Y tế kỹ thuật cao: Vẫn xa cách với người nghèo
“Nếu không có BHYT, không xã hội hóa nguồn chi, người nghèo khó có thể tiếp cận được với y tế kỹ thuật cao”. GS.TS Phạm Huy Dũng, Viện trưởng Viện Y học Môi trường, nói.
Theo GS-TS Lê Thế Trung, nguyên Chủ tịch Hội Ghép tạng Việt Nam, cả nước hiện có vài nghìn người cần được ghép thận trên tổng số hơn triệu bệnh nhân suy thận mãn.
Nhu cầu ghép gan tương đương như thế. Đấy là chưa kể tới nhu cầu ghép các phủ tạng khác. Thế mà Việt Nam mới làm được 160 ca ghép thận, 2 ca ghép gan. Ra nước ngoài ghép thận cũng chỉ trên 300 trường hợp và chủ yếu gia đình bệnh nhân có điều kiện kinh tế.
PGS-TS Trần Đình Long, Trưởng khoa Thận Tiết niệu của BV Nhi Trung ương cho biết, thời điểm hiện tại, số ca cần được ghép thận là gần 10 bệnh nhi và gia đình các bệnh nhân đều không chịu nổi chi phí kỹ thuật cao hàng trăm triệu đồng cho một ca ghép.
Ngay sau khi kết thúc ca ghép gan thứ hai ở Việt Nam hôm 2/7 tốn hơn 700 triệu đồng, PGS.TS Nguyễn Thanh Liêm, GĐ BV Nhi Trung ương, cảnh báo: Ghép tạng không thể trông chờ mãi vào từ thiện, lòng hảo tâm.
“Không có lý do gì, cắt dạ dày, mổ ruột thừa, BHYT chi trả trong khi ghép thận, ghép gan lại không mặc dù đấy cũng là một loại phẫu thuật, cũng là chăm sóc y tế”.
Lại “nếu”
Quan chức Bảo hiểm Xã hội Việt Nam (BHXH) cho biết vẫn có thể mở rộng đối tượng và danh mục bảo hiểm y tế kỹ thuật cao trong điều kiện chưa có bảo hiểm y tế toàn dân nếu có một số điều kiện.
“Trong khi chưa tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân, nếu chi phí cho bệnh tật thông thường bệnh nhân tự trả, BHYT sẽ lo được chi phí bệnh nặng và chi phí kỹ thuật cao”, ông Nguyễn Văn Biểu, Trưởng ban Giám định Y tế, BHXH, nói.
Việt Nam là một trong 13 nước có mức đầu tư cho y tế thấp nhất thế giới. Trong khi các nước trên thế giới phấn đấu đạt mức đầu tư cho y tế hằng năm là 50-100USD/người, Việt Nam mới phấn đấu đạt đến 10USD/người. “Đầu tư cho y tế thấp như thế, việc người nghèo rất khó tiếp cận với y tế kỹ thuật cao là dễ hiểu”, Thứ trưởng Bộ Y tế, GS.TS Lê Ngọc Trọng, cho hay. |
Ông Biểu dẫn giải, với một bệnh nhân chạy thận nhân tạo và cùng chi trả 20%, mỗi năm BHXH phải chi 40-50 triệu đồng. Nay, nghị định mới về BHYT có hiệu lực kể từ ngày 1/7/2005, số tiền BHXH phải trả cho bệnh nhân lên đến 60 triệu đồng/năm/bệnh nhân.
Trung bình, mỗi người tham gia bảo hiểm đóng mức ban đầu là 50.000đồng/người/năm. Vị chi, cần 1200 người đóng bảo hiểm/năm mới đủ cho một bệnh nhân chạy thận nhân tạo. Nói cách khác, một người phải đóng bảo hiểm 1200 năm mới đủ chi phí cho một bệnh nhân như thế.
Không bảo hiểm toàn dân, cả xã hội không cùng tham gia giúp đỡ nhau, BHXH không thể gánh nổi cho tất cả các chi phí y tế kỹ thuật cao. Cách duy nhất để làm được việc đó trong hoàn cảnh chưa có bảo hiểm toàn dân là Nhà nước giúp giảm gánh nặng cho BHXH.
Một trong những cách giảm tải mà ông Biểu cho rằng khả thi là bệnh nhân tự chi trả cho khám chữa bệnh thông thường.
Cải thiện một bước
Tuy nhiên, theo Nghị định 63/NĐ-CP-2005 có hiệu lực từ 1/7/2005, “biên độ” cho BHYT kỹ thuật cao được mở rộng một bước. Chẳng hạn, một số đối tượng chính sách tham gia BHYT như người hoạt động trước Cách mạng Tháng Tám đang hưởng trợ cấp, các bà mẹ Việt Nam Anh hùng, người từ 90 tuổi trở lên, v.v..., được thanh toán 100% chi phí khám chữa bệnh kỹ thuật cao.
Các đối tượng tham gia kháng chiến và con đẻ của họ nhiễm chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh, người cao tuổi, tàn tật không nơi nương tựa, cũng được thanh toán 100% viện phí tuy không vượt quá 25 triệu đồng/lần sử dụng dịch vụ.
Các đối tượng khác được thanh toán 5-20 triệu đồng/lần sử dụng dịch vụ. Các khoản tiền này đều dự trù cho chi phí y tế kỹ thuật cao ở mức độ nhất định.
Đấy là chưa kể các đối tượng tham gia BHYT còn được hưởng thêm các quyền mới (ngoài việc không phải cùng chi trả 20% như trước đây) như chi phí phục hồi chức năng, điều trị tai nạn giao thông, và chi phí vận chuyển khi chuyển viện.
Nhưng để áp dụng được nội dung “cải thiện một bước” ấy, trên thực tế, còn phải chờ thông tư liên bộ mà nhiều người đang rất hồi hộp. Ông Biểu cam đoan, nếu thông tư quy định phải chi trả cho cả bệnh nhân ghép tạng, BHXH sẽ thực hiện ngay.
GS.TS Lê Thế Trung qua nhiều nước và thấy BHYT các nước đó thực hiện chi trả cho hầu hết các dịch vụ y tế kỹ thuật cao. Việt Nam nằm trong số ít quốc gia còn lại chưa làm chuyện ấy. “Bảo hiểm chi trả cho bệnh lý thông thường, còn bệnh nặng lại không chi trả là bất hợp lý”, GS Trung phàn nàn.
Giáo sư Phạm Gia Khải, Viện trưởng Viện Tim mạch:Chúng ta sử dụng DVKTC dựa trên tính khả thi của việc mua sắm máy móc, thiết bị, tính khả thi của trình độ cán bộ, và tính khả thi về điều kiện kinh tế của người bệnh. Trong những năm qua, nhiều bệnh nhân nghèo được cứu sống hoặc giảm đau đớn nhờ DVKTC. Tuy nhiên, tôi cũng chứng kiến những bệnh nhân không có tiền mổ tim, họ phải về nhà “xoay” tiền, gặp biến chứng và không kịp trở lại bệnh viện. Trong việc sử dụng DVKTC, việc chi trả BHYT thời gian qua vẫn còn nhiều bất cập. Việc sử dụng DVKTC để nong động mạch được BHYT thanh toán 100%. Chỉ cần 2 cái nong (STENT) có phủ thuốc chống dầy vách động mạch sau thủ thuật đã mất đứt 7.000 USD (khoảng 100 triệu đồng). Trong khi đó, mổ tim cho người bệnh bị tim bẩm sinh (tối thiểu 35 triệu đồng/ca) lại không được BHYT thanh toán đồng nào. Điều này rõ ràng là một sự bất hợp lý. |