Ý tưởng đô thị chống bão lũ
Ý tưởng về hệ thống con đập tại Tokyo
Giải thưởng đầu tiên là ý tưởng về một hệ thống con đập có thể giúp tạo ra một chiến lược quản lý nước tại Tokyo do KTS Kenya Endo (Nhật Bản) đề xuất. Sau một cơn bão lớn vào năm 1947, Tokyo đã xây dựng một mạng lưới các con đập nhưng TP vẫn chưa có sự chuẩn bị cho lũ lụt. Một cơn bão tương tự có thể ảnh hưởng đến 2,3 triệu người và thiệt hại hàng tỷ USD. Vì vậy sẽ rất tốn kém cho Chính phủ để xây dựng và duy trì hệ thống con đập mới, dự án của Endo đã đề xuất xây dựng hệ thống hàng rào xung quanh sông sử dụng các trầm tích thu thập được từ các con đập hiện tại.
Khu vực được lựa chọn cho dự án này nằm dọc theo bờ sông Tone, cách 100km từ trung tâm TP Tokyo. Hệ thống hàng rào này sẽ tạo ra một mạng lưới vùng đất ngập có thể nuôi dưỡng động vật hoang dã trong khi lại có thể bảo vệ TP khỏi lũ lụt. Hệ thống này cũng sẽ thanh lọc nguồn nước của TP và có thể tạo ra khu công viên vui chơi giải trí cho TP.
Ý tưởng về một hòn đảo nhân tạo Barrier Staten Island
Một trong ba vị trí dành giải thưởng thứ hai là ý tưởng về một hòn đảo chắn có tên gọi là Barrier Staten Island được thiết kế bởi KTS Cricket Day (Mỹ). Ý tưởng đề xuất tạo ra một hòn đảo nhân tạo để bảo vệ bờ biển phía đông Staten đã bị tàn phá bởi cơn bão Sandy vào năm 2012. Ý tưởng đề xuất xây dựng một số khu vùng nước nông để có thể tạo ra một hàng rào bảo vệ đảo. Cricket đã đề xuất gia cố kỹ thuật và tăng cường các quá trình tự nhiên cho khu vực này.
Ý tưởng này cũng bao gồm phát triển một số khu vực phục vụ cho thể thao và khu vui chơi giải trí, bao gồm một vành đai xanh phục vụ đi bộ và đi xe đạp; khu vực chèo thuyền, câu cá; khu vực dã ngoại và không gian mở sử dụng cho các buổi hòa nhạc và các hoạt động cộng đồng. Theo các nhà quản lý đô thị, ý tưởng này rất khả thi và trong khả năng cho phép sẽ trở thành hiện thực, thành công cao.
Ý tưởng về khu đô thị ngoại vi tại Raritan Bay
Đồng vị trí thứ hai là ý tưởng về khu đô thị ngoại vi tại Raritan Bay, một vịnh nằm ở phần phía nam của vịnh New York thực hiện bởi KTS Katherine Rodgers (Mỹ). Ý tưởng đề xuất di chuyển người và các tòa nhà dọc theo bờ biển có khả năng bị tổn thương một khi có lũ lụt. Đồng thời, đề xuất một hệ thống công viên rộng lớn bao quanh toàn bộ vịnh ở New York và New Jersey để tạo ra khu hàng rào chắn và tạo ra khu vực trú nước trong những trận bão, trong khi vẫn cho phép sử dụng không gian này vào các thời điểm không có bão lũ. Đề xuất ngăn chặn sự phát triển đô thị ra ngoài bờ biển và tạo ra một loạt các hệ thống đệm cây xanh, đất ngập nước và các con đường ngăn chặn các làn sóng lớn.
Ý tưởng bảo vệ cộng đồng ven biển khỏi sóng thần tại Indonesia
Được thiết kế để bảo vệ cộng đồng ven biển ở Sumatra, Indonesia khỏi sóng thần. Ý tưởng này được thực hiện bởi Ben Devereau (Indonesia). Ý tưởng đề xuất sắp xếp các container đã qua sử dụng và đặt dưới đáy đại dương cùng với việc phát triển các rạn san hô. Bằng cách thêm một điện tích nhỏ vào các container bằng kim loại, hệ thống này có thể kích thích sự tăng trưởng của san hô, tạo thành một rào cản có thể làm chậm sự di chuyển của các cơn bão lũ. Đề xuất này của Ben Devereau tận dụng công nghệ phát triển của hệ thống tích lũy âm cực - một quá trình mà trong đó canxi cacbonat lơ lửng trong nước biển có thể cùng gắn kết lại với nhau thành dạng dẫn với sự hiện diện của một điện tích nhỏ. Đây là ý tưởng ban đầu được phát triển để giảm thiểu những thiệt hại do sóng thần dọc theo bờ biển của Indonesia, tuy nhiên nó có thể được áp dụng cho các vùng ven biển trên toàn thế giới.