Ý kiến của Hội nghị đại diện các Hội thành viên Liên hiệp hội đóng góp cho Dự thảo Văn kiện Đại hội Đảng X
Dưới đây là tóm tắt một số ý kiến trong Hội nghị:
Với 30 năm (từ 1976 đến nay), các nước NICS đã trở thành những con rồng mà ở thời điểm xuất phát, họ cũng tương tự như Việt Nam trong nhiều lĩnh vực. Trung Quốc, chưa cần đến 30 năm (từ 1978 đến nay), đã có bước tiến rất dài, nền kinh tế của họ có sức cạnh tranh khá mạnh và “đáng nể”. So với các nước trong khu vực, chúng ta tụt hậu khá xa, đứng vào hàng cuối bảng.
Có thể nói, đây là một tình huống mang tính bao quát của Việt Nam, một đất nước nhiều tiềm năng, dày truyền thống, giầu chiến công mà sau nhiều năm (tính từ Đại hội Đảng IV đến nay) vẫn cứ lẹt đẹt ở bậc thang gần cuối trong số các nước nghèo trên thế giới.
Tình huống này cần được phân tích ở Đại hội X với tinh thần thực sự cầu thị, “nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật”, dũng cảm nhận ra sai lầm, yếu kém để rút ra được những bài học xương máu, tìm ra được những giải pháp thực sự hữu hiệu cho giai đoạn mới còn nhiều thách thức và khó khăn hơn.
Không đánh giá đúng và toàn diện tình hình hiện nay sẽ dẫn đến chủ trương, chính sách sai lầm, duy ý chí.
Phần kiểm điểm 05 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội IX không làm rõ được những khuyết điểm chủ yếu mà nếu không tập trung khắc phục triệt để, mạnh mẽ trong thời gian tới thì tình hình sẽ ngày càng thêm trầm trọng.
Văn kiện được viết một cách dàn trải, tản mạn với nhiều ý chung chung nên không chỉ ra được những giải pháp chủ đạo nào khả dĩ tháo gỡ được tình hình đã kéo dài nhiều năm nay. Đó là:
*Mặt tiêu cực của kinh tế thị trường vẫn đang lấn át mặt tích cực; những kẻ làm giàu bất chính vẫn đang bao vây những người muốn làm giàu một cách chân chính.
*Sự xuống cấp về văn hoá – xã hội, những mặt tiêu cực trong giáo dục và y tế đang trở thành những mối hiểm nguy cho tương lai của đất nước mặc dù hiện nay, xã hội đã nhận dạng ra chúng và bắt đầu lên án chúng.
*Tệ nạn nhũng nhiễu, tham ô, lãng phí vẫn không ngăn chặn được, chúng đã xâm nhập vào mọi ngành, mọi cấp từ cơ sở đến trung ương và đang là sức cản lớn đối với sự phát triển Kinh tế - xã hội.
*Tuy tốc độ tăng trưởng GDP từ 2001 đến nay có cao dần lên (từ 6,89% lên 8,4%) nhưng chất lượng tăng trưởng chưa đảm bảo sự phát triển bền vững. Năng lực cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam trên quốc tế cũng như trong khu vực còn rất thấp. Theo số liệu so sánh của WB và IMF thì Việt nam xếp hàng cuối về môi trường kinh doanh trong số 7 nước của khu vực (sau Inđônêxia, Philipin, và thua xa Malayxia và Thái Lan)
Thực tế 5 năm qua cho thấy, vấn đề năng suất và chất lượng - đặc biệt là vấn đề chất lượng - vẫn tiếp tục là điểm yếu nhất của chúng ta mà Đại hội lần này không thể lảng tránh hoặc coi nhẹ. Đánh giá “nhiều doanh nghiệp trong nước chưa đủ mạnh để vượt qua những thách thức cạnh tranh gay gắt trên thị trường” như trong văn kiện là không đầy đủ. Thực ra, sự yếu kém về sức cạnh tranh của chúng ta hiện nay là toàn diện: từ doanh nghiệp tới ngành hàng và cả nền kinh tế.
Trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, chúng ta chưa xử lý tốt mối quan hệ giữa số lượng và chất lượng, thậm chí còn coi nhẹ vấn đề chất lượng. Đã vậy, chúng ta lại muốn phát triển nhanh (để đuổi kịp, để rút ngắn khoảng cách) và bền vững. Đây là điều không tưởng. Làm sao có thể bền vững khi không có chất lượng? Sự nôn nóng muốn đi nhanh dựa trên những con số một cách hình thức hiện nay là một sai lầm nguy hiểm vì nó sẽ dẫn đến thất bại. Thực tế đã chỉ rõ, con đường số lượng đơn thuần là con đường dễ dẫn tới tiêu cực nhất. Có thể ta phải sử dụng nó trong chặng đường đầu tiên khi thực lực của ta còn non yếu và có nhiều khó khăn, trắc trở. Nhưng trong giai đoạn tới, đứng trước cuộc cạnh tranh toàn cầu khốc liệt, ta cần kiên quyết từ bỏ con đường này để đi vào con đường kết hợp hài hoà giữa số lượng và chất lượng và phải coi đó là nguyên tắc chỉ đạo mọi hoạt động: kinh tế xã hội, văn hoá, giáo dục và đào tạo, y tế, đối ngoại, quốc phòng, an ninh, v.v…
Hiện nay, chúng ta ở vào thời điểm mà nếu đầu tư kinh doanh kém hiệu quả, sản phẩm làm ra không có sức cạnh tranh thì ngay cả sự tăng trưởng về lượng cũng không dễ dàng đạt được như trước. Vì vậy, tăng trưởng kinh tế nhất thiết phải đi liền với chất lượng và hiệu quả, bảo đảm tính bền vững của sự phát triển trong suốt quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá.
Trong quá trình đổi mới, tiếc rằng, lãnh đạo Đảng và Nhà nước còn nhiều e ngại đối với trí thức, chưa thực sự tin tưởng ở tài năng và tâm huyết của họ đối với dân, với nước. Đối với trí thức khoa học trong nước, vấn đề không phải là “thu hút” họ như đã nêu trong dự thảo văn kiện mà là tạo điều kiện, tạo môi trường hoạt động khoa học cho họ, động viên họ nghiên cứu, cống hiến. Có một thực tế là rất nhiều người muốn được làm việc, được nghiên cứu mà không được làm, thậm chí còn bị cản trở, chèn ép.
Để “phát huy trí tuệ, năng lực đội ngũ trí thức” như được nêu trong dự thảo văn kiện, một trong những vấn đề cần được lưu ý là Đảng, Chính phủ hãy coi các Hội xã hội nghiệp về khoa học và công nghệ là những tổ chức khoa học thật sự, là những đơn vị nghiên cứu khoa học với vốn trí tuệ lớn, kinh nghiệm dầy và sâu rộng đủ khả năng tham gia tổng kết lý luận, tổng kết thực tiễn, khám phá và phát hiện quy luật tự nhiên và xã hội, xử lý hệ thống, sáng tạo công nghệ. Từ vị trí xã hội của mình, các hội có đầy đủ tố chất (trung thực, khách quan, trí tuệ) để làm tốt công tác tư vấn, phản biện và giám định xã hội đảm bảo cho sự phát triển hiệu quả và bền vững của nền kinh tế đất nước.