Xây dựng Luật về Hội: Cần có giải pháp lồng ghép và kế thừa hiệu quả
Tiếc rằng hai cách nhìn không giống nhau về cơ bản - một là từ nhóm viết Luật do Chính phủ phân công, họ không đứng trong hàng ngũ Hội, ít hiểu biết về Hội và một bên là dự Luật do chính các thành viên tự nguyện của các hội tham gia viết - không chỉ dừng lại là hội viên, mà họ là những luật gia, chuyên gia tư vấn độc lập trong các lĩnh vực kinh tế, xã hội và pháp luật, họ gắn tư tưởng và tình cảm của họ đối với triết lý của Hội, họ thấu hiểu hệ thống giá trị văn hoá, môi trường và sự khác nhau cơ bản giữa Hội và Nhà nước. Dư luận cho rằng dự thảo Luật về Hội do các luật gia và các chuyên gia tư vấn độc lập soạn thảo thể hiện tính thực tiễn, tính nhân văn, phù hợp với xu thế phát triển và đồng bộ với các văn bản luật hiện hành khác. Sau đây tôi xin được phép góp ý kiến về sự khác nhau của hai dự Luật:
Dự Luật về Hội do Bộ Nội vụ đệ trình
1. Chưa tìm thấy chỉ số thể hiện tư tưởng khuyến khích sự phát của của các tổ chức Hội
Tư duy về Hội thông qua dự Luật lần 8 **do Bộ Nội vụ đệ trình thể hiện tư duy kiểu cũ, bảo thủ và quan liêu của thời bao cấp. Chức năng và vai trò của Nhà nước cũng vì thế mà bị hạ thấp thông qua dự Luật này bởi sự can thiệp quá tủn mủn và sự vụ 1. “Hội không phải ở Luật mà vai trò quan trọng hơn là Điều lệ của các Hội. Bản dự Luật do Bộ Nội vụ đệ trình can thiệp quá sâu vào Điều lệ của các Hội là một điều chưa hợp lý”( TS Phạm Hữu Nghị -Tổng biên tập Tạp chí Nhà nước và Pháp luật).
Xem Hội là thành phần thứ yếu, thiếu bình đẳng, là đối tượng chịu sự kiểm soát theo cơ chế Xin - Cho trong xã hội thị trường là thiếu thực tiễn và chưa phù hợp với xu thế phát triển hiện nay. “Đến kỳ Đại hội rồi vẫn phải chờ, tổ chức Đại hội phải được phê chuẩn. Hiệp hội đã gửi báo cáo, Điều lệ, dự kiến nhân sự. Hiếm nổi nhân sự chưa được cơ quan quản lý Nhà nước thông qua, thế là, chín năm qua, Hiệp hội chưa tổ chức nổi Đại hội”(Ông Vũ Duy Thái, Chủ tịch Hiệp hội Công thương Hà Nội)
Can thiệp sâu vào miền tự do ý chí và các giá trị tự nguyện đích thực của Hội là vi phạm vào chức năng phát triển tự nhiên của công dân. Nhà nước Pháp quyền XHCN, bằng các luật định của mình, cần xác định rõ chức năng tự nhiên này như một triết lý.
“Với sự thảo Luật lần thứ 9, các tổ chức Hội rất lo lắng vì vẫn còn nhiều hạn chế, gây nhiều khó khăn, cản trở và chưa thực sự tạo điều kiện cho hoạt động Hội trong xu thế hội nhập và phát triển” (Trích Công văn số 166/CV-LHH ngày 2/3/2006 của Đoàn Chủ tịch Liên hiệp hội gửi các ủy viên HĐTW)” |
Thiếu niềm tin đối với xã hội công dân, chính là tạo ra một hành lang hoài nghi, chứ không gọi là hành lang pháp lý, sẽ gây phương hại đến sự phát triển bền vững của một quốc gia. Hoài nghi xã hội công dân chính là sự tự hoài nghi chính bản thân Nhà nước.“Quyền” và “Lợi ích” của mỗi công dân, của toàn xã hội công dân chính là “Quyền” và “Lợi ích” của Nhà nước. Luật pháp không thể tách rời tương tác mặc nhiên đó. Tự do lành mạnh của xã hội công dân chỉ có được khi có được một hành lang pháp lý minh bạch và bình đẳng. Hành lang pháp lý minh bạch và bình đẳng là cơ sở của sáng tạo. Chỉ có sáng tạo, mới có thể thực hiện sứ mệnh phát triển bền vững đúng nghĩa. Việc “ Quá coi trọng vấn đề quản lý Nhà nước đối với Hội, mà coi nhẹ quyền chủ động, quyền tự định đoạt, quyền quyết định của Hội sẽ là một điều bất cập”(TS Phạm Hữu Nghị).
Nội dung dự thảo không chỉ dừng lại ở việc tiếp tục thể chế Xin – Cho của thời bao cấp 2, mà nó còn nguy hại tới quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm được qui định tại Điều 5 3. “Thủ tướng Chính phủ đã xác định: Luật Hội ra đời tuy phức tạp, nhưng phải làm sao để các Hội có được sự đồng tâm nhất trí và gắn liền được với Nhà nước, để làm được những việc lớn”. (TS Phạm Tuấn Khải – Phó Trưởng ban xây dựng Pháp luật - Văn phòng Chính phủ).
Đương nhiên xã hội dân sự Việt nam trưởng thành và phát triển không thể tách rời vai trò quản lý của Nhà nước và mục tiêu chính trị của Đảng, nhưng như vậy không có nghĩa là thông qua những văn bản pháp luật thiếu dân chủ và thiếu tính minh bạch.
Một dự Luật ra đời thể hiện tinh thần “…Nhà nước muốn ôm toàn bộ, Hội muốn tuột khỏi tay Nhà nước…”là một dự Luật không mang tính khả thi, hiệu lực và uy tín của pháp luật sẽ bị giảm.
2. Chưa thể hiện tính nhất quán trong hệ thống pháp luật
Không khó để nhận ra rằng có những điểm, những điều trong dự Luật này đang phủ định các văn bản hiện hành. Ví dụ: Điều 38. Quyền của Hội. Điểm 6. Tư vấn, phản biện, giám định các vấn đề thuộc lĩnh vực hoạt động của Hội.Điều này, vô hình chung, đã phủ nhận toàn bộ Quyết định số 22/2002/QĐ-TTg ngày 30/01/2002 của Thủ tướng Chính phủ về hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội của Liên hiệp hội.
Còn nhiều điểm, điều thể hiện chỉ số Xin – Cho như: Điều 39. Nghĩa vụ của Hội: Điểm 2. Hoạt động của Hội lĩnh vực nào chịu sự quản lý Nhà nước lĩnh vực đó. “ Nếu Luật qui định về sự quản lý của Nhà nước với hoạt động của các Hội như hiện nay thì không những thừa, mà còn làm mất đi hành lang pháp lý cho hoạt động của Hội…. Chúng tôi đánh giá thì dự thảo này bộc lộ một chuyên môn kỹ thuật lập pháp kém, cần phải xây dựng lại từ đầu… Chúng ta có nhiều loại Hội. Luật này muốn bao hàm được hết thì cần có sự rõ ràng, rành mạch và cụ thể”(Ông Phạm Công Lạc - Chủ nhiệm Khoa Luật Dân sự - Đại học Luật Hà Nội)
Điểm 3. Điều 39. Khi lập văn phòng đại diện phải xin phép. Điểm 4. Khi lập chi hội phải xin phép. Điểm 5. Khi thay đổi trụ sở phải xin phép. Điểm 6. Đại hội tổ chức bất thường phải báo cáo với Nhà nước. Những chỉ số trên đây thực hiểu: Hội thực sự là một cái “đuôi” của Nhà nước. Trong khi tại Điều 5. Nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Hội là: Tự nguyện; tự chủ về tài chính, tự chịu trách nhiệm trước pháp luật, tự quản; dân chủ, công khai và minh bạch. Sự thiếu logic giữa các điều và các chương cũng vì vậy mà làm giảm uy tín của một dự Luật ngay trong khi đang dự thảo, chưa nói đến khi dự Luật được thông qua.
Dự Luật về Hội do VUSTA soạn thảo ***
1. Thể hiện tính thực tiễn cuả dự Luật về Hội
Dự thảo Luật về Hội do VUSTA soạn thảo, mặc dù thời gian không dài, chỉ hơn 10 ngày, song thực sự là một dự Luật thể hiện được ý chí nguyện vọng và tính tự chịu trách nhiệm của xã hội dân sự. Nó không chỉ dừng lại ở đó, mà là sự thể hiện quá trình tham gia dân chủ, sự am hiểu về pháp luật của các tổ chức Hội.
Tư duy và cách nhìn về Hội qua dự Luật do VUSTA soạn thảo thể hiện bản chất của Nhà nước Pháp quyền, mà ở đó xã hội đân sự được bình đẳng và tự chủ, tự quyết trên tinh thần tự nguyện và tự chịu trách nhiệm trước Luật pháp thông qua Điều lệ của Hội. Điều lệ Hội chính là văn bản pháp lý cơ bản của Hội. Nhà nước quản lý việc thực hiện văn bản pháp lý của Hội - tức Điều lệ thông qua Luật định. Cơ chế Xin – Cho không xuất hiện trong dự luật do VUSTA soạn thảo. Đây là điểm mới và cũng thể hiện sự tôn trọng Quyền lập Hội đã được Hiến pháp quy định.
Chỉ có Hội và những người đứng trong hàng ngũ Hội mới hiểu rõ giá trị đích thực đó.
2. Thể hiện tính nhân văn và đồng bộ với hệ thống văn bản pháp luật hiện hành
Hoạt động và tổ chức của Hội được quy định tại Chương III. Tư duy của Chương này lấy triết lý hành động làm nền tảng, sau đó xây dựng cấu trúc tổ chức Hội. Điều 33. Một số quyền của Hội. Điểm 5. Tư vấn, phản biện, giám định xã hội đối với các chương trình, đề án, dự án, hoạt động kinh tế - xã hội do cơ quan Nhà nước, doanh nghiệp hoặc bất cứ tổ chức nào khác tiến hành. Điều này hoàn toàn phù hợp với Quyết định 22/2002/QĐ-TTg, đồng thời thể hiện tính bình đẳng và cạnh tranh lành mạnh, văn minh giữa các thành phần kinh tế trong tham gia các chương trình phát triển chung của đất nước.
Trong khi đó, Chương IV. Tổ chức và Hoạt động của Hội do dự Luật Bộ Nội vụ đệ trình, chỉ quan tâm đến cấu trúc hành chính sự vụ đơn thuần, mà quên đi chiến lược hành động, thứ tự uu tiên của các loại hình nội dung hoạt động mà Hội có thể đảm đương. Không có hoạt động làm sao có được cấu trúc, tổ chức Hội.
Chương IV. Quản lý Nhà nước đối với Hội. Điểm (e) của dự Luật do VUSTA soạn thảo qui định: Bộ Nội vụ thiết lập kênh đối thoại, diễn đàn với các Hội nhằm tạo sự tham gia của các Hội vào việc hoạch định, đánh giá chính sách và hoàn thiện pháp luật đối với Hội. Điểm này thể hiện tính bình đẳng, dân chủ, trách nhiệm và tính phát triển của dự Luật.
3. Thể hiện chức năng phát triển của Hội trong cơ chế thị trường
Điều 34. Một số quyền của Hội. Điểm 6. Tham gia đóng góp ý kiến trong việc hoach định chính sách, xây dựng pháp luật, giám sát việc thực thi pháp luật và chính sách. Điểm 8. Thực hiện dịch vụ công do Nhà nước chuyển giao. Điểm 11. Được tiến hành các hoạt động dịch vụ kinh doanh tạo nguồn thu, không vì mục đích lợi nhuận, nhằm phục vụ cho hoạt động của Hội. Toàn bộ Điều 34 thể hiện tính bình đẳng về quyền, về trách nhiệm trong xu thế phát triển chung. Điều này cũng thể hiện tư duy không né tránh thị trường, mà giám đối mặt với thị trường để duy trì các giá trị của Hội thông qua các hoạt động dịch vụ, kinh doanh không vì vụ lợi. Điều 34 còn cho thấy Hội không chỉ chịu sự giám sát của Nhà nước, ngược lại Hội cần có trách nhiệm đóng góp ý kiến trong xây dựng chính sách, thực thi chính sách và Pháp luật của Nhà nước.
Thiết nghĩ, với thực tế vừa được phân tích trên đây, những người có vai trò quyết định đối với Luật về Hội nên dành thời gian và sự quan tâm cần thiết để cân nhắc sự bất cập giữa hai dự Luật đang hiện hữu trong công chúng, để có giải pháp lồng ghép và kế thừa hiệu quả, đảm bảo tính khả thi và hiệu lực của một dự Luật đã giầy công chuẩn bị hơn một thập kỷ qua, một khi được Quốc hội thông qua. Chừng nào tiến trình soạn thảo Luật chưa đảm bảo tính công khai, dân chủ để dẫn đến tình trạng “ Chúng tôi đánh giá thì dự thảo này bộc lộ một chuyên môn kỹ thuật lập pháp kém, cần phải xây dựng lại từ đầu”(Ông Phạm Công Lạc), thì Luật sẽ khó đi vào cuộc sống, một cuộc sống không còn như thời bao cấp, một cuộc sống của sự tự do sàng lọc và phát triển trong hội nhập.
Trần Thị Lành *
----
* Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và phát triển năng lực phụ nữ dân tộc - TEW
** Dự thảo Luật về Hội lần thứ 9 do Bộ Nội vụ đệ trình hầu như không thay đổi gì so với dự thảo lần thứ 8, vì thế những ý kiến đóng góp của tác giả Trần Thị Lành vẫn còn tính thời sự (BBT)
*** Đây là bản góp ý của Liên hiệp hội dưới dạng chương, điều theo đề nghị của Bộ Nội vụ
1. Điểm 5. Điều 6; Điểm 1,2 Điều 7; Điểm 4 Điều 9; Điểm 1 Điều 10; Điểm 3 Điều 11, Điều 14; Điều 15; Điều 16, 17, 18.
2. Điểm 2 Điều 15. Muốn gia hạn thòi gian Đại hội phải xin phép. Điều 17. Quá hạn bào cáo kết quả Đại hội cũng phải đệ trình văn bản.
3. Tự nguyện, tự chủ - Tự chịu trách nhiệm trước pháp luật