Vitamin B6 không phải là thuốc chữa bách bệnh
Vitamin B6 là một loại vitamin tan trong nước, tồn tại dưới ba dạng hóa học chính là pyridoxin, pyridoxal và pyridoxamin. Vitamin B6 thực hiện một loạt chức năng trong cơ thể và là một trong những vitamin chủ yếu để duy trì sức khỏe, ví dụ nó cần thiết cho hơn 100 enzym tham gia vào chuyển hóa chất đạm. Vitamin B6 cũng rất cần thiết cho sự chuyển hóa của hồng cầu và cấu tạo huyết sắc tố. Hệ thống thần kinh và miễn dịch cần có vitamin B6 mới có thể hoạt động tốt và sự chuyển hóa tryptophan (một axit amin) thành niacin (một vitamin) cũng cần phải có vai trò của vitamin B6. Huyết sắc tố trong hồng cầu vận chuyển oxy tới các mô và nhờ có vitamin B6 nên vận chuyển được nhiều oxy hơn. Nếu thiếu vitamin B6 thì có thể gây ra một thể thiếu máu tương tự như thể máu thiếu sắt.
Đáp ứng miễn dịch là thuật ngữ chung để chỉ những thay đổi về sinh hóa diễn ra trong cơ thể nhằm chống lại sự xâm nhập của vi khuẩn. Calo, đạm, vitamin và chất khoáng là những thành phần quan trọng để xây dựng hệ thống miễn dịch, vì những thành phần này làm tăng số lượng bạch cầu để chúng trực tiếp chống lại nhiễm khuẩn. Vitamin B6 tham gia vào chuyển hóa chất đạm và tăng trưởng tế bào cho nên là yếu tố quan trọng đối với hệ miễn dịch, giúp duy trì hoạt động bình thường của các cơ quan dạng bạch huyết (tuyến ức, lách và các hạch bạch huyết)- nơi sản xuất ra bạch cầu. Những nghiên cứu trên động vật cho thấy rằng thiếu vitamin B6 có thể làm giảm khả năng tạo ra kháng thể và làm mất đi đáp ứng miễn dịch. Vitamin B6 cũng giúp duy trì đường huyết ở mức bình thường, chuyển chất carbohydrat hay các chất dinh dưỡng khác thành đường glucoza. Vậy khi thiếu vitamin B6 thì những hoạt động này của cơ thể bị hạn chế, tuy nhiên bổ sung vitamin B6 cũng không làm tăng những chức năng này ở những người đã có chế độ ăn uống đầy đủ. Vitamin B6 có trong nhiều loại thực Phẩm như ngũ cốc, đậu, đỗ, thịt, cá, và một số rau quả. Nhu cầu hàng ngày về vitamin B6 theo tuổi như sau:
Tuổi | Nam Nữ | Khi có thai | Khi cho bú |
19-50 | 1.3mg 1.3mg | ||
51+ | 1.7mg 1.5mg | ||
Mọi lứa tuổi | 1.9mg | 2.0mg |
Khi nào xảy ra thiếu vitamin B6?
Nếu ăn uống đa dạng, đầy đủ rất hiếm khi chúng ta bị thiếu vitamin B6. Chỉ những người thiếu ăn về lượng và chất trong một thời gian dài mới bị thiếu vitamin B6, biểu hiện bằng những dấu hiệu như: viêm da, viêm lưỡi, trầm cảm, lẫn và co giật. Cũng có thể bị thiếu máu. Một số những triệu chứng này có thể do nhiều bệnh khác gây ra, do đó cần được thầy thuốc chẩn đoán cho đúng mới có thể được chữa trị thích hợp.
Những người cần bổ sung vitamin B6là những người thiếu ăn đã kéo dài (gồm cả không ăn được vì lí do bệnh lý); những người nghiện rượu và những người đã có tuổi vì họ ăn uống không đa dạng (rượu còn làm tăng sự phá hủy và đào thải vitamin B6 khỏi cơ thể); trẻ bị bệnh hen được điều trị bằng theophylline (thuốc này làm hao hụt dự trữ vitamin B6 và những cơn co giật do dùng theophylline liên quan đến sự hao hụt dự trữ vitamin B6 của cơ thể). Cần được thầy thuốc hướng dẫn bổ sung vitamin B6 khi trẻ dùng theophylline.
Những bệnh không cần dùng vitamin B6
Bệnh về thần kinh:Vitamin B6 cần thiết để tổng hợp các chất dẫn truyền thần kinh như serotonin và dopamin- để đảm bảo sự liên lạc bình thường giữa các tế bào thần kinh. Đã có nhiều nghiên cứu về mối quan hệ giữa vitamin B6 với các bệnh liên quan đến hệ thần kinh như co giật, đau mạn tính, trầm cảm, nhức đầu và bệnh Parkinson. Những người bị bệnh trầm cảm và nhức nửa bên đầu (migraine) có nồng độ serotonin thấp trong máu nhưng cho tới nay chưa có nghiên cứu nào cho thấy vitamin B6 có tác dụng làm giảm nhẹ những bệnh này. Nghiện rượu có thể gây ra bệnh lý thần kinh, những cảm giác bất thường ở cánh tay và cẳng chân. Một chế độ ăn không đa dạng góp phần gây ra bệnh lý thần kinh cho nên bổ sung vitamin B6 có thể ngăn ngừa hay giảm tỷ lệ bệnh lý này.
Hội chứng đau khớp cổ tay:Gần 30 năm qua vẫn khuyên dùng 100-200mg vitamin B6 mỗi ngày khi bị hội chứng này nhưng không có nghiên cứu nào xác nhận hiệu quả đó. Liều tối đa của vitamin B6 là 100mg mỗi ngày cho người lớn, nếu dùng quá liều lại có thể gây ra bệnh lý thần kinh.
Hội chứng tiền mãn kinh:Vitamin B6 được dùng rất phổ biến để điều trị những khó chịu của hội chứng mãn kinh nhưng nhiều nghiên cứu lâm sàng không chứng minh được lợi ích đáng kể của nó, trái lại còn thấy sự độc hại của sự bổ sung vitamin B6 khi nồng độ trong máu vượt quá mức bình thường. Không có bằng chứng khoa học có tính thuyết phục về việc cho vitamin B6 trong hội chứng mãn kinh.
Tác dụng tương hỗ với các thuốc khác:Có nhiều thuốc ảnh hưởng đến sự chuyển hóa vitamin B6, ví dụ Isoniazid dùng để chữa lao và L-Dopa dùng để chữa những bệnh về thần kinh như bệnh Parkinson đã làm thay đổi hoạt động của vitamin B6. Dùng vitamin B6 một cách thông lệ khi điều trị lao bằng Isoniazid chưa được mọi người tán thành.
Mối quan hệ với homocystein và bệnh tim:Thiếu vitamin B6, folic axit hoặc vitamin B12 có thể làm tăng homocystein- một axit amin vẫn có trong máu. Nếu nồng độ homocystein tăng lên thì đó là một yếu tố nguy cơ độc lập để gây ra bệnh tim và đột quỵ vì làm tổn thương mạch vành hoặc tạo thuận lợi cho sự hình thành cục máu. Tuy nhiên, hiện nay không có bằng chứng nào về việc giảm nồng độ homocystein bằng vitamin B6 thì sẽ giảm được nguy cơ bị bệnh tim. Còn cần nghiên cứu thêm về tác dụng phòng ngừa sự phát triển bệnh mạch vành khi bổ sung vitamin B6, folic axit hay vitamin B12.
Dùng quá nhiều vitamin B6 có ảnh hưởng gì cho sức khỏe? Nếu dùng quá nhiều vitamin B6 sẽ có thể gây tổn thương thần kinh cho cánh tay và cẳng chân nhưng tổn thương có thể phục hồi khi ngừng thuốc. Bệnh lý thần kinh cảm giác sảy ra khi dùng liều vitamin B6 dưới 500mg mỗi ngày, như trên đã nêu, liều tối đa mỗi ngày cho người lớn là 100mg, quá liều này thì nguy cơ có biến chứng cũng sẽ tăng lên.
Nguồn: Khoa học và Đời sống 61(1779)