Xây nhà ở bằng... xơ dừa
Ông Nguyễn Huy Hiệu, trưởng nhóm nghiên cứu của công ty, cho biết, bê tông OGAF có thành phần chính là xơ dừa và sợi đay, cộng thêm chất tạo bọt và phụ gia là lignin, chất thải của ngành công nghiệp giấy. Chính vì vậy, sản phẩm có giá thành rẻ hơn 40% so với gạch gốm, do tận dụng hiệu quả nguồn tài nguyên tái sinh và chất thải công nghiệp. Trong khi đó, cường độ chịu lực của bêtông OGAF vẫn cao gấp 3 lần tường xây bằng gạch gốm.
Các cấu kiện bêtông OGAF có khối lượng thể tích khoảng 1,0-1,3 tấn/m3, vừa nhẹ và dễ vận chuyển, giúp tiết kiệm chi phí vận chuyển. Công nghệ OGAF cũng đơn giản. Lao động địa phương có thể thực hiện được quy trình công nghệ nếu được hướng dẫn ngắn gọn. Như vậy, OGAF cho phép sử dụng tối đa nguồn nhân lực và nguyên liệu địa phương để sản xuất vật liệu, xây dựng nhà ở cho nhân dân trong chính khu vực đó.
Sử dụng bê tông OGAF thay thế gạch gốm truyền thống còn giúp giảm đáng kể lượng tiêu hao nhiên liệu và lượng khí thải có hại cho môi trường. Đồng thời thay đổi thói quen phá rừng lấy gỗ làm nhà của đồng bào vùng sâu, vùng xa.
Tuy vậy, ông Hiệu cho biết bê tông OGAF vẫn còn nhược điểm là bị thấm nước. Hiện nhóm đang cố gắng khắc phục hạn chế này. Việc sản xuất mới chỉ dừng ở phòng thí nghiệm. Nhóm mong muốn có kinh phí tài trợ để thiết kế và xây dựng thực nghiệm nhà ở bằng vật liệu bê tông OGAF cho các hộ gia đình gặp khó khăn. Trong quá trình thực hiện dự án, nhóm sẽ đào tạo các lao động địa phương để khi kết thúc giai đoạn xây dựng, các lao động địa phương sẽ tiếp quản thiết bị máy móc của dự án, tiếp tục ứng dụng công nghệ OGAF để xây dựng nhà ở cho nhân dân trong khu vực.
Dự án đã được World Bank trao giải trong "Ngày Sáng tạoViệt Nam 2005".
Liên hệ: KS. Nguyễn Huy Hiệu - Công ty cổ phần tư vấn AA. Phòng 604 - A2 Làng Hacinco, đường Hồng Liên, Thanh Xuân, Hà Nội. Điện thoại: 04.5571509.
Nguồn: vnexpress.net 18/7/2005