Liên hiệp các hội và khoa học kỹ thuật Việt Nam
Thứ tư, 09/01/2008 23:19 (GMT+7)

So sánh các dị bản truyện “Thầy bói sờ voi” và suy nghĩ về tâm thức dân gian

Trước hết xin hãy đọc bốn dị bản truyện sau đây.

* Truyện cổ dân gian Ấn Độ (Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1982) kể như sau:

Con voi và bốn người mù

Bốn người mù đi dò dẫm trên đường. Từ phía trước, một con voi đang tiến lại.

- Kìa hãy tránh cho voi đi! Khách qua đường thét bốn anh mù.

Bị tính tò mò kích thích, họ hỏi:

- Thế con voi nó như thế nào? Cho chúng tôi xem với?

Khách qua đường bèn xin ông quản tượng dừng voi lại. Ông quản tượng đồng ý, dừng voi lại và bốn người mù lần đến sờ voi. Người thứ nhất sờ được cái vòi, người thứ hai sờ cái chân, người thứ ba sờ cái bụng và người thứ tư túm được cái đuôi. Sờ xong ông quản tượng liền đánh voi đi. Khách qua đường hỏi bốn người mù:

- Thế nào? Bây giờ các anh đã biết được hình dáng con voi rồi chứ?

- Vâng, bây giờ thì chúng tôi biết rồi.

- Thế nó ra làm sao?

Người mù sờ được vòi nói:

- Nó giống như con rắn to cuộn tròn lại.

Người mù sờ cái chân nói:

- Không phải, anh nhầm rồi. Nó giống như cái cột nhà chứ!

Người mù sờ cái bụng nói:

- Hai anh nhầm. Con voi giống như thùng chứa nước.

Người mù sờ đuôi nói:

- Các anh đều nói sai bét. Nó giống sợi dây tam cố dùng để buộc thuyền.

Thế là bốn người mù đều bị nhầm lại ba hoa với nhau.

Tuy vậy mỗi người trong bọn họ đã nói được một phần sự thực: ai biết ngần nào thì nói ngần ấy.

(sđd, tr.337 - 338)

* Trong Kinh Niết BànKinh Trường A Hàmlại kể như sau: 

Người mù sờ voi

Ngày xưa có một ông vua sai đại thần dắt đền một con voi, cho một bọn người mù sờ xem. Sau đó vua hỏi: “Các ông đã biết voi chưa?”

- Biết rồi! Bọn người mù đáp.

- Thế voi như thế nào?

- Voi xem ra như cái đòn xóc. Người sờ ngà voi bảo.

- Voi như cái quạt. Người sờ tai nói.

- Voi như tảng đá. Người sờ đầu voi đáp.

Người sờ vòi lại bảo: “Voi giống như cái chày”.

- Voi giống như cái hộp gỗ. Người sờ mắt voi nói.

- Không phải. Voi như cái giường. Người sờ lưng voi khẳng định.

- Theo tôi con voi như cái thùng to. Người sờ bụng voi kêu lên.

- Đừng cãi nhau nữa, con voi như sợi dây thừng. Người sờ đuôi xác nhận.

Nhà vua nghe bọn người mù tranh cãi nhau, cảm khái nói:

Người mù đều rất đông

Tranh nhau nói sự thật

Voi vốn chỉ một thân

Thị phi lại bất đồng.

(Trích dịch theo Hồng Phi Mạc, “ Cầm hoa mỉm cười”, BK. 1999)

* Dị bản Việt Nam sớm nhất mà chúng tôi được biết là bản kể của Ôn Như Nguyễn Văn Ngọc trong sách Để mua vui, quyển 1, in năm 1929 tại Hà Nội (do GS Kiều Thu Hoạch cung cấp). 

Một lũ mù với nhau

Nhân buổi ế hàng, năm người thầy bói ngồi chuyện gẫu với nhau, ai nấy phàn nàn không biết hình thù con voi nó ra thế nào. Chợt thấy người ta nói có voi đi qua, năm thầy bàn nhau đưa tiền thuê người quản để voi dừng lại cho xem. Người quản có ý chơi khăm chỉ cho mỗi thầy sờ một chỗ, thầy thì sờ vòi, thầy thì sờ ngà, thầy thì sờ tai, thầy thì sờ chân, thầy thì sờ đuôi. Đoạn thúc voi đi.

Năm người thầy bói hỏi nhau: Nào, con voi nó như thế nào?

Thầy sờ vòi nói: Nó xoăn xoăn như con đỉa chứ gì.

Thầy sờ ngà bảo: Không phải, nó chần chẫn như cái đòn càn.

Thầy sờ tai bẻ: Nói láo, nó phè phè như cái quạt thóc.

Thầy sờ chân cãi: Ai bảo thế? Nó sừng sững như cái cột nhà.

Thầy sờ đuôi mắng: Các anh nói bậy cả. Chính nó tua tủa như cái chổi xể cùn.

Năm thầy, thầy nào cũng cãi là mình phải, không ai chịu ai, đến nỗi xô xát, cãi nhau, đánh nhau toạc cả đầu, chảy cả máu, rồi đem nhau lên quan kiện. Quan cho lính đi tìm người quản đem voi đến, bắt voi đứng yên, cho năm thầy bói cùng sờ khắp cả đầu đuôi, mình mẩy. Năm thầy sờ xong vào tạ tội quan: Chúng con nhận sai hết cả, xin quan dong thứ.

Quan mắng: Chúng mày một lũ mù với nhau, đã không biết phải trái tròn méo thế nào thì thôi, lại còn sinh sự cãi nhau, đánh nhau, làm nôn nao cả thiên hạ. Đoạn truyền đét cho mỗi thầy mấy roi rồi đuổi ra.

Rõ thật là:

    Chỉ vì một nỗi con voi

Làm cho thầy bói mang roi vào mình.

Cuối truyện tác giả Nguyễn Văn Ngọc không quên ghi chú xuất xứ của truyện: “Bài này lấy ở kinh nhà Phật. Phật có ý dạy người đời u mê ám muội, khó mà rõ được cái Chân Như”. 

Bản kể của Ôn Như Nguyễn Văn Ngọc rất hay. Tác giả đã hư cấu, bổ sung tình tiết và ngôn ngữ khá thú vị, đặc biệt là chi tiết quan xử kiện, cho lũ thầy bói có dịp được sờ voi lần thứ hai để tự kiểm nghiệm nhận thức của mình. Đó là điểm độc đáo không bản kể nào có. Tuy nhiên trong khi kể ông đã tập trung vào mâu thuẫn thế sự: “Đã không biết phải trái tròn méo thế nào thì thôi, lại còn sinh sự cãi nhau, đánh nhau...”. Bản kể của Nguyễn Văn Ngọc đánh dấu sự chuyển thể từ truyện ngụ ngôn sang truyện cười của người Việt.

* Bản kể của Trương Chính sau đây rõ ràng dựa hẳn vào bản kể của Ôn Như vì cũng có năm ông thầy bói nhân buổi ế hàng nhưng đã hoàn toàn loại bỏ nội dung kinh Phật, nhan đề chuyển hẳn sang vấn đề của thầy bói. 

Thầy bói sờ voi

Nhân buổi ế hàng, năm ông thầy bói nói chuyện với nhau. Thầy nào cũng phàn nàn không biết hình thù con voi nó như thế nào. Chợt nghe người ta nói có voi đi qua, năm thầy chung nhau tiền biếu người quản voi, xin cho voi dừng lại để cùng xem. Thầy thì sờ voi, thầy thì sờ ngà, thầy thì sờ tai, thầy thì sờ chân, thầy thì sờ đuôi.

Đoạn, năm thầy ngồi bàn tán với nhau

Thầy sờ vòi bảo:

- Tưởng con voi nó như thế nào, hoá ra nó sun sun như con đỉa.

Thầy sờ ngà bảo:

- Không phải! Nó dài dài như cái đòn càn.

Thầy sờ tai bảo:

- Đâu có! Nó bè bè như cái quạt thóc.

Thầy sờ chân cãi:

- Ai bảo? Nó sừng sững như cái cột đình.

Thầy sờ đuôi lại nói:

- Các thầy nói sai cả. Chính nó tua tủa như cái chổi xể cùn.

Năm thầy, thầy nào cũng cho mình nói đúng, không ai chịu ai, thành ra xô xát, đánh nhau toạc đầu chảy máu.

(Theo Chương Chính, Bình giải ngụ ngôn Việt Nam, Nxb. Giáo dục, Hà Nội, 1998)  

Phân tích bốn dị bản trên, ta thấy cốt truyện cơ bản hầu như giống nhau, nhưng khác nhau về mấy điểm đáng chú ý như sau:

1. Hai dị bản Ấn Độ đều gọi các nhân vật chính là “người mù”, còn riêng dị bản Việt Nam thì đổi thành “thầy bói”. Bản Nguyễn Văn Ngọc còn nói người mù và ghi chú kinh Phật, còn đến Trương Chính thì chỉ còn thầy bói mà thôi. Phải nói rằng việc chuyển “người mù” thành “thầy bói” là một sáng tạo độc đáo, gắn với tâm thức Việt Nam . Đối với ý thức dân gian Việt Nam thì từ lâu đã có định luận “thầy bói nói mò”. Đó là loại người chỉ dựa vào một bằng chứng vu vơ là tha hồ huyên thuyên, khẳng định như búa bổ. Chính cái tâm thức ấy đã quyết định sự cải tạo lại một truyện ngụ ngôn thành truyện cười thế sự. 

2. Cách cảm nhận các bộ phận của con voi khác nhau, do tập quán và tâm lí dân tộc khác nhau. Ví dụ ở Ấn Độ, Trung Quốc, người ta cảm nhận cái đuôi voi như sợi thừng, còn người Việt cảm nhận như cái chổi xể cùn, cái vòi như con đỉa, chân như cột đình, tai như cái quạt thóc v.v... 

3. Người khách qua đường và ông quản tượng Ấn Độ có vẻ tốt bụng, dừng voi cho người mù sờ xem mà không đòi tiền, còn bọn thầy bói và quản tượng trong hai dị bản Việt thì đều phải có tiền mới xong! 

4. Truyện Ấn Độ không có ý châm chọc, mạt sát người mù, tuy họ nói không đúng, nhưng cũng thừa nhận họ nói được một phần sự thật: ai biết ngần nào thì nói ngần ấy. Đó cũng là một triết lí nhân sinh. Truyện kinh Phật lại sâu thêm ở tính triết lí Phật giáo. Voi vốn là một thể, nhưng sắc tướng khác nhau, nên cảm nhận khác nhau. Người mù ở đây là tượng trưng cho chúng sinh, những kẻ nhìn thế giới theo “lục pháp” (sắc, thụ, tưởng, hành, thức, thần), cho nên chỉ có “vọng tưởng”, hiểu lầm. Nếu chỉ chấp lục pháp thì không hiểu được chân như, phật tính. Nhà vua ở đây biết như vậy, cho nên ông chỉ cảm khái cho chúng sinh, mà không chế giễu họ. Truyện ngụ ngôn Việt Nam là một truyện cười châm biếm, người mù biến thành “thầy bói ế hàng”, toàn truyện giễu cợt một loạt người làm nghề thầy bói, mà thầy bói là mù, không có ý nghĩa tượng trưng chúng sinh và con người nói chung. Đã mù, phải làm nghề thầy bói kiếm ăn vốn đã không ra gì, mà lại còn “không ai chịu ai”, đến nỗi “xô xát, đánh nhau toạc đầu chảy máu” vì những chuyện không đâu! Thái độ khinh bỉ bọn thầy bói mù, chủ quan của truyện người Việt là mạnh nhất, ít bao dung nhất. 

5. Qua so sánh bốn dị bản trên, hai dị bản dân gian Ấn Độ và kinh Phật, người kể là người hiểu chúng sinh, có quan niệm nhân loại, họ nhìn thấy trong người mù có bản thân họ, cho nên truyện kể nhẹ nhàng mà thâm trầm, hàm ý triết lí, không nhằm đả kích người mù. Dị bản Việt Nam người kể tự đứng ngoài, tự coi là đứng cao hơn nhân sinh, thu hẹp nội dung vào việc đả kích một bọn người thầy bói tầm thường. Do vậy nội dung triết lí không sâu. 

Rõ ràng truyện Ấn Độ và truyện trong kinh Phật là có trước, các dị bản Việt Nam có sau. Sự thu hẹp hay bỏ qua nội hàm triết lí trong các dị bản này phải chăng cho thấy dị bản Việt Nam không mấy quan tâm nội dung triết lí, mà thích thú với cảm hứng thế sự, đứng bên ngoài mà chế giễu một lớp người cụ thể khác với mình trong xã hội, như đã từng chế giễu thầy bói, thầy tu, thầy cúng, thầy địa lí, thầy lang, thầy đồ... Các thầy ấy đều có một đặc điểm chung nổi bật là dốt, nhưng không ai chịu ai, lại chuyên đi bôi bác kẻ khác! Phải chăng chỉ qua một so sánh nhỏ này cũng cho thấy được phần nào sự khác biệt trong tâm thức dân gian các dân tộc, mà trong trường hợp này là sự thiếu hụt một tầm nhìn triết lí sâu xa trong dị bản dân gian Việt? Nhưng dị bản Việt Nam lại có một cái đặc thù riêng. Nó biến câu chuyện sờ voi thành một bi hài kịch của những kẻ dốt nát. Những chúng sinh mù lòa ấy lại tự tin, tự phụ đến mức không ai chịu ai, xô xát đánh nhau toạc đầu chảy máu! Đó là chi tiết độc đáo có lẽ chỉ ở Việt Nam mới có mà thôi. Tôi đồ rằng, những kẻ mù đâu có khả năng nhìn thấy đối tượng? Cho nên cuộc xô xát đâu chỉ là đánh lẫn nhau, có khi còn đấm vào cột nhà, lao đầu vào gốc cây, hòn đá bên đường cũng nên. Một lũ mù và dốt đánh nhau, bạ đâu đánh đó, đâu chỉ có chuyện toạc đầu, có khi đánh vào bụng, vào hạ bộ nữa. Tóm lại là một cuộc bi hài rất hiếm có! 

7. Tôi cứ nghĩ, tại sao chỉ do nhận thức khác nhau mà ở Ấn Độ người ta chỉ “ba hoa” với nhau, ở trong kinh Phật chỉ cãi nhau rồi thôi, đến Việt Nam thì lại chuyển thành xô xát đánh nhau?! Điều đặc biệt thú vị là chi tiết xô xát đánh nhau lại là do người Việt Nam giữ độc quyền sáng tạo. Phải chăng ngoài việc xô xát đánh nhau toạc đầu chảy máu, tâm thức dân gian Việt Nam chưa tưởng tượng ra được một cái kết cục nào tốt đẹp hơn, triết lí hơn cho những bất đồng vặt trong cuộc sống con người?

Xem Thêm

Tiếp tục đổi mới nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức khoa học và công nghệ
Hiện nay Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (LHHVN) có trên 500 tổ chức khoa học và công nghệ (KH &CN). Các tổ chức KH&CN trực thuộc này được thành lập và hoạt động trên cơ sở các quy định của Luật Khoa học và Công nghệ và nghị định của Chính phủ, điều lệ của Liên hiệp Hội Việt Nam.
Tìm giải pháp chuyển đổi số toàn diện tại Liên hiệp Hội Việt Nam
Hơn 40 năm thành lập, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Liên hiệp Hội Việt Nam) đang nỗ lực hiện đại hóa hoạt động trong bối cảnh chuyển đổi số trở thành yêu cầu cấp thiết. Tuy nhiên, Liên hiệp Hội Việt Nam vẫn phải đối mặt với nhiều hạn chế về hạ tầng công nghệ và nhận thức, đòi hỏi những bước đi chiến lược hơn trong tương lai.

Tin mới

CHỦ TỊCH VUSTA PHAN XUÂN DŨNG CHÚC MỪNG NĂM MỚI XUÂN ẤT TỴ 2025
Nhân dip Xuân Ất Tỵ 2025, TSKH Phan Xuân Dũng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) đã viết thu tay chúc mừng năm mới gửi tới các Hội thành viên, các tổ chức KH&CN trực thuộc; các nhà khoa học, hội viên, cán bộ, viên chức, người lao động thuộc hệ thống VUSTA. Ban biên tập Vusta.vn xin trân trọng đăng toàn bộ nội dung bức thư.
Hà Giang: Tổng kết hoạt động năm 2024 triển khai nhiệm vụ năm 2025
Ngày 16/01, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh (Liên hiệp hội) tỉnh Hà Giang đã tổ chức hội nghị Ban chấp hành (BCH) Liên hiệp hội nhằm tổng kết hoạt động năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025; tham dự hội nghị có đại diện Ban Dân vận Tỉnh uỷ, một số sở, ngành, hội thành viên Liên hiệp hội tỉnh.