Liên hiệp các hội và khoa học kỹ thuật Việt Nam
Thứ hai, 06/02/2012 22:29 (GMT+7)

Dấu ấn thần thoại va cổ tích trong sử thi Tây Nguyên

Năm 2006, 16 tập sử thi Tây Nguyên, mỗi tập trên dưới 1.000 trang, kết quả của dự án Điều tra, sưu tầm, bảo quản, biên dịch và xuất bản kho tàng sử thi Tây Nguyêndo Viện Nghiên cứu Văn hoá thực hiện dưới sự chỉ đạo của GS. TS. Ngô Đức Thịnh, đã được xuất bản lần đầu tiên. Tiếc rằng, từ đó đến nay, chưa thấy xuất hiện những công trình nghiên cứu dựa trên khối tư liệu đồ sộ đó. Trong bài viết này, tác giả cố gắng phân tích dấu ấn thần thoại và cổ tích trong sử thi Tây Nguyên. Tuy nhiên, về mặt phương pháp luận, thiếu sót dễ nhận thấy là mối liên hệ giữa 2 thuật ngữ thần thoại, “truyện kể về những sự khởi đầu mang tính văn hoá và tôn giáo” (1), và thần kì mà tác giả diễn giải là sự hiện diện của thần linh, chưa được giải quyết rõ ràng.

Ra đời vào thời điểm nối tiếp thần thoại, hình thành và lớn dậy trên nền tảng sử thi và thần thoại có không ít phần giao thoa. Điều đó có nghĩa là sử thi - dù muốn dù không - vẫn mang trên mình những dấu vết hồi quang thần thoại. Dấu ấn thần thoại ấy được thể hiện trên nhiều phương diện mà trước hết và đáng kể hơn cả là sự có mặt của yếu tố thần kỳ.

Sử thi Tây Nguyên từ ot ndrongcủa người M’nông đến khan của người Ê đê, h’mon của người Bahnar… đều không thiếu vắng bóng dáng của yếu tố thần kỳ. Đó là ông Gỗn - vị thần quyết định cuộc sống nhân loại ( Sử thi Đam San), đó là Bok Kơidơi, Ya Kung Ker, được xem là ông tổ của người Bah-nar (Sử thi Giông Giỡ mồ côi từ thuở bé).. Sự có mặt của yếu tố thần kỳ đã làm nên một thế giới thấm đẫm sắc màu thiêng liêng, huyền ảo, tồn tại song song với thế giới con người.

Trong sử thi Tây Nguyên, thần linh có vai trò không nhỏ, nếu không muốn nói là góp phần tạo nên những sự kiện, biến cố quan trọng trong cuộc đời của nhân vật trung tâm - người anh hùng sử thi. Ở sử thi Xing Nhã, Xing Nhã khó thoát khỏi đôi ngà của con voi của Prong Mưng “vốn giết người không biết sự rung đôi ngà, nó hùng hục chạy tới, gió cuốn theo như bão” [3, tr.374], ai trông thấy cũng đều khiếp sợ. Chính ông Giỗn đã cứu chàng và có cơ hội lật ngược tình thế: “ông Giỗn đang ngủ, vùng dậy lấy thuốc thiêng liệng xuống tiếp sức cho Xing Nhã. Xing Nhã nuốt thuốc, chuyển mình, nhảy xuống đất xốc tới nắm đôi ngà voi. Con voi bỗng đứng im như một pho tượng nhà mồ. Chàng giằng đôi ngà của nó bẻ gãy ngọt như bẻ một ngọn mía mưng” [3, tr.402]. Với Xing Nhã, chiến thắng trước kẻ thù khát máu là một biến cố quan trọng bởi nhờ đó mà chàng có được gia đình hạnh phúc, được dân làng khâm phục, nể trọng, sẵn sàng suy tôn làm thủ lĩnh và khẳng định, nâng cao vị thế, uy danh, bản lĩnh của mình.

Trong sử thi Tây Nguyên, thế giới thần kỳ được chia thành 2 nhóm: nhóm trợ thủ của nhân vật chính - ủng hộ, phù trợ cho người anh hùng (thần linh) và nhóm đối thủ của nhân vật chính – gây cản trở, thách thức cho người anh hùng (quỷ, quái vật). Lực lượng này là thực tại của núi rừng Tây Nguyên kết hợp với trí tưởng tượng dân gian. Đó là con quái vật Jơ Gôk trong sử thi Giông cứu nàng Rang Hu, theo lời Bok Rơh, là “một con khổng lồ ác lắm, đã nuốt chửng một lần 7 làng đang làm ăn sinh sống” [6, tr.230]. Biết bao nhiêu anh hùng buôn đông làng tây ra sức nhưng không thể tiêu diệt được hắn. Chỉ có Giông làm hắn nao núng, lung lay trong lòng, rồi hắn “oằn oại đau đớn, lăn ra chết” và nàng Rang Hu được cứu, Giông trở thành người anh hùng. Có thể thấy, dù thuộc nhóm nào thì các nhân vật thần kỳ cũng có những can thiệp đáng kể đến sứ mạng của người anh hùng, tác động không nhỏ vào sự hình thành, phát triển cốt truyện. Ở đây, hai nhóm nhân vật thần kỳ đã tác động đến nhân vật chính, 2 lực đối nhau: lực cản (quỷ, quái vật) và lực đẩy (thần linh). Nhưng sau cùng, hợp lực giữa con người và thần linh đã chiến thắng lực cản của quái vật. Điều đó cho thấy, thần linh đã luôn “sát cánh” cùng con người, tiếp sức cho con người, giúp con người chiến thắng.

Không chỉ ủng hộ, trợ giúp con người “chiến đấu”, thần linh còn luôn để mắt, chăm lo đến cuộc sống lao động - sản xuất, đến những sinh hoạt thường ngày của con người. Trong sử thi Đăm Noi, nhờ thần linh mách bảo, chàng chặt được cây thiêng “có ngọn cao tận trời”, để làm thuyền vượt con sông Ba sóng to nước lớn. Nếu không có bước chân lặng lẽ của thần linh thì Trong Đăn không thể rút được những dây mây khi mà mọi người đã chịu bó tay. Trong các sử thi Bahnar, hình ảnh chàng Giông giỏi giang việc nương rẫy rất đậm nét. Nhưng bao giờ những thành quả của Giông trong lao động sản xuất cũng có bàn tay của thần linh. Giông cần phát rẫy, chàng cầu khấn thần linh giúp phát cho nhanh. Khi Giông trỉa lúa, trồng rãy, thu hoạch, các thần và những bạn thú nơi rừng sâu không quên giúp đỡ chàng. Nhờ sự ủng hộ, giúp đỡ của thần linh mà mọi việc Giông làm đều suôn sẻ và rất có hiệu quả. Rẫy ruộng nhất vùng, mùa vụ bội thu. Trong cuộc sống lao động sản xuất, người anh hùng luôn là người đi đầu, là chỗ dựa, là nguồn động viên, khích lệ bà con buôn làng. Trong sử thi Giông làm nhà mồ, Giông nói với dân làng phải làm nhà mồ thật đẹp, bề thế cho người thân. Tất cả già trẻ, gái trai đều được huy động vào công việc trọng đại này. Trong quá trình làm nhà mồ, Giông tình cờ gặp thần linh. Yêu mến Giông, thần linh đã chỉ cho chàng bí quyết làm nhà mồ đẹp, lộng lẫy. Nhà mồ được làm rất nhanh và đẹp đẽ. Đó là thành quả, là niềm tự hào của Giông và của buôn làng.

Những con người sinh sống trên mảnh đất cao nguyên hùng vĩ này rất tôn trọngt hần linh, họ quan niệm rằng vạn vật đều có linh hồn. Hai phần ấy hoà quyện với nhau gần như là một. Nói khác đi, ở đây đã tồn tại cùng lúc hai quá trình chuyển hoá trái chiều: thiêng hoá các mối quan hệ hàng ngày và tục hoá thế giới siêu linh. Bởi thế sẽ không mấy ngạc nhiên khi chúng ta nhận ra rằng, trong các tác phẩm sử thi Tây Nguyên, thần linh không hẳn là những đấng siêu nhiên cao xa vời vợi, mà trái lại, rất gần gũi với con người, rất đời, rất trần thế. Trong sử thi Đam San, chàng Đăm San một mình băng rừng của bà Sun Y Rit - chỗ ở của nữ nhân vật trong thần thoại Ê đê là một cánh rừng - để đến nơi nữ thần Mặt trời sinh sống. Điều đó cho thấy thế giới thần và thế giới con người không cách xa là bao. Thêm nữa, nữ thần Mặt Trời lại mang dáng vóc, cử chỉ, hành động của cô gái Ê đê. Nàng cũng đi đứng yểu điệu, cũng thay váy áo mới để tiếp khách quý như bao cô gái Ê đê khác. Nàng cũng bình dị như những con người ở buôn làng Tây Nguyên, với một ngôi nhà sàn, có cối, có chày, có nương rãy, trâu bò nhi nhúc. Trong sử thi Lấy hoa bạc hoa đồng, thần linh cũng ốm đau, bệnh tật, thèm khát ăn uống no đủ, cũng giận hờn trách móc như những con người trong cộng đồng. Mối quan hệ thân thiết giữa thần linh và con người còn thể hiện ở sự việc Đam San bắt vạ ông Gỗn về cái chết của Hơ Nhí với những hành động cử chỉ ngỗ ngược:

“Ông Gỗn: Cháu lên có việc gì đấy cháu?

Đam San đứng lặng thinh, không nói không rằng. Ông Gỗn chìa thuốc mời chàng hút, tức thì chàng tóm lấy đầu ông.

Đam San: Tôi chém ông đây này!

Ông Gỗn: Chuyện gì mà cháu chém ông vậy, cháu?

Đam San: Chuyện gì mà tôi muốn chém ông à? Chuyện tôi kêu tôi gọi ông không thưa, ông thèm nghe. Chuyện rượu tôi đem, lợn đôi đốt, trâu bò tôi thui mà cổng chốt ông không mở, cổng sắt ông vẫn đóng” [3, tr.202]. Sự thân mật đến suồng sã giữa thần linh với con người thể hiện qua đoạn hội thoại thú vị trên là một minh chứng cho quan niệm thiên – nhân hợp nhất, người sao -thần vậy của người Tây Nguyên.

Bên cạnh sự có mặt của thần linh, chúng ta còn bắt gặp trong sử thi Tây Nguyên nhiều yếu tố thần kỳ, hoang đường khác, như sự xuất hiện của những vật mang phép màu (cây gậy, sợi dây, nước uống…) và những biến hoá siêu tự nhiên (người hoá thú, biến không thành có, người đẹp thành người xấu… ). Trong sử thi Chi Lơ Kok, chiếc khiên thần được nghệ nhân đặc tả khá chi tiết. Chiến khiên vừa là vũ khí , vừa là phương tiện thần kỳ giúp người anh hùng bay trên không trung một cách dễ dàng. Chỉ có Xing Chi Ngã, một chàng trai khoẻ mạnh, năng lực hơn người mới có thể cầm được chiếc khiên lên “nhẹ như cầm tàu lá chuối”. Sức mạnh của khiên được mô tả:

Xing Chi Ngã giơ khiên lên trời nhún mình múa liền

Chiếc khiên bay phía trước, một mái nhà tung lên theo gió

Múa lại phía sau, một mái nhà nữa bay theo bão[3, tr.716]

Người ta nghe âm vang của khiên trên chín tầng mây vô cùng dữ dội. Chúng luôn “nóng như lửa đốt”, “hừng hực toả ánh sáng rực”. Chỉ mỗi mình Xing Chi Ngã chịu được sức nóng của nó. Ngoài chiếc khiên biết bay, biết phát ra tia lửa, giông bão, sấm chớp… trong nhiều tác phẩm, chúng ta còn gặp những yếu tố thần kỳ khác. Chẳng hạn, chàng Giông (Sử thi Giông Giớ mồ côi từ thuở bé) có viên thuốc hồi sinh mà Bia Pơnơng cho để cứu sống được Giớ, có sợi dây thần trói được kẻ thù mà không cần ra tay, có chiếc ông soi bằng bạc tìm được con hổ đã ăn thịt cha mẹ chàng trước đây, có cây roi bằng bạc khi quất vào người chết sẽ sống trở lại.. Chính nhờ yếu tố thần kỳ mà nguồn cảm hứng của nghệ nhân dân gian được chắp cánh. Những hoạt động của nhân vật hiện lên thật bất ngờ, khiến người nghe đắm chìm trong những tình huống éo le, những bước ngoặt lớn. Có thể nói, yếu tố thần kỳ đã góp phần tạo nên sự hấp dẫn của tác phẩm sử thi Tây Nguyên. Cũng trong sử thi này, hai chị em Xem Yang và Rang Hu vì không muốn lấy Thông Yươu, lại đem lòng yêu thương anh em Giông nên đã khoác chiếc áo thần vào đổi lốt thành người xấu xí, già nua. Để rồi sau này, anh em Giông dấu đi cái lốt già, xấu xí, thì hai người con gái vô cùng xinh đẹp hiện ra. Quả thật, yếu tố thần kì đã mang đến cho sử thi Tây Nguyên những sắc màu lãng mạn, bay bổng… Điều đáng nói hơn là những yếu tố hoang đường kỳ ảo cùng với sự xuất hiện của thần linh đã tạo nên một thế giới đậm chất thần thoại. Thế giới ấy tiếp thêm sức mạnh cho người anh hùng, làm cho hình tượng người anh hùng thêm kỳ vĩ.

Có thể nói, sự gặp gỡ giữa yếu tố thần thoại và dấu ấn cổ tích trong các ấn phẩm sử thi Tây Nguyên đã cho thấy sự giao thoa về thể loại, và điều đó lần nữa chứng minh cho luận điểm của E.M. Meletinski khi ông chỉ ra 2 cội nguồn của sử thi là thần thoại và cổ tích.

Chú thích:

(1) Ngô Đức Thịnh – Frank Proschan (chủ biên). Folk-Iore: một số thuật ngữ đương đại,Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2005 tr.214.

Xem Thêm

Hà Giang: Hội thảo quản lý sử dụng, giải pháp nhân rộng 2 mô hình KHCN tiêu biểu
Ngày 04/4/2024, tại Hà Giang, Liên hiệp các Hội KH&KT tỉnh Hà Giang phối hợp với Viện Dân số, Sức khỏe và Phát triển (PHAD) - Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học “Đánh giá công tác quản lý, sử dụng mô hình nhà tiêu sinh học (NTSH) không dùng nước; hệ thống cấp nước sạch và nước uống trực tiếp (mô hình nước uống học đường - NUHĐ).

Tin mới