Việt Nam: Ngành viễn thám đi chậm hàng chục năm!
Ngành viễn thám Việt Nam cần một tổ chức để tập hợp lực lượng cũng như đề ra định hướng, chiến lược phát triển viễn thám trong những năm tới. Tuy nhiên, để làm điều đó cần có sự hỗ trợ của Nhà nước.
Đây là mong mỏi của nhiều nhà khoa học Việt Nam tới tham dự Hội nghị viễn thám châu Á lần thứ 26, khai mạc sáng 7/11/2005 tại Hà Nội. Trên 300 đại biểu quốc tế từ 38 nước và hơn 100 đại biểu trong nước đã tham dự Hội nghị này
Theo GS.TS Nguyễn Thượng Hùng, Phó Chủ tịch kiểm Tổng thư ký Hội Địa lý Việt Nam, Việt Nam đã bắt đầu làm viễn thám và GIS (Hệ thống thông tin địa lý) từ những năm 1980 song cho tới nay viễn thám vẫn chưa được ứng dụng rộng rãi để phục vụ phát triển kinh tế và xã hội. So với các nước trong khu vực Đông Nam Á thì viễn thám Việt Nam đi chậm hàng chục năm, về mặt tổ chức, ứng dụng và trang thiết bị . Nguyên nhân của tình trạng này là do các nhà lãnh đạo chưa thấy được tầm quan trọng của viễn thám và chưa coi viễn thám là một tiến bộ khoa học công nghệ, TS Hùng nhận định.
Hội nghị viễn thám châu Áđược tổ chức hàng năm và là diễn đàn để các chuyên gia và người sử dụng công nghệ viễn thám, thông tin địa lý, gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm cũng như những tiến bộ về công nghệ. Qua đó thúc đẩy quan hệ hợp tác và tình hữu nghị. Các chuyên gia Việt Nam mang tới hội nghị gần 30 báo cáo, chủ yếu là những ứng dụng của viễn thám trong giám sát môi trường và điều tra tài nguyên thiên nhiên (tài nguyên rừng, khoáng sát, cháy rừng, lũ lụt...) |
Việt Nam có nhiều trung tâm viễn thám. Tuy vậy, những trung tâm này phân tán về nhiều bộ lớn, chẳng hạn như Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam..., do đó không thể tập trung để giải quyết những vấn đề lớn liên quan tới viễn thám. Tính riêng lẻ, manh mún đó đã gây lãng phí và dẫn tới hiệu quả không cao. Một trong những ví dụ về sự lãng phí và không hiệu quả là tình trạng mạnh cơ quan nào cơ quan đó mua ảnh vệ tinh riêng để sử dụng.
TS Lê Quý Thức: Chúng tôi hy vọng thông qua hội nghị này sẽ thống nhất lực lượng viễn thám trong nước... |
Rõ ràng là, tỷ lệ đầu tư của ngân sách cho viễn thám tại Việt Nam cao hơn Mỹ song quản lý lại chưa tốt, kém các nước trong khu vực về ứng dụng thực tế . Nguyên nhân là chưa có sự chỉ đạo thống nhất trên toàn quốc và chưa tập trung được đội ngũ viễn thám từ các ngành khác nhau.
Từ thực tế này, cả ông Hùng và ông Thức cho rằng vấn đề của viễn thám Việt Nam hiện nay là cần một tổ chức để hợp hợp lực lượng làm viễn thám của các ngành khác nhau . Tổ chức đó sẽ đề ra định hướng, chiến lược phát triển viễn thám VN trong những năm tới, dựa trên những tiến bộ của khoa học, kỹ thuật thế giới hiện nay. Người đứng đầu tổ chức phải có trình độ để theo dõi tình hình phát triển của viễn thám trong khu vực và thế giới, có khả năng tập hợp lực lượng viễn thám cả nước để bàn bạc, tiến hành các dự án phù hợp với tình trạng tài nguyên, môi trường cũng như các vấn đề nóng bỏng của nền kinh tế nước nhà.
Ông Thức nhấn mạnh, đầu tư phóng vệ tinh viễn thám, xây dựng các trạm thu ảnh vệ tinh là cần thiết nhưng điều quan trọng nhất là phải đầu tư đào tạo đội ngũ chuyên gia giải đoán, phân tích những hình ảnh đó để phục vụ tốt nhất các ngành kinh tế .
Còn ông Hùng thì cho rằng cần cân nhắc kỹ vấn đề xây dựng trạm thu ảnh vệ tinh vì kinh nghiệm của Thái Lan cho thấy xây dựng thì dễ nhưng vấn đề là kinh phí hoạt động của trạm thu lên tới hàng triệu đôla mỗi năm. Ngoài ra, trạm hầu như không thể thu được ảnh vệ tinh viễn thám trong 6 tháng mùa mưa...
Tuy vậy, các nhà quản lý lại cho rằng xây dựng trạm thu ảnh sẽ giúp Việt Nam chủ động hơn trong việc khai thác ảnh vệ tinh, không phải chờ đợi nhà cung cấp.
Hội nghị sẽ còn tiếp tục đến ngày 11/11/2005. Đồng thời, Hội nghị Vũ trụ châu Á lần thứ 2 cũng diễn ra tại Hà Nội từ 8-11/11/2005.
Viễn thám là môn khoa học và nghệ thuật thu nhận thông tin về các vật, vùng hay hiện tượng nào đó thông qua việc xử lý số liệu bằng cách sử dụng thiết bị quan sát từ xa. Nhờ Viễn thám, người ta có thể xác định trạng thái cây trồng, dự báo thời tiết, lũ lụt, phát hiện cháy rừng, phân vùng quy hoạch đất đai, nghiên cứu động đất, nghiên cứu vũ trụ, nghiên cứu biển, nghiên cứu khí quyển, môi trường, phục vụ vào mục đích quân sự.... |
Nguồn: VietNamNet 7/11/2005