Liên hiệp các hội và khoa học kỹ thuật Việt Nam
Thứ ba, 24/11/2020 18:31 (GMT+7)

Hội thảo Tác động của đại dịch Covid-19 đối với ngành Giao thông và Logistics ASEAN

Sáng 24/11/2020, tại Hội trường C2 – Đại học Bách khoa Hà Nội đã diễn ra Hội thảo trực tuyến “Tác động của đại dịch Covid-19 đối với ngành Giao thông và Logistics ASEAN”. Đây là một sự kiện nằm trong chuỗi hoạt động của Hội nghị Liên đoàn các tổ chức kỹ sư ASEAN lần thứ 38 (CAFEO38)).

PGS.TS. Doãn Minh Tâm, Trưởng nhóm Giao thông vận tải và Logistics Việt Nam phát biểu tại Hội thảo

Xin trân trọng giới thiệu toàn văn bài tham luận của PGS.TS. Doãn Minh Tâm, Trưởng nhóm Giao thông vận tải và Logistics Việt Nam phát biểu tại Hội thảo:

Trên thế giới, dịch bệnh do virus Corona (COVID-19) gây ra vẫn đang diễn biến phức tạp và khó lường. Giống như hầu hết nền kinh tế trên thế giới, Việt Nam bị ảnh hưởng do sự bùng phát của dịch bệnh COVID-19. Tính đến 9h00 ngày 0 2/11/2020, theo số liệu thống kê của worldometers.info tại Việt Nam có  1.180 ca mắc COVID-19. Trong đó : Số ca điều trị khỏi:  1.063 ca. Số ca tử vong:  35 ca. Đa phần các trường hợp tử vong đều là người cao tuổi, trên nền bệnh lý nặng.

Đối với Việt Nam, sau 9 tháng năm 2020, ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 đối với kinh tế - xã hội là rất rõ rệt và nghiêm trọng. Theo đó dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam năm 2020 có thể chỉ đạt từ 1,5% đến 3% . Trong đó, các lĩnh vực dịch vụ như du lịch, vận tải (nhất là vận tải hàng không) có mức sụt giảm mạnh nhất, chủ yếu do việc hạn chế đi lại, giãn cách xã hội diễn ra trong bối cảnh dịch bệnh.

Quang cảnh Hội thảo trực tuyến “Tác động của đại dịch Covid-19 đối với ngành Giao thông và Logistics ASEAN” điểm cầu Hà Nội, Việt Nam

Theo số liệu của Tổng Cục thống kê Việt Nam [2], tính đến tháng 9 năm 2020, tại Việt Nam có 31,8 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19, bao gồm người bị mất việc làm, phải nghỉ giãn việc/nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập. Khu vực dịch vụ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch Covid-19 với 68,9% lao động bị ảnh hưởng, tiếp đến là khu vực công nghiệp và xây dựng với 66,4% lao động bị ảnh hưởng; tỷ lệ lao động bị ảnh hưởng trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản là 27,0%.

Tại Việt Nam, lĩnh vực vận tải chịu tác động trực tiếp và đầu tiên của dịch bệnh COVID-19. Trong đó, kể từ ngày 01/4/2020 đến nay, sản lượng hành khách vận chuyển của ngành hàng không chỉ bằng 01-02% so với thời điểm trước khi có dịch bệnh. Theo tính toán mới nhất của các hãng hàng không tại Việt Nam, việc cắt giảm đường bay khiến các hãng hàng không của Việt Nam thiệt hại khoảng 30.000 tỷ đồng doanh thu trong năm 2020 (tương đương khoảng 1.3 tỷ USD).

Sau một thời gian đình trệ bởi dịch bệnh Covid-19, hàng không chính thức được khôi phục hoạt động 100% công suất từ 0 giờ ngày 8/5/2020. Đến cuối tháng 6/2020, tức là chưa đầy 2 tháng sau khi được khai thác trở lại, thị trường nội địa của ngành hàng không đã gần như được phục hồi hoàn toàn. Thậm chí, Cục Hàng không Việt Nam đã đề xuất Bộ GTVT nghiên cứu khôi phục đường bay quốc tế từ cuối tháng 7/2020. Tuy nhiên, kế hoạch đó chưa kịp thực hiện thì Covid-19 đã quay trở lại và lan ra nhiều địa phương trên cả nước, trong đó có TP Đà Nẵng – nơi dự kiến đăng cai tổ chức CAFEO-38. Ngày 28/7/2020, các hãng bay đồng loạt thông báo dừng khai thác chuyến bay đến TP Đà Nẵng. Tính đến thời điểm hiện tại, đã có tới 11 đường bay từ các cảng hàng không trong nước đến TP Đà Nẵng đã phải dừng hoạt động. Cho đến nay, mặc dù chịu thiệt hại vô cùng nặng nề nhưng việc các hãng hàng không Việt Nam đứng vững sau đợt bùng phát đầu tiên của Covid-19 là điều rất đáng ghi nhận.

Các khách mời tại điểm cầu Hà Nội theo dõi trực tuyến tới điểm cầu các nước thuộc thành viên  CAFEO

Đối với lĩnh vực vận tải đường bộ, vận chuyển khách, hàng hóa cũng bị ảnh hưởng khá nặng nề. Mức độ ảnh hưởng chung về sản lượng vận tải đường bộ và doanh thu giảm từ 50-70%. Trong đó, các phương tiện vận tải nhỏ, nội địa bị sụt giảm từ 20-30%, còn các phương tiện xe tải nặng và xe đầu kéo sơ mi rơ mooc phục vụ xuất nhập khẩu bị sụt giảm tới 40-50%. Tính chung 8 tháng đầu năm 2020, vận tải hành khách đạt 2.343,6 triệu lượt khách, giảm 29,3% so với cùng kỳ năm trước và luân chuyển 109,5 tỷ lượt khách.km, giảm 33,4%; vận tải ngoài nước đạt 2,7 triệu lượt khách, giảm 75,5% và 9,7 tỷ lượt khách.km, giảm 71,2%.

Đối với ngành hàng hải, vận tải khách giảm gần như 100% so cùng kỳ do tác động của dịch bệnh COVID-19.

Ngành vận tải đường sắt cũng bị ảnh hưởng khi nhu cầu đi lại và vận chuyển hàng hóa giảm mạnh. Ước tính 7 tháng đầu năm 2020, Tổng công ty đường sắt Việt Nam bị lỗ tới 725,9 tỉ đồng do Covid-19 (tương đương trên 30 triệu USD). Vận tải đường sắt chỉ đạt mức 2,7 triệu lượt khách, giảm 54,8% và 1,2 tỷ lượt khách.km, giảm 52,1% so với cùng kỳ năm trước.

Các khách mời tại điểm cầu Hà Nội theo dõi trực tuyến tới điểm cầu các nước thuộc thành viên  CAFEO

Theo khảo sát của Hiệp hội Doanh nghiệp Logistics Việt Nam (VLA), trong quý I/2020, có tới 50% hoạt động của các hội viên bị ảnh hưởng (giảm về hoạt động và doanh thu) tùy theo loại hình dịch vụ cung cấp. Do 97% doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ logistics tại Việt Nam là vừa và nhỏ nên bị tác động nặng nề. Do đại dịch, chuỗi cung ứng đã bị đứt gẫy và đảo lộn, cho nên các dịch vụ logistic phục vụ vận tải hàng không, đường bộ và đường sắt bị tác động nặng nề nhất.

Các chuyên gia vận tải cho rằng, những số liệu đề cập ở trên mới phản ánh được những tác động trực tiếp của dịch bệnh COVID-19 tới các doanh nghiệp vận tải. Những ảnh hưởng này sẽ còn tiếp tục kéo dài trong thời gian tới.

PGS.TS. Doãn Minh Tâm

Thời điểm hiện tại, dịch bệnh COVID-19 ở Việt Nam đang tạm thời được khống chế, các hoạt động sản xuất, kinh doanh và cuộc sống của người dân đang dần được hồi phục.  Với mức tăng trưởng GDP 9 tháng đầu năm 2020 đạt 2,12%, Việt Nam được đánh giá là quốc gia có mức tăng trưởng dương đáng khích lệ ở khu vực ASEAN và trên thế giới.

Để ứng phó với đại dịch Covid-19, Chính phủ Việt Nam cũng đã chỉ đạo và ban hành nhiều chính sách quan trọng nhằm tháo gỡ khó khăn cho các doang nghiệp GTVT và logistics trong sản xuất kinh doanh để góp phần phục hồi và đảm bảo an sinh xã hội. Bộ GTVT đã ban hành hơn 84 văn bản chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tập trung thực hiện các nhiệm vụ vừa phòng chống dịch, vừa phát triển sản xuất. Trong đó có việc hướng dẫn các đơn vị kinh doanh, cắt giảm thủ tục hành chính, giảm chi phí logistics. Bộ GTVT cũng đã ban hành Thông báo số 170/TB- BGTVT ngày 6/5/2020 về việc giảm phí sử dụng đường bộ bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19.

Như vậy, có thể nhận xét rằng, ngành GTVT và Logistic tại Việt Nam tuy chịu nhiều thiệt hại do COVID-19 gây ra trong thời gian qua nhưng đã và đang cùng với cộng đồng quốc tế và trong nước để cố gắng vượt qua, phục hồi và phát triển. 

 PV.

Xem Thêm

Tin mới

Đắk Lắk: Xây dựng mô hình nông lâm nghiệp và du lịch cộng đồng
Ngày 10/5/2024, Hội Khoa học Kỹ thuật Lâm nghiệp tỉnh Đắk Lắk (Hội thành viên của Liên hiệp hội tỉnh) đã tổ chức Hội nghị khởi động Dự án Xây dựng mô hình nông lâm nghiệp và du lịch cộng đồng, cải thiện sinh kế đồng bào dân tộc thiểu số xã Đắk Phơi, huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk.
Phó Chủ tịch Phạm Ngọc Linh dự khai mạc Hội nghị Điều khiển và Tự động hóa
Ngày 10/5, tại TP. Hải Phòng Hội Tự động hóa Việt Nam (VAA), Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Hải Phòng, Trường Đại học Hàng hải Việt Nam và Công ty CP Hội chợ Triển lãm và Quảng cáo Việt Nam (Vietfair) cùng phối hợp khai mạc Hội nghị khoa học về Điều khiển Tự động hóa lần thứ 7. Đây là một hoạt động trọng tâm của các kỳ VCCA.
Chủ tịch Phan Xuân Dũng tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV
Trong hai ngày 7-8/5, TSKH Phan Xuân Dũng - Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam cùng các đại biểu thuộc Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Thuận (đơn vị bầu cử số 2) đã có buổi tiếp xúc với cử tri trước kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV.
Công đoàn VUSTA hướng về Điện Biên
Chiến thắng Điện Biên Phủ là một “Dấu mốc bằng vàng chói lọi" trong lịch sử đấu tranh chống ngoại xâm của dân tộc ta. Mảnh đất cuối trời Tây Bắc – nơi ghi dấu ấn của chiến thắng lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu là nơi là người dân cả nước những ngày này luôn hướng về với niềm tự hào và tri ân sâu sắc.
Những trí thức đã góp phần làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ
Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp kết thúc bằng chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Đó là thắng lợi của sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng và Bác Hồ. Làm nên thắng lợi đó, có những đóng góp tâm sức và trí tuệ quý báu của đội ngũ trí thức, của các nhà khoa học ở nhiều lĩnh vực chuyên môn khác nhau.