỉnh miền Đông không thành công (năm 1864), khi về lại được Tự Đức trao trọng trách giữ 3 tỉnh miền Tây khi thực dân Pháp đã quyết tâm nuốt nốt 3 tỉnh này.

Tư liệu lịch sử đã cho thấy, cuối tháng 2-1867, thực dân Pháp đã làm xong kế hoạch chiếm nốt 3 tỉnh miền Tây, lập 8 Thanh tra toa cho 3 tỉnh và bố trí nhân sự để chờ lệnh là đến nơi làm việc.

Ngày 15-6-1867, thiếu tướng Đơ La Gờ-răng-đi-e tuyên bố lý do cần chiếm lại 3 tỉnh miền Tây là để chấm dứt “phiến loạn” và “giặc cướp” mà chính quyền Việt Nam bất lực trong việc ngăn chặn?

Dã tâm này có thể nhìn thấy rõ ngay trong các điều khoản của Hoà ước Nhâm Tuất trước đây.

Ngày 20-6-1867 chúng đưa quân tới chiếm thành Vĩnh Long, cho người đưa thư đến cho Phan Thanh Giản nói rõ chúng quyết chiếm 3 tỉnh miền Tây, vì quan quân triều đình ở đây đã ủng hộ phong trào kháng Pháp?

Việc chúng dễ dàng và nhanh chóng chiếm được thành Vĩnh Long, rồi đến An Giang, Hà Tiên thì tư liệu của Pháp miêu tả như Phan Thanh Giản đã đầu hàng nộp các thành cho Pháp. Còn tư liệu của chính sử Việt Nam như Đại Nam thực lục, nhất là Châu bản triều Nguyễn lại ghi đó là do một thủ đoạn của quân xâm lược Pháp:

“… Lợi dụng thái độ chủ hoà của Phan Thanh Giản và những sơ hở của quân ta để bất ngờ chiếm thành: Chúng đem chiến thuyền đến áp sát thành Vĩnh Long, đưa thư bắt nhường 3 tỉnh miền Tây, buộc Phan Thanh Giản xuống tàu thương nghị rồi khi Phan trở lại, chúng kéo theo và bất ngờ đột nhập chiếm thành Vĩnh Long…” (Phan Huy Lê, “Phan Thanh Giản và bi kịch cuộc đời” Tạp chí Xưa và Nay số IX-1997 trang 15).

Nhưng dầu thế nào đi nữa thì cũng không một ai có thể bỏ qua được trách nhiệm đánh mất 3 thành, 3 tỉnh miềm tây Nam bộ của Phan Thanh Giản. Và chính cụ Phan cũng đã nhận trách nhiệm đó về mình qua lời trăng trối và việc cụ tự quyên sinh. Vấn đề là ngày nay chúng ta qua sự kiện đó mà đánh giá nhân vật lịch sử này như thế nào?

Trước sau tôi vẫn cho rằng, việc để mất thành, mất đất đai là tội lỗi của Tự Đức và của phái chủ hoà trong triều đình nhà Nguyễn mà Phan Thanh Giản liên đới chịu trách nhiệm. Còn Phan Thanh Giản vẫn là người yêu nước không bao giờ có tâm địa bán nước cầu vinh.

Phan Thanh Giản là một trong những nhà yêu nước sớm có tư tưởng canh tân

Ngày 15-8-2003 các nhà khoa học thăm mộ Phan Thanh Giản tại Ba Tri- Bến Tre

Ngày 15-8-2003 các nhà khoa học thăm mộ Phan Thanh Giản tại Ba Tri- Bến Tre

Theo quan điểm về “Công minh lịch sử” và “Công bằng xã hội”, tôi cho rằng không nên thấy cụ Phan có sai lầm trong giữ nước mà quên đi tư tưởng yêu dân, thương dân, sớm có xu hướng canh tântrong sự nghiệp dựng nước và giữ nước của cụ.

Trong tham luận tại hội thảo ở Vĩnh Long năm 1994, tôi đã đề xuất ý kiến này. Và chính chị Phan Thị Minh Lễ khi trao đổi ý kiến, lấy tư liệu của tôi về cụ Phan đã đọc những trang tham luận này.

Vừa qua, khi tôi nhận được cuốn sách của chị gửi từ Pháp về, tôi vui mừng thấy ý đó cũng được thể hiện ở tên đề của cuốn sách: Phan Thanh Giản - Patriote et précerseur du Viet Nam moderme(Phan Thanh Giản - Nhà yên nước và người báo hiệu cho một nước Việt Nam mới).

Trong tham luận đọc tại Vĩnh Long tôi đã viết:

Từ năm 1849, chuyển sang nhận trọng trách giữ nước, Phan vẫn tiếp tục phát huy tinh thần xây dựng đất nước, trong đó bao hàm cả tư tưởng thương dân. Cả hai hợp thành một dòng chảy xuyên suốt từ khi bắt đầu bước vào đường hoan nghiệp, cho tới khi nhắm mắt.

Đó là: chăm lo việc yên dân, đẩy mạnh khai hoang, phát triển sản xuất, thúc đẩy mở trường học, nhà thương, bênh vực những người bị oan khuất, cứu giúp kẻ nghèo khó đi đến mong muốn canh tân đất nước.

Tư tưởng canh tân đó biểu hiện trình tự như sau:

Trong sớ dâng lên Thiệu Trị, Phan đã đề xuất yêu cầu cải cách chốn quan trường, bằng cách dựa vào dân, lấy ý dân để sửa đổi chính pháp: “Xin vua xuống một đạo Dụ nói rõ: bên trong thì đại thần ngôn quan, bên ngoài thì các viên chức lớn phải nên đem hết, trí nghĩa ra và mối chân tình trung quân ái quốc đối với các điều lợi hại về đời sống của dân không kể lớn nhỏ, không cần kiêng nể, đều phải bày tỏ không nên giấu giếm để cho kẻ có tấm lòng chân thực và có chước lạ, mưu cao sẽ được cơ hội đạo đạt lên trên, thì bao nhiêu vụ hư thực ở chốn dân gian và các quan lại ai hay, ai dở đều soi thấu hết. Chừng ấy Hoàng thượng sẽ chọn điều tốt đem ra thi hành, còn bao nhiêu điều dở đều sẽ bỏ đi, miễn sao cho những tình tệ của quan lại phải được tạo thành, quân sĩ phải có thực số, xóm làng ấm no, yên ổn, biên phòng sẽ được vững chắc, rồi sau thế nước sẽ được tôn trọng lâu dài” (20).

Trong sớ dâng Tự Đức, Phan đưa ra 8 điều khuyên can trong đó có đề xướng cải cách việc tuyển dụng quan lại như: Lựa người trung lương, đừng cho những kẻ ham muốn quyền lợi kiếm đường lo lót, xin thêm lương bổng cho hậu để các quan trau dạ thanh liêm” (21) và trong quận sự: “Xin bớt công việc cho lính rảnh rang để thường thường rèn luyện trận đồ…”. Còn về kế sách giữ nước: “Cốt nhất nuôi dân chăm cày cấy, nuôi lính đủ ăn, lưu ý như thế thì sức dân thư thả mà quân có chỗ dạy, sức đất không bỏ phí mà lương có chỗ ra. Quân giỏi, lương đủ như nước chảy cuồn cuộn không hết” (22).

Đến khi đi Pháp về, tầm mắt của cụ được mở rộng, cụ đã kêu gọi đồng bào mau thức dậy canh tân đất nước qua bài thơ:

Từ ngày đi sứ đến Tây kinh

Thấy việc Âu châu phải giật mình

“Kêu rủ đồng bào mau thức dậy”

Hết lời năn nỉ chẳng ai tin (23)và khuyên vua: Giao thiệp với các nước bạn, cho dân xuất dương du học, giao thương với nước ngoài”…

Đó là những việc mà sau này Nguyễn Trường Tộ, Phan Châu Trinh… cũng đề xướng.

Nhìn chung lại, Phan Thanh Giản có nhiều công lao trong dựng nước, có nhiều phẩm chất đạo đức đáng quý, nhất là thương yêu dân, sớm có tư tưởng canh tân đất nước, nhưng lại có sai lầm để mất thành, mất đất, mất dân vào tay giặc.

Sai lầm trên phải được xem xét, trong sự hạn chế giai cấp, hạn chế lịch sử của Phan. Đó là do ông ra đời trong lúc chế độ phong kiến Việt Nam đã suy yếu đến cực độ, lại được đào luyện trong “Cửu Khổng sân Trình”, lấy đạo vua tôi làm trọng. Ông tự thấy bất lực trong nhiệm vụ được giao, nhưng vẫn phải nhận nhiệm vụ một khi vua đã giao cho. Đồng thời khi lịch sử nhân loại đã sang trang, chính nghĩa phong kiến đã nhường chỗ cho chủ nghĩa tư bản mà ở Việt Nam giai cấp địa chủ phong kiến đã lỗi thời nhưng vẫn tồn tại và nắm giữ quyền uy… Tất cả những điều trên đã góp thêm vào nguyên nhân gây lên sai lầm của Phan Thanh Giản. Vì vậy chúng ta phải gắn sai lầm của Phan với sai lầm của triều đình nhà Nguyễn.

Như vậy mới là công minh và công bằng.

Trên đây là những suy nghĩ của tôi đã có từ cuối thế kỷ XX về cụ Phan. Nay bước sang đầu thế kỷ XXI, nhìn lại lịch sử Việt Nam nói chung, nhìn về nhân vật lịch sử Phan Thanh Giản nói riêng, tôi có một vài suy nghĩ bổ sung hay nói rõ hơn điều đã nói trước đây về cụ Phan như sau:

1. Khẳng định cụ Phan Thanh Giản là một nhà yêu nước, thương dân, trọng dân.

2. Cụ Phan Thanh Giản không có ý đồ phản bội quyền lợi dân tộc mà là muốn bảo vệ quyền lợi dân tộc bằng cách gắn quyền lợi đó với ý thức thương dân, với tinh thần “dựng nước” trong điều kiện mới và với lòng mong muốn canh tân đất nước.

3. Công lao xây dựng đất nước của cụ Phan, trong điều kiện lịch sử lúc đó thật đáng ca ngợi, phải đánh giá là xuất sắc.

4. Những hoạt động dựng nước của cụ trước khi qua đời gắn liền với những di chúc của cụ cho con cháu và cho hậu thế sau khi qua đời đã biểu hiện rõ: Cụ là một trong những nhà yêu nước đầu tiên có xu hướng canh tân.

5. Việc cụ ký hoà ước về 3 tỉnh miền Đông cũng như để thất thủ ba tỉnh miền Tây là những sai lầm, nhưng cần thấy trách nhiệm chính về sai lầm đó là thuộc triều đình Tự Đức mà cụ chỉ là người thừa hành và liên đới chịu trách nhiệm.

Sự quyên sinh của cụ trong điều kiện và hoàn cảnh đó - là đáng ca ngợi, bởi nó biểu lộ rõ phẩm chất của một người suốt đời tận tuỵ với dân với nước, nhận trách nhiệm trước sai lầm của mình, không tham danh hám lợi, không tham sống sợ chết, đã tự nguyện quyên sinh.

________________

(1) Tạp chí Nguyên cứu lịch sửsố 55, tháng 10/1963.

(2) Lược ghi theo trí nhớ của tôi (VT).

(3) Vấn đề đổi tên đường phố do TP.HCM thực hiện có sự đóng góp của GS Nguyễn Công Bình và GS Nguyễn Đổng Chi do Uỷ ban KHXH cử vào. Sự không nhất trí về sự tôn tạo hạn chế hay huỷ bỏ di tích lịch sử về Phan Thanh Giản diễn ra ở nhiều nơi (Vĩnh Long, Đồng Tháp…) mà tôi đã được tiếp xúc.

(4) Phan Thanh Giản, năm 1798 làm chức vụ vận lương trên chiến thuyền Hồng Nhựt cho nhà Nguyễn đánh Tây Sơn tại Bình Định. Thuyền bị bão ở vịnh Đà Nẵng, trôi tới Quảng Nam (TQ). Khi trở về quê ông được bổ chức Thủ hạp (Pháp dịch là Chef de bureau) tức 1 chức thư lại ở Vĩnh Long.

(5) Mẹ là Lâm Thị Bút, gốc Hoa, mất năm Phan Thanh Giản mới lên 7 tuổi (1802).

(6) Phan Thanh Giản đậu Đệ tam giáp tiến sĩ xuất thân, mà theo Lê Thọ Xuân viết trong Tri Tân số 4 thì khoa thi đó có 10 người đậu tiến sĩ, trong đó 9 người đậu thiệt thọ, còn Phan Thanh Giản là đậu vớt. Vì vua thấy từ Thừa Thiên vào Nam không ai đậu nên không vui lòng bèn lấy vớt thêm một (Trích lại ở cuốn Chân dung Phan Thanh Giảncủa Nguyễn Duy Oanh, Tủ sách Sử học, Bộ Văn hoá - Giáo dục và Thanh niên (miền Nam), 1974, tr. 52.

(7) Chân dung Phan Thanh Giản, Sđd, tr.62.

(8) Chân dung Phan Thanh Giản, Sđd, tr 63.

(9) Chân dung Phan Thanh Giản, Sđd, tr 67.

(10) Chân dung Phan Thanh Giản, Sđd, tr 70.

(11) Về sự kiện này, có tư liệu của Trương Hữu Kỳ phản bác lại, nói lời tâu của Võ Duy Tân không phải là tâu gian và Võ Duy Tân không phải là nịnh thần như Chương Thâu và Đặng Huy Vận đã viết, vì sau khi hoãn cuộc trần du, vua sai Ngự sử Võ Duy Tân đi điều tra. Võ Duy Tân tâu rằng: “Dân đều mong ước được nhà vua ngự giá đến”. Ông lại phát giác tình hình trong tỉnh trễ biếng và quan lại nhũng tệ. Vì vậy, Phan bị giáng chức xuống làm lục thẩm thuộc viên” (Trích theo Đại Nam chinh biên liệt truyệntập 2, quyển 26, tr. 23). Trương Hữu Kỳ, TCNCLS.

(12) Chân dung Phan Thanh Giản, Sđd, tr 74.

(13) (14) (15) (16) (17) (18) (19) Chân dung Phan Thanh Giản, Sđd, tr 75, 81, 90, 92, 106-107, 113, 141-142.

(20) (21) (22) Chân dung Phan Thanh Giản, Sđd, tr 95, 108, 109, 129.

(23) Chân dung Phan Thanh Giản, Sđd, tr 177-178.

Nguồn: Xưa & Nay số 146, 8/2003, tr 9-12, 38, 39

Xem Thêm

Yên Bái: hội thảo đổi mới phương thức hoạt động của Liên hiệp hội
Sáng 17/5, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh (Liên hiệp hội) đã phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Yên Bái tổ chức Hội thảo Khoa học "Đổi mới phương thức hoạt động của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật và các tổ chức Hội thành viên và Kỷ niệm ngày Khoa học công nghệ Việt Nam 18/5.
Quảng Ngãi: Tìm giải pháp phát triển kinh tế số
Ngày 17/5, tại thành phố Quảng Ngãi, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh (Liên hiệp hội) phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Quảng Ngãi tổ chức Hội thảo khoa học"Thực trạng và định hướng, giải pháp phát triển kinh tế số tỉnh Quảng Ngãi”.
Đắk Lắk: Xây dựng mô hình nông lâm nghiệp và du lịch cộng đồng
Ngày 10/5/2024, Hội Khoa học Kỹ thuật Lâm nghiệp tỉnh Đắk Lắk (Hội thành viên của Liên hiệp hội tỉnh) đã tổ chức Hội nghị khởi động Dự án Xây dựng mô hình nông lâm nghiệp và du lịch cộng đồng, cải thiện sinh kế đồng bào dân tộc thiểu số xã Đắk Phơi, huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk.

Tin mới

Việt Nam đoạt 3 Huy chương vàng tại Triển lãm Sáng tạo Quốc tế (ITEX) 2024
Được lựa chọn từ những công trình đoạt giải thưởng trong Cuộc thi Sáng tạo dành cho thanh thiếu niên, nhi đồng toàn quốc lần thứ 19 năm 2023, 5 công trình khoa học của Việt Nam đã được Quỹ Sáng tạo kỹ thuật Việt Nam (VIFOTEC) trưng bày tại Triển lãm công nghệ và phát minh, sáng tạo Quốc tế (ITEX) 2024.
Vĩnh Long: Hướng dẫn nghiệp vụ, cơ chế chính sách về quyền sở hữu trí tuệ
Ngày 17,18-5, Liên hiệp hội tỉnh đã phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ Vĩnh Long, Trường Đại học Cửu Long, Trường Cao Đẳng Nghề, Trường Cao Đẳng Vĩnh Long tổ chức hội nghị tập huấn "Hướng dẫn nghiệp vụ, cơ chế chính sách hỗ trợ về nghiên cứu, phát triển công nghệ, quyền sở hữu trí tuệ".
Yên Bái: hội thảo đổi mới phương thức hoạt động của Liên hiệp hội
Sáng 17/5, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh (Liên hiệp hội) đã phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Yên Bái tổ chức Hội thảo Khoa học "Đổi mới phương thức hoạt động của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật và các tổ chức Hội thành viên và Kỷ niệm ngày Khoa học công nghệ Việt Nam 18/5.
Bắc Giang: Tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh giai đoạn 2021-2025
Ngày 17/5, Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật tỉnh Bắc Giang (Liên hiệp hội) tổ chức hội thảo dự thảo báo cáo của Ban Cán sự đảng UBND tỉnh về kết quả thực hiện Nghị quyết số 105-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) trên địa bàn tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2021-2025.
Lâm Đồng: Thăm, tặng quà các nhà khoa học trong tỉnh
Ngày 14/5, Liên hiệp Hội tỉnh (Liên hiệp Hội) và Sở Khoa học và Công nghệ đã tổ chức đi thăm các tổ chức khoa học và công nghệ thành viên và các chuyên gia, nhà khoa học đã có nhiều đóng góp cho sự phát triển phát triển khoa học công nghệ của tỉnh nhân kỷ niệm Ngày KH&CN Việt Nam 18/5.
TSKH Phan Xuân Dũng: Sự ghi nhận, tin tưởng của Đảng, Nhà nước, Nhân dân là điểm tựa để đội ngũ trí thức KH&CN cống hiến
TSKH Phan Xuân Dũng - Chủ tịch VUSTA là một trí thức dành trọn cuộc đời cho sự nghiệp KH&CN, với nhiều dấu ấn đậm nét cho sự phát triển KH&CN nước nhà. Chào mừng Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam 18/5, TSKH Phan Xuân Dũng đã có những chia sẻ cùng trang tin Vusta.vn về cuộc đời cống hiến cho KH&CN, những mong mỏi với đội ngũ trí thức KH&CN và sự phát triển của KH&CN nước nhà trong bối cảnh mới.