Liên hiệp các hội và khoa học kỹ thuật Việt Nam
Thứ năm, 16/02/2012 19:22 (GMT+7)

Hội Vô tuyến Điện tử Việt Nam: các hoạt động nhằm thúc đẩy sự phát triển của khoa học – công nghệ Việt Nam trong lĩnh vực điện tử và truyền thông

Hội Vô tuyến Điện tử Việt Nam có quan hệ mật thiết với nhiều tổ chức quốc tế, trong đó đáng lưu ý là quan hệ hợp tác giữa REV và IEEE (The Institude of Electrical and Electronics Engineers) đã được ký kết và duy trì từ hơn 20 năm nay; quan hệ giữa REV và Hội truyền thông Quốc tế IEEE Communications Society được ký kết và duy trì trên 10 năm nay; Hội Điện tử, Tin học và Truyền thông Nhật Bản IEICE (Institute of Electronics, Information and Communication Engineers of Japan) và một số Hội chuyên ngành các nước khác.

Phát huy thế mạnh về chuyên môn và quan hệ quốc tế, Hội định hướng các hoạt động khoa học công nghệ của mình nhằm mục tiêu hỗ trợ các nhà khoa học Việt Nam phát huy năng lực chuyên môn, tiếp cận với khoa học kỹ thuật tiên tiến của thế giới thông qua việc tổ chức hàng năm một hội nghị quốc tế chuyên ngành tại Việt Nam và xuất bản tờ tạp chí chuyên ngành tiếng Anh chất lượng cao:

-      International Conference on Advanced Technologies for Communications – ATC (www.rev-conf/atc)

-      REV Journal on Electronis and Communications – JEC (www.jec.com)

Từ năm 2008 đến nay Hội Vô tuyến Điện tử Việt Nam (REV) đã cùng với Hội Truyền thông Quốc tế IEEE ComSoc tổ chức hàng năm Hội nghị quốc tế ATC, kết hợp với Hội thảo Vô tuyến – Điện tử toàn quốc REV, gọi tắt là ATC/ REV. Đây là loạt hội nghị “2 trong 1”, trong đó Hội thảo REV nhằm tổng kết và giới thiệu các tiến bộ KHKT mới nhất trên thế giới và trong nước, đồng thời xây dựng những kiến nghị liên quan đến hướng phát triển của ngành để trình lên TW Đảng và Chính phủ.

Tại mỗi Hội nghị quốc tế ATC đã có sự tham gia của nhiều nhà khoa học, trong đó có nhiều nhà khoa học có tên tuổi đến từ 15 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, với 80 – 100 báo cáo khoa học được chọn lọc, trong đó có khoảng 20 – 30% là các báo cáo của các nhà khoa học Việt Nam. Các báo cáo trình bày và chấp nhận bởi ATC được đưa vào cơ sở dữ liệu của IEEE, trở thành các công trình khoa học công nghệ được công bố chính thức trên quy mô toàn cầu (tại IEEE Xplore Digital Library,www.ieee.org). các nhà khoa học đầu ngành trên thế giới đến ATC trình bày các hướng nghiên cứu mới của ngành, là cơ hội để các nhà nghiên cứu Việt Nam tiếp cận và định hướng cho các hoạt động nghiên cứu của mình.

Xin điểm qua một số hội nghị mấy năm vừa qua:

-      ATC/REV 2008 được tổ chức tại Hà Nội với sự hợp tác của Trường Đại học Công nghệ (ĐHQG Hà Nội), trong đó Hội thảo REV có chủ đề về “Thông tin băng rộng” nhằm tư vấn và định hướng cho sự phát triển thông tin di động thế hệ 3 (3G) tại Việt Nam. REV đã đề xuất với các cơ quan hoạch định chính sách của Đảng và Nhà nước bản kiến nghị 5 điểm, trong đó 4 điểm đã được Bộ Thông tin và Truyền thông chấp nhận và sử dụng.

-      ATC/REV 2009 được tổ chức tại Hải Phòng với sự hợp tác của trường Đại học Hàng hải Việt Nam, trong đó Hội thảo REV có chủ đề về “ Thông tin trên biển phục vụ cho các tàu thuyền đánh cá vừa và nhỏ” với 3 điểm kiến nghị đã được gửi lên lãnh đạo Đảng và Nhà nước.

-      ATC/REV 2010 được tổ chức tại thành phố Hồ Chí Minh với sự hợp tác của Trường Đại học Bách khoa Thành phố Hồ Chí Minh, trong đó Hội thảo REV có chủ đề về “ Phát triển công nghiệp điện tử” phục vụ cho công nghệ thông tin và truyền thông, với 2 điểm kiến nghị đã được gửi lên lãnh đạo Đảng và Nhà nước.

-      Hội nghị ATC/REV 2011 được tổ chức tại thành phố Đà Nẵng, với sự hợp tác của Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng, ngoài các chủ đề về Điện tử - Truyền thông của thế giới, Hội thảo REV tập trung vào lĩnh vực “Thông tin và định vị trên biển vì sự nghiệp An ninh – Quốc phòng và phát triển kinh tế biển Việt Nam”.

Trong điều kiện nền kinh tế thế giới bị khủng hoảng trên diện rộng và kéo dài, nền kinh tế lớn trong khu vực như Nhật Bản gặp khó khăn do thảm họa động đất và sóng thần, việc tổ chức ATC/REV 2011 cũng có bị ảnh hưởng. Tuy vậy, Hội nghị vẫn được tổ chức thành công, với sự hỗ trợ của quỹ NAFOSTED.

Hội thảo REV 2011 đã xác định những điểm trọng yếu trong hoạt động thông tin và định vị trên biển phục vụ kinh tế, an ninh, quốc phòng và đã có kiến nghị 3 điểm với các cơ quan hoạch định chính sách của Đảng và Nhà nước:

1/ Hỗ trợ tích cực cho các hoạt động thông tin định vị trên biển vì mục tiêu an ninh, quốc phòng và hoạt động kinh tế. Bao gồm rộng rãi từ các hoạt động thông tin tuyên truyền phục vụ các đối tượng hoạt động trên biển đảo của các phương tiện thông tin đại chúng như VOV và VTV cho đến các lĩnh vực sản xuất và dịch vụ phục vụ cho mục tiêu trên.

2/ Cung cấp các trang bị và dịch vụ thông tin di động phù hợp cho các hoạt động đánh bắt trên biển. Hỗ trợ cho việc sản xuất các máy thông tin di động trên biển có khả năng liên lạc cả với trạm BTS và qua vệ tinh. Hỗ trợ cho các hoạt động phủ sóng di động ven bờ và trên các đảo, hỗ trợ cước phí liên lạc cho cả liên lạc di động và di động qua vệ tinh cho các tàu thuyền hoạt động trên biển.

3/ Hỗ trợ cho các hoạt động nghiên cứu và hợp tác với nước ngoài trong việc sản xuất và phóng thử các vệ tinh quan trắc và giám sát của Việt Nam.

Điều quan trọng mà Hội Vô tuyến Điện tử Việt Nam nhận rõ được là việc tổ chức hội nghị luân phiên tại nhiều địa điểm khác nhau, với sự cộng tác chặt chẽ của các Trường đại học lớn trong nước đã có tác dụng khuấy động, thúc đẩy hoạt động khoa học công nghệ đều khắp trong cả nước. Thật vậy, khi một trường đại học được REV chấp nhận đăng cai tổ chức ATC thì hoạt động nghiên cứu của đơn vị đó cũng được đẩy mạnh hơn rất nhiều. Các nghiên cứu sinh và các thầy giáo của trường đẩy mạnh hơn tiến độ nghiên cứu để có công trình gửi tham gia hội nghị. Các mối quan hệ quốc tế của trường cũng được phát huy mạnh mẽ trong việc mời các nhà khoa học danh tiếng thuộc mối quan hệ của trường mình tham gia hội nghị. Các nghiên cứu sinh của trường đang học tập ở nước ngoài không chỉ hưởng ứng bài viết mà còn mời các thầy hướng dẫn về Việt Nam tham dự. Thông qua việc tổ chức hội nghị tại các trường đại học mà Hội đã tập hợp được nhiều chuyên gia giỏi, nhiều nhà khoa học có danh tiếng ở cả trong và ngoài nước, nguồn nhân lực quý báu để thực hiện các nhiệm vụ khoa học công nghệ khi cần thiết.

Qua 4 hội nghị, ATC đã trở thành một hội nghị có uy tín trên trường quốc tế, được các nhà khoa học trong và ngoài nước biết đến, được IEEE đưa vào danh sách các hội nghị quốc tế quan trọng hàng năm của IEEE do chất lượng cao của các báo cáo khoa học đã được tuyển chọn kỹ tại mỗi kỳ hội nghị.

Các bài học và các kết luận rút ra được qua việc tổ chức ATC – REV những năm vừa qua như sau:

-      Hội nghị quốc tế ATC đã được tổ chức như một Hội nghị quốc tế thực thụ, đạt chất lượng cao.

-      Đây là cơ hội tốt cho các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu, các nghiên cứu sinh công bố công trình nghiên cứu tại một Hội nghị quốc tế có chất lượng mà không phải bỏ ra một khoản kinh phí lớn để đi ra nước ngoài (thông thường, đi dự hội nghị ở nước ngoài phải tốn trung bình 1500 – 2000 USD/ người).

-      Đây cũng là cơ hội tốt cho nhiều nhà khoa học, nhà nghiên cứu, nghiên cứu sinh và sinh viên khác trong nước (không kể các báo cáo viên) được tham dự, tiếp cận với các nhà khoa học thế giới để giao lưu, học hỏi, nắm bắt những xu thế phát triển của ngành để phục vụ cho công tác nghiên cứu, sản xuất và đào tạo.

-      Việc phối hợp 3 bên giữa Hội Vô tuyến Điện tử Việt Nam (REV), Hội Truyền thông quốc tế IEEE ComSoc và một đơn vị đăng cai (là một trường Đại học trong nước) là mô hình tốt để tổ chức hội nghị quốc tế hàng năm tại Việt Nam.

-      Việc tổ chức kết hợp Hội nghị quốc tế ATC và Hội thảo quốc gia REV là một cách làm phù hợp, giúp cho không chỉ các nhà chuyên môn mà cả những nhà quản lý nắm bắt được nhiều điều có ích cho công tác của mình. Đó là vì chủ đề của hội thảo REV là xuất phát từ yêu cầu cấp bách của thực tiễn Việt Nam.

-      Thông qua các báo cáo, tham luận tại Hội thảo cũng đã rút ra được một số vấn đề về chiến lược để kiến nghị lên Đảng và Nhà nước.

Cùng với việc tổ chức các hội nghị quốc tế hàng năm, Hội Vô tuyến Điện tử Việt Nam đã quyết định xuất bản một tờ tạp chí chuyên ngành bằng tiếng Anh với tên gọi là REV Journal on Electronics and Communications,viết tắt JEC.

Trước đây, Hội Vô tuyến Điện tử Việt Nam đã cho xuất bản 2 tạp chí ở tầm phổ cập khoa học là tạp chí “ Điện tử ngày nay” và ở tầm đại chúng là tạp chí “ Điện tử tiêu dùng”. Tuy nhiên, Việt Nam chưa có một tạp chí chuyên ngành chất lượng cao về Điện tử - Truyền thông xuất bản bằng tiếng Anh để có thể đáp ứng cho việc giao lưu Khoa học Công nghệ giữa các nhà khoa học kỹ thuật VIệt Nam và Quốc tế, giúp công bố ra quốc tế các công trình nghiên cứu khoa học của các học giả, các nhà nghiên cứu, và đáp ứng cho các nghiên cứu sinh trong quá trình làm luận án tiến sĩ.

Tạp chí REV Journal on Electronics and Communicationslà tạp chí chuyên ngành chất lượng cao, được đảm bảo bởi một Ban Tư vấn Quốc tế, một Ban Biên tập Quốc tế và đội ngũ phản biện là các học giả có uy tín trong và ngoài nước do REV và IEEE ComSoc đảm nhiệm (www.jec.org.vn;www.jec.com). Quá trình phản biện đối với các bài viết gửi đăng đã tạo cơ hội tốt để các tác giả tiếp nhận ý kiến đánh giá, ý kiến phê phán hoặc đóng góp của các chuyên gia đầu ngành về công trình nghiên cứu của mình, giúp các tác giả có định hướng chính xác hơn hoặc giúp các tác giả hoàn thiện, nâng cấp công trình nghiên cứu của mình. Có thể coi đây là một hình thức đào tạo chuyên gia cho đất nước.

Tạp chí được xuất bản từ đầu năm 2011, mỗi quý 1 số. Mỗi số có khoảng 30% là bài của các tác giả nước ngoài gửi đăng. Tạp chí ngày nay càng có uy tín trong và ngoài nước.

Các kiến nghị

1/ Liên hiệp hội Việt Nam và Nhà nước cần có chính sách khuyến khích, hỗ trợ việc xuất bản các tạp chí chuyên ngành chất lượng cao vì lợi ích của nó trong việc thúc đẩy hoạt động khoa học công nghệ của đất nước và vì những tạp chí này không có khả năng thương mại hóa như các báo chí khác.

2/ Liên hiệp hội Việt Nam và Nhà nước cần có chính sách khuyến khích, hỗ trợ việc tổ chức các hội nghị khoa học quốc tế chuyên ngành tại Việt Nam để tạo điều kiện cho các nhà khoa học Việt Nam tiếp cận với khoa học thế giới, tạo cơ hội cho các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu, các nghiên cứu sinh công bố công trình nghiên cứu tại một Hội nghị quốc tế có chất lượng mà không phải bỏ ra một khoản kinh phí lớn để đi ra nước ngoài. Đây chính là lợi ích về kinh tế ẩn đằng sau mà ít được nhận biết đến.

3/ Hội Vô tuyến Điện tử Việt Nam xin kiến nghị với Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam đề nghị với lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Chính phủ cùng các Bộ, ngành chức năng cho phép xây dựng và triển khai chương trình cấp nhà nước “ Thông tin và định vị trên biển phục vụ sự nghiệp An ninh – Quốc phòng và phát triển kinh tế biển Việt Nam ” nhằm thực hiện các kiến nghị của Hội thảo REV 2011 tại Đà Nẵng ngày 2 – 3/8/2011. Nếu được sự chấp thuận, Hội Vô tuyến Điện tử Việt Nam xin đề xuất như sau:

-      Cơ quan quản lý chương trình: Bộ Khoa học và Công nghệ

-      Cơ quan chủ trì: Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam

-      Các đơn vị tham gia: Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Thông tin và truyền thông, Bộ Văn hóa thể thao, Viện KHCN Việt Nam, các viện, trường đại học, các tập đoàn Viettel, VNPT… các doanh nghiệp.

-      Về nguồn kinh phí: từ kinh phí sự nghiệp KHCN của Bộ KHCN, hỗ trợ từ chương trình Biển Đông, huy động từ kinh phí nghiên cứu phát triển của các Tập đoàn và các công ty tham gia chương trình.

-      Hội Vô tuyến Điện tử Việt Nam là nơi tập hợp các nhà khoa học, chuyên gia uy tín về chuyên ngành với trách nhiệm của mình xin đảm nhận vai trò tư vấn, trực tiếp tham gia xây dựng chương trình cũng như tổ chức thực hiện các đề tài góp phần cho việc thành công của chương trình.

Xem Thêm

Cao Bằng: Đẩy mạnh hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội
Hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội có vai trò quan trọng nhằm bổ sung thêm những luận cứ khoa học, cơ sở thực tiễn một cách khách quan, tạo ra sự đồng thuận giữa các cơ quan quản lý, đối tượng quản lý và cộng đồng xã hội, đồng thời tạo ra tính khả thi, hiệu quả khi kết quả tư vấn, phản biện được áp dụng vào thực tiễn đời sống.
Dự án Vành đai 4 - Vùng Thủ đô phải minh bạch phương án tài chính
Khẳng định đầu tư theo phương thức đối tác công tư(PPP) đối với dự án thành phần 3 đầu tư xây dựng đường cao tốc thuộc DA Đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội là cần thiết, chuyên gia lưu ý, Nhà nước phải minh bạch phương án tài chính, có phương án tổ chức giao thông rõ ràng, nhất là đối với các phương tiện liên tỉnh bắt buộc phải đi qua Vành đai 4 để bảo đảm quyền lợi nhà đầu tư.
Các nhà khoa học góp ý cho Dự án Vành đai 4 – Vùng Thủ đô
Ngày 12/9, Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam (LHHVN) phối hợp với Tổng hội Xây dựng Việt Nam và Hội Khoa học và kỹ thuật Cầu đường Việt Nam tổ chức Hội thảo "Tác động của việc xây dựng Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc theo phương thức đối tác công tư thuộc Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội".
Nâng cao hiệu quả công tác tư vấn phản biện của Liên hiệp hội Việt Nam
Thời gian qua Liên hiệp Hội Việt Nam (LHHVN) đã chủ trì tổ chức thực hiện nhiệm vụ tư vấn, phản biện và giám định xã hội (TV, PB &GĐXH) rất sôi nổi. Rất nhiều cuộc toạ đàm, hội thảo đã được tổ chức, các hội thành viên, các tổ chức trực thuộc đã đóng góp được những ý kiến rất phong phú, bổ ích.
Phát huy hiệu quả hoạt động tư vấn phản biện và giám định xã hội
Hoạt động TVPB&GĐ XH là hoạt động mang tính xã hội, độc lập, khách quan, do trí thức đóng góp trí tuệ, cung cấp cơ sở khoa học, cơ sở thực tiễn cho Nhà nước và các cơ quan có thẩm quyền làm cơ sở đánh giá, phân tích và quyết định các vấn đề về đường lối, chủ trương, chính sách quan trọng và những chương trình, dự án lớn có liên quan về KH&CN, GD&ĐT và chính sách xây dựng đội ngũ trí thức.
Liên hiệp Hội Sơn La: Đẩy mạnh hoạt động tư vấn phản biện
Hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội có vai trò quan trọng nhằm bổ sung thêm những luận cứ khoa học, cơ sở thực tiễn một cách hiện thực, khách quan, tạo ra sự đồng thuận giữa các cơ quan quản lý, đối tượng quản lý và cộng đồng xã hội, tạo ra tính khả thi, hiệu quả khi áp dụng vào thực tiễn đời sống.
Phát triển nhà ở xã hội: Cần bổ sung cụ thể vào Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi)
Trong tờ trình về dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) gửi Thủ tướng Chính phủ mới đây, Bộ Xây dựng cho biết, nhiều năm qua, việc chăm lo giải quyết nhà ở cho người dân luôn được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm quan tâm và xác định là nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Tin mới