Vĩnh Phúc: Góp ý đề án hỗ trợ phát triển sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số
Trong những năm gần đây, mặc dù được tỉnh quan tâm chú trọng đầu tư và phát triển kinh tế - xã hội nhưng đời sống đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn nhiều khó khăn: Kinh tế chậm phát triển, trình độ sản xuất nông nghiệp còn thấp, tập quán canh tác lạc hậu, tư liệu hỗ trợ phát triển còn thiếu, việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất chưa cao; kết quả giảm nghèo chưa vững chắc, việc huy động nguồn lực xã hội hóa để đầu tư giảm nghèo chưa tương xứng với tiềm năng của vùng
Nhằm hỗ trợ phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền múi, Ban Dân tộc tỉnh đã xây dựng đề án áp dụng tại 14 xã: Trung Mỹ (Bình Xuyên), Ngọc Thanh (thị xã Phúc Yên), Đạo Trù, Bồ Lý, Yên Dương, Tam Quan, Hồ Sơn, Hợp Châu, Đại Đình, Minh Quang (Tam Đảo), Quang Sơn, Bắc Bình (Lập Thạch), Lãng Công, Quang Yên (Sông Lô).
Góp ý vào dự thảo đề án, các đại biểu cho rằng cần: nghiên cứu lại tên đề án cho phù hợp, cần cấu trúc lại nội cho thật hợp lý, bởi thực tế nội dung bản dự thảo mới chỉ dừng lại ở mức là một “dự án”; nội dung trình bày trong đề án thiếu thuyết phục, phần khảo sát thực trạng chưa bao quát hết để có thể nhìn thấy bức tranh tổng thể về phát triển sản xuất của vùng đồng bào dân tộc hiện nay; cần nghiên cứu kỹ hơn về các hình thức hỗ trợ phát triển sản xuất; về tổ chức thực hiện cần phân công nhiệm vụ rõ ràng cho các đơn vị để tính khả thi được thực hiện cao nhất…
Kết luận Hội thảo, đồng chí Phan Trường Giang thay mặt cho Hội đồng tư vấn phản biện khẳng định, đề án hỗ trợ sản xuất, nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi tỉnh Vĩnh Phúc là rất cần thiết. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu sâu hơn, kỹ hơn, chỉnh sửa, bổ sung và hoàn thiện đề án trước khi trình UBND tỉnh phê duyệt./.