Xử lý ruộng nhiễm mặn
Trước hết là phải ngăn chặn triệt để không cho nước lợ, nước mặn tiếp tục xâm nhập vào đồng ruộng.
Ở những diện tích bị nhiễm mặn cần phân loại để có biện pháp xử lý thích hợp, tập trung chăm sóc những diện tích mà cây lúa mới chỉ bị ảnh hưởng chưa thật trầm trọng. Trên diện tích này cần phải điều tiết đủ nước ngọt để rửa mặn nhiều lần. Khi tháo nước vào để mực nước bằng 2/3 chiều cao cây lúa và nên ngâm tối thiểu khoảng một ngày. Kết hợp làm cỏ xới xáo nhằm xử lý triệt để lượng muối trong nước. Nếu nồng độ muối dưới mức gây hại và cây lúa có biểu hiện hồi phục, ra lá non dần trở lại bình thường thì dừng tháo nước. Ở giai đoạn này có thể bón vôi với lượng 15- 20kg/sào (500 m 2) kết hợp làm cỏ sục bùn. Việc bón vôi, làm cỏ sục bùn có tác dụng làm giảm độ chua của đất, giảm một phần hàm lượng các chất gây ngộ độc cho cây như: sắt, nhôm di động có trong đất. Có thể kết hợp bón thúc nhẹ 2- 3kg ure/sào để cây lúa có thêm thức ăn hồi phục nhanh, sinh trưởng thuận lợi. Giai đoạn này tuyệt đối chưa bón nhiều phân, chỉ khi cây lúa đã hoàn toàn bình phục mới áp dụng các biện pháp chăm bón bình thường như quy trình hướng dẫn.
Đối với những diện tích lúa bị chết, nhất thiết cũng phải làm rửa mặn thau chua bằng cách cho nước vào cày bừa và tháo nước ra cho đến khi kiểm tra thấy an toàn mới được gieo trồng cây khác. Nếu không rửa mặn mà tiếp tục gieo cấy trên diện tích này, cây sẽ bị chết hoặc sinh trưởng kém, không có hiệu quả, vì các nguyên nhân gây độc trong đất không được xử lý, cộng thêm tàn dư cây trồng bị chết thối do nhiễm mặn sẽ ảnh hưởng lớn tới cây trồng được gieo trồng ngay sau đó.
Nguồn: khktnn.knowledgevietnam.net 28/9/2005