Xu hướng mới của ngành thư viện trong mối liên hệ với CNTT, trí tuệ nhân tạo và Công nghiệp 4.0
Cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0) đang tác động sâu sắc tới mọi quốc gia, mọi lĩnh vực trong đó có ngành thư viện. Cuộc cách mạng này đang tạo ra nhiều cơ hội nhưng cũng đặt ra không ít thách thức đối với ngành thư viện. Nhằm cung cấp thông tin và chia sẻ kinh nghiệm trong việc vận hành thư viện hướng tới phục vụ CMCN 4.0, ngày 6/3/2020, Hội Thư viện Việt Nam đã phối hợp với Thư viện TP. Hà Nội tổ chức hội nghị tập huấn về công tác thư viện với chủ đề “Xu hướng mới của ngành thư viện trong mối liên hệ với CNTT, trí tuệ nhân tạo và Công nghiệp 4.0”. Tham dự lớp tập huấn có đại diện các chi hội, hội viên Hội Thư viện Việt Nam từ các bộ, ngành và các tỉnh đồng bằng sông Hồng. Cùng tham dự và chia sẻ thông tin với lớp tập huấn có GS. Moktar Ben Henda đến từ trường Đại học Bordeaux Montaigne (Cộng hòa Pháp).
GS. Moktar Ben Henda, Đại học Bordeaux Montaigne (Cộng hòa Pháp) chia sẻ tại lớp tập huấn.
Tại lớp tập huấn, GS. Moktar Ben Henda đã chỉ ra những thách thức đối với lĩnh vực thư viện trong tương lai trong bối cảnh toàn nhân loại đang bước vào CMCN 4.0. Trong cuộc CMCN 4.0, ngành thư viện không chỉ dừng lại là nơi để đọc sách hoặc tìm kiếm thông tin mà có thêm chức năng mở rộng vượt ra ngoài việc thu thập, lưu trữ và phổ biến thông tin đơn thuần để trở thành nơi cung cấp các nguồn tin, nơi dữ liệu, kiến thức được tạo ra và chia sẻ. Thư viện đã và đang mang đến cho người đọc những cơ hội tiếp cận thông tin và tri thức mở, tạo thêm giá trị gia tăng cho con người. Thư viện cũng trở thành trung tâm của tri thức (lungs of knowledge) trong cộng đồng nghiên cứu và giáo dục. Vai trò của thư viện sẽ mở rộng ra ngoài phạm vi của thư viện truyền thống trước đây đó là khuyến khích, hỗ trợ công dân thời đại số; hỗ trợ việc làm, nâng cao kỹ năng số; hỗ trợ việc sử dụng linh hoạt các công nghệ, coi việc sử dụng công nghệ linh hoạt là một kỹ năng thông tin cơ bản trong thời đại quá tải thông tin; tăng cường kỹ năng thông tin để thực hiện các nghiên cứu khoa học vững chắc, đáng tin cậy; hỗ trợ phân biệt các thông tin tin cậy và thông tin giả trên web; đào tạo và định hướng người sử dụng thư viện trở thành người có tri thức số…Tài nguyên thông tin mà thư viện xây dựng, phát triển, tạo ra cho bạn đọc tiếp cận vượt ra ngoài phạm vi của các bức tường thư viện. Cùng với việc xây dựng bộ sưu tập các tài liệu in, tài liệu đa phương tiện nhiều thư viện đã chủ động thu thập dữ liệu/tài liệu số; xây dựng các chính sách để truy cập, chia sẻ và sử dụng lại dữ liệu; tiến hành xử lý, lưu trữ và bảo tồn, quản lý dữ liệu; truyền thông, tổ chức cho mọi người/đối tượng bạn đọc sử dụng.
Các thách thức và xu thế mới đặt ra cho ngành thư viện trong bối cảnh hiện nay và những năm sắp tới đó là sự thay đổi về nhu cầu của bạn đọc. Trước sự phổ cập của Internet, các thư viện phải thay đổi cách thức phục vụ để đáp ứng nhu cầu về tài liệu điện tử ngày càng nhiều hơn, cách thức truy cập tài liệu linh hoạt và thân thiện với công nghệ hơn, các dịch vụ gia tăng cũng cần được chú trọng và phát triển nhiều hơn.
Cùng với đó, CMCN 4.0 đã, đang và sẽ tạo cho ngành thư viện một số cơ hội mới. Vị thế và vai trò của thư viện sẽ có sự gia tăng với sự ứng dụng các thành tựu khoa học, công nghệ thông tin và truyền thông. Thư viện có thêm cơ hội để phát triển bộ sưu tập số, thực hiện việc truyền thông, cung cấp dịch vụ và sự truy cập tài liệu cho bạn đọc mọi nơi mọi lúc không bị giới hạn về không gian và thời gian…
Trước sự tác động của CMCN 4.0, đòi hỏi ngành thư viện phải xác định được những biện pháp thích hợp để tồn tại và phát triển. Các vấn đề chính mà thư viện cần phát triển thành các kế hoạch hành động bao gồm: nghiên cứu khả năng thiết lập sự hợp tác nhằm tạo ra môi trường trao đổi học thuật trực tuyến; phát triển phương thức làm cho công tác bảo quản các tài nguyên số trở thành một trong những ưu tiên chính; cân nhắc tới sự cân bằng giữa hợp tác và cạnh tranh; xem xét việc đào tạo nâng cao và bổ sung các kỹ năng của đội ngũ nhân viên thư viện để đáp ứng yêu cầu của bạn đọc. Những kỹ năng cần thiết trong kỷ nguyên kỹ thuật số mà cán bộ thư viện cần có tập trung vào: kỹ năng số, quản lý sự thay đổi, quản trị thông tin số, phát triển và quản lý không gian…
Ông Nguyễn Hữu Giới, Chủ tịch Hội Thư viện Việt Nam phát biểu tại lớp tập huấn
Phát biểu bế mạc lớp tập huấn, ông Nguyễn Hữu Giới - Chủ tịch Hội Thư viện Việt Nam cho rằng đây là cơ hội quý để các cán bộ, hội viên Hội Thư viện Việt Nam cùng nắm bắt thông tin và chia sẻ kinh nghiệm phát triển ngành thư viện với các đồng nghiệp trên thế giới. Trên cơ sở đó, cán bộ, hội viên từng bước học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, đáp ứng yêu cầu nghiệp vụ của ngành thư viện.
Tin, ảnh: Minh Khôi